"Nhà nước nên phát huy thị trường tự do hơn là hỗ trợ các doanh nghiệp thì mới phát triển được kinh tế một cách hữu hiệu và công bằng". Nguyên tắc trên được chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nêu ra khi được hỏi về tình trạng teo tóp và suy sụp của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo thường niên do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam vừa công bố cho thấy hai chi tiết đầy quan ngại về nền kinh tế Việt Nam. Một là số lượng doanh nghiệp hoạt động đã giảm sút mạnh. Hai là quy mô của doanh nghiệp lại càng ngày càng nhỏ hơn và tuyển dụng ít nhân công hơn. Hiện tượng teo tóp về cả lượng lẫn phẩm như vậy xảy ra mặc dù nhà nước Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ hơn một năm nay. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước tiên là tôi rất mừng khi Việt Nam có một hiệp hội tư nhân với chức năng yểm trợ việc phát triển tư doanh và được sự góp ý của các chuyên gia kinh tế ngoài chính quyền. Nhờ vậy mà đã có nhiều cuộc khảo sát và cả những phê phán về những gì bất cập. Đây là một bước tiến bộ về trình độ tổ chức và giúp Việt Nam thoát khỏi cái nhìn và nhất là chính sách duy ý chí và hẹp hòi của nhà nước.
Chi tiết đáng chú ý khác và cũng từ Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam thì so sánh tình hình từ giữa Tháng Chín đến cuối Tháng 12, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã từ 471 nghìn sụt xuống còn 312 nghìn, là mất toi gần 160 nghìn cơ sở trong có hơn ba tháng. So với 694 nghìn doanh nghiệp được thành lập thì con số hoạt động hiện tại là 312 nghìn chỉ còn gần 45%, nghĩa là mất hơn phân nửa. Tình trạng này quả thật là đáng lo ngại. Đó là về số lượng.
Chứ về phẩm thì sự tình lại còn bi đát hơn như ông vừa nêu ra. Đó là kích thước hay quy mô của các doanh nghiệp còn tồn tại đã chẳng tăng mà lại co cụm hơn. Loại vừa thì biến thành nhỏ, loại nhỏ thì trở thành tí hon. Tức là trong hệ thống sản xuất kinh tế, sức sản xuất của tư doanh đã giảm sút mạnh về cả số lượng lẫn tầm cỡ. Vài con số khái quát và trừu tượng ấy không thể làm chúng ta quên là nhiều triệu người đang điêu đứng vì cơ sở phá sản và bị nguy cơ thất nghiệp.
Vũ Hoàng: Thưa ông, sự tụt hậu xảy ra sau khi nhà nước Việt Nam đề ra chính sách yểm trợ doanh nghiệp từ hơn một năm nay. Nếu như vậy, thưa ông, có cái gì bất cập trong chính sách ấy hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi lại làm thính giả của chúng ta giật mình khi nói rằng lý luận gọi là "yểm trợ doanh nghiệp" là một sai lầm về tư tưởng, nhận thức lẫn thực tế. Sự sai lầm ấy thật ra khá phổ biến và có lẽ chương trình kỳ này của chúng ta nên cố giải thích cho rõ để may ra còn cải sửa được. Vắn tắt là nhà nước phải yểm trợ thị trường hơn là yểm trợ doanh nghiệp thì mới phát triển được doanh nghiệp và kinh tế.
Vũ Hoàng: Ông thường có cách nêu vấn đề bằng nghịch lý rồi mới lần lượt lý giải. Thắc mắc của nhiều người ở đây là sau khi bị khủng hoảng vì chế độ tập trung quản lý, Việt Nam và nhiều xứ khác đã áp dụng quy luật thị trường và cho phép tư doanh hoạt động. Như vậy, việc yểm trợ tư doanh là cần thiết và có lợi để mở rộng không gian sinh hoạt của các doanh nghiệp tư nhân. Chuyện ấy có gì sai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ đi từng bước để thấy ra sự khác biệt và thậm chí đối lập giữa hai quan niệm là "phát huy thị trường" và "hỗ trợ doanh nghiệp".
