Những trở ngại của Project Vietnam trong công tác y khoa thiện nguyện

0:00 / 0:00

Project Vietnam, Dự Án Việt Nam, tổ chức y khoa thiện nguyện ở Nam California với những toán bác sĩ và nhân viên y tế chuyên môn người Mỹ và người Việt, một năm hai lần về Việt Nam từ năm 1996 đến nay.

Làm khó những đoàn thiện nguyện?

Ba mục tiêu chính yếu của Project Vietnam là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại những vùng sâu vùng xa, giảm thiểu tử vong trẻ sơ sinh, huấn luyện và đào tạo về cấp cứu hồi sức sơ sinh cho bác sĩ và nhân viên y tế tại những vùng miền mà phương tiện y khoa tân tiến còn bị nhiều hạn chế.

Bao năm qua, Project Vietnam chỉ tường trình về công việc, thành quả, những chuyến đi, những lần trở về, rồi là dự tính và chuẩn bị cho đợt tới, chứ không nghe gì đến trở ngại hay vấn đề mà một phái đoàn vốn đặt trọng tâm phục vụ cũng như theo đúng nguyên tắc và lịch trình công tác lên trên hết, phải đương đầu:

Năm nay là năm thứ 18, chuyến đi Việt Nam lần này thì thực sự nó cũng phức tạp và kéo dài hơn các chuyến đi bình thường. Trước giờ chúng tôi gặp khó khăn về nhiều mặt. Trước giờ đã xảy ra là ba lần rồi. Một lần chúng tôi đến tận nơi rồi thì họ nói lúc trước bảo năm ngày nhưng bây giờ chỉ có thể làm hai ngày thôi, thì mình phải đi kiếm nơi khác cho phái đoàn làm việc thêm ba ngày. Lần đó là nó đã xảy ra hồi 2010 ở Bắc Cạn . Nhưng lần này là lần đầu tiên mà chúng tôi gặp khó khăn ở tại guồng máy hành chánh của Sở Y Tế.

Đó là lời bác sĩ Quỳnh Kiều, người sáng lập Project Việt Nam, kể về chuyến công tác tháng Ba năm nay mà phái đoàn gồm các bác sĩ Mỹ và Việt cùng hơn 70 thiện nguyện viên đa số người nước ngoài, đã phải lưu lại miền Trung dài ngày hơn dự tính do những khó khăn mà đoàn gặp phải đối với Sở Y Tế địa phương.

Các cháu bé phải được chăm sóc kỹ lưỡng sau khi lọt lòng mẹ
Các cháu bé phải được chăm sóc kỹ lưỡng sau khi lọt lòng mẹ (RFA file)

Trước giờ chúng tôi gặp khó khăn về nhiều mặt. Trước giờ đã xảy ra là ba lần rồi. Mộtlần chúng tôi đến tận nơi rồi bảo năm ngày nhưng bây giờ chỉ có thể làm hai ngày thôi...Nhưng lần này là lần đầu tiên mà chúng tôi gặp khó khăn ở tại guồng máy hành chánh của Sở Y Tế

BS Quỳnh Kiều

Theo chương trình, tuần lễ đầu nhóm phẫu thuật sang làm việc tại vùng Takeo bên Kampuchia, là vùng biên giáp Việt Nam, có nhiều người Việt nghèo khó cư ngụ:

Đó là tuần lễ đầu tiên là tuần lễ từ cuối tháng Hai tới đầu tháng Ba. Tuần lễ thứ hai thì chúng tôi có một nhóm là nhóm khám bệnh ở vùng sâu vùng xa, dự tính làm việc ở Quảng Ngãi. Và nhóm thứ ba, luôn có và làm việc trong hai tuần lễ của tháng Ba, về phương diện đào tạo huấn luyện.

Đào tạo huấn luyện luôn được Project Vietnam coi là sự thành công, trong lúc nhóm phẫu thuật cũng gặt hái được nhiều thành quả rất tốt. Đây là lần đầu tiên mà nhiều trẻ em Việt ở Kampuchia được mổ mắt vì trước giờ bệnh viện lớn này ở Kampuchia do thiếu phương tiện gây mê cũng như kiến thức chuyên môn về nhãn khoa thiếu nhi nên chỉ mổ mắt cho ngưới lớn mà thôi:

Đây cũng là dịp mà chúng tôi vừa giúp cho các trẻ em một cách thực tế mà cũng vừa đem lại một số hi ểu biết mới cũng như xây dựng cho những bác sĩ ở tại nơi.

Thế nhưng lấn cấn nhiều nhất, bác sĩ Quỳnh Kiều trình bày tiếp, chính là công việc của nhóm khám bệnh ở Quảng Ngãi, một tỉnh mà theo đánh giá toàn quốc năm 2012 là nơi có nhiều tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất nước:

Chúng tôi đã chuẩn bị không những về sơ sinh mà cũng có một bác sĩ chuyên môn về sản phụ khoa để làm việc ở đó hơn mười ngày. Đó là chúng tôi đã được Tòa Lãnh Sự Việt Nam ở San Francisco giới thiệu và đã có giấy mời của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi cứ theo đó mà làm việc, đã mua vé máy bay và làm những gì cần thiết vì phái đoàn chúng tôi là luôn luôn phải tự lo tự trả tiến lấy những vấn đề ăn ở. Chúng tôi đã tuyển mộ những người tự nguyện, ch uẩ n bị mua thuốc, trang thiết bị vân vân...

Những buổi hướng dẫn cho các bà mẹ trẻ của Project Vietnam
Những buổi hướng dẫn cho các bà mẹ trẻ của Project Vietnam (RFA file)

Thế nhưng một tuần trước khi sẳn sàng tới Quảng Ngãi, Project Vietnam nhận được một thư cho hay trong thời gian tới không thể tiếp phái đoàn do có một số vấn đề nội bộ phải tập trung giải quyết:

Thơ đó là do Sở Ngoại Vụ của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng mà lúc đó chúng tôi cũng được Tòa Lãnh Sự cho biết là Quảng Ngãi đang qua một thời gian khủng hoảng về y tế vì có quá nhiều vấn đề về tử vong bà mẹ sơ sinh. Lúc đó là lãnh đạo bên Sở Y Tế và lãnh đạo ở bệnh viện là thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi được biết như vậy nhưng trong thơ họ chỉ nói là có một số vấn để phải tổ chức lại trong nội bộ.

Vì đặt nặng vấn đề đào tạo khám chữa bệnh cũng như huấn luyện y tế, hai lãnh vực mang lại phúc lợi cho người bệnh cũng như sự thay đổi hữu hiệu trong cách làm việc của nhân viên y tế, đặc biệt được Bệnh Viên Nhi Đồng 2 của Việt Nam hưởng ứng và khuyến khích, đoàn của Project Vietnam nhất quyết phải thực hiện cho được những khóa đào tạo huấn luyện đã được trang bị kỹ càng cho Quảng Ngãi:

Lúc nhận được thơ từ chối là ngày cuối cùng trước khi họ nghỉ Tết...Và như vậy các chuyên gia bên Project Vietnam, bác sĩ, y sĩ chuyên môn về sơ sinh vẫn tới để đào tạo cho họ, nhưng nhóm khám bệnh thì họ nói họ không thể tiếp được. Nhóm đào tạo thì làm việc ngay tại bệnh viện mà không đông, chỉ khoảng mười người

Lúc nhận được thơ từ chối là ngày cuối cùng trước khi họ nghỉ Tết. Nguyên một tuần lễ thì mình đâu thể làm gì được. Sau khi họ trở lại làm việc thì lúc đó Bệnh Viện Nhi Đồng 2 là đối tác của chúng tôi ở trong nước, làm việc với họ.

Và như vậy nhóm của mình vừa các chuyên gia bên Project Vietnam, bác sĩ, y sĩ chuyên môn về sơ sinh vẫn tới để đào tạo cho họ, nhưng nhóm khám bệnh thì họ nói họ không thể tiếp được. Nhóm đào tạo thì làm việc ngay tại bệnh viện mà không đông, chỉ khoảng mười người thôi, nhưng dù sao cũng đòi hỏi là bên Sở Y Tế phải tập trung những bác sĩ ở bệnh viện, nhân viên ý tế và y sĩ từ các trạm xá.

Năm nay chúng tôi khởi đầu một chương trình mẫu, một chương trình mới, của Hàn Lâm Viện Y Khoa Hoa Kỳ, kêu là giúp cho trẻ em thở. Chương trình này rất phù hợp với vùng sâu vùng xa, nó đơn giản , nó là phương pháp giảng dạy dễ nhớ và dễ thực hiện.

Bất cần hay quan liêu?

Đây cũng là lần đầu tiên Project Vietnam được phép của Hàn Lâm Viện Y Khoa Hoa Kỳ để giảng dạy chương trình này và đã bỏ ra nhiều công sức để dịch tài liệu ra tiếng Việt. Công việc này được bệnh viện Đà Nẵng và Sở Y Tế Đà Nẵng đón tiếp rất nhiệt tình, bác sĩ Quỳnh Kiều nói:

Nhưng khi đến bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chúng tôi mới thấy Khoa Sản Phụ nói với chúng tôi là họ sẵn sàng chờ đợi bác sĩ sản phụ khoa đến để giảng dạy cho họ, họ đã chuẩn bị sẵn bệnh nhân để được phẩu thuật các thứ.

