Một dân oan tử vong khi biểu tình tại Hà Nội

Một bà lão 75 tuổi tử vong hồi sáng thứ Hai, 12 tháng 11 do tham gia biểu tình phản đối chính phủ tại Hà Nội.

Chưa rõ nguyên nhân?

Người chết tên Hà Thị Nhung, sinh năm 1937, quê ở xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bà Nhung chết trong lúc tham gia cùng một số dân oan khác biểu tình tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội vào sáng sớm thứ Hai. Một phụ nữ dân oan tham gia cuộc biểu tình trên cho biết hoàn cảnh lúc đó:

“Người ta khóc, la hét mà công an thì không cho và xua đuổi. Bà Nhung bạn tôi lúc đó đang la hét. Tôi cũng đang bị mệt và kêu bà ngồi xuống. Bà bức xúc quá rồi chết, cứu chữa mãi không được. Từ lúc bà chết thì tôi cũng bị sốc vì tôi cũng bị rơi vào cảnh đó nhiều lần rồi – tức là bức xúc vì bị vu khống, vắt chanh bỏ vỏ của chính quyền”.

Sự việc xảy ra lúc hơn 7 giờ sáng khi khoảng hơn 10 người dân oan và những gia đình có công với cách mạng từ các tỉnh Bình Dương, An Giang, Bình Thuận, Thanh Hóa, Thái Bình… tập trung chờ đợi các đại biểu quốc hội với hy vọng sẽ nói lên được những bức xúc đối với chính quyền cấp địa phương. Những dân oan mang các biểu ngữ khác nhau nhằm chuyển tải khuất tất của mình. Riêng bà Hà Thị Nhung thì muốn xin chế độ hưu bổng. Một dân oan khác thuật lại:

Một dân oan

“Bác Nhung cũng cùng ra đó và giương biểu ngữ của bác ấy là xin được chế độ hưu nhưng chính quyền địa phương không cho. Lúc đó có 7 công an viên mặc sắc phục và 7 người mặc đồ dân phòng ngăn cản chúng tôi. Bản thân tôi bị một anh dân phòng lôi kéo và bấm tay, còn bác Nhung bị một số công an áp sát vào, lấn vào từ từ. Không hiểu sao bác chết lịm tại đó”.

Nguyên nhân cái chết hiện chưa được thông báo và cũng đưa ra nhiều đồn đoán khác nhau. Sự suất hiện và ngăn chặn biểu tình của cảnh sát cũng làm cộng đồng mạng đặt ra giả thuyết bà bị cảnh sát xô xát. Tuy nhiên, những người được đài RFA phỏng vấn đều cho biết dù xảy ra cảnh xua đuổi nhưng không xảy ra xô xát đối với bà lão. Một nữ dân oan khác nói thêm:

“Công an không có hành động gì đối với bà cả. Khi bà được dìu vào thì bà than mệt. Sau đó bà bất tỉnh là chúng tôi xoa dầu cho bà thì khoảng 15 phút sau bà chết”.

Sau khi chết một cách đột ngột tại vườn hoa Lý Tự Trọng, bà Nhung được cơ quan công quyền có mặt tại chỗ đưa đến bệnh viện Saint Paul. Một số dân oan đã cùng đi đến bệnh viện tìm hiểu nguyên nhân cái chết nhưng bị ngăn cản và cách ly. Nữ dân oan cho biết:

“Sự việc xảy ra đột ngột. Tôi ở chung với bác Nhung ba hôm nay nhưng không thấy bác có biểu hiện sức khỏe kém gì cả. Cho nên tôi không hiểu vì sao nên đã đi theo đến bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân vì sao bà chết”.

Công an dân phòng tại khu vực dân oan biểu tình ở Hà Nội hôm 12-11-2012. Courtesy lhdttblog.
Công an dân phòng tại khu vực dân oan biểu tình ở Hà Nội hôm 12-11-2012. Courtesy lhdttblog.

