Mục tiêu của Đại học tư thục?

Vấn đề lâu nay được giới lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam đặc biệt quan tâm đồng thời cũng gây tranh cãi sôi nổi, đó là sự hình thành và hoạt động của mô hình đại học tư thục.

0:00 / 0:00

Mục đích của hệ thống giáo dục mới mẻ này nhắm đến chủ trương đào tạo nhân tài cho đất nước hay được xây dựng như một hình thức đầu tư, kiếm lời, chứ không phải là “phi lợi nhuận”. Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu tổng hợp các thông tin liên quan đến các đại học do tư nhân quản lý ở Việt Nam.

Phi lợi nhuận hay có lợi nhuận?

Theo các chuyên gia giáo dục thì hiện nay đại học tư thục tại Việt Nam do một hoặc một nhóm người bỏ vốn để thành lập và gồm hai thành phần chính, nhà giáo dục lo về trách nhiệm giảng dạy, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, đào tạo trí thức, nhân tài, còn nhà đầu tư thì lo quản lý ngân sách, cân bằng chi thu, để duy trì hoạt động, vì nếu thua lỗ cơ sở giáo dục này sẽ phải đóng cửa. Mặt khác, cho đến nay, ngành giáo dục, đào tạo chưa có văn bản chính thức nào quy định rõ thế nào là một đại học phi lợi nhuận hay có lợi nhuận.

Việt Nam bây giờ, do cơ chế chung nên có quyết định 61 của nhà nước, coi các trường đại học tư hoàn toàn như công ty cổ phần.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Chính vì thế mà các đại học tư thục ở Việt Nam chưa có cơ chế phi lợi nhuận, hoạt động theo tư thế của một công ty doanh thương, giáo dục là một loại sản phẩm trao đổi, từ đó dễ nảy sinh mâu thuẫn, lạm dụng và tranh chấp quyền lợi giữa nhà giáo dục và nhà đầu tư. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng không nói ra một cách cụ thể, nhưng các trường đại học và cao đẳng tư thục được thành lập nhằm mục đích thu lợi nhuận chứ không phải là phi lợi nhuận. Một điều khác đáng quan tâm mà nhiều người chưa có lời giải đáp rõ rệt là ai thật sự làm chủ một khi đại học tư thục hoặc đại học dân lập được xây dựng, hoạt động và điều hành do sự đóng góp vốn liếng từ nhiều người.

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Đại học tư thục Phan Chu Trinh, nhấn mạnh qua trao đổi với đài Á Chậu Tự Do rằng, có thể đi buôn để làm giáo dục chứ không buôn giáo dục:

“Ngay từ thời cụ Phan Chu Trinh, các cụ đi buôn để làm giáo dục, thậm chí buôn cả nước mắm, lập công ty Liên Thành, có tiền làm giáo dục, nhưng làm nghĩa thục, chứ không buôn bán giáo dục. Thế thì chúng tôi muốn đi theo con đường đó, trong thực tế của Việt Nam bây giờ, do cơ chế chung nên có quyết định 61 của nhà nước, coi các trường đại học tư hoàn toàn như công ty cổ phần, mà theo điều lệ thì người nào bỏ tiền ra nhiều, nhiều nhất sẽ là người chỉ huy công ty, chi phối toàn bộ công ty đó. Nếu coi đại học tư như công ty cổ phần thì người bỏ tiền vào nhiều thường là vì lợi nhuận, muốn có lời, tức là làm rẻ nhất mà có lời nhiều nhất, nên sẽ đẩy các trường tư vào việc buôn bán giáo dục, đó là phản giáo dục nguy hiểm vô cùng cho giáo dục.”

MG_0052-250.jpg
Đại học Tôn Đức Thắng, ảnh chụp ngày 03-07-2011 tại Nha Trang. RFA PHOTO.

Trong khi đó, nhà giáo Phạm Toàn, gần 50 năm phục vụ trong ngành giáo dục Việt Nam thì lại không tán thành việc thành lập mô hình giáo dục do tư nhân tổ chức và quản lý:

“Ý kiến của tôi là không những đại học cộng đồng mà các đại học tư khác cũng không đúng, bởi vì đó chỉ là cái biển hiệu thôi, chứ không đúng nội dung giáo dục. Nếu làm thật đúng thì cái gì cũng được, đúng với tính chất, với nội dung của nó, thế nhưng bây giờ trương lên là đại học, nhưng mà không phải là đại học, nói là cộng đồng nhưng không phải là cộng đồng. Nói chung đây vẫn là giai đoạn mà người ta đang tranh nhau mở các trường tư thục để kiếm tiền thôi, chứ không phải là một nền giáo dục mới, mà là để kiếm chác tiền.”

Cần có chính sách tốt

Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyên Ngọc thì việc thành lập các đại học tư thục rất cần thiết cho công tác giáo dục đào tạo nhân tài, khai sáng dân trí:

Nhà nước cần có những chính sách như những nước khác làm, ví dụ như đầu tư vào giáo dục thì được miễn thuế, khuyến khích những người có tâm huyết.

Nhà văn Nguyên Ngọc

“Theo tôi là rất cần, vì ngày xưa giáo dục ở trong phạm vi ít, được gọi là tinh hoa, bây giờ đối tượng giáo dục là nhắm cho toàn dân, cho nên dù là nhà nước nào đi nữa, cũng chỉ có thể đảm nhận được một phần giáo dục của xã hội, cho nên cần huy động trong xã hội những người có tâm huyết với giáo dục, tham gia vào công việc giáo dục, như vậy việc lập các trường tư là rất tốt. Nhà nước cần có những chính sách như những nước khác làm, ví dụ như đầu tư vào giáo dục thì được miễn thuế, khuyến khích những người có tâm huyết, để tham gia vào công việc giáo dục chung của xã hội, theo tôi đấy là cái việc rất cần.”

Khi được hỏi ý kiến về vai trò và chức năng của đại học tư thục tại Việt Nam, ông Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa, Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, từng nghiên cứu vấn đề này và nhiều lần về công tác ở quê nhà, giải thích:

“Qua nhiều lần về Việt Nam làm công tác về giáo dục thì có một số ý kiến, thứ nhất nói về mô hình của trường tư thục thấy hơi giống các công ty cổ phần, nhiều người góp của, góp công, góp vốn, góp đất để cùng lập trường. Nhà trường hoạt động kinh doanh dựa trên tiền đóng học phí của học sinh là chính. Nói về cơ bản thì đại học tư thục Việt Nam khác đại học tư thục ở Hoa Kỳ, hoạt động dựa trên tiền endowment (quyên góp) là chính, đó là sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Dai-hoc-bach-khoa-250.jpg
Đại học Bách Khoa Hà Nội, ảnh chụp ngày 04-10-2011. RFA PHOTO.

Thứ hai là đại học tư thục Việt Nam vì mới thành lập nên thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo dục, nên không có chương trình mạnh, những chương trình đào tạo hiện tại chỉ xoay quanh như về kinh tế, xã hội, chưa có nhiều những ngành về tự nhiên hay kỹ sư, đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, phức tạp hơn. Những ngành học hiện tại chỉ là cử nhân chưa lên đến chương trình đào tạo thạc sĩ, về phía học sinh thì điểm chuẩn lúc nào cũng thấp hơn là đại học của nhà nước. Điều đó chứng tỏ, sinh viên đầu vào của đại học tư thục không tốt bằng sinh viên đầu vào của đại học của đại học công lập. Đại học tư thục của Việt Nam vẫn còn yếu, chưa đúng với mong đợi của nhiều người.”

Các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giáo viên, phụ huynh cũng như các sinh viên cùng giới trẻ Việt Nam đều mong muốn rằng, nhà nước sớm ban hành quy chế mô hình giáo dục tư thục, hầu chấm dứt hiện tượng được một số nhà giáo gọi là “quả mìn nổ chậm”, có nghĩa là sự giao động, tranh chấp giữa các “con buôn” đội lốt nhà mô phạm, đặt quyền lợi riêng tư, phe nhóm lên trên lợi ích đào tạo nhân tài hữu dụng, cho tương lai đất nước.

Theo dòng thời sự: