Trung Quốc lại vừa ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông từ ngày 16 tháng 5 cho đến 1 tháng 8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có lên tiếng phản đối, và trong thực tế ngư dân phải đối phó ra sao.
Vào ngày 17 tháng 5, Gia Minh nêu vấn đề với ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hiệp hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, đơn vị hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm hết từ năm 1974. Trước hết ông này cho biết:
Ông Trần Văn Lĩnh: Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày hôm qua ( 16/5) nhưng thực ra trước đó khoảng 10 ngày, một số tàu của Trung Quốc nấp dưới dạng tàu cá cũng đã tăng cường mật độ dày đặc lên ở khu vực Hoàng Sa- tức ở khoảng vĩ độ 16-17 độ bắc, 108-109 độ kinh đông. Họ đã xua đuổi ngư dân của chúng tôi đang đi đánh cá ở vùng này. Hiện nay họ cũng chỉ mới xua đuổi, dí chạy thôi; chứ chưa có hiện tượng… Dĩ nhiên chúng tôi thấy thì tránh chứ chưa có báo cáo nào về tình trạng cướp bóc.
Như anh cũng biết rồi, năm nào vào dịp này họ cũng lại cấm biển; nhưng họ cấm thì cấm còn mình thứ nhất hành nghề trên vùng đánh cá quen thuộc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và mình coi lệnh cấm của họ không có hiệu lực. Về mặt ngoại giao mình cực lực lên án điều đó, còn về mặt thực tiễn, ngư dân mình vẫn đi đánh bắt và chỉ cảnh giác đối với họ thôi.
Gia Minh: Đúng là người phát ngông Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, trước đây Hội Nghề Cá cho biết Cơ quan chức năng tăng cường biện pháp cũng như hỗ trợ kinh phí cho ngư dân để đóng tàu chắc chắn, vậy những biện pháp đó trong thời gian qua được thực hiện đến đâu rồi?
Ông Trần Văn Lĩnh: Như tôi từng nói với anh, chúng tôi đi đánh cá thôi, chúng tôi sắm tàu để đi đánh cá chứ không phải để đi đâm húc. Cho nên việc tàu chắc chắn cũng chỉ một phần thôi. Vừa qua, theo nghị định 87, Đà Nẵng chúng tôi cũng đóng được hai chiếc tàu tốt hơn, công suất lớn cũng để khai thác tại vùng này mà thôi. Còn hiện nay chúng tôi đang đóng ba tàu nữa.
Họ cấm thì cấm còn mình thứ nhất hành nghề trên vùng đánh cá quen thuộc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và mình coi lệnh cấm của họ không có hiệu lực. Về mặt ngoại giao mình cực lực lên án điều đó
Ông Trần Văn Lĩnh
Nhưng đây là việc phát triển bình thường giống như những năm chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nói chung Nhà nước cũng hỗ trợ cho ngư dân để đi đánh cá mà thôi chứ không phải để chống lại họ.
Gia Minh: Nhưng lực lượng để hổ trợ ( ngư dân), để canh phòng biển của Việt Nam thì ông nhận thấy thế nào?
Ông Trần Văn Lĩnh: Việt Nam, đặc biệt trong một năm gần đây sau khi có giàn khoan Hải Dương của họ ( Trung Quốc) đặt, lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam cũng lớn mạnh và sự có mặt của họ tại những vùng biển 'nhạy cảm' này nhiều hơn.
Tuy nhiên, như anh biết, biển cả thì mênh mông nên không phải bao giờ ở chỗ nào mình đánh cá cũng thấy lực lượng cảnh sát biển cả. Nhưng khi có sự cố, chúng tôi cũng biết rằng ở đâu đó quanh chúng tôi cũng có lực lượng Cảnh sát Biển và lực lượng Kiểm Ngư; nên khi có tàu nước ngoài thâm nhập vào vùng biển của chúng tôi hoặc đe dọa chúng tôi, chúng tôi đều có báo cáo và gọi ngay cho tàu kiểm ngư. Đôi lúc mình cũng nhận được tín hiệu của các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát Biển Việt Nam hướng dẫn mình cách chạy, cách tránh và họ nói rằng họ ở gần đó, cứ yên tâm.
Gia Minh: Cũng có biện pháp các đội tàu ngư dân phối hợp với nhau, thông tin liên lạc cho nhau, việc cung cấp các trang thiết bị cho họ thông tin liên lạc với nhau cũng như họ đi theo từng toán được thực hiện thế nào rồi?
Ông Trần Văn Lĩnh: Thực ra việc đó đã làm cách đây cả 4-5 năm rồi. Tức ngư dân Việt Nam đã tự trang bị, được các tổ chức, nhân dân, đoàn thể, các nhà hảo tâm trang bị và cũng được chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí để trang bị những thiết bị thông tin, liên lạc với nhau và thiết bị định vị vệ tinh để biết mình ở tọa độ nào. Những tàu lớn hơn thì có hải đồ và những thiết bị tối tân hơn; để thứ nhất xác định vị trí mình đang đi nhằm không vượt quá vào vùng lãnh thổ, đặc quyền kinh tế của họ- tức chủ động không xâm phạm. Thứ hai để biết chắc vị trí mình đi để nếu họ đến để biết vùng biển của mình và họ xâm nhập. Qua đó thông báo cho nhau biết để hỗ trợ nhau. Đánh bắt là theo tổ đội rồi, nhưng sẽ kết hợp tổ đội tạm thời khi 'họ' ( Trung Quốc) có 'ấy' thì mình quần tụ lại với nhau họ không dễ dàng gì ăn hiếp; đồng thời thông tin cho các đơn vị chức năng của Việt Nam, cũng như thông tin vào bờ những mối nguy mà minh có thể gặp: đó là mối nguy tàu nước ngoài xua đuổi, trộm cướp cũng như những mối nguy về thiên tai, địch họa…
Đánh bắt là theo tổ đội rồi, nhưng sẽ kết hợp tổ đội tạm thời khi 'họ' ( Trung Quốc) có 'ấy' thì mình quần tụ lại với nhau họ không dễ dàng gì ăn hiếp; đồng thời thông tin cho các đơn vị chức năng của Việt Nam, cũng như thông tin vào bờ những mối nguy mà minh có thể gặp
Ông Trần Văn Lĩnh
Gia Minh: Như ông nói có trang bị cho ngư dân ( thiết bị) để không đi vào vùng của nước khác; nhưng bế tắc hiện nay là vùng Hoàng Sa Việt Nam vẫn cho là của Việt Nam mà Trung Quốc quản lý, thì chỗ này ra sao?
Ông Trần Văn Lĩnh: Mình vẫn biết hiện nay họ đang chiếm đóng Hoàng Sa của mình; vì vậy chúng tôi và cả cơ quan chức năng đều hướng dẫn chúng tôi đây là vùng biển của chúng ta, chúng ta có quyền khai thác; tuy nhiên để tránh thiệt hại, chúng ta không nên khai thác cận quá những đảo mà họ đang chiếm đóng để tránh những xâm hại vào mình.
Gia Minh: Là một đơn vị nghề nghiệp ở địa phương đang có tranh chấp như thế, những đề nghị lâu nay của Hội Nghề Cá Thành phố Đà Nẵng ra sao và được đáp ứng thế nào rồi?
Ông Trần Văn Lĩnh: Chúng tôi đi đánh cá trên một vùng biển được coi như là phên dậu của tổ quốc nên ngoài việc làm ăn, chúng tôi cũng được sự hỗ trợ và sự động viên rất nhiệt tình, chí tình của tất cả đồng bào cả nước. Trong năm qua, vụ giàn khoan 981 xua đuổi như vậy, chúng tôi được gần như nhân dân cả nước với phong trào từ chỗ trang bị, giúp đỡ cho tủ thuốc, giúp dụng cụ hành nghề, thuyền thúng, rồi máy định vị cá, định vị vệ tình, hoặc hỗ trợ cho những tàu nào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ hoặc do phía Trung Quốc cướp phá đều được nhân dân nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi.
Phía Nhà nước, như thành phố Đà Nẵng, cũng hỗ trợ cho chúng tôi như tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ cho ngư dân đi đánh cá tại vùng này. Hoặc hỗ trợ cho chúng tôi học điều khiển tàu, điều khiển các thiết bị một cách miễn phí.
Ngoài ra phía Nhà nước Việt Nam cũng chủ trương cho chúng tôi vay dài hạn, nhẹ lãi để đóng những con tàu có công suất lớn để khai thác vùng này. Phía thành phố Đà Nẵng cũng dành cho chúng tôi những hỗ trợ như không cho vay nhưng nếu chúng tôi có tiền để đóng tàu thì thành phố cho hẳn từ 300-700 triệu tùy theo số mã lực tàu mà chúng tôi đóng được để khai thác và gìn giữ vùng biển này.
Gia Minh: Cám ơn ông.