Xác bà Nhung được đặt cách ly trong nhà xác. Theo những người chứng kiến sự việc, khi khám nghiệm tử thi, ngoài các bác sĩ và phía chính quyền, còn có một người con của bà Nhung.

Bà Nhung ra Hà Nội đã mấy ngày nay, ở cùng các dân oan khác để kêu oan về các vấn đề từ đất đai, oan ức đến chính sách đãi ngộ người có công với cách mạng. Những người ở chung với bà mấy ngày trước khi bà mất mô tả bà Nhung khỏe mạnh và không có biểu hiện bệnh tật nào đáng kể. Bà Nhung với mọi người bà phục vụ cho nhà nước khoảng 20 năm và được trao tặng huân chương kháng chiến hạng nhì. Đã nhiều năm nay bà gõ cửa nhiều cơ quan nhà nước với hy vọng được hưởng chế độ hưu bổng:

“Bà nói là vì sao bà chỉ được cấp huân chương mà không cấp lương hàng tháng. Khi bà nộp đơn xin chế độ thì chính quyền xã không chứng cho bà. Trước đó trụ sở ủy ban địa phương bà bị cháy nên chứng từ gốc không còn nên không làm được duyệt. Bà ra đây có mang theo huân chương và nhờ chúng tôi làm đơn”.

Những người ở chung với bà Nhung giúp bà làm 6 bộ đơn. Một bộ đã được gởi bưu điện hôm sáng thứ Hai, còn 5 bộ còn lại cũng bị thất lại sau khi bà mất. Những người dân oan khác muốn giúp đỡ bà cho biết đã nhiều lần tìm cách tiếp cận người nhà của bà để trao những kỷ vật cũng như những lời trăn trối lúc cuối đồi của bà Nhung. Tuy nhiên, họ bị công an ngăn cản:

“Mong ước cuối đời của bác được cầm quyển sổ lương hưu hai ngày rồi chết cũng được. Đó là lời nói rất đáng thương của một người trên 70 tuổi mà phải vác đơn từ, bị, gậy đi gõi cửa cơ quan nhà nước”.

Người dân hoang mang

Một dân oan

Trong lúc cái chết của bà Nhung làm nhiều dân oan hoang mang và dè dặt, một vài người tỏ ra e ngại khi tiếp xúc với báo chí thì các dân oan khác lại cho rằng cái chết của bà Nhung làm họ quyết tâm chống lại bất công. Nữ dân oan không muốn nêu tên thuật lại:

“Bản thân tôi đây là một sự bất công, là một nỗi buồn và sự chính đáng. Đối với tôi, những gì sai trái bất công thì tôi kiên quyết tiến tới để xóa bớt bất công.”

Đồng ý kiến của dân oan trên, một dân oan khác chia sẻ:

“Mình đi đòi công lý, mình là đình chính sách mà làm sao bỏ cuộc được. Gia đình tôi có truyền thống cách mạng mà nay bị chính quyền đàn áp thì tôi phải đi chứ, cương quyết chống tham nhũng.”

Chúng tôi cũng liên lạc với bà Lê Hiền Đức, một nhân vật nổi tiếng về đấu tranh chống tham nhũng và gần gũi với dân oan thì được biết bà cũng nhận thông tin và có mặt ở hiện trường khi xác bà Nhung được đưa vào bệnh viện Saint Paul. Tuy nhiên, bà cũng cho biết nguyên nhân cái chết chưa được thông báo:

“Hiện nay thi thể bà Nhung chỉ có công an vào làm biên bản. Tôi có yêu cầu ông phó giám đốc bệnh viện (cho vào) nhưng ông nói là ông sẽ thẩm tra và thông báo cho tôi. Ông phó giám đốc bệnh viện nói là đã nghe tiếng tôi và biết tôi nên sẽ thông báo cho tôi biết kết quả khám nghiệm tử thi”.

Hiện chúng tôi chưa có điều kiện liên lạc với gia đình nạn nhân cũng như giới chức địa phương và những người có thẩm quyền ở bệnh viện để xác minh thêm chi tiết.

Theo dòng thời sự: