Giá cà phê robusta tăng cao nhất trong vòng 6 tháng qua trên sàn giao dịch Luân Đôn, đạt mức giá 2.088 USD/tấn hôm 8/3. Ngay lập tức giá cà phê ở Tây Nguyên tăng lên 40 triệu 600 ngàn đồng 1 tấn tăng 800 ngàn so với một ngày trước.
Mạng giacaphe.com, diễn đàn của người trồng cà phê Tây Nguyên nhận định: giá thế giới tăng là do "hoạt động mua vào ồ ạt của các nhà rang xay trong khi nguồn cung 'hàng thật' đang thắt chặt bởi nông dân tại nước cung cấp của thị trường hiện tại là Việt Nam không chịu xuất hàng do giá chưa thỏa đáng." Người trồng cà phê Việt Nam nay đã quen với từ hàng thật và hàng giấy hay hàng ảo giao dịch trên mạng, hoặc còn gọi là cà phê chứng khoán.
Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam VICOFA dự báo xuất khẩu cà phê của tháng 3 sẽ ở dưới mức 80.000 tấn, tức giảm đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thư ký VICOFA Nguyễn Viết Vinh được hãng tin Dow Jones trích lời nói rằng, mùa thu hoạch vụ cà phê 2011-2012 đã kết thúc nhưng chỉ mới 60% sản lượng được đưa ra thị trường và nông dân vẫn găm hàng chờ giá tốt hơn nữa.
Ghìm hàng giữ giá
Niên vụ cà phê ở Việt Nam tính từ đầu tháng 10 năm trước tới cuối tháng 9 năm sau. Trong nhiều năm liền cứ vào đầu vụ thu hoạch rộ, nông dân bán hàng ồ ạt khiến giá xuống thấp và làm lợi cho các nhà đầu cơ. Năm 2012 này lần đầu tiên người trồng cà phê Tây Nguyên trữ hàng bán ra nhỏ giọt để chờ giá tốt. Nhìn bên ngoài việc ghim hàng có vẻ thành công trong hơn hai tháng qua. Thị trường vững giá và nay đã vượt qua mốc 40.000đ/kg nhân thô, cho dù người trồng cà phê trông đợi giá lên tới 45.000-46.000đ/kg. Ông Nguyễn Bình, một người gắn bó với vùng cà phê Tây Nguyên phát biểu:
“Nông dân của mình không có ai chỉ huy và họ đã hô hào kêu gọi nhau mang tính chất tự phát. Người nông dân trồng cà phê, trồng tiêu Việt Nam nói riêng và các mặt hàng nông sản khác nói chung, thì nay đã biết dựa vào mạng tin học, Internet để tìm kiếm thông tin kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt hầu tăng năng suất. Bên cạnh đó, họ còn biết động viên kêu gọi giúp đỡ nhau, ví dụ vừa rồi nông dân ghìm hàng lại để giữ giá cà phê không rớt sâu là một điều thế giới không thể phủ nhận được. Lợi nhuận của người trồng cà phê rất thấp vì vật giá leo thang, cho nên người ta không thể bán rẻ. Nhờ có mạng Internet người ta mới hô hào kêu gọi nhau để cùng có một sự quyết tâm giữ hàng.”
Để ghim hàng, trữ hàng chờ giá tốt người trồng cà phê phải có vốn đủ sức chịu đựng trong một khoảng thời gian đủ dài. Theo một giới chức Sở NN-PTNT Đắc Lắc thì chỉ khoảng 1/3 người trồng cà phê có khả năng ghìm hàng, đây là những hộ có diện tích vườn cây từ 1 héc-ta trở lên. Còn số đông vườn cây diện tích nhỏ nông dân sẽ phải bán ngay để trang trải cuộc sống và đầu tư cho vụ mới.
Cũng về vấn đề người nông dân điều tiết thị trường cà phê , ông Đỗ Hà Nam Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nhận định là người nông dân cà phê đã thành công cho đến lúc này:
Lợi nhuận của người trồng cà phê rất thấp vì vật giá leo thang, cho nên người ta không thể bán rẻ. Nhờ có mạng Internet người ta mới hô hào kêu gọi nhau để cùng có một sự quyết tâm giữ hàng.
Ô. Nguyễn Bình
“Một loạt những tháng vừa qua họ nhận thấy sự thành công rất tốt và có vẻ họ giữ vững quyết tâm. Nói cho cùng họ để lại thì nó cũng giống như một dạng tiền tệ, càng để lại càng có lợi thay vì mua vàng mua đô có khi để hàng lại là tốt hơn.”
Bộ NN-PTNT Việt Nam từng kỳ vọng kim ngạch 3 tỷ USD xuất khẩu cà phê năm 2012 nhưng mới đây đã điều chỉnh chỉ còn 2,2 tỷ USD so với 2,75 tỷ USD của năm 2011. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng dự báo năm nay sẽ rất khó khi mà một lượng lớn cà phê vẫn nằm trong nhà dân.
“Năm nay người dân họ giữ hàng khó xác định khối lượng còn bao nhiêu. Bởi vì khi nào người ta xả hàng ra bán thì có thể đoán được thị trường chứ như hiện nay thật khó lường, thậm chí khi hết vụ lượng bán ra cũng không phản ánh đúng thị trường. Nếu trữ chờ giá người ta có thể để năm này qua năm sau, về mặt suy luận thì hàng xuất khẩu năm nay có vẻ không bằng được năm trước, dù lượng sản xuất có thể nhiều hơn.”
Việt Nam sau khi thống nhất đất nước đã phát triển ngành cà phê một cách ồ ạt, khởi sự từ những đồn điền cà phê bị quốc hữu hóa ở Tây Nguyên. Trong cuộc khủng hoảng giá cà phê thế giới do thừa cung cấp từ 1999-2004, Việt Nam bị cho là một trong những nguyên nhân làm đổ vỡ thị trường vì xuất khẩu quá nhiều cà phê robusta. Lúc đó, Tây nguyên diễn ra thảm cảnh người dân chặt phá vườn cây cà phê để trồng hoa màu. Hiện nay Việt Nam duy trì khoảng 550 ngàn ha cà phê, mức xuất khẩu hàng năm trung bình 1 triệu tấn.