Đại học Hoa Sen - Phi lợi nhuận hay không?

0:00 / 0:00

Việc tranh cãi giữa các nhóm khác nhau trong việc quản lý Đại học Hoa Sen kéo dài đã lâu, với nhiều vụ kiện. Gần đây nhất quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hoof Chis Minh nói rằng hội đồng quản trị do nhóm cổ đông chiếm đa số có quyền điều hành trường này.

Một số sinh viên đại học Hoa Sen đã biểu tình vì lo ngại trường của họ thay đổi sự quản lý theo hướng không vì lợi nhuận.

Sau đây là ý kiến một số chuyên gia ngành giáo dục trong và ngoài nước về vấn đề này.

Phi lợi nhuận hay không?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một người hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh nay đã về hưu nói rằng hồi năm 2006, khi trường Hoa sen chuyển từ trường Cao đẳng lên Đại học với học phí tăng lên thì sinh viên đã từng biểu tình. Bà nói tiếp:

Đã có cổ đông thì rất khó vì cổ đông là đầu tư, mà đầu tư thì phải có lời. Chứ không có lời thì ai đầu tư làm gì!<br/>-GS Trương Nguyện Thành

“Lần trước thì rất rõ, học phí tăng lên, lần này thì học phí chưa tăng, thậm chí phía bên kia có cam kết là sẽ không tăng, nhưng mà họ vẫn cảm thấy là họ bị dọa là bị thiệt hại.”

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhớ lại rằng trường Cao đẳng Hoa sen đã được nhiều trí thức trong và ngoài nước góp sức vào làm cho phát triển tốt chỉ với một mục đích duy nhất là vì giáo dục từ trước khi có các trường Đại học tư thục tại Việt Nam. Nhưng theo bà thì từ khi có các trường Đại học tư thục với cơ chế thị trường trong giáo dục thì mọi việc đã khác.

Khi việc tranh cãi giữa một nhóm cổ đông và những người điều hành trường Hoa Sen bùng lên cách đây hai năm, Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường cho chúng tôi biết rằng đó là sự tranh cãi giữa hai khuynh hướng làm giáo dục, một là vì lợi nhuận, hai là phi lợi nhuận.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh thì ý kiến cho rằng Hoa Sen theo cơ chế phi lợi nhuận là không thuyết phục:

"Tất cả mọi trường ra đời trước khi có qui chế đại học tư thục, chưa có phi lợi nhuận hay lợi nhuận gì hết, thì tất cả mọi trường dân lập đều gán cho mình phi lợi nhuận hay bất vụ lợi. Cái câu đó gần như là một công thức gắn vào tuyên bố của các trường Đại học. Nếu Hoa Sen có câu đó thì không có gì đáng ngạc nhiên hết. Nhưng mà trích cái câu đó để nói rằng là chúng tôi là phi lợi nhuận thì không dễ được chấp nhận. Nếu nói Hoa Sen phi lợi nhuận thì sự phi lợi nhuận đó đã chấm dứt với tuyên bố thành lập trường Đại học tư thục rồi."

Hình biểu tượng của Trường Đại học Hoa Sen.
Hình biểu tượng của Trường Đại học Hoa Sen. (Courtesy ĐH Hoa Sen)

Tiến sĩ Trương Nguyện Thành, hiện là giáo sư tại Đại học Utah, Hoa Kỳ, nhận xét về mâu thuẫn giữa việc một trường Đại học phi lợi nhuận với việc nó vận hành trên số vốn của các cổ đông:

“Có cổ đông thì rất là khó để quay trở lại phi lợi nhuận vì thường thường sự thành lập đại học phi lợi nhuận ở Mỹ này là bằng sự quyên tiền và không có cổ đông gì trong đó cả ngay từ đầu, chứ mà đã có cổ đông thì rất khó vì cổ đông là đầu tư, mà đầu tư thì phải có lời. Chứ không có lời thì ai đầu tư làm gì!”

Ông Trương Nguyện Thành là người tham gia giảng dạy hàng năm tại các Đại học ở Việt Nam. Ông nhận xét rằng những mâu thuẫn xảy ra như ở Hoa Sen cũng xảy ra nhiều ở các trường tư thục tại Việt Nam.

Phi lợi nhuận tại Việt Nam có khả thi không?

Trong quá khứ của Việt Nam, đã từng có cơ sở giáo dục hoàn toàn không vì mục đích tư lợi, đó là trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội vào thời Việt Nam chưa độc lập. Trường này vận hành trên cơ sở hiến tặng của các nhà tư sản lúc đó.

Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của Đại học Broward tại Việt Nam nói rằng hiện nay ông chưa thấy có tiềm năng hiến tặng như thế cho ngành giáo dục:

"Tại Việt Nam mình tôi chưa thấy có một dấu hiệu nào của một xã hội mà sự hiến tặng dành cho giáo dục trong cư dân trở thành một xu thế cả. Tôi chưa thấy chuyện đó. Và cái này thì nó có lý do là niềm tin trong xã hội Việt Nam không có nhiều. Không có nhiều như hiến tặng cho tôn giáo chẳng hạn, vì đây là đức tin tôn giáo, người ta sản sàng bỏ tiền ra. Còn trong giáo dục thì cho dù có một nhóm nào đấy lập ra một cái trường gọi là phi lợi nhuận, nhưng mà làm sao người ta người ta tin rằng anh dùng cái tiền đấy thực sự công tâm, cho mục đích giáo dục chứ anh không tư lợi trong đó. Tôi chưa thấy có cơ sở nào để vượt qua vấn đề lòng tin đó."

Trong tình hình như vậy, những người chủ trương Đại học phi lợi nhuận cho rằng cần phải có cổ đông để khuyến khích sự đóng góp cho giáo dục.

Tại Việt Nam mình tôi chưa thấy có một dấu hiệu nào của một xã hội mà sự hiến tặng dành cho giáo dục trong cư dân trở thành một xu thế cả. <br/>-TS Trần Vinh Dự

Ông Trương Nguyện Thành cho rằng rất khó để có thể bắt buộc người giữ cổ đông giảm số tiền lời của mình, để số tiền đó dùng để tái đầu tư cho giáo dục:

"Đưa một áp lực xuống bảo rằng tất cả các cổ đông phải bỏ tiền lời trở lại, trong khi Việt Nam chưa có một cơ cấu hành chánh miễn thuế hay là chưa có một cái gì rõ ràng trên cơ cấu tổ chức phi lợi nhuận, theo tôi hiểu, và nhất là đại học tư nữa, nó xây dựng nên bởi rất nhiều người bỏ vốn vô để xây dựng trường Đại học."

Ông cho rằng việc lợi nhuận hay không lợi nhuận, giảm tiền lời hay không là chuyện của cổ đông, theo ông cũng có một giải pháp cho việc xung đột hiện nay về chuyện chia tiền lời, nếu ban quản trị muốn các cổ đông đóng góp nhiều hơn cho việc giáo dục:

“Cái đó là quyền biểu quyết của cổ đông. Tôi cho rằng một cách làm minh bạch nhất là nếu cổ đông cho là như vậy thì tôi sẽ thành lập một cái quỹ. Tôi trả cho anh tiền lời. Anh cảm thấy với số tiền lời này anh sẽlàm từ thiện, thì anh quay trở lại bỏ vô quỹ học bỗng cho Hoa Sen, tên anh được ghi nhận ở đó.”

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh thì nói rằng trường Hoa Sen vẫn có thể trở thành một trường phi lợi nhuận nếu:

"Trong trường hợp của Hoa Sen có biến thành phi lợi nhuận được không? Có. Nếu như tất cả cổ đông hoặc tuyệt đại đa số cổ đông theo đúng qui định nhà nước, nói rằng bây giờ tôi chán tiền rồi, tôi muốn hiến, tôi muốn để lại gì đó cho đời."

Như vậy theo những nhà hoạt động giáo dục mà chúng tôi tiếp xúc, câu chuyện giáo dục phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận ở Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào việc xã hội Việt Nam đã sẳn sàng hay chưa cho một mục đích giáo dục cao cả không vì lợi nhuận, tức là liệu những người có tài sản sẳn sàng hy sinh số tài sản đó vì những mục tiêu giáo dục hay không.