Có nên tiếp tục dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?

0:00 / 0:00

Vấn đề có nên xây dựng hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên sông Đồng Nai lại được nhắc đến. Quyết định xây hay không xây hai công trình này sẽ được đưa ra quốc hội trong kỳ họp diễn ra trong tháng năm và tháng sáu này.

Quan điểm của các bên thế nào? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí vị theo dõi.

Tỉnh Đồng Nai bác

Truyền thông trong nước suốt những ngày nay có các bài viết liên quan hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.

Do dự án nằm trên đoạn sông Đồng Nai đi qua Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai là đơn vị có những phản bác mạnh mẽ nhất đối với hai dự án thủy điện mới đó.

Vào ngày 23 tháng tư vừa qua, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt nam, do ông chủ nhiệm ủy ban Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã đến làm việc với tỉnh Đồng Nai.

Các quan chức của tỉnh này cho rằng dù cần điện nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ môi trường bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Bà Phan thị Mỹ Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu rằng thủy điện bậc thang trên Sông Đồng Nai trong những năm qua gây ảnh hưởng xấu cho vùng hạ lưu gồm hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh qua những hiện tượng như gây ngập lụt vào mùa mưa và thiếu nước khi mùa khô đến.

Việc vận hành hai dự án còn ảnh hưởng đến vùng hạ lưu: vùng Đồng Nai và Sài Gòn. Đó là nơi cư trú của hơn 20 triệu người sinh sống dưới hạ lưu. <br/> -TS Lê Anh Tuấn

Còn ông Trần Đình Minh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai nêu rõ là việc xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của 30 trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nếu thiếu nước tưới sẽ tác động trực tiếp đến hơn 8500 héc ta cây trồng trong tỉnh. Bên cạnh đó khi xây dựng hai công trình thủy điện vừa nói sẽ gây ô nhiễm nước sông, tác động đến hơn 1.500 héc ta diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai thì nêu ra con số thực tế về diện tích rừng bị phá khi xây dựng thủy điện; trước đây các dự án chỉ báo cáo có chừng 2 ngàn héc ta rừng bị phá, nhưng trong thực tế con số này là gấp năm lần. Chính ông phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, Võ Đại Hải, cũng phải thừa nhận là trong thời gian qua việc phát triển những công trình thủy điện làm mất đi 20 ngàn héc ta rừng; trong khi đó số rừng được trồng lại rất ít.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Tư, phát biểu với Ủy ban Khoa học - Công nghệ -Môi trường rằng những gì mà thời gian qua cho thấy không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến dân sinh thì dừng sớm là quyết định sáng suốt. Ông Trần Văn Tư đặt vấn đề nếu phát triển mà phải đánh đổi rừng, đánh đổi sự thay đổi của dòng chảy Sông Đồng Nai, dẫn đến hệ lụy 20 triệu dân tại Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh hạ lưu bị mất mát rất nhiều. Ông đưa ra đề nghị là dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Chủ đầu tư hứa

Tại cuộc gặp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ Quốc hội, chủ đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là Tập đoàn Đức Anh - Gia Lai cũng có mặt.

Ông chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Đức Anh - Gia Lai, Bùi Pháp, đưa ra cam kết sẽ tuân thủ các nguyên tắc mà Ủy ban Khoa học- Công nghệ- Môi trường đề ra. Ông này cam kết hai dự án sẽ không gây nên lũ lụt cho vùng hạ du.

