Áp lực nợ công đè nặng ngân sách quốc gia, trong bối cảnh bội chi triền miên. Đây là vấn đề được Quốc hội Việt Nam bàn thảo nhiều nhất trong kỳ họp cuối cùng hiện nay. Nợ công của Việt Nam đã tăng hơn 4 lần trong một thập niên, hiện nay theo Bộ Kế hoạch Đầu tư nợ công là 66,4% GDP Tổng sản phẩm nội địa, còn bộ tài chính thì báo cáo chỉ có 59,6% tính đến hết năm 2014. Phải chăng nợ công của Việt Nam đã rơi vào tình trạng nguy hiểm vượt trần cho phép 65% và khả năng trả nợ rất khó khăn. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này qua phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội, trước hết PGSTS Ngô Trí Long nhận định:
Tôi nghĩ cách tính thứ nhất phải đi theo thông lệ quốc tế, đó là chuẩn nhất. Thứ hai quan trọng nhất không phải mức nợ bao nhiêu, mà vấn đề hiện nay xu hướng nợ công của Việt Nam tăng nhanh và nguồn để trả nợ rất là hạn hẹp, hầu như không có. Một trong những vấn đề từ bài học nhãn tiền của Hy Lạp là gì? là sự không minh bạch, không rõ ràng mà báo cáo tô toàn màu hồng, rồi đến một lúc nào đó bản chất của nó lộ ra thì sẽ đi đến vỡ nợ.
Sự thực đó hiện nay là vấn đề Quốc hội đang quan tâm, thứ nhất là vấn đề ngân sách thiếu bền vững. Mặc dù thu thì luôn luôn vượt chỉ tiêu, nhưng mà thu lại không đáp ứng được chi. Vấn đề thứ hai là hiệu quả đầu tư công, hiệu quả sử dụng đồng vốn. Tất cả đều là nguyên nhân tiềm ẩn, hiện nay đối với các nước thí dụ ở Châu Âu chuẩn nợ công là 60% GDP, thâm hụt ngân sách 3% là báo động đỏ. Việt Nam thì lại khác, tất nhiên so sánh các nước là để so sánh, nghiên cứu thôi. Nhưng vấn đề bản chất của nó là khả năng chi trả, có khả năng hay không? vấn đề làm ăn có hiệu quả hay không? Vấn đề quan trọng là đánh giá thực trạng, nhưng mỗi một cơ quan lại đánh giá khác nhau và Chính phủ thì dựa vào Bộ Tài chính, cho nên số liệu là màu hồng. Đây là những cảnh báo nguy cơ vấn đề nợ công của Việt Nam.
Nam Nguyên: Như Giáo sư có nói, vay để phát triển có nghĩa là vốn vay phải giúp làm lợi, sinh lời có tiền để trả nợ và tái đầu tư. Nó liên quan đến hiệu quả đầu tư, chi phí và năng suất lao động. Phải chăng Việt Nam rất kém, không thuận lợi trong những đánh giá này?
Vấn đề quan trọng là đánh giá thực trạng, nhưng mỗi một cơ quan lại đánh giá khác nhau và Chính phủ thì dựa vào Bộ Tài chính, cho nên số liệu là màu hồng. Đây là những cảnh báo nguy cơ vấn đề nợ công của Việt Nam.<br/> - PGSTS Ngô Trí Long
PGSTS Ngô Trí Long: Điều này hoàn toàn chính xác, bởi vì trong cơ cấu tổng số nguồn chi của ngân sách, trong cơ cấu thu và chi mặc dầu thu luôn luôn vượt dự toán nhưng chi lại quá phần thu đó, đấy là sự nguy hiểm. Nguy hiểm thứ hai là cơ cấu chi của ngân sách, chi thường xuyên chiếm quá lớn, hiện nay là hơn 70% và phần còn lại thì chủ yếu là để trả nợ. Trong khi theo qui định của Việt Nam cũng như quốc tế, chi để trả nợ trên 25% nguồn thu là cực kỳ nguy hiểm, Việt Nam đang tiếp cận ngưỡng đó. Trong điều kiện đó vay hiện nay nói là phục vụ cho đầu tư nhưng thực chất phục vụ cho vấn đề tiêu dùng, chi thường xuyên. Cho nên bối cảnh thực trạng nợ công Việt Nam thì đây là sự cảnh báo, báo động rất là cao. Nếu cứ tiếp diễn thì trước hay sau hậu quả nhãn tiền như Hy Lạp đã xảy ra.
Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, trong 5 năm tới VN sẽ phải vay trên 3 triệu tỷ đồng để bù vào bội chi và nợ gốc đến hạn. Câu chuyện này thực chất như thế nào, có đại biểu Quốc hội nói nợ 10 năm đời con phải trả, nợ 30 năm thì đời cháu phải thanh toán. Nhận định gì?
