Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn giáo sư đã dành thời gian cho chương trình âm nhạc cuối tuần hôm nay. Thưa ông, chúng tôi được biết là ông mới trở về từ hội nghị quốc tế về nhạc dân tộc và ở đây, ông đã một lần nữa giới thiệu đến bè bạn quốc tế về nghệ thuật đàn môi. Hôm nay, qua làn sóng của đài RFA, xin nhạc sĩ giới thiệu lại về môn nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam được không ạ?
GS-TS Trần Quang Hải: Một trong những cây đàn độc đáo nhất của Việt Nam là cây đàn môi, cây đàn môi ít có ai để ý đến lắm, vì đó là cây đàn của người dân tộc Mông. Người Mông có thể tìm thấy ở vùng Sa Pa hoặc phía Bắc của Việt Nam. Ngoài ra, những dân tộc khác hoặc người Gia Rai, Bana… ở Tây Nguyên cũng có cây đàn môi. Việt Nam là xứ duy nhất có đến 10 loại đàn môi khác nhau.
...khi người con trai gặp người con gái, họ rút cây đàn môi ra nói chuyện, sau khi nói chuyện, nếu thấy người con trai dễ thương, cô gái rút cây đàn môi trả lời lại rồi hẹn nhau ở một nơi nào đó ở trong làng.
GS-TS Trần Quang Hải
Chú là người đầu tiên phát hiện ra sự phong phú đó và đã nói trên khắp thế giới từ 45 năm nay và cho đến bây giờ cây đàn môi được thế giới nhìn nhận là cây đàn của Việt Nam.
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Trần Quang Hải, ông vừa nhắc tới có 10 loại đàn môi khác nhau, sự giống và khác nhau của các loại đàn môi ở các khu vực như thế nào thưa ông?
GS-TS Trần Quang Hải: Thứ nhất, đa số cây đàn môi của Việt Nam là cây đàn môi chỉ có thân đàn và lưỡi gà là cùng kim loại hoặc loại tre chứ không phải bằng hai thành phần khác nhau như các cây đàn môi bên Âu Châu. Cây đàn môi của Việt Nam, người Mông dùng để tỏ tình giữa đôi trai gái, người con trai khi gặp người con gái sẽ nói chuyện với nhau qua đàn môi mà không cần phải tỏ bằng lời. Thành ra khi người con trai gặp người con gái, họ rút cây đàn môi ra nói chuyện, sau khi nói chuyện, nếu thấy người con trai dễ thương, cô gái rút cây đàn môi trả lời lại rồi hẹn nhau ở một nơi nào đó ở trong làng.
Chính cây đàn môi là cây đàn có thể dùng nói chuyện, tôi dùng ý để nói chuyện đó phát triển bên Âu Châu này, dùng cây đàn môi để trị bệnh cho những người bị đứt dây thanh quản để có thể nói chuyện được.
Cây đàn môi của người Tây Nguyên làm bằng tre, cây đàn nào cũng có một lưỡi gà ở chính giữa, một cái khung để vào trong miệng, cái miệng trở thành một loại phát thanh để âm thanh được lớn hơn. Thí dụ, tôi lấy một cây đàn môi của người Gia Rai, tức là một khúc tre thì âm thanh không rung động bằng đàn kim loại của người Mông hay một vài sắc tộc khác ở miền Bắc. Đây là đàn môi của người Gia Rai, âm thanh làm bằng tre nên không rung động nhiều… mình có thể thay đổi
miệng oa oa oa… bây giờ làm ra những cao độ khác nhau, có thể đánh thành những bài bản từng tưng tưng… Đó là những âm thanh nói chung, bây giờ mình có thể làm ra những âm giai ngũ cung, tức là mình đánh ra thành 5 nốt khác nhau… trong khi đó, đàn của người Mông đánh ra với âm thanh kéo dài hơn… từ cây đàn đó, mình có thể đánh ra điệu xòe Thái… Đó là hai loại đàn khác nhau bằng kim loại và bằng tre.
Vũ Hoàng: Vâng cám ơn nhạc sĩ Trần Quang Hải, Vũ Hoàng được nghe thấy rất thú vị khi được chính nhạc sĩ biểu diễn qua làn sóng của đài. Vâng, như nhạc sĩ vừa nói, những đôi trai gái sử dụng đàn môi để tỏ tình, người dân tộc còn sử dụng đàn môi trong những dịp nào khác không ạ?
GS-TS Trần Quang Hải: Đàn môi còn dùng để đệm cho những điệu vũ dân tộc, đánh cây đàn môi cộng chung với cây khèn hay đệm cho những bài hát nói về tình yêu. Cây đàn môi này, tôi dùng nhiều cho vấn đề tiết tấu, tạo ra những âm thanh rất lạ, tạo thành những âm thanh gọi là âm thanh điện tử, mà có thể cho nghe được rất nhiều loại, dùng trong thể loại techno ở bên Âu Châu này. Tôi đã biểu diễn với một cây đàn môi rất bình thường của Việt Nam, nhưng chúng ta có thể tạo ra những âm thanh điện tử không cần máy móc tối tân. Bây giờ là âm thanh điện tử của những cây đàn môi… và những âm thanh tùy hứng trong một đoạn ngắn.
Vũ Hoàng: Rất tuyệt vời thưa nhạc sĩ Trần Quang Hải, thưa ông như ông trình bày lúc ban đầu là trong một thời gian rất dài, ông đã đi quảng bá để thế giới được biết đến nghệ thuật đàn môi của Việt Nam mình, thì có khó khăn hay trở ngại nào ông gặp phải khi bảo tồn loại hình nghệ thuật này của dân tộc Việt Nam?
GS-TS Trần Quang Hải: Thứ nhất, người mình không làm những cây đàn tinh vi, chỉ làm một cách thô sơ, thành ra khi đàn lên, chỉ trong một thời gian ngắn là đàn bị gãy. Kim loại không phải là một chất được pha trộn đàng hoàng, cho nên những cây đàn môi trông rất xinh đẹp nhưng khi đánh được 15-20 phút, một hồi bị gãy hết. Bây giờ tôi đề nghị nói với những nhà nghiên cứu tìm cách pha trộn một số kim loại bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng hay bằng thau… hoặc những loại gì khác có thể pha trộn để làm cho cái lưỡi gà được rung động lâu hơn và cứng hơn nhiều để mình có thể chơi được nhiều loại nhạc mà không sợ bị gãy. Người Việt Nam không phải tạo những cây đàn kéo dài lâu năm, mà chỉ là những cây đàn chơi trong khoảnh khắc, trong một buổi lễ, rồi sau đó mình vứt đi. Những cây đàn Việt Nam có trở ngại là không giống những cây đàn bên Âu Châu là có thể kéo dài đến 100 – 200 năm.
Nhưng đó không phải là vấn đề cốt yếu bởi vì mình càng để phát triển cây đàn thì mình tạo cho những người chơi nhạc phải tìm cách sáng tạo ra. Khi cây đàn gẫy, mình làm ra cây đàn khác, chính vì vậy tạo ra điều kiện để làm ra những cây đàn môi càng ngày càng tinh vi hơn, càng ngày càng đẹp hơn, và mỗi một người nhạc sĩ sẽ tìm cách chế ra một cây đàn có hình thù đặc biệt và có một màu sắc khác hơn người khác, thành ra có sự tranh đua liên tục trong vấn đề sáng tạo nhạc cụ, như vậy, vừa có điểm lợi và có trở ngại như tôi vừa trình bày.
Vũ Hoàng : Xin chân thành cám ơn ông đã dành thời gian cho đài Á Châu Tự Do.