Được thải từ nhiều nguồn khác nhau, mỗi năm Việt Nam phát sinh thêm khoảng 40 triệu tấn chất thải rắn. Bên cạnh các trung tâm đô thị, lượng chất thải từ những cơ sở công nghiệp là nguồn phát sinh chất thải rắn lớn thứ hai trong nước.
Xử lý chưa đủ nhanh
Hiện nay, tình trạng xử lý chất thải rắn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, Sài Gòn mỗi ngày thải ra gần 2 ngàn tấn chất thải rắn cần tái chế. Song năng lực tiêu hủy rác bằng công nghệ đốt và hóa rắn của thành phố này mỗi ngày chỉ đạt khoảng 10%. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn được thu gom tại các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 70% so với yêu cầu thực tế. Lượng chất thải này đang trở thành nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, cảnh quan đô thị và tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng. Nhanh chóng tiêu hủy rác là một yêu cầu cần thiết.
Công nghệ xử lý chưa hiệu quả
Liên quan đến công nghệ xử lý, chúng tôi được Tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết như sau:
“Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2005 của Việt Nam, vấn đề về công nghệ xử lý chất thải rắn thì Luật và các Nghị định dưới luật là giao cho Bộ Xây Dựng phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ để chọn lựa các công nghệ xử lý chất thải rắn. Đồng thời giới thiệu vào xã hội gồm những công nghệ xử lý chất thải rắn nhập từ nước ngoài và công nghệ phát triển trong nước.”
Mặc dù cũng chính văn bản này quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm tra, xác nhận cơ sở tái chế, tiêu hủy chất thải rắn. Suy ra, vấn đề chọn lựa công nghệ xử lý chất thải rắn là không đơn giản. Bởi mỗi địa phương có hoàn cảnh đặc thù khác nhau, nên không thể áp dụng đồng loạt một công nghệ xử lý. Việc chọn lựa công nghệ xử lý chất thải rắn, theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp thuộc Bộ Xây Dựng là:
Chúng tôi đưa ra có 4 tiêu chí để lựa chọn cho phù hợp với điều kiện địa phương.
GSTS Nguyễn Hữu Dũng
“Chúng tôi đưa ra có 4 tiêu chí để lựa chọn cho phù hợp với điều kiện địa phương. Tiêu chí về kỹ thuật công nghệ, tức là xem có hiện đại và phù hợp với điều kiện địa phương không. Thứ hai là tiêu chí về phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Ví dụ như, nếu chế biến phân vi sinh thì phải xem khả năng tiêu thụ của địa phương. Nếu mà định đốt rác thành năng lượng, thì xem thành phần của rác có nhiệt trị cao hay thấp; nhiệt trị thấp thì độ ẩm cao thì việc đốt rác cũng khó. Tiêu chí thứ ba là các chỉ số về kinh tế, tức là các giá thành công nghệ. Và tiêu chí thứ tư, hiệu quả về mặt xã hội.”
Trong thực tế, thời gian chờ đợi để chọn ra một công nghệ xử lý thích hợp là khá dài. Cho nên việc chôn lấp chất thải rắn trở thành công nghệ xử lý chủ yếu được các địa phương áp dụng. Công nghệ đơn giản này đáp ứng được yêu cầu rẻ về chi phí và giá thành đầu tư. Nhưng các bãi chôn lấp này đa phần không hợp vệ sinh và luôn trong tình trạng quá tải về quỹ đất. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, ô nhiễm rác thải sinh hoạt đang tác động tiêu cực, đe dọa chất lượng sống ở các đô thị Việt Nam. Có vẻ trong quá trình quy hoạch các đô thị, hầu hết các địa phương không chú trọng đến quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Để giải quyết vấn đề, các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, trình độ công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp hiện nay có những thay đổi nhất định:
“Hiện nay tiến triển đấy, nó có khác nhau. Chúng tôi trình bày là có những công nghệ của nước ngoài. Nhưng trong nước cũng có một số công nghệ có thể tham khảo được. Vì công nghệ trong nước thì tuy các thiết bị máy móc không hiện đại, song giá thành của nó thấp.”
Quy trình phân loại chất thải chưa trôi chảy
Ngoài một công nghệ hoạt động hiệu quả, quy trình xử lý chất thải rắn luôn cần sự tham gia của cộng đồng. Quy trình này khó có thể vận hành trôi chảy, nếu không làm tốt được khâu đầu tiên là phân loại chất thải. Trong vấn nạn quản lý chất thải rắn, xã hội dân sự cần được nhìn nhận đúng vai trò của mình. Khi trao đổi về sự đóng góp của cộng đồng dân cư trong công tác phân loại chất thải rắn, chúng tôi được Tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, cho biết như sau:
“Trong hệ thống truyền thống Việt Nam, người ta cũng có một số những hoạt động phân loại. Thí dụ ở nông thôn, những đồ thải hữu cơ người ta thường đem ủ để bón lại cho cây trồng. Còn ở thành phố thì những gì thuộc loại như giấy, nhựa, túi nylon hay là kim loại thì người ta cũng để riêng ra để bán lại cho mấy người đi thu mua đồng nát.
Trong hệ thống truyền thống Việt Nam, người ta cũng có một số những hoạt động phân loại. <br/>
TS Bùi Cách Tuyến
Còn những phân loại tổ chức mang tính chất hiện đại như bên các nước châu Âu thì điều kiện đòi hỏi một đầu tư lớn. Ba bốn loại thùng rác cho ba bốn mục tiêu khác nhau. Bây giờ thì cũng đã manh nha bắt đầu rồi, trong các thành phố lớn thì đã có những phân loại rác tại nguồn.”
Trước mắt, công việc phân loại các phế thải có khả năng tái chế không thể trôi chảy, một khi hoàn toàn do người nghèo sống bằng nghề bới rác thực hiện. Khoảng 1% trong tổng lượng chất thải rắn là chất thải nguy hại. Tuy số lượng ít nhưng nếu không được quản lý tốt thì với các tính chất độc hại, đây là mối hiểm họa lớn đối với sức khỏe người dân và môi trường.
Vì lãnh vực xử lý chất thải không sinh lợi nhiều, do đó không thu hút được nhà đầu tư. Chính phủ cần xây dựng cơ chế hỗ trợ. Đồng thời, năng lực để thực thi khung chính sách đang cần phát huy thêm từ các cấp tác nghiệp. Trong khi các giải pháp xử lý vẫn còn chưa cụ thể, lượng chất thải rắn vẫn ồ ạt đổ ra mỗi ngày. Nếu nguy cơ ô nhiễm môi trường chưa được thống kê cụ thể thì việc các bãi thải này bị sạt lở gây chết người đã thành chuyện tất yếu. Vụ sạt lở bãi thải than Phấn Mễ, Thái Nguyên vừa qua là một ví dụ điển hình.
Theo dòng thời sự:
- Thái Nguyên: 7 người chết vì sạt lở đất phế thải
- Pháp giúp Việt Nam xử lý rác thải y tế
- TPHCM gắn thiết bị theo dõi xe chở chất thải nguy hại RFA 01.07.2010
- Hy vọng cho trẻ em sống ở bãi rác
- Cảnh báo rác thải tràn ngập nông thôn
- Chiến dịch "Ngày không túi nylon"
- Rác thải điện tử nên xử lý như thế nào?
- Nghề đồng nát