Xe buýt là phương tiện được chú ý trước tiên như một giải pháp giải quyết phần nào hiện trạng này. Thông tín viên Nhân Khánh có bài tìm hiểu chi tiết sau đây.
Không phát huy hết hiệu quả
Quả thật, giải quyết tình trạng xuống cấp của ngành xe buýt không thể đơn giản bằng các tuyên bố hay công văn hỏa tốc. Trong bối cảnh hạ tầng chậm thay đổi, người tham gia giao thông tăng, xe buýt trở thành một phương tiện giao thông hữu hiệu nhất trong xã hội công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng không phát triển tương ứng với mức độ gia tăng của các phương tiện giao thông khác, đặc biệt là xe cá nhân, đồng thời các thành phố lớn chưa có nhiều tuyến đường dành riêng cho xe buýt nên đã không phát huy được trọn vẹn hiệu quả của loại phương tiện chuyên chở hành khách này.
Ở nước ngoài thì xe buýt đi đường riêng, không hề có xe máy chạy lạng lạng trước đầu xe. Ở đây mật độ xe máy rất là đông, đường dành cho xe buýt thì xe máy cũng choán vô đi hết rồi.
Anh Ngọc
Trong lúc việc xây dựng và mở rộng đường phố, phổ biến văn hóa giao thông… đang tiến hành thì vấn đề chất lượng dịch vụ của xe buýt cũng cần phải xem xét. Một phóng sự được phát trên VTV1 vào tối 28/11, người ta thấy phanh của xe buýt thuộc Xí nghiệp xe điện Hà Nội lưu thông trong nội thành được cột bằng dây thép và dây cao su. Hiện chưa có kết luận cuối cùng về sự việc này, cũng như chưa thấy con số thống kê chính thức về số trường hợp tương tự trên tất cả xe buýt lưu thông trên toàn quốc, song đây là một thử thách cho những hành khách dùng một phương tiện giao thông mà phải vận dụng đến lòng can đảm.
Tất nhiên không thể đổ lỗi cho bản thân chiếc xe buýt, vấn nạn giao thông lại quay về chủ thể sử dụng phương tiện là con người. Có lẽ nguyên nhân sâu xa của chất lượng dịch vụ xe buýt còn nằm ở chỗ khác, kiểu cách ứng xử của nhân viên phương tiện giao thông này khiến nhiều hành khách cảm thấy bị xúc phạm chẳng hạn.
Người ta còn nhớ vụ tài xế và phụ xe tuyến 34 (Mỹ Đình - Gia Lâm) bắt hành khách đi xe buýt quỳ xin lỗi mới mở cửa cho xuống đã dấy lên một làn sóng căm phẫn toàn xã hội. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội cho biết biện pháp xử lý của sở đối với nhân viên sai phạm và bộ phận liên đới trách nhiệm như sau:
“Đối với sự việc mắng người dân đi xe thì bản thân tôi trực tiếp về gặp người dân đó, họ quê ở Vĩnh Phú. Thứ nhất là tôi trực tiếp về tận nơi hỏi tình hình và tôi xin lỗi người ta. Thứ hai là chúng tôi đuổi việc lái xe và phụ xe ấy, đồng thời phạt tiền. Đây là hai giải pháp thực hiện ngay đối với một công việc cụ thể đấy. Còn thứ ba nữa, chúng tôi kỹ luật khiển trách tới cả những người lãnh đạo đơn vị đó. Chúng tôi cũng có hình thức là phạt hành chính đối với các doanh nghiệp đó. Và tiếp theo là chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải tăng cường hơn công tác tuyên truyền chất lượng, nội dung phục vụ trên xe buýt. Sau vụ việc đó, chúng tôi cũng thấy là thái độ phục vụ của nhân viên lái và phụ trên xe có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, đây là việc chúng tôi làm thường xuyên.”
Cơ quan chức năng bất lực?
Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải tăng cường hơn công tác tuyên truyền chất lượng, nội dung phục vụ trên xe buýt, sau đó, chúng tôi cũng thấy có nhiều chuyển biến.
Ô. Nguyễn Hoàng Linh
Tình trạng kẹt xe được các chuyên gia phân tích dưới nhiều góc cạnh mà diện tích của phương tiện buýt là một trong những nguyên nhân. Về diện tích của xe buýt lớn hơn so với xe gắn máy gấp 8 lần, với xe hơi bốn chỗ gấp 2 lần; nhưng xe buýt khiến cho hơn 50 chiếc xe gắn máy phải bỏ ở nhà vì vậy người ta sẽ thấy rằng xe buýt không phải là thủ phạm gây ùn tắc giao thông. Vai trò của vận tải công cộng sẽ góp phần vào việc hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nhưng khi đưa ra biện pháp cưỡng chế cấm xe gắn máy di chuyển trong nội đô để làm giảm ùn tắc giao thông mà chưa có một quyết sách phù hợp thì cách làm này không những bất khả thi mà còn cho thấy một cách nhìn hời hợt và võ đoán.
Với khả năng kinh tế toàn xã hội còn hạn chế, xe gắn máy là phương tiện đi lại chính của hơn 80% người dân thành phố, chủ trương ngăn cản tức thời phương tiện giao thông này là thể hiện sự bất lực của các cơ quan chức năng.
Trong lúc đang thu xếp các đối tượng liên quan đến xe buýt, như: thay đổi giờ làm và giờ học, phân làn giao thông riêng cho xe buýt… thì vấn đề nảy sinh ngay từ chất lượng dịch vụ xe buýt. Với hiện trạng tiền lương của lái và phụ xe buýt đa phần là khoán doanh thu, cộng với cách quản lý lại nặng về khoán số lượt chạy trong ngày, mọi chuyện dẫn đến hệ quả là tài xế xe buýt đã phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ trạm không đón khách để bù lại thời gian tắc đường. Riêng về sức ép về giao thông và tâm lý của nhân viên xe buýt, theo như anh Ngọc, người đang làm công tác điều độ của một Hợp tác xã Vận tải xe buýt trong thành phố Hồ Chí Minh, cho đài Á châu Tự do biết như sau:
“Nếu như ở nước ngoài thì xe buýt đi đường riêng, không hề có xe máy chạy lạng lạng trước đầu xe. Ở đây mật độ xe máy rất là đông, đường dành cho xe buýt thì xe máy cũng choán vô đi hết rồi. Đâm ra người tài xế và tiếp viên ngồi xử lý tình huống trên xe, nếu cả ngày như vậy thì người ta cũng căng thẳng. Và chính vì những căng thẳng như vậy lại gặp thái độ của hành khách, hành khách nói vậy thôi chớ đôi khi hành khách cũng là người sai nữa, mới xảy ra những chuyện xích mích thôi.”
Những trắc trở trong việc đi xe buýt nhiều đến nỗi dân gian đã gọi chệch việc đi xe buýt thành đi xe bưng bít. Liệu vấn nạn của xe buýt sẽ giải quyết như thế nào nếu những quan chức có trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành lãnh vực này lại không thường xuyên trực chiến trên xe buýt... Tất nhiên, câu trả lời khách quan và thỏa đáng không hẳn bao giờ cũng xuất phát từ thực tế cảm nhận.
Con người, phương tiện giao thông, mạng lưới đường là các thành phần trong hệ thống giao thông. Để giải quyết cảnh tượng bao nhiêu con người, bao nhiêu xe cộ chen chúc lấn đẩy nhau chỉ mong mình nhanh hơn một chút bằng cách khiến mọi người tuân thủ luật lệ giao thông là chẳng dễ chút nào.
Có phải chăng để giải được bài toán tưởng rất bình thường là giải quyết nhu cầu đi lại thì thực tế cũng cần những kiên trì một cách phi thường. Để có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết, bên cạnh các biện pháp hành chính cần bổ sung thêm các công cụ kỹ thuật, chẳng hạn như ứng dụng công nghệ điện tử, tin học và viễn thông vào điều hành và quản lý hệ thống xe buýt giao thông – như nhiều nước trong khu vực đã thực hiện. Năm tới được chọn làm năm an toàn giao thông, có lẽ còn quá nhiều khó khăn, một khi đến cuối năm nay vấn đề trật tự giao thông vẫn còn ngổn ngang trăm bề.
Video: Đổi giờ làm tại Hà Nội có hiệu quả?
Theo dòng thời sự:
- Dự án về kế hoạch đô thị
- ODA nguồn vốn quan trọng
- Nạn triều cường gây ngập tại TP.HCM
- Người nghèo ở TP Hồ Chí Minh nghèo hơn người nghèo ở Hà Nội
- TPHCM đã phát triển đô thị đúng hướng?
- Các đô thị đang phát triển "không bền vững"
- Một dẫy nhà sập ngay giữa trung tâm Saigon
- Cần mở rộng TPHCM về hướng Tây Bắc
- Tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên sẽ khởi công năm nay
- Tìm thấy thêm nhiều "hố tử thần" tại TPHCM