Các tù nhân lương tâm tại Việt Nam tiếp tục bị đối xử khắc nghiệt như bệnh tật không được chữa chạy đúng cách cũng như khi bị chuyển trại gia đình không được hay biết.
Gia Minh cập nhật thông tin về trường hợp của hai nữ tù nhân lương tâm là bà Mai Thị Dung và cô Đỗ thị Minh Hạnh vừa bị đưa ra trại giam Thanh Xuân ở ngoài bắc mà gia đình không được cho biết tin.
Chuyển trại không thông báo
Thân nhân của cả hai nữ từ nhân Mai Thị Dung và Đỗ thị Minh Hạnh đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi họ nhận được thông tin là người nhà của họ không còn ở tại trại giam đó nữa.
Ông Võ Văn Bửu, chồng bà Mai Thị Dung, cho biết về điều đó:
Từ ngày 1 tây tôi đi thăm đến 4 tây tôi mới về. Trên đường về tôi nhận được một cuộc điện thoại báo cho biết đã chuyển Dung đi rồi mà không biết chuyển đi đâu. Tôi nghĩ họ chuyển đi bệnh viện thôi, cũng không nên nôn nóng gì, để vài ngày coi sao. Cách đây hai bữa, chú Tuấn em cô Thúy đi thăm nuôi, tôi có nhờ hỏi giúp: chuyển Dung đi có mang hết đồ đạc có nhân đi hay chỉ một ít thôi. Nếu đem đi hết là chuyển trại, còn nếu đem đi một ít là đi trị bệnh. Cuối cùng chị Thúy cho biết chuyển cả Đỗ Thị Minh Hạnh và Dung đi và đem đi hết đồ. Ngày hôm qua tôi cùng anh Trương Minh Đức, cùng với anh Phúc và một người chị nữa của Đỗ thị Minh Hạnh đến gặp trại giam thì họ nói đã chuyển ra ngoài Hà Nội.
Anh Lưu Vĩnh Phúc, người anh cùng mẹ khác cha của cô Đỗ Thị Minh Hạnh vào ngày 7 tháng 10 đến trại giam Xuân Lộc cũng mới được tin cô em không còn ở đó nữa mà đã bị chuyển đi trại khác. Anh cho biết:
Gia đình chúng tôi ngày hôm qua có lên trại Xuân Lộc 5 thăm em; nhưng khi lên đến nơi cán bộ cho biết đã chuyển đi từ hôm mồng hai, chuyển ra trại Thanh Xuân Hà Nội. Lên thăm mà không gặp, chúng tôi về trao đổi với gia đình có hướng ra thăm em để em an tâm.
Theo lẽ tự nhiên thân nhân của những người bị chuyển trại đều lên tiếng hỏi lý do vì sao chuyển tù nhân đi mà không cho người nhà biết. Câu trả lời mà họ nhận được như sau theo như lời của ông Võ Văn Bửu:
Kể cả từ trước đến nay, em Hạnh bị chuyển từ Trà Vinh lên các trại, sau nhiều lần chuyển trại gia đình chúng tôi cũng không nhận được văn bản chuyển trại nào cả. Họ thích làm gì thì họ làm thôi
anh Lưu Vĩnh Phúc
Tôi hỏi sao chuyển người mà không thông báo cho biết thì họ đổ trách nhiệm cho nơi nhận chứ họ không có trách nhiệm thông báo. Hôm qua tôi có cãi lại họ nói là họ nói sai vì cháu Thâm ở Cao Lãnh bị chuyển trại đi thì họ báo cho gia đình ngay trong ngày hôm đó; riêng người thân của chúng tôi bị chuyển đi sáu bảy ngày rồi mà không thông báo cho gia đình biết. Cuối cùng họ cung cấp thông tin địa chỉ nơi chuyển Dung ra, đó là xã Đơn Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, phân trại số 3.
Và anh Lưu Vĩnh Phúc:
Tôi cũng có hỏi nhưng các cán bộ nói nhiệm vụ của họ là xuất đi theo chỉ thị của cấp trên. Họ khẳng định với tôi trách nhiệm của họ không phải thông báo cho gia đình. Trách nhiệm thông báo cho gia đình là bên trại tiếp quản. Nghĩa là khi Đỗ thị Minh Hạnh ra đến trại Thanh Xuân, Hà Nội thì trại đó có trách nhiệm gửi văn bản cho gia đình thông báo đã chuyển em ra đó. Nhưng mà từ hôm đó đến nay gia đình chúng tôi chưa nhận được văn bản nào. Kể cả từ trước đến nay, em Hạnh bị chuyển từ Trà Vinh lên các trại, sau nhiều lần chuyển trại gia đình chúng tôi cũng không nhận được văn bản chuyển trại nào cả. Họ thích làm gì thì họ làm thôi.