Như vậy, theo bác sĩ Quỳnh Kiều, lãnh đạo tỉnh làm gì hay tính gì đều không cho các bác sĩ tại bệnh viện biết:

Tuy một mắt trả lời là không thể đón tiếp chúng tôi được, nhưng mắt khác thì có nhu cầu rõ ràng về những kỹ năng mới đó. Bệnh nhân đã đến rồi, chờ đợi rồi, mà có thay đổi chương trình cũng không thông báo cho họ biết

BS Quỳnh Kiều

Tuy một mắt trả lời là không thể đón tiếp chúng tôi được, nhưng mắt khác thì có nhu cầu rõ ràng về những kỹ năng mới đó. Bệnh nhân đã đến rồi, chờ đợi rồi, mà có thay đổi chương trình cũng không thông báo cho họ biết.

Chúng tôi đến là thực hiện được khóa huấn luyện. Huấn luyện hồi sức cấp cứu sơ sinh nâng cao là chúng tôi đã có một dự án về Việt Nam thực hiện từ năm 2008. Bởi vậy ở Bệnh Viện Nhi Đồng 2 nhân viên giảng dạy của họ rất lành nghề rất bài bản. Sau khi giảng dạy thì chúng tôi tặng cho họ 50 bộ hồi sức cấp cứu trị giá năm ngàn đô. Họ rất mừng.

Đó là phần huấn luyện đào tạo tại bệnh viện Quảng Ngãi mà đoàn đã vượt qua trở ngại để thực hiện như chương trình vạch ra. Về phần nhóm chữa bệnh gồm hơn bảy chục tình nguyện viên, đã bị từ chối tiếp đón thì sao. Project Vietnam và bác sĩ Quỳnh Kiều đã phải vận động và kiếm ra một nơi khác cho đoàn làm việc:

Trong tuần lễ sau khi nghỉ Tết thì chúng tôi làm việc nào là bên Lãnh Sự, nào là các cơ quan trong nước, giúp chúng tôi kiếm những địa điểm cũng là ở miền Trung để chúng tôi có thể đem phái đoàn tới khám bệnh. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã nhận lời đón tiếp chúng tôi. Tỉnh Khánh Hòa thì trước giờ chúng tôi đã mang phái đoàn đến bốn lần rồi, để làm những công tác đào tạo, khám bệnh, phẫu thuật. Khánh Hòa cũng là điểm mẫu cho chương trình sơ sinh của chúng tôi hồi 2005.

Tôi không biết cô Phượng đó có phải là cao cấp trong đảng không mà có thái độ bất cần như vậy. Giống như là tự cô quyết và ông phó giám đốc Sở Y Tế vẫn không giải quyết được cho chúng tôi. Tưởng tượng một nhân viên chánh văn phòng mà có quyền quyết, trong lúc ông xếp thì bảo thôi thì bây giờ phải ông giám đốc quyết

BS Quỳnh Kiều

Thay vì bay ra Đà Nẵng rồi đi xe xuống Quảng Ngãi, mọi người phải mua vé mới để bay ra Nha Trang. Cả đoàn có mặt ngày Chủ Nhật 3 tháng Ba và chuẩn bị sẳn sàng cho ngày làm việc hôm sau.

Tuy đã có thơ của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Y Tế làm việc với đoàn về phương diện chuyên môn để đoàn có thể thực hiện dự án của mình, nhưng:

Khi chúng tôi tiếp xúc thì lại gặp cô chánh văn phòng của Sở Y Tế, cô nói hãy còn thiếu rất nhiều giấy tờ và cho chúng tôi một danh sách rất là dài những giấy tờ cần phải cung cấp, trong lúc tuần trước đó là mình đã cung cấp những thông tin thường xuyên cần phải có về chuyên gia, thành phần phái đoàn, về thuốc mình sử dụng và những hoạt động của đoàn. Và mình đã được họ cho ba xã để hoạt động trong vòng ba ngày và sau đó nửa ngày ở một trung tâm xã hội. Tức là làm việc hết ba ngày rưỡi.

Thế thì đã có tên của những xã đó mà thứ Hai thì cô ấy lại đòi hỏi sáng thứ Ba đầu giờ phải có tất cả những gì cô cần, trong đó phải kiểm kê thuốc men mang qua.