Khi làm hai dự án này, diện tích rừng bị mất, vượt qua mức cho phép trong luật định. Đồng thời nó tác động lên đa dạng sinh học của khu bảo tồn. <br/> -TS Lê Anh Tuấn

Một số cam kết nữa mà nhà đầu tư đưa ra là sẽ trồng lại rừng với diện tích nhiều hơn; triển khai những hoạt động an sinh xã hội để giúp cho người dân địa phương, rồi xây trạm kiểm lâm để chống phá rừng, xây trường học, trạm y tế… Ông Bùi Pháp cho rằng hai dự án thủy điện mà tập đoàn này làm chủ đầu tư nằm ở khu vực bắc Vườn Quốc gia Cát Tiên, thuộc tỉnh Lâm Đồng nên sẽ không gây ảnh hưởng đến các di sản văn hóa nằm ở Nam Cát Tiên thuộc Đồng Nai. Ông này còn nói thêm tại khu vực dự án không có dân cư nên không gây xáo trộn cho văn hóa bản địa.

Tập đoàn này cũng nêu ra số liệu phát điện 1 tỷ kWh khi hoàn thành; như thế lợi nhuận kinh tế đóng cho ngân sách nhà nước được tính toán là khoảng 325 tỷ đồng.

Tập đoàn Đức Anh - Gia Lai cũng dẫn theo một số người mang danh vị là nhà khoa học tại Việt Nam ủng hộ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của Tập đoàn này.

Hồi năm ngoái, Tập đoàn Đức Anh- Gia Lai cũng thuê một số nhà khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đánh giá tác động môi trường hoàn toàn có lợi cho dự án. Đánh giá đó bị nhiều người khác phản bác.

Ý kiến chuyên gia

Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A . File photo.
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A . File photo. (Báo Đồng Nai)

Một trong những người làm công tác khoa học tại Việt Nam và lâu nay tham gia vào hoạt động khảo sát, đánh giá tác động môi trường khi làm dự án thủy điện tại khu vực bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên; tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ, lặp lại những đánh giá của giới khoa học như bản thân ông khi tiến hành xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A:

“Thứ nhất khi làm hai dự án này, diện tích rừng bị mất, vượt qua mức cho phép trong luật định. Đồng thời nó tác động lên đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi còn nghi ngờ những tính toán thủy văn, dòng chảy từ vận hành của Nhà máy thủy điện lên vùng hạ lưu. Về mặt này, chúng tôi chưa có khẳng định rằng sẽ thay đổi ở mức độ nào; nhưng nó phụ thuộc vào sự vận hành của nhà máy. Trong báo cáo mà chúng tôi đọc, thì phần báo cáo thủy văn, thủy lực không thuyết phục chúng tôi lắm.

Điều kế tiếp mà chúng tôi đang lo ngại là rừng sẽ mất đi nhiều hơn trong báo cáo. Lý do trong quá trình thi công rừng sẽ mất khi người ta mở rộng vùng thi công; rồi đường dây tải điện cũng làm mất thêm rừng nữa. Ngoài ra rừng còn có thể mất thêm vì những tác động mà mình không biết trước được ví dụ lâm tặc có lợi dụng những chỗ đó để tiếp tục phá rừng. Như vậy rừng sẽ tiếp tục bị mất nhiều hơn trong báo cáo. Thực tế ở Việt Nam cho thấy rừng cho thủy điện bị mất nhiều hơn các báo cáo ban đầu rất nhiều.

Điều chúng tôi lo ngại nữa là hồ nước đập thủy điện hình thành như thế sẽ tạo ra những biến đổi bất lợi cho đa dạng sinh học làm cho một số loài có nguy cơ bị giảm đi diện tích cư trú hay nơi kiếm sống, và nguy cơ các thợ săn lợi dụng hồ rộng như thế để săn bắt thú rừng, hay chặt gỗ trộm.

Ngoài ra còn có những tác động xã hội lên cư dân sống tại khu vực đó; đặc biệt là những người dân tộc thiểu số họ bị mất đất phải dời đi nơi khác. Như thế bản sắc của họ bị pha trộn đi khi bị đẩy đến sống với người Kinh hay nơi khác khi mà bị cách ly với cuộc sống cũ của họ. Ngoài ra chúng tôi cũng lo ngại những khu di tích lịch sử nằm đâu đó trong khu Nam Cát Tiên. Đây là vùng di tích óc Eo, và Vương Quốc Champa cũ xưa kia còn nhiều nơi chưa khai quật. Khi làm công trình này sẽ bị ảnh hưởng mà chúng ta chưa đánh giá được sự mất mát đó.