PGSTS Ngô Trí Long: Nói chung nguy cơ về nợ công không phải trong tương lai mà đã hiện hữu trước mắt rồi. Không những trước mắt phải trả mà đời con, đời cháu phải trả, không làm khác được. Với cái kiểu như hiện nay thì vài chục năm nữa cũng chưa trả hết nợ được, điều này là nhãn tiền. Thực trạng nợ công Việt Nam hiện nay nói tóm gọn là như vậy.
Làm sao giữ cho nợ công an toàn
Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, khi biết được tất cả những thiếu sót khiếm khuyết của hệ thống như vậy, có giải pháp nào được đưa ra để giữ cho nợ công được an toàn hay không ?
PGSTS Ngô Trí Long: Nói chung như tôi đã có bài viết, trên báo chí cũng có rất nhiều giải pháp. Nhưng vấn đề căn bản thực thi nó như thế nào, lời nói có đi đôi với nhau hay không mới là vấn đề quan trọng. Giải pháp thì rất nhiều chuyên gia có đề án tái cơ cấu, quản lý, xử lý đầy đủ mọi lĩnh vực, tất cả rất rõ. Nhưng căn bản thực thi có đúng hay không, có thanh kiểm tra đúng hay không và có kiên quyết hay không. Thí dụ như vậy, chứ Luật Đầu tư công đã bắt đầu ban hành rồi, nhưng thực thi nó như thế nào có hiệu quả hay không thì đó là một vấn đề. Giải pháp rất là nhiều, các chuyên gia, các đề án, cơ quan chức năng đều nói nhưng cốt lõi vẫn là vấn đề thực thi. Đây chính là sự nguy hiểm báo động của vấn đề nợ công hiện nay ở Việt Nam.
Nam Nguyên: Và cái chính có phải là phải giảm chi tiêu hay không, hiện nay vẫn quá tay chi tiêu rất bừa bãi. Thưa điều này có đúng hay không?
PGSTS Ngô Trí Long: Với một bộ máy, cồng kềnh như của Việt Nam mà ngay đại biểu Quốc hội cũng nói là, rất nhiều tổ chức cùng song hành như tổ chức Đảng, tổ chức Chính quyền, tổ chức các đoàn thể và tất cả đều ăn lương nhà nước, trong khi đó năng suất lao động thì thấp, đây là sự nguy hiểm. Ở Quảng Ninh đã thí điểm nhất thể hóa giữa cơ quan Đảng với cơ quan Chính quyền. Người ta thấy vấn đề đó nhưng họ không triển khai, không thực hiện và với một bộ máy cồng kềnh lớn như hiện nay thì không có một nguồn ngân sách nào có thể kham nổi, đủ nuôi nổi bộ máy như vậy. Chắc chắn với việc đầu tư, trong khi phải nuôi bộ máy quá lớn như vậy thì tiền phát triển cho đầu tư, mà chính nguồn này mới là để trả nợ, không được coi trọng, không đúng thì mức nợ tăng cao và nguồn thu để trả mức nợ đó lại không có, hạn hẹp. Cuối cùng có dẫn tới vỡ nợ thì cũng là chuyện bình thường.
Giải pháp rất là nhiều, các chuyên gia, các đề án, cơ quan chức năng đều nói nhưng cốt lõi vẫn là vấn đề thực thi. Đây chính là sự nguy hiểm báo động của vấn đề nợ công hiện nay ở Việt Nam.<br/> - PGSTS Ngô Trí Long
Nam Nguyên: Thưa ngoài những chuyện bộ máy kềnh càng lớn quá, phải chi cho bộ máy nhiều quá thì lại còn vấn đề thực hiện những dự án không thiết thực tiêu tốn rất nhiều tiền, thí dụ các dự án tượng đài, hoặc dự án cải cách sách giáo khoa lên tới mấy chục ngàn tỷ, rồi sau mới rút xuống. Thực trạng là chi tiêu bừa bãi không nghĩ tới việc phải trả nợ?
PGSTS Ngô Trí Long: Đây là vấn đề thanh kiểm tra giám sát việc chi tiêu hay là đầu tư không hiệu quả, đầu tư dàn trải, thất thoát, tham nhũng rất là lớn. Ví dụ đầu tư cho giáo dục hiện nay so với thế giới thuộc loại rất cao so với GDP, nhưng thực chất hiệu quả không có. Nói cách khác hiệu quả rất là kém, việc này chắc chắn dẫn tới hiện tượng là khó có thặng dư, tức tiền thừa để có thể trả nợ được.
Hiệu quả theo chúng tôi hiểu một cách rất đơn giản, đó là thu lớn hơn chi hay là đầu ra lớn hơn đầu vào. Điều này Việt Nam hoàn toàn không có và sẽ gây hậu quả khó lường.
Nam Nguyên: Cảm ơn Giáo sư Ngô Trí Long đã trả lời phỏng vấn.