Hội nghị Thượng đỉnh với Asean lần đầu tiên do Hoa Kỳ chủ trì chính thức khai mạc vào ngày Thứ Hai, 15 Tháng 2 tại Sunnylands, Rancho Mirage, thuộc miền Nam California, nhằm thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế và an ninh khu vực.
Người Mỹ gốc Á biểu tình
Trong khi Hội nghị diễn ra bên trong, thì ở bên ngoài, hàng ngàn người Mỹ gốc Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, bắt đầu cuộc biểu tình.
Dưới sự tổ chức của Liên ủy Ban chống Cộng sản và tay sai cùng sự yểm trợ của tổ chức Cộng đồng người Việt quốc gia Nam Cali, đoàn người tham gia biểu tình gốc Việt đã tập trung tại Hội Đền Hùng ngay Little Saigon từ lúc 8 giờ sáng để làm lễ xuất phát và có mặt tại Sunnylands thuộc Riverside County vào lúc 10 giờ 45.
Khác với cuộc biểu tình Tập Cận Bình ở năm 2013, người biểu tình được cho phép đứng khá gần khu vực diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật đứng đầu Hoa Kỳ và Trung Quốc, lần này, đoàn người biểu tình chỉ được phép đứng ngay ngã tư đường Bob Hope và Gerald Ford, cách khá xa trung tâm Hội Nghị. Tuy nhiên, khí thế của người tham gia biểu tình không vì thế mà giảm đi, dù thời tiết miền Nam Calif. bỗng trở nên nóng bất thường trong những ngày qua.
Tham gia cuộc biểu tình ngày hôm nay mục đích của tôi là đòi tự do dân chủ cho Việt Nam...ngày hôm nay cũng có những cộng đồng bạn như Lào, Miên, Thái cũng tới đây với mục đích đòi tự do dân chủ và chống độc tài. <br/> - Ông Phạm Hữu Tuấn
Ông Phạm Hữu Tuấn, ngoài 70 tuổi, một cựu sĩ quan QLVNCH, cư dân Garden Grove, tham gia trong đoàn biểu tình cho biết,
“Tham gia cuộc biểu tình ngày hôm nay mục đích của tôi là đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Tôi rất lấy làm mừng vì ngày hôm nay cũng có những cộng đồng bạn như Lào, Miên, Thái cũng tới đây với mục đích đòi tự do dân chủ và chống độc tài. Mình thấy đó là trào lưu của nhân loại bây giờ, không ai chấp nhận một chế độ cộng sản độc tài tàn ác man rợ như vậy. Cho nên là người mà có sự suy tư thì tôi phải làm theo lương tâm cũng như sự hiểu biết của tôi, cho nên tôi có mặt ngày hôm nay mặc dù tôi cũng lớn tuổi, nhiều bệnh nhưng tôi cũng ráng đi vì tôi thấy mình góp một phần nhỏ nhoi vào công việc đó.
Mặc dù trời nắng nhưng mọi người đều đứng dưới nắng hết, các cộng đồng bạn cũng đông lắm, tôi thấy cộng đồng Cambodia có lẽ là đông lắm. Rồi tới Thái Lan, Lào.”
Bà Tuyết Anh, một giáo dân thuộc Cộng đoàn La Vang, cư dân Fountain Valley, bày tỏ:
“Tôi nghe thấy gì biểu tình chống Cộng là dù đau cách mấy tôi cũng ráng đi. Tôi đi không phải vì ở bên này mà là để ủng hộ cho quốc nội cho người ta có tinh thần chống Cộng.
Mà nắng quá cô ạ. Nắng đến nỗi mà chiếc quần đang mặc nóng lên như lò lửa bám vào trong thịt đó cô. Nhưng mà cũng phải ráng thôi vì việc đi biểu tình đông như thế này thì mình phải đi, đi để bên này có sự đoàn kết với nhau và cũng để cho bên Việt Nam nhìn thấy để họ có tinh thần, tức hải ngoại chúng tôi không bỏ những người ở quốc nội.”
Ông Trần Trọng An Sơn, một cựu sĩ quan thuộc QLVNCH, dù phải ngồi xe lăn, cũng không từ nan việc tham gia vào đoàn biểu tình:
“Các đây 5 năm tôi bị stroke phải nằm nhà thương, hiện tại tôi bị liệt một bên nhưng tôi vẫn ra tham gia vì tiền đồ dân tộc. Tôi muốn ra với đồng bào Việt Nam vì nghe nói Tổng Thống Obama họp với 5 nước Á Châu, trong đó có Việt Cộng. Tôi muốn lấy kinh nghiệm của bản thân tôi cũng như kinh nghiệm của Việt Nam mình là đừng bao giờ nghe cộng sản nói,cộng sản không có bao giờ thật hết.”
Ông Bùi Thế Phát, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Nam Cali, cũng là nghị viên thành phố Garden Grove, trình bày về mục đích của cuộc biểu tình:
“Hai thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến cho Tổng Thống là thứ nhất, ông phải có thái độ cứng rắn và cương quyết đối với Trung Cộng trong việc Trung Cộng bành trướng và xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam cộng hòa cũng như của Philippines và một phần của Indonesia. Chúng ta phải đòi hỏi và đây là một quyền lợi của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trong vùng đòi hỏi Trung cộng phải tôn trọng luật hàng hải thế giới cũng như tôn trọng đường hàng hải và mậu dịch quốc tế đi ngang qua đó.
Thứ hai là chúng tôi muốn gửi đến Tổng Thống obama là Hiệp định Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương. Dĩ nhiên là chúng tôi hiểu Hoa kỳ cần có hiệp định đó để dùng nó làm bước kiềm chân cho sự bành trướng của Trung Cộng, tuy nhiên chúng tôi muốn chính phủ Hoa Kỳ phải có những điều kiện cụ thể và rõ ràng đối với nhà cầm quyền cộng sản. Đó là những thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến cho Tổng Thống Obama.”
Cùng tham gia trong đoàn biểu tình, ngoài đông đảo người Việt sống tại vùng Little Saigon, còn có sự tham dự của cộng đồng người Việt tại San Diego, Los Angeles. Đặc biệt có người đến từ New York, Seattle.
Ông Nguyễn Văn Tánh, cựu chủ tịch cộng đồng Người Việt quốc Gia New York, lần đầu tiên tham gia biểu tình cùng với cộng đồng miền Nam California, nhận xét:
“Mặc dù đi mất hai tiếng đồng hồ để đến địa điểm, trời nóng trên 90 độ so với ở đây, và hơn cả 100 độ so với New York bởi không khí ở đây rất là hốc vì đất đá nhiều nên khí hậu làm cho người khô khan, tạo cho anh em tham dự biểu tình uống nước và thứ hai là hô hào la lối một lát dễ bị xỉu nên làm cho người dễ mệt mỏi nhiều hơn. Nhưng mà tôi thấy tinh thần của những người Việt tại hải ngoại rất là cao. Họ đã có một tinh thần tự nguyện cũng như hòa với tất cả các quốc gia Lào, Cambodia. Họ có cả hàng ngàn người đã đứng cả hai góc đường để hô hào một cách lớn tiếng. Cộng đồng người Việt chúng ta cũng rất có thiện chí, có những người đàn bà, những người lớn tuổi cũng quyết tâm thực hiện những khát vọng tự do dân chủ mà họ đòi hỏi cho người khác, họ vẫn có một tâm niệm đối với quê hương dân tộc, mặc dù là họ đang sống trong tự do thanh bình tại Hoa Kỳ này.”
Tôi nghe thấy gì biểu tình chống Cộng là dù đau cách mấy tôi cũng ráng đi. Tôi đi không phải vì ở bên này mà là để ủng hộ cho quốc nội cho người ta có tinh thần chống Cộng.<br/> - Bà Tuyết Anh
Trong khi người Mỹ gốc Việt biểu tình phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, chống lại chế độ độc tài Cộng Sản, đòi hỏi Tự do - Dân quyền, với những khẩu hiệu như “Ðã đảo Cộng Sản hèn với giặc, ác với dân,” “Ðã đảo Nguyễn Tấn Dũng,” “Freedom for Việt Nam,” “Down with Communist,” “Down with Red China”, thì người Mỹ gốc Lào biểu tình việc trưng thu đất đai của công dân để bán cho các quốc gia láng giềng, người Mỹ gốc Campuchia biểu tình yêu cầu Hun Sen từ chức. Bên cạnh đó, người ta nhìn thấy nhiều biểu ngữ như “Please don’t abuse Cambodians again”, “Say No to TPP, say YES to Human Rights in Cambodia”, “We demand freedom and democracy for all Lao people”…
Ðây là lần đầu tiên lãnh đạo các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Cambodia có cuộc gặp độc lập tại Hoa Kỳ. Cuộc họp trong ngày Thứ Hai 15 Tháng Hai chỉ tập trung vào chuyện kinh tế. Sang ngày Thứ Ba, 16 Tháng Hai, chủ đề là an ninh khu vực, bao gồm cả khu vực Biển Ðông và chống khủng bố.
Và đoàn người biểu tình vẫn sẽ tiếp tục có mặt, bất chấp cái nắng chói chang, bất chấp cơn khát cháy cổ, bất chấp cả bệnh tật cá nhân, để nêu lên khát vọng không phải cho chính bản thân mình, mà cho đồng bào mình nơi cố quốc.