Thực tế rất phũ phàng của loài người là mọi chế độ chính trị đều mặc nhiên nâng đỡ thành phần xã hội có khả năng bảo vệ và củng cố quyền lực của chế độ, như tăng lữ, quý tộc hay trí thức, quân đội, v.v... Do thực tế đó mà chế độ dân chủ là tương đối ít tệ nhất vì dân chủ chính là sự bình đẳng của mọi người trước hệ thống luật pháp do chính người dân góp phần lập ra.
Nó ít tệ hơn cả vì định chế hóa sự bình đẳng của quyền dân bằng pháp luật và phải khởi đi bằng luật pháp. Cuộc tranh luận hiện nay tại Việt Nam về việc cải tổ Hiến pháp là cơ hội làm sáng tỏ thực tế này. Cơ bản nhất là người dân chưa có quyền tham gia vào việc làm ra luật vì vẫn bị một đảng chính trị cột tay và đòi một thứ quyền lãnh đạo tiên thiên từ trên đầu chụp xuống.
Nhìn ra bên ngoài, khi một đảng cầm quyền không thể độc quyền quản lý kinh tế theo kiểu kế hoạch hóa vì gây ra khủng hoảng làm xứ sở lụn bại, người ta mới nói đến quy luật của thị trường. Sự chuyển biến ấy có nghĩa là người ta thấy ra ưu thế của quyền tự do quyết định và chọn lựa về kinh tế. Các quốc gia tiên tiến đều đã áp dụng quy luật thị trường tự do từ cuối thế kỷ 18 nên mới trở thành tiên tiến, và nền dân chủ có góp phần đáng kể cho sự thay đổi lớn lao này.
Nhưng ngay trong một xã hội dân chủ, chính quyền vẫn mặc nhiên nâng đỡ thành phần có thể bảo vệ quyền lực của mình vì vậy đấu tranh chính trị trước quốc hội hay trong công luận là điều cần thiết để gìn giữ nguyên tắc bình đẳng trước luật pháp. Trong các quốc gia đã chuyển hướng theo kinh tế thị trường mà chưa có dân chủ đích thực thì tình hình còn tồi tệ hơn khi nhà nước nói đến chuyện "yểm trợ doanh nghiệp" vì thật ra lại không yểm trợ thị trường. Đó là hoàn cảnh của Việt Nam và ta nên nhìn ra sự khác biệt giữa hai khái niệm doanh nghiệp và thị trường.
Khái niệm doanh nghiệp và thị trường
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông là đã chậm rãi phân tích sự chuyển hóa về nhận thức và tổ chức của các nước trên thế giới để đi dân tới hoàn cảnh của Việt Nam ngày nay. Sự khác biệt giữa hai khái niệm doanh nghiệp và thị trường là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong một chương trình trước đây, chúng ta có nói đến quyền tự do mặc cả và trao đổi giữa hai tác nhân kinh tế mà mình tạm gọi là ông A và bà B trong thị trường. Nhà nước do ông X nào đó lãnh đạo phải bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng của hai thành phần A và B này vì nó mở rộng quyền chọn lựa của mọi người khi tiêu thụ và đầu tư. Bây giờ, vì bất cứ một lý do hay động lực nào đó, được ngụy trang thành chính sách yểm trợ doanh nghiệp, ông X có thể nâng đỡ một trong hai thành phần này thì cái nhà nước đó đã đi ngược quy luật thị trường.
Nó can thiệp vào hệ thống sinh hoạt kinh tế một cách bất công và thực chất vẫn là nâng đỡ thành phần làm lợi cho mình. Kinh tế học gọi đó là nạn "tư bản thân tộc", tức là dù có tư bản chủ nghĩa về hình thức nhưng dành ưu thế cho tay chân và thân tộc của những kẻ có chức có quyền.
Nói cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam thì tôi xin nhắc lại khoản hai của điều 55 trong dự thảo Hiến pháp đang được tranh cãi là "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." Chi tiết ấy cho thấy giữa các thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, tức là chưa có sự bình đẳng trên sân chơi và thị trường chưa thể vận hành tự do. Vì thế, loại tập đoàn kinh tế nhà nước có đặc tính sản nhập chứ không sản xuất vì là một trung tâm hao tốn như Vinashin hay Vinalines vẫn được tài trợ rồi dào trong khi tư doanh khát vốn bị phá sản hàng vạn.
Vũ Hoàng: Như vậy, phải chăng khi nhà nước nói đến chính sách gọi là "yểm trợ doanh nghiệp" thì điều ấy có nghĩa là thành phần doanh nghiệp nào mà có quan hệ với khu vực chủ đạo này vẫn được nâng đỡ hơn các thành phần khác hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế và ta có quá nhiều thí dụ đau lòng mà nát việc.
Chúng ta nên mường tượng ra một hình tháp tròn như cái nón. Trên cùng và ở giữa là các tập đoàn kinh tế nhà nước được thu vét tối đa nguồn lực mà sản xuất tối thiểu. Chung quanh là các doanh nghiệp nhà nước cũng được yểm trợ theo diện chính sách mà đóng góp rất ít cho kinh tế vì hiệu năng thấp nhưng vẫn tồn tại nhờ không bị cạnh tranh và củng cố thế lực của nhà nước và tay chân. Ở dưới là một dàn cơ sở vệ tinh, tiếng là doanh nghiệp tư nhân và thực chất là tay chân thân tộc đang trở thành các đại gia cực giầu. Dưới cùng là các tiểu doanh thương loại vừa và nhỏ lẫn các cơ sở mới được thành lập thì chết ngộp vì chính sách kiểm soát có thiên vị ở trên và chết đói vì thiếu vốn kinh doanh ở dưới. Mà các cơ sở này mới thật sự tạo ra công ăn việc làm và tiếp cận với đời sống thật của thị trường.
Qua mấy năm sai lầm tai hại vì quản lý vĩ mô quá tồi, sự khốn đốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vòng ngoài, dưới đáy tháp, đã tạo cơ hội cho nhà nước bày tỏ nỗi quan tâm. Nhưng khi nhà nước nói đến "yểm trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa" thì đấy là lúc ba tầng doanh nghiệp trên cùng được tiếp vận nào vốn nào tín dụng nào đất đai nào cơ hội thu mua hay kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong khi đó đa số cơ cở ở dưới bị thiểu số ở trên chèn ép và đang tiêu vong lần mòn với số tử vong kỷ lục trong vòng có mấy năm.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối của chúng tôi, thưa ông Nghĩa, là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, người ta đang tranh luận là nên hay không nên tung tiền cấp cứu các doanh nghiệp có thể vỡ nợ trong khu vực địa ốc ở tại Việt Nam. Ông có ý kiến gì về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chẳng riêng gì ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác, kể cả các nước tiên tiến, đều có vụ tranh luận là nên cứu hay không và nên cứu ai hay bỏ ai khi kinh tế suy trầm, nhà nước mắc nợ và doanh nghiệp gặp nguy cơ sụp đổ. Chính là vào lúc đó mình mới càng thấy rằng nên phát huy thị trường và quyền kinh doanh bình đẳng hơn là yểm trợ doanh nghiệp hoặc tung tiền cấp cứu doanh nghiệp.
Lý do là gặp cảnh nguy nàn, và vì những lý do cao đẹp, nhà nước dễ yểm trợ hoặc lấy công quỹ cấp cứu loại cơ sở gọi là thân hữu, nghĩa là có thể tác động vào chính sách của nhà nước qua các nhóm lợi ích. Tại các nước Tây phương thì đấy là đại gia ngân hàng, đại tổ hợp và nghiệp đoàn. Tại các nước chưa có dân chủ và đang chuyển sang kinh tế thị trường thì đấy là hệ thống kinh tế nhà nước và doanh nghiệp thân tộc. Càng cấp cứu loại cơ sở này là càng khuyến khích nạn "ỷ thế làm liều" mà giới kinh tế gọi là "moral hazard" vì họ ỷ vào sự cấp cứu và yểm trợ của nhà nước mà có hành động bất cẩn hay bất lương khi đầu cơ. Việc cấp cứu đó chỉ là sự biến hóa của nạn "tư bản thân tộc" crony capitalism, vốn dĩ cũng là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi hôm nay.