Cùng với bức thư tuyệt mệnh của nạn nhân hợp lại đã gây nên một làn sóng điều tra mạnh mẽ của báo chí.
Vào sáng ngày 26 tháng 4 sau cuộc phỏng vấn với chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền nói về cái chết oan khuất của chồng chị là anh Nguyễn Công Nhựt, những chi tiết đầu tiên cho thấy đây có thể là một vụ giết người rồi dàn cảnh nạn nhân treo cổ tự tử với bức thư tuyệt mạng gửi lại cho vợ là chị Tuyền.
Trở lại diễn tiến câu chuyện, vào lúc 12 giờ ngày 21/04/2011 anh Nhựt bị công ty vỏ xe Kumho của Hàn Quốc mời lên văn phòng để hợp tác điều tra rồi sau dó người của công ty này đưa anh tới đồn công an huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương. Theo lời chị Tuyền kể lại thì cho tới 14h ngày 25/04/2011 người nhà mới gặp được tử thi của anh Nhựt đã chết.
Bị tra tấn đến chết?
Theo lời chị Tuyền thì mãi tới lúc đó phó giám đốc công an tỉnh Bình Dương và viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương mới thông báo là anh Nhựt đã chết và có để lại bức thư tuyệt mệnh.
Qua những chi tiết mà chị Tuyền và gia đình cho chúng tôi biết thì có nhiều điều đáng chú ý trong vụ án này. Thứ nhất là các vết thương trên khắp người anh Nhựt cho thấy anh bị tra tấn nặng nề đến chết, đặc biệt là hai bên háng của anh như lời chị Tuyền kể lại:
"Hồi nãy em vô em coi khám tử thi em thấy trên mình chồng em nó có nhiều vết bầm và có chích điện thì nó mới bầm nó tái cỡ đó. Em nghĩ là nó chích điện chết xong rồi nó tạo hiện trường giả hay sao thì em không biết. Em có chụp lại hình có bốn dây điện thòng ở chỗ chồng em chết. Em biết chồng em chết do chích điện.
Họ tra tấn đến nỗi cái háng của chồng em chảy máu nữa! có nghĩa là họ đang đánh chồng em, tra tấn chồng em một việc gì đó chứ không phải là đơn giản. Bây giờ tóm lại em không dám khẳng định điều chi nhưng em biết chắc chắn chồng em chết vì bị tra điện!"
Cũng theo chị Tuyền thì trên cơ thể anh Nhựt có nhiều vết đánh đập, máu chảy rất nhiều, cả chân và tay nạn nhân đều có vết chích điện. Đặc biệt, trên cổ nạn nhân bị thắt chặt bởi một đoạn dây rất cứng, phía CA cho biết đó là dây điện thoại.
Người ta càng nghi ngờ thêm về cái chết của anh Nhựt khi CA giao lại hai bức thư, một viết cho vợ là chị Tuyền hai là cho những viên công an đã lấy khẩu cung của anh Nhựt. Về bức thư tuyệt mạng mà công an Bến Cát giao cho chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền thì câu hỏi đựơc chị đặt ra: Nét chữ không phải của chồng chị. Chị Tuyền đã đưa ra một quyển sổ có nét bút của chồng chị để đối chiếu. Theo chị, chữ của anh Nhựt to, khoảng cách giữa các chữ rộng chứ không nhỏ và khít như lá thư mà công an giao lại nói là thư tuyệt mạng.
Hai là tính chất lố bịch trong bức thư tuyệt mạng thứ 2 là mang cả chuyện tư tưởng Hồ Chí Minh vào. Theo lời chị Tuyền kể thì: “Nội dung trong thư toàn nói chuyện tư tưởng Hồ Chí Minh, đi theo Hồ Chí Minh. Chồng chị chưa bao giờ mà nói tư tưởng Hồ Chí Minh cả”. Chị Tuyền còn cho chúng tôi biết sự nghi ngờ của chị về tình trạng gia đình của hai người mà bức thư viết sai lệch như sau:
Hồi nãy em vô em coi khám tử thi em thấy trên mình chồng em nó có nhiều vết bầm và có chích điện thì nó mới bầm nó tái cỡ đó.
