Với một nền kinh tế phát triển bền vững, thị trường trong nước luôn đóng vai trò trụ cột, đặc biệt là đối với một quốc gia đông dân như Việt Nam. Hiện nay mức cầu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế nội địa đang yếu đi.
Biện pháp kích cầu tiêu dùng
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận xét về sức mua của thị trường Việt Nam trong thời gian qua:
Nếu xét về con số vĩ mô, hiện nay sức mua của Việt Nam thì vẫn tăng so với năm trước, chứ không phải là giảm. Tuy nhiên nếu loại trừ yếu tố tăng giá, sức mua hiện nay nếu tính trong 9 tháng đầu năm 2012, so với cùng kỳ năm trước thì tăng 6,7%. Mức tăng này là thấp hơn, bằng 1/2 hay 1/3 so với sức mua bình thường. Tức là so với con số tương ứng của các năm gần đây. Hiện tượng này phản ánh sức mua đã tăng chậm rất nhiều, kể từ năm 2011. Chứ không phải chỉ năm 2012.
Nhìn chung trên thị trường, các sản phẩm đạt doanh số bán hàng cao vẫn thuộc các ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống. Các mặt hàng khác có sức tiêu thụ rất chậm. Nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân chủ yếu hoạt động trên thị trường nội địa. Do đó, khó khăn lớn nhất mà không ít doanh nghiệp phải đối diện là tình trạng suy giảm tổng cầu.
Về chiến lược phát triển quốc gia, không thể đơn giản là đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là trong tình huống kinh tế thế giới vẫn còn khủng hoảng nghiêm trọng. Nếu nền kinh tế chỉ đặt trọng tâm vào xuất khẩu, tình trạng bất ổn sẽ phát sinh khi nhu cầu của thị trường quốc tế giảm mạnh. Hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản trong thời gian qua đã chứng minh cho lập luận này. Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sức mua của thị trường nội địa giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia:
Bây giờ Việt Nam tồn kho hàng hóa rất cao. Mấy năm nay do giá cả, rồi lạm phát cho nên tình hình sức mua của dân giảm rất mạnh. Về lâu dài muốn phát triển thì phải kích cầu tiêu dùng
ông Phan Thế Ruệ
Rõ ràng bây giờ muốn sản xuất phát triển thì phải cho tiêu dùng. Nếu sức mua mà kém thì không thể sản xuất được. Bây giờ Việt Nam tồn kho hàng hóa rất cao. Mấy năm nay do giá cả, rồi lạm phát cho nên tình hình sức mua của dân giảm rất mạnh. Về lâu dài muốn phát triển thì phải kích cầu tiêu dùng.
Đặc biệt là thị trường nông thôn của Việt Nam rất lớn, nhưng dân nông thôn rất nghèo, không có sức mua. Phải có chính sách để kích cầu tiêu dùng như các nước khác, người dân mới khôi phục lại sức mua. Từ sức mua đó, sản xuất mới phát triển được.
Do thu nhập của người dân không tăng so với mặt bằng giá cả hiện nay nên mức cầu chưa cải thiện. Đồng thời do ảnh hưởng trì trệ của nền kinh tế; dẫn đến thu nhập bị cắt giảm, việc làm không ổn định, nên người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu.
Giữa công việc và thu nhập người lao động có mối liên quan chặt chẽ với khả năng tiêu thụ hàng hóa và hoạt động sản xuất. Các sự việc kết nối như một vòng tròn khép kín trong hoạt động kinh tế xã hội. Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng giảm sức mua như hiện nay, là như sau:
Tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản hiện nay chính là mức thu nhập không theo kịp mức tăng của giá cả. Hay nói cách khác, chính là lạm phát – mức tăng của giá cả đã tác động đến sức mua. Thứ hai nữa, là liên quan đến sự cải thiện trong công ăn việc làm.
Các yếu tố này tạo thành vòng xoáy. Vì không bán được hàng thì phải thu hẹp sản xuất. Khi co lại sản xuất dẫn đến giảm sử dụng lao động, như vậy nó lại quay sang tác động đến sức mua. Cái vòng xoáy khởi điểm từ câu chuyện dự trữ lạm phát và mức tăng của giá cả.
Chỉ số giá tiêu dùng có lúc ở mức âm, đặc biệt ở các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là biểu hiện của tình trạng tổng cầu sụt giảm. Hiện tượng này cho thấy, đại đa số người tiêu dùng đang cạn kiệt sức mua.