Sức khỏe tù nhân
Được biết bà Mai Thị Dung bị bệnh nặng, mỗi lần ra gặp thân nhân phải có người dìu đi và cô Đỗ thị Minh Hạnh thì có triệu chứng teo một bên ngực, sốt vào buổi chiều. Bản thân cả hai người và gia đình đều có yêu cầu trại giam cho họ được đi khám chữa bệnh; thế nhưng yêu cầu chính đáng đó không được đáp ứng thỏa đáng.
Ông Võ Văn Bửu cho biết lại về tình hình sức khỏe của vợ và việc khám bệnh ở trại như sau:
thời gian gần đây Dung cho biết phải thở oxy mấy lần. Tôi thăm nuôi ngày 6 tháng 9, đến ngày 18 tháng 9 họ có đưa Dung đi khám ở bệnh viện huyện Long Khánh. Đến lần ra thăm nuôi (mới) Dung nói với tôi là có cự nhà trại 'âm mưu muốn giết (cô ấy)
Ông Võ Văn Bửu
Rất kém, vì thời gian gần đây Dung cho biết phải thở oxy mấy lần. Tôi thăm nuôi ngày 6 tháng 9, đến ngày 18 tháng 9 họ có đưa Dung đi khám ở bệnh viện huyện Long Khánh. Đến lần ra thăm nuôi ( mới) Dung nói với tôi là có cự nhà trại ‘âm mưu muốn giết (cô ấy)’. Lý do là từ trước đến giờ chưa hề bị lên huyết áp lần nào, nhưng sau khi đi khám bệnh ngày 18 về, đến ngày 22 mang thuốc cho uống nói là thuốc của bệnh viện ra toa cho uống- buổi sáng nửa viên, buổi chiều nửa viên, đến khoảng 7 giờ tối thì không thở được. Bác sĩ trong trại đến đo huyết áp là 17. Dung nói đó là âm mưu vì từ trước đến lúc đó chưa hề bị lên huyết áp, tại sao khi uống thuốc vào thì bị chứng đó. Dung nói chờ đã lâu, họ hứa đưa đi trị bệnh mà không thực hiện nên kể từ ngày 1 tây ( tháng 10) sẽ không uống thuốc nhà ( gửi vào), thuốc trại, không ăn cho đến khi nào một là chết hai là được chuyển đi trị bệnh.Nói chuyện một lúc xong, họ đưa Dung vào và tôi về. Khi ra đến gần cổng trại, họ chạy ra kêu tôi lại yêu cầu nếu lần này đưa Dung đi trị bệnh thì phải hứa không để nhiều người đến thăm đông lắm. Tôi cũng hứa nhưng họ lừa tôi chuyển Dung đi.
Anh Lưu Vĩnh Phúc cũng trình bày trường hợp bệnh tình của Đỗ thị Minh Hạnh:
Lâu ngày không gặp gia đình, khi đến thăm em cũng trấn an gia đình bằng cách vui vẻ, nhưng tình hình sức khỏe thấy em sa sút nhiều. Lần thăm tháng trước nữa, đích thân tôi đi thăm, tôi có hỏi tình hình bệnh tình thì em mệt mỏi thông báo cho biết em bị teo một bên ngực trái và chiều sốt.
Vừa rồi trại có báo gia đình có cho em đi khám bệnh theo yêu cầu của gia đình, nhưng gia đình không biết khám ở đâu, bệnh tình thế nào.
Lo ngại của gia đình
Bà Mai Thị Dung là người miền nam ở An Giang và cô Đỗ Thị Minh Hạnh sinh ra ở Lâm Đồng và sống tại các tỉnh miền nam. Đối với nhiều người miền nam thì khí hậu mùa đông ở miền bắc khá xa lạ với họ. Và đây là điều mà cả hai gia đình quan ngại cho sức khỏe của người thân khi đang bệnh tình mà phải bị đưa đến một vùng khí hậu không thích hợp như thế.
Xin được nhắc lại, bà Mai Thị Dung là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống năng nổ. Bà bị bắt hồi tháng 8 năm 2005. Và bị hai án tù tổng cộng 11 năm giam giữ.
Cô Đỗ thị Minh Hạnh bị bắt hồi tháng 10 năm 2010 và sau đó bị kết án 7 năm tù giam trong vụ án cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù, và Đoàn Huy Chương 7 năm tù về tội danh phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền theo điều 89 Bộ luật hình sự.