Gây xôn xao dư luận
Bộ Y tế vừa đề nghị giới truyền thông ngừng đưa các thông tin liên quan đến chất PSE, vì có thể gây hoang mang, thắc mắc trong dư luận. Đỗ Hiếu tóm lược các chi tiết đang gây xôn xao trong dân chúng.
Mới tuần trước, tại cuộc tiếp xúc với Ban Báo chí trung ương, đại diện Bộ Y tế chính thức thông báo, việc quản lý chất PSE dùng làm thuốc trị bệnh trong suốt thời gian qua đến nay rất chặt chẽ, chưa để xảy ra thất thoát hay bị lạm dụng.
Tuy nhiên trái với sự khẳng định của Bộ Y tế, thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang, đương kiêm Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc lại tuyên bố rằng đang có chuyện tiền chất PSE bị lạm dụng, thu gom để làm thành ma túy tổng hợp, còn gọi là ma túy “đá” hay “Ice”. Theo báo chí thì cách giải thích như vậy của ông Quang khiến người dân có thể hiểu là Bộ Y tế thiếu trách nhiệm để các cơ sở sản xuất y dược tiếp tay cho tội phạm ma túy.
Mặc dù ngành y tế khẳng định là việc nhập khẩu chất PSE được quản lý chặt chẽ nhưng theo báo cáo từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thì gần đây công ty dược phẩm Pharma có sự gia tăng khó hiểu về số lượng nhập PSE. Cả năm 2010, Pharma nhập một ngàn kí lô nguyên liệu này, nhưng chỉ 6 tháng đầu năm nay công ty mua về tới bốn ngàn kí lô PSE.
Trước thông tin này, Bộ Y tế đã không giải thích rõ việc nhập khẩu bất thường chất PSE của Pharma mà lại đưa ra lý do là vì “thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường dịch cảm cúm bùng phát mạnh nên nhu cầu sử dụng thuốc chứa PSE gia tăng”. Bộ Y tế cũng cho ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan báo chí không nói đến việc nhập khẩu bất thường chất PSE vào Việt Nam, vì người dân sẽ không dám sử dụng thuốc cảm cúm để chữa bệnh, khi biết rằng PSE được sử dụng để bào chế thuốc trị cảm cúm mà không cần bác sĩ cho toa.
Với một kiến thức về hóa học, hóa chất rất căn bản, với dụng cụ thô sơ, bất cứ ai cũng có thể biến chế thuốc Pseudoephedrine thành ra ‘thuốc lắc’.
Dược sĩ Nguyễn Mậu Trinh
Theo các báo thì cách giải thích của thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang khiến việc nhập khẩu, chế biến sử dụng thuốc PSE thêm rối ren, trong khi chưa có bằng chứng cụ thể nào đưa đến kết luận cho thấy có sự thiếu sót từ Bộ Y tế trong quản lý chất gây nghiện Pseudoephedrine và vô tình để cho các cơ sở sản xuất tân dược tiếp tay cho tội phạm ma túy, còn chính cá nhân ông là “người đứng ngoài cuộc”.
Khi được hỏi về đặc tính của chất Pseudoephedrine gọi tắt là PSE cùng những rủi ro của dược liệu này một khi có sự lạm dụng hướng đến mục tiêu không chính đáng, dược sĩ Nguyễn Mậu Trinh, đang hành nghề tại vùng thủ đô Washington nhấn mạnh:
“Dùng thuốc Pseudoephedrine, cho việc trị cảm cúm để dễ thở, khỏi bị nghẹt mũi, Hoa Kỳ đã dùng từ lâu, đây cũng là dược chất từ cây cỏ mà Đông Phương đã dùng từ mấy ngàn năm. Đó là cây Ma Hoàng, làm ra chất Ephedrine, trị hen suyễn, sau này người ta dùng hóa học để bào chế ra chất Pseudoephedrine, có nồng độ dễ định chuẩn hơn, nhưng từ ngày có sự lạm dụng, mà bên Mỹ cũng đã phát hiện có lạm dụng, chính Bộ Y tế cũng như chính phủ Hoa Kỳ quản lý rất chặt chẽ.
Từ năm 2006 là ở Mỹ không được bán tự do, ngay những nhà sản xuất cũng phải khai báo là nhập bao nhiêu, thu bao nhiêu, đi về đâu, rất rõ ràng, người bán lẻ ở dược phòng cũng vậy. Hồi trước thì mua tự do ở ngoài kệ, bây giờ phải có toa. Với một kiến thức về hóa học, hóa chất rất căn bản, với dụng cụ thô sơ, bất cứ ai cũng có thể biến chế thuốc Pseudoephedrine thành ra ‘thuốc lắc’, tức là Metaphetamine, một loại thuốc kích thích làm mình nghiện. Biến chứng là làm tăng máu, làm động tim, khi đã bán ra thị trường cho người bị ghiền thì tử vong đã từng xảy ra rồi.”
Chuyện "tế nhị" của ngành dược
Qua câu chuyện với RFA, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngành dược có trách nhiệm phải bảo vệ sức khỏe của người dân, bằng mọi giá:
“Cục Dược là cơ quan kiểm soát thuốc tương đối chu đáo, cần phải có bằng chứng, có thông tin, thời gian khảo nghiệm, đánh giá, vì thế mà sự cẩn trọng của Bộ Y tế, tôi nghĩ là thỏa đáng và các nhà phân phối cần có sự kiên nhẫn để chứng minh rằng thuốc của mình là an toàn, cho các đặc tính về chủng tộc, nhóm gien khác nhau, tránh những tác dụng ngoài ý muốn.”
Theo bác sĩ Mai thì những thông tin do báo chí nêu lên cho rằng thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang “cố tình làm rối dư luận” là ý kiến cá biệt:
“Báo này, báo nọ cũng là cá nhân, anh Cao Minh Quang là thứ trưởng Y tế phụ trách ngành dược, nên anh đưa ra những quan điểm thận trọng, phân tích nhiều chiều, phản ảnh quan điểm của nhà nước, chứ không do chính sách lúc thế này, lúc thế kia.”
Về phần dược sĩ Phạm Thanh Vân, Tổng thư ký Hội Dược học, thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng đây là một chuyện khó nói :
"Đây là một vấn đề tế nhị liên quan đến ông thứ trưởng, việc mới xảy ra không ai dám nhận xét, thấy báo cáo là có đi thanh tra công ty Pharma, không thấy vấn đề gì, tức là sử dụng đúng tiêu chuẩn. Vụ đó, xin không trả lời được vì tế nhị quá, mà nó cũng nguy hiểm quá."
Căn cứ vào thông tin do báo Tuổi Trẻ loan tải thì "lãnh đạo ngành dược đang gây rối loạn" vì có người phát tán tài liệu bí mật, thổi phồng chuyện chất PSE dùng làm thuốc trị cảm cúm lại bị lạm dụng để sản xuất ma túy, thuốc lắc, gây hoang mang trong dư luận.
Đây là một vấn đề tế nhị liên quan đến ông thứ trưởng. Vụ đó, xin không trả lời được vì tế nhị quá, mà nó cũng nguy hiểm quá.
Dược sĩ Phạm Thanh Vân
Trước tình trạng này, Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy tại Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét lại việc quản lý thuốc có chứa chất Pseudoephedrine, kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát, ngăn chặn các hoạt động bất chính, bảo đảm nhu cầu chữa bệnh cho người dân.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế Pseudoephedrine bằng Phenylephrine để sản xuất thuốc trị cảm cúm an toàn hơn và tránh mọi lạm dụng, vì thế theo báo Tuổi Trẻ thì Việt Nam cũng nên sớm thực hiện quy định ấy.
Theo thông tin của tờ Dân Việt thì thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang là người thích gây rối nội bộ ngành y tế, ngành duợc, những thư tố cáo tiêu cực, tham nhũng của ông đều vô căn cứ, đồng thời tờ báo cho rằng cần làm rõ tư cách đạo đức của ông, khi đi vay một tỷ đồng của ông Nguyễn Quốc Dũng, tổng giám đốc công ty dược Pharma, thuộc ngành chuyên môn do ông phụ trách.
Mặt khác, VN Express thì nói rằng, trong các bản khai lý lịch, thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang cam đoan làm ông đạt học vị tiến sĩ tại đại học Uppsala, Thụy Điển, qua kiểm tra của cơ quan giáo dục, ông Quang chưa tốt nghiệp văn bằng này.
Vẫn theo báo chí thì những thông tin này khiến dư luận tại Việt Nam hoang mang và thắc mắc vì không hiểu chuyện nhập khẩu PSE là vấn đề được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm sức khỏe của dân chúng hay vì lý do bí mật nào khác mà màn kịch PSE chỉ là “mặt nổi” của một xì căng đan đang được phơi bày ra ánh sáng?