Việc vận hành hai dự án còn ảnh hưởng đến vùng hạ lưu: vùng Đồng Nai và Sài Gòn. Đó là nơi cư trú của hơn 20 triệu người sinh sống dưới hạ lưu.

Trong đánh giá này chỉ có đánh giá tác động của Đồng Nai 6 và 6A mà không có đánh giá của tất cả các thủy điện khác cùng tác động lên; như thế sẽ cao hơn rất nhiều.

Đó là những lo ngại khiến chúng tôi phải làm công văn gửi Quốc hội và Bộ Tài Nguyên - Môi Trường đề nghị không thực hiện dự án này.”

Bộ chủ quản ‘bênh’ dự án

Rừng sẽ mất đi nhiều hơn trong báo cáo. Lý do trong quá trình thi công rừng sẽ mất khi người ta mở rộng vùng thi công; rồi đường dây tải điện cũng làm mất thêm rừng nữa. <br/> -TS Lê Anh Tuấn

Cũng theo thông tin truyền thông trong nước loan đi thì tại cuộc họp giữa Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội và các bên liên quan hồi ngày 23 tháng 4 vừa rồi, ông Võ Đại Hải, dù có thừa nhận diện tích rừng mất cho thủy điện là 20 ngàn héc ta và việc trồng lại rất ít; thế nhưng ông này nói rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong qui hoạch điện 7 đã được thủ tướng duyệt, như thế là đủ căn cứ pháp lý để triển khai.

Ông này cũng cho rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được tính đến trong quy hoạch bảo tồn và phát triển của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam rồi.

Phó tổng cục trưởng Cục Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Võ Đại Hải còn nhắc lại là bộ trưởng Cao Đức Phát của bộ này đã đi khảo sát thực tế và khẳng định khu vực dự kiến xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là khu rừng nghèo; nên dù có những ảnh hưởng vẫn bảo đảm các mục tiêu cơ bản của Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Đỗ Đức Quân, thuộc Bộ Công Thương còn lên tiếng cho rằng diện tích đất rừng mà hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chiếm dụng ít hơn so với những dự án khác, chỉ trên 370 héc ta. Ông này cho rằng hồ chứa của hai thủy điện này dung tích nhỏ, đập thấp. Lý do vì điều tiết chính vẫn là hai thủy điện Đồng Nai 2 và Đồng Nai 3 trên thượng nguồn.

Ông Đỗ Đức Quân còn khẳng định khi thực hiện dự án Đồng Nai 6 và 6A dù có làm ảnh hưởng đến các loài động, thực vật; nhưng không làm mất hẳn sự đa dạng sinh học.

Vụ trưởng Đỗ Đức Quân còn đưa ra nhận định là ở Việt Nam khí sắp hết, than phải nhập nên cần xem xét hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì lợi ích chung.

Bàn về lợi ích của một công trình chưa được thực hiện hẳn khó khăn vì biết bao yếu tố và chỉ số mà những nhà chuyên môn vẫn chưa có thể chắc chắn. Trong khi đó thực tế tại Việt Nam chứng minh có những công trình thủy điện như Sông Tranh 2, Dak Mil 4… đang gặp nhiều trở ngại. Lợi ích kinh tế chưa thấy đâu; trong khi ấy thì những bất lợi gây hại cho cuộc sống con người, cho môi trường tự nhiên đã rõ ràng và giá phải trả được cho là quá đắt.

Người dân vẫn chờ vào sự sáng suốt của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp sắp tới ở Hà Nội. Nếu có biểu quyết cho dự án, thì lợi ích chung của dân chúng, của cộng đồng có được đặt lên trên hết; hay là vì lợi ích của nhóm nào đó!

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.