Các yếu tố này tạo thành vòng xoáy. Vì không bán được hàng thì phải thu hẹp sản xuất. Khi co lại sản xuất dẫn đến giảm sử dụng lao động, như vậy nó lại quay sang tác động đến sức mua. Cái vòng xoáy khởi điểm từ câu chuyện dự trữ lạm phát và mức tăng của giá cả.
TS.Vũ Đình Ánh
Thị trường nội địa, “phao cứu cánh”?
Lợi ích của người tiêu dùng luôn gắn liền với mức độ kinh doanh thành công của doanh nghiệp. Trong lúc khó có thể trông chờ vào khả năng phát triển đột biến của thị trường thế giới, nền kinh tế Việt Nam cần phải tự cứu mình bằng thị trường nội địa. Trong thời gian qua, hàng loạt các chương trình bán hàng khuyến mãi được tung ra trên thị trường. Với tình hình sức mua như hiện nay, liệu khuyến mãi có được xem như một giải pháp được thực hiện dài hạn không. Chúng tôi được ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Tổng Giám đốc công ty Vissan, cho biết:
Hiện nay sức mua đang có dấu hiệu khôi phục lại, nhưng sự sung mãn của thị trường thì không có rõ. Như vậy, ở đây phải nói rằng sức mua như thế thì chưa thực sự sôi động. Các doanh nghiệp luôn dùng một số giải pháp khuyến mãi, để tổ chức kích thích sức mua.
Đây là một biện pháp mang tính chất vừa là tình thế mà cũng là lâu dài. Lý do là hiện nay các doanh nghiệp luôn nghĩ tới vấn đề bảo vệ mạng lưới tiêu thụ của mình, làm thế nào chia sẻ lợi nhuận đối với người tiêu dùng. Cho nên bây giờ phải nghĩ vấn đề là làm thế nào để bán được hàng. Trong trước mắt, với thị trường hiện nay, khuyến mãi là một giải pháp mang tính chất là cố gắng làm thường xuyên. Để có thể nung nóng thị trường, đó là cách làm hiện nay của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trong lúc khó có thể trông chờ vào khả năng phát triển đột biến của thị trường thế giới, nền kinh tế Việt Nam cần phải tự cứu mình bằng thị trường nội địa.
Sức mua của người dân phụ thuộc vào niềm tin về uy tín sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách điều hành của nhà nước cũng quyết định một phần quan trọng khác về thái độ của người tiêu dùng. Khi niềm tin tiêu dùng bị khủng hoảng, sức mua sẽ tuột giảm. Kết quả về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, trong thời gian qua, chủ yếu được thực hiện bằng những biện pháp hành chính. Các chính sách kinh tế ít có vận dụng những tác động của quan hệ kinh tế thị trường, nên tính bền vững chưa cao.
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, từ góc độ vĩ mô, các chính sách cần thiết để cải thiện về tình hình sức mua trong nước sẽ là:
Mặc dù mức xuất khẩu năm nay cũng tăng khá là tốt, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm là khó khăn. Hiện nay Việt Nam đang tập trung vào giải quyết vấn đề cải thiện sức mua. Thứ nhất là giảm giá các hàng hóa, dịch vụ sao cho phù hợp với mức thu nhập thực tế của người dân. Do thời gian vừa qua có mức lạm phát khá cao.
Thứ hai là đẩy thu nhập của người dân lên, để họ có phương tiện thanh toán cho nhu cầu về hàng hóa dịch vụ của họ. Cách thức này liên quan đến các biện pháp cải cách tiền lương. Trong một chừng mực nhất định, cũng thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Vấn đề nữa là cải thiện tâm lý và niềm tin tiêu dùng.
Những giải pháp và chính sách của Chính phủ xem ra cần nhất quán theo hướng giải quyết các khó khăn đối với doanh nghiệp. Phát triển thị trường trong nước luôn phải chú ý và thúc đẩy song song với chủ trương xuất khẩu. Trong giai đoạn thị trường xuất khẩu đang dễ bị tổn thương và co hẹp lại, nên xem đây là một cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ nội địa.
Để thực hiện chủ trương kích cầu, công cụ thực hiện không chỉ là chính sách tiền tệ mà còn cần một quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ. Con đường tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, có lẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa.
Theo dòng thời sự:
- Vì sao thị trường bán lẻ Việt Nam xuống dốc
- Lạm phát giảm mạnh trong tháng 6
- Doanh Nghiệp Nhà Nước Mới Là Vấn Đề
- Đà tăng trưởng thấp nhất trong ba năm
- Kinh tế Việt Nam nửa năm: Những gì đáng chú ý?
- Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng?
- Mức lạm phát tại VN tăng chậm lại
- Mức thâm thủng mậu dịch 2012 thấp
- Ngành chăn nuôi điêu đứng vì sức mua giảm