Cho rằng đòi hỏi này cũng hợp lý, mọi người trong đoàn đã thức suốt đêm để kê khai các loại dược phẩm cũng như các trang thiết bị mang theo dù như đã cung cấp trước đó rồi:

Cô còn đòi những chuyện lặt vặt như ống nghe, máy đo huyết áp là những chuyện mà mình coi rất thông thường. Kề như nhóm lãnh đạo là không ngủ luôn. Tám giờ họ mở cừa thì trước 8 giờ chúng tôi đã có mặt ở Sở Y Tế, cầm những danh sách đó để giao cho cô chánh văn phòng.

Tuy nhiên sáng đó thì cô Phượng, chánh văn phòng của Sở Y Tế tỉnh Khánh Hòa, vẫn trả lời là không thể cho đoàn khám bệnh chữa bệnh làm việc:

Cô ấy trả lời là gấp quá không thể làm được, thôi hẹn năm sau, hẹn kỳ sau, mà đúng ra thì mình phải làm việc thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu.

Sau đó đoàn yêu cầu một buổi họp với Sở Y Tế với yêu cầu phải cho biết rõ ràng vì sao không thể khám chữa bệnh được:

Khi chúng tôi ngồi suốt trong đó để giải quyết vấn đề thì cô ấy mới bảo là đưa bác sĩ phó giám đốc ra để gặp, trong lúc tôi đã nhờ liên hệ trực tiếp với bên Liên Hiệp Hữu Nghị tức cơ quan chuyên giúp các tổ chức thiện nguyện, cũng như bên Tòa Lãnh Sự.

Họ nói chuyện với ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân, ông nói cái này đã giao cho Sở Y Tế. Tức nhiên theo Ủy Ban Nhân Dân thì không có gì thay đổi.

Khi đó đoàn mới vỡ lẽ rằng mọi trở ngại đến từ phía Sở Y Tế, chính xác hơn là đến từ một nhân viên Sở Y Tế, cô Phượng, bên cạnh đó là cả một sự quản lý kém rất hiển nhiên:

Tôi không biết cô Phượng đó có phải là cao cấp trong đảng không mà có thái độ bất cần như vậy. Giống như là tự cô quyết và ông phó giám đốc Sở Y Tế vẫn không giải quyết được cho chúng tôi. Tưởng tượng một nhân viên chánh văn phòng mà có quyền quyết, trong lúc ông xếp thì bảo thôi thì bây giờ phải ông giám đốc quyết, mà ông giám đốc thì cũng kể như lặn luôn.

Là một tổ chức y khoa có uy tín và trách nhiệm, từng về Việt Nam một năm đôi ba lần trong 18 năm qua, Project Vietnam không thể lần này đi không lại về không:

Tụi tôi phải trực tiếp đến Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân có một buổi họp khẩn, sau đó chỉ thị xuống Sở Y Tế giải quyết thì thứ Năm chúng tôi mới làm việc được, mất nguyên một ngày. Huyện mà chúng tôi làm việc là Cam Lâm ở vùng sâu vùng xa thuộc Cam Ranh.

Thay vì làm việc ở ba xã như được hứa thì Sở Y Tế đã thay đổi, gởi đoàn xuống một bệnh viện mới xây ở Cam Lâm. Vì mới nên bệnh viện rất đẹp và rất sách, tiếc rằng chỉ khám cho bệnh nhân có bảo hiểm, trong lúc đoàn của Project Vietnam chỉ muốn khám cho người nghèo:

Khi chúng tôi đến bệnh viện này thì khoảng 10 giờ họ đã xong hết rồi tại vì người bảo hiểm đâu có bao nhiêu, dân chúng được báo thì có hạn thôi. Thành ra ngày đó chúng tôi giải quyết được khoảng 500 người thôi.

Đến hôm sau, khi dân chúng được thông báo thì quá đông, kể như trong vòng một ngày rưỡi mà chúng tôi khám khoảng 1.200 người bệnh.

Người nghèo, sức khỏe bà mẹ trẻ em, hồi sức cấp cứu sơ sinh là những lý do níu kéo Project Vietnam trở lại, còn khó khăn là chuyện không đáng kể:

Trong 64 tỉnh thì chỉ còn 12 tỉnh chưa nhận được chương trình hồi sức cấp cứu sơ sinh, trong đó có Quảng Ngãi và Cao Bằng. Trong chuyến đi này chúng tôi đã thành công là đem chương trình hồi sức cấp cứu sơ sinh đến hai tỉnh đó.

Ngoài những cái khó khăn mà mình gặp thì cũng phải có những cái động lực làm cho những thiện nguyện viên của mình và ban quản trị muốn vượt qua để tiếp tục trở lại.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin tạm dừng ở phút này. Thanh Trúc sẽ tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.