Dư luận xã hội trước thông tin thả gái bán dâm

Tin về 900 người từng bán dâm đang được thả theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính tạo nên nhiều nguồn dư luận mừng vui, lo lắng trái chiều.

0:00 / 0:00

Chỉ xử phạt hành chính

Theo khoản 1 điều 2 Nghị quyết 24 của Quốc hội khóa 13 là “không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Những người có hành vi bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”, hiện có gần 900 người từng hành nghề mại dâm trên cả nước đang được trả tự do từ các trại phục hồi nhân phẩm. Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu tháng 7 chỉ áp dụng biện pháp hành chính đối với người bán dâm là phạt tiền ở mức 300 ngàn đồng đối với lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm.

Trong những trại phục hồi nhân phẩm dù được đối xử tốt nhưng chắc chắn những người từng hành nghề bán dâm sẽ rất mừng vui vì được trở lại với cộng đồng, xã hội trước luật định mới của chính phủ vừa ban hành. Không chỉ là niềm vui của những người “trong cuộc” mà các nhà xã hội học cũng nhận định nghị quyết 24 là một nghị định mang tính nhân văn. Chuyên gia xã hội học, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho đài RFA biết là quyết định giải tán những trại phục hồi nhân phẩm để quản lý các cô gái là một việc làm được cân nhắc kỹ lưỡng.Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói:

“Những giải pháp mới đây có những thay đổi là thay vì tập trung rồi có những hình thức“cải tạo”(để trong ngoặc kép) thì người ta cũng chỉ xử phạt hành chính, răn đe, nhắc nhở, và và những giải pháp quản lý từ cấp cộng đồng, từ cấp cơ sở thì mang tính con người hơn. Và cũng không phải vì thế mà mang tính chất khuyến khích bùng nổ thực trạng này. Vì một số tác giả báo chí hay những nhà hoạt động xã hội thì lo lắng sẽ bùng nổ. Thật ra có bùng nổ thì đến một lúc nào đó cũng sẽ bão hòa”.

Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng trong mọi chế độ xã hội, mại dâm vẫn là thực trạng hiện tồn. Trong nhu cầu tự thân vận động của xã hội thì dù có “ngăn sông cấm chợ” hay cấm đoán theo kiểu cực quyền thì vẫn tồn tại. Trong xu hướng hội nhập và theo dòng chảy chung của thế giới thì cách nhìn nhận về thực tiễn đời sống xã hội sẽ dần dần cởi mở hơn.

Một số tác giả báo chí hay những nhà hoạt động xã hội thì lo lắng sẽ bùng nổ. Thật ra có bùng nổ thì đến một lúc nào đó cũng sẽ bão hòa.<br/>Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình<br/> <br/>

Trong các cuộc tiếp xúc với những hướng dẫn viên du lịch trong nước, họ cho biết đi đôi với những sự kiện được tổ chức hàng loạt để thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam thì hoạt động động mại dâm vẫn âm thầm nhưng sôi động khi Việt Nam càng có nhiều du khách đến tham quan. Theo chia sẻ của nhiều hướng dẫn viên du lịch thì đa phần du khách Châu Á có nhu cầu tìm đến những nơi “buôn hương bán phấn” là rất nhiều. Cô hướng dẫn viên tên Sol chia sẻ là trong những cuộc nói chuyện với du khách, có những khách cũng đề cập đến nhu cầu muốn tìm kiếm những người bán dâm. Cô Sol cho biết:

“Thật ra thì như Sol dẫn khách Châu Âu thì họ không hỏi mình chuyện đó nhưng bạn Sol - đồng nghiệp như khách Nhật, khách Đài Loan…Đó là một phần bắt buộc trong công việc của hướng dẫn luôn đó.”

Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước không phải là ít. Trong thời gian qua, nhiều đường dây “gái gọi” hay “đi khách” của những người mẫu, diễn viên, sinh viên cả nữ lẫn nam làm dấy lên sự lo lắng cho nhiều người. Sự lo lắng càng tăng cao khi chính sách của nhà nước thay đổi. Trên cả nước hiện có hơn 30 ngàn cô gái hành nghề mại dâm và vẫn chưa có con số thống kê cụ thể đối với nam giới. Phần lớn những người hành nghề này đang mắc các chứng bệnh nguy hiểm như HIV và nghiện ma túy. Trong số gần 900 cô gái được trả về với xã hội, người dân không được nghe bất kỳ tin tức gì về việc các cô gái này có được hỗ trợ nghề nghiệp hay được chữa các chứng bệnh mà khi hành nghề họ đã vướng phải.

Trả lời báo VNExpress, ông Nguyễn Ngọc Thạch, trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. HCM cho biết sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua, tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố có dấu hiệu gia tăng. Vì những người hành nghề mại dâm khi bị bắt sẽ sẵn sàng nộp phạt và lại tiếp tục hành nghề. Ông Thạch nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng về nhận thức của giá trị tốt đẹp trong tình yêu và hôn nhân sẽ bị xem nhẹ, cũng như sẽ có rất nhiều người trẻ bị lôi kéo vào con đường mại dâm vì lợi nhuận cao mà không bị xử lý mạnh.

Người dân nghĩ gì

Hai cô gái Hà Nội đang trò chuyện với khách nước ngoài tại một hộp đêm. AFP photo
Hai cô gái Hà Nội đang trò chuyện với khách nước ngoài tại một hộp đêm. AFP photo (Hai cô gái Hà Nội đang trò chuyện với khách nước ngoài tại một hộp đêm. AFP photo)

Cuộc sống với quá nhiều bộn bề lo toan của những người phụ nữ trong gia đình dường như lại còn chồng chất lên thêm nỗi lo lắng cho hạnh phúc gia đình khi phải đối diện với thực trạng mại dâm hiện tại. Vì đâu họ phải lo lắng nhiều đến vậy? Một người vợ, người mẹ chia sẻ:

“Theo tâm lý của chúng tôi nếu mà dễ dàng quá như vậy thì lo. Lo đây là con cái mình sẽ bắt chước nhìn vào đó hoặc là dễ bị sa ngã vào con đường đó. Chồng con mình nếu là nam giới cũng dễ bị những vấn nạn đó lôi kéo. Tại vì tâm lý phụ nữ chung mà: khi người ta cảm thấy bình thường cái chuyện ăn bánh trả tiền, cảm giác của tôi là một người phụ nữ thì rất là lo lắng, lo lắng cho thế hệ sau này sẽ đi về đâu.”

Nỗi lo lắng của những người vợ, người mẹ không phải là không có cơ sở. Vì trong số những cô gái được trả về từ những trại phục hồi nhân phẩm mấy ai muốn có cuộc sống hoàn lương? Và còn những căn bệnh của thể kỷ có thể xâm nhập vào mái ấm gia đình bất cứ lúc nào.

Theo tâm lý của chúng tôi nếu mà dễ dàng quá như vậy thì lo. Lo đây là con cái mình sẽ bắt chước nhìn vào đó hoặc là dễ bị sa ngã vào con đường đó. <br/>Một phụ nữ <br/>

Anh V. L., một người từng thuộc thành phần trong thế giới “ngầm” cho đài RFA biết có khoảng 30% các cô gái hành nghề mại dâm mà anh quen biết quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi ra khỏi trại phục hồi nhân phẩm và 70% các cô vẫn trở lại nghề cũ. Anh V. L. nói:

"Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một suy nghĩ, có đôi khi mỗi người là cái nghiệp thôi. Đa phần là những cô gái dưới quê, họ lên đây bươn chải bằng những nghề đó, cho nên họ không muốn trở về quê với hai bàn tay trắng nên họ vẫn quay lại nghề. Một số được may mắn, họ không phải quay lại con đường cũ nhưng số đó thật sự là rất ít. Vì trong giới này, họ nói họ đã xuống vực thẳm rồi, họ không lên được nữa và nằm trong bùn nhơ thì họ không có cửa quay về."

Nghị quyết 24 của Quốc hội Khóa 13 được đánh giá cao về tính nhân đạo. Tuy nhiên, nỗi lo chung của xã hội về hiện trạng mãi dâm vẫn đang trông chờ vào một giải pháp khả dĩ vừa giúp những cô gái bất hạnh trở về với đời sống cộng đồng mà còn giáo dục cho xã hội biết sự nguy hiểm khi mang sinh mạng của mình và gia đình ra đánh đổi một cuộc vui ngắn ngủi.

Theo dòng thời sự: