Một phiên xử đặc biệt
Ngay sau phiên xử blogger Trương Duy Nhất chủ nhân trang ‘Một góc nhìn khác’ hai năm tù giam theo điều 258.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận phản ứng của một blogger tại Việt Nam, anh Nguyễn Lân Thắng, về bản án 2 năm tù giam dành cho ông Trương Duy Nhất như thế.
Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ rằng phiên xử Trương Duy Nhất là một phiên xử khá đặc biệt, bởi vì đây là con người đưa ra những tiếng nói phản biện. Nhưng mà từ trước đến nay anh ấy có những va chạm với giới blogger và anh ấy không được nhiều người đồng tình ủng hộ cho lắm. Thế nhưng khi anh ấy gặp nạn, bị đưa ra xét xử như thế này thành ra anh ấy đang có rất nhiều người quay trở lại ủng hộ anh ấy và lên án những bất công mà anh ấy phải chịu.
Tôi nghĩ sâu xa vấn đề này có điều là một con người như Trương Duy Nhất khi bị xét xử một cách không công bằng như vậy mà đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người khác như thế thì những người khác tiếp tục bị xử về điều luật 258, số lượng người ủng hộ sẽ còn khủng khiếp như thế nào!
Khi anh ấy gặp nạn, bị đưa ra xét xử như thế này thành ra anh ấy đang có rất nhiều người quay trở lại ủng hộ anh ấy và lên án những bất công mà anh ấy phải chịu. <br/> -Blogger Nguyễn Lân Thắng
Đó là một sự chuyển biến rất lớn trong phong trào đấu tranh dân sự ở Việt Nam.
Gia Minh: Qua sự ủng hộ của giới blogger cũng như nhiều người quan tâm thì Điều 258 mà mọi người bình luận lâu nay, tiếp tục bộc lộ ra những điểm bất cập của nó, phải không?
Nguyễn Lân Thắng: Đối với điều luật 258, ngày càng có nhiều người biết đến sự chưa đúng của nó. Càng áp dụng nó thì càng phản tác dụng với mặt dư luận càng xấu về phía chính phủ.
Gia Minh: Sau phiên xử luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất có trình bày với tất cả mọi người rằng ngay trong phiên xử bản thân ông Trương Duy Nhất và luật sư đều yêu cầu những người bị hại, tức những người mà cáo trạng nói là bị (ông Trương Duy Nhất) nói xấu (phải ra tranh luận trước tòa); nhưng phía chánh án đã không phản bác lại điều đó mà lại nói sang là ông Trương Duy Nhất đi ngược lại 'đường lối, chính sách của Đảng'. Là một người viết blog thường có những bài viết như thế thì anh nghĩ sao?
Nguyễn Lân Thắng: Chúng tôi, những người phản đối điều luật 258, đã nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần trên truyền thông. Chúng tôi phản đối điều luật vô lý này vì nó ngăn cản quyền tự do ngôn luận của người ta. Điều này sẽ kéo lùi sự tiến bộ của xã hội và bao nhiệu hệ quả phát sinh từ sự chậm tiến của xã hội thì nó đã bộc lộ ra bên ngoài.
Nói chung phiên tòa ông Trương Duy Nhất về điều 258 này đối với giới blogger trong nước không có gì ngạc nhiên cả. Chỉ có điều chúng tôi thấy thông qua bản án và cách thức diễn ra phiên tòa sẽ làm cho những người đấu tranh càng tin tưởng, càng hy vọng và càng đoàn kết với nhau hơn để đấu tranh cho một xã hội tiến bộ hơn.
Gia Minh: Mặc dù đoàn kết, tin tưởng và hy vọng như thế nhưng sự đấu tranh phải cụ thể hơn để bác lại những lập luận mà người ta cho rằng 'viết đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng là có tội', những blogger như anh tiếp tục có những phản bác như thế nào để những điều đó không được tiếp diễn nữa?
Nguyễn Lân Thắng: Vấn đề hành động như thế nào là một hành động tập thể thì cần có sự bàn bạc; thế nhưng tôi nghĩ mỗi blogger, mỗi cá nhân đều sẽ có những bài viết, đều có những phản ứng nhất định theo góc độ cá nhân, còn việc phản kháng tập thể phải chờ một thời gian nữa.
Gia Minh: Vụ án Trương Duy Nhất về điều 258 Bộ Luật hình sự được xem như là một vụ án lớn, nhưng đây không phải là lần đầu tiên những người trong nước bị đưa ra xét xử về điều 258. Gần đây việc bắt giữ theo điều 258 không thấy diễn ra, theo anh thì điều này có thể vẫn sẽ được áp dụng hay không?
Nguyễn Lân Thắng: Tôi không nghĩ rằng việc có tiếp tục được áp dụng hay không có ảnh hưởng đến tinh thần đấu tranh của các blogger tham gia phản biện xã hội.
Việc họ cố tình áp dụng những điều đó theo tôi nghĩ, theo thời gian và theo sự phản ứng của dư luận, sẽ phải ngày càng giảm đi; nhưng mức độ giảm đến đâu và lúc nào người ta chấm dứt việc sử dụng điều luật này phụ thuộc vào tương lai.
Gia Minh: Trong đợt bắt blogger Trương Duy Nhất còn có một người nữa là blogger Phạm Viết Đào, theo anh thì sắp đến đây trường hợp của ông Phạm Viết Đào ra sao?
Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ ông Phạm Viết Đào cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của giới blogger; tuy nhiên chưa đến lúc người ta đưa ra xử nên tôi chưa thể nói trước được tương lai như thế nào nhưng nói chung về mặt tinh thần, các blogger cũng rất thông cảm và ủng hộ những việc ông ấy đã làm.
Gia Minh: Qua những bài viết của Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, mặc dù mỗi người có góc nhìn và hướng riêng, nhưng sự đồng cảm của các blogger đối với những bài viết đó là gì?
Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ ông Trương Duy Nhất, ông Phạm Viết Đào hay những blogger khác mỗi người đều có một phong cách khác nhau; nhưng tôi hiểu xuất phát điểm mà họ hành động, viết bài, phê phán cuối cùng nhắm đến cho xã hội cởi mở hơn, tự do thông tin hơn và có những phản biện đối với các chính sách của Nhà nước để mục tiêu làm sao cho xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ hơn. Thế cho nên, khi các ông ấy bị bắt giam, bị xét xử về điều luật 258 một cách mờ ám và như là một sự trả thù như vậy, mọi người sẽ đồng lòng lên tiếng bảo vệ.
Gia Minh: Việc xử án và những bản án như vậy, theo anh không có tác dụng như phía chính quyền mong muốn?
Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ điều mà tất cả những bản án chính trị tại Việt Nam, người ta muốn trừng phạt đương sự là một chuyện nhưng tính răn đe xã hội mới là mục đích mà người ta mong muốn. Nhưng nếu anh quan sát, tình hình chính trị tại Việt Nam cũng như thông qua các phiên xử án những người bất đồng chính kiến về rất nhiều tội danh không phải chỉ riêng 258, cứ sau một đợt xử án, số người quan tâm đến chính trị, số người quan tâm đến hiện tình đất nước lại ngày càng tăng lên; đặc biệt những người dám 'chường mặt' ra tham gia những hoạt động đấu tranh đường phố lại càng đông lên.
Gia Minh: Cám ơn blogger Nguyễn Lân Thắng.