Chị Thanh Tuyền vợ anh Nhựt
"Ba má em một đàn con nhưng thực sự đứa nào cũng công ăn việc làm ổn định hết má em không lo gì về tiền bạc hết mà tại sao chồng em nhắn nhủ lo cho ba má em là điều vô lý hết sức nên em nói lá thư này có nhiều vấn đề. Rồi lá thư gửi cơ quan cảm ơn mấy anh điều tra đólại càng vô lý vì có hai nét chữ, em ngồi suy nghĩ có thể chồng em ký vô khoảng trống rồi nó ghi chèn vô."
Nội dung mấy lời cảm ơn những người công an hỏi cung mình gồm có anh Phu, anh Phú, chị Phương và anh Nguyên có đoạn “Trong mấy ngày này, cơ quan điều tra họ cũng đến trò chuyện, quan tâm giúp đỡ những gì trong khả năng của họ, chị Phượng, anh Phu, anh Phú và anh Nguyên là những người điều tra tuyệt vời nhất, ban đầu gặp họ thì lạnh lùng và quát nạt nhưng sau vài ngày tiếp xúc họ cũng có thể hiểu được 70%-80% mình chưa phải là tội phạm”.
Gạ gẫm vợ nạn nhân
Người ta chú ý ngay đến tên Phú, viên công an mà chị Tuyền xác nhận là gọi điện thoại tống tình chị. Nội dung bức thư tuyệt mạng đã góp phần tố cáo với dư luận rằng chính viên CA tên Phú này là người đã tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra đồng thời cũng là kẻ có liên quan đến cái chết thương tâm của anh Nguyễn Công Nhựt.
Về lời thu âm gạ tình của viên công an tên Phú mà chị Tuyền và đồng nghiệp của chị thu được trên hai cuộc điện thoại mà tên Phú gọi cho chị. Xác nhận với chúng tôi về cuộc điện đàm này chị Tuyền kể lại chi tiết như sau:
"Em hỏi anh hỏi giùm sức khỏe của chồng em. Ổng hỏi là trả ơn cái gì? Em mới nói dạ, thì anh muốn cái gì? Ổng hỏi giờ em đang ở đâu vậy? Em đang ở nhà. Ở nhà với ai? Trả ơn anh cái gì vậy nếu anh đòi tầm bậy thì sao? Em nói thôi cái đó không có được. Bây giờ chỉ có em mới cứu được chồng thôi à. Em mới nói sao vậy anh? Ổng nói anh thích cái gì không được thì anh đòi cái đó.
Khi người ta cung cấp chứng cứ thì chưa thể kết luận là giọng nói của ai cả khi chưa có kết luận giám định của một cơ quan khoa học.
Luật sư Trần Đình Triển
Em muốn mời anh uống cà phê để em hỏi thăm chồng em một chút thôi mà. Ổng nói uống cà phê không được vì anh đang làm nhiệm vụ điều tra thì không gặp được thân nhân, anh chỉ gặp chỗ ít người thôi! Em hỏi gặp ở đâu? Ổng nói gặp ở khách sạn. Ổng nói Tuyền ơi chồng em phạm tội!"
[ Nghe đoạn đối thoại giữa Công an và Chị TuyềnOpens in new window ]
Sáng ngày 27 tháng 4 chị Tuyền đã trao phần thu âm cho Viện Kiểm sát huyện Bến Cát để mở cuộc điều tra qua sự chứng kiến của nhiều người, và hơn nữa chị cho chúng tôi biết chị còn giữ lại bản sao được cất ở nhiều người bạn.
Có một điều đáng chú ý là Ông Lê Văn Thảo - Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bến Cát, sau khi nghe đoạn ghi âm vào sáng 28.4, nói rằng ở Công an Bến Cát có người tên Phú, hiện là đội trưởng đội cảnh sát kinh tế. Tuy nhiên, giọng nói của người đàn ông trong đoạn băng ghi âm không giống tiếng của Phú ở Công an huyện Bến Cát.
Luật sư Trần Đình Triển đưa ra nhận xét trước lời tuyên bố của ông Lê Văn Thảo trong tư cách viện phó một viện Kiểm sát như sau:
"Đây là kết luận hết sức vội vàng. Khi người ta cung cấp chứng cứ thì chưa thể kết luận là giọng nói của ai cả khi chưa có kết luận giám định của một cơ quan khoa học."
Cấu kết giữa Kumho và CA?
Dư luận công nhân hãng vỏ xe Kumho nghi ngờ có sự móc nối giữa công ty và công an huyện Bến Cát trên hồ sơ vụ mất 6.500 chiếc vỏ xe do công ty này báo cáo là bị trộm có kế hoạch.
Tại sao công ty Kumho lại cho nhân viên áp giải anh Nhựt lên công an Bến Cát trong khi công ty này hoàn toàn không được phép làm điều đó. Công ty Kumho cũng đang bị công nhân đặt câu hỏi về số vỏ xe bị báo cáo là mất trong khi toàn công ty không ai nghe về chuyện mất mát này.
Công ty Kumho cũng bị công nhân phản ảnh là không thành lập công đoàn để dễ dàng dàn áp và trù dập công nhân. Một công nhân làm việc tại đây không muốn nêu tên cho biết:
"Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của anh em công nhân thì chủ tịch công đoàn phải đứng ra giải quyết những vấn đề này nhưng hiện tại công ty đã trả lời là không có công đoàn Lao động trong công ty. Trên nguyên tắc ở bất cứ công ty nào cũng đều phải có bộ phận công đoàn lao động để bênh vực quyền lợi công nhân"
Tiếp xúc với vợ nạn nhân vào lần mới đây nhất, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết:
"Hôm nay em làm một tờ đơn em trình cho viện kiểm sát là cái việc xác nhận tử thi của chồng em vẫn chưa có kết quả, rồi cái tờ thư tuyệt mệnh của chồng em, em muốn coi cái bản chính."
Chị Nguyễn Thanh Tuyền là một phụ nữ học thức, đang làm việc trong công ty Kumho với vị trí Phó phòng bộ phận quản lý sản phẩm đầu ra. Những nhận xét của chị về vụ án này dưới cái nhìn từ phía nạn nhân cũng như từ bên ngoài cộng với quyết tâm tranh đấu cho nỗi oan khiên của chồng sẽ khiến vụ án có cơ may được mang ra làm rõ trước dư luận.
Theo Báo Người Lao Động On line, chúng tôi xin trích nguyên văn: “từ lâu nay người dân Bình Dương đã tỏ ra e dè khi nói đến cách hành xử côn đồ của lực lượng CA nơi đây. Nhiều lao động các tỉnh khi về làm việc tại Bình Dương đều căn dặn nhau rằng, nếu xui xẻo bị bắt lên CA, thì hãy xem như mình có tội, nếu không nhận tội thì sẽ bị đánh đập, tra tấn cho đến khi nhận tội thì thôi. Khi nạn nhân đã chịu nhận tội, thì chính những viên CA này có thể kiếm chác thông qua những đường dây "chạy án". Đã có nhiều trường hợp, người lao động không may mắn, không có thân nhân thì đành mang thân tàn, ma dại trở về quê sau những trận đòn thừa sống thiếu chết trong đồn CA”.
Có lẽ những điều tra mà báo Người Lao Động đưa ra đã phần nào vén được bức màn đen tối của công an Bình Dương cho dư luận thấy những gì đang xảy ra tại tỉnh này mà gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền cũng chỉ là nạn nhân mới nhất mà thôi.