Vậy ý kiến của giới chuyên gia tại Việt Nam đối với báo cáo của WWF ra sao và biện pháp kỷ luật đối với người thanh niên trưng hình ảnh bị cho là ‘man rợ’ như thế lên mạng có tác dụng răn đe thế nào? Ý kiến của các chuyên gia trong ngành về việc giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường ra sao?
Chờ số liệu cụ thể
Ngay sau khi báo cáo của WWF được công bố và nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam cũng như thế giới trích dẫn, Cơ quan Bảo vệ Động vật hoang dã Việt Nam, CITES, đã lên tiếng.
Theo CITES Việt Nam thì báo cáo mà WWF đưa ra cho rằng Việt Nam đứng chót trong số 23 quốc gia tại khu vực Châu Á- Thái bình dương về công tác bảo tồn động vật hoang dã, cụ thể đối với ba loài tê giác, hổ và voi, là không đáng tin cậy. Lý do vì báo cáo dựa theo những thông tin của một số tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông và ngay cả của những cá nhân.
CITES Việt Nam cho rằng đánh giá đưa ra trong báo cáo thiếu khách quan, và đầy đủ. CITES Việt Nam nói rằng WWF đã không tham khảo các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình thu thập thông tin cho để thực hiện báo cáo.
CITES Việt Nam nói rằng chính phủ và Nhà Nước Việt Nam lâu nay luôn chú trọng đến hoạt động bảo tồn các loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Công tác đấu tranh chống buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã là một trong những hoạt động chính của chính quyền địa phương.
Chúng tôi liên lạc với một quan chức của CITES là ông Đỗ Quang Tung vào tối ngày 2 tháng 8 để hỏi thêm đánh giá của cơ quan này về báo cáo của WWF, nhưng ông cho biết đang bận và chỉ chuyển thư điện tử văn bản mà cơ quan này chính thức gửi ra với những nội dung như vừa nêu.
Trong khi đó thì một chuyên gia hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam là tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết rằng phía tổ chức của ông cũng phải chờ số liệu chính thức từ các cơ quan chức năng mới có thể đánh giá đúng thực tế tình hình. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận là công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung, đặc biệt bảo tồn các loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam còn nhiều thiếu sót:
Nói một cách chung chung thì đây là một việc mà Việt Nam làm chưa được thật tốt. Còn mức độ đến đâu, mức độ thế nào thì phải chờ hai phía đưa ra số liệu cụ thể thì phát biểu chính xác hơn.<br/>tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh
Có lẽ chúng tôi phải chờ xem cơ quan chính thống phụ trách về việc này của phía Việt Nam cho ý kiến bằng các tư liệu, số liệu. Nói một cách chung chung thì đây là một việc mà Việt Nam làm chưa được thật tốt. Còn mức độ đến đâu, mức độ thế nào thì phải chờ hai phía đưa ra số liệu cụ thể thì phát biểu chính xác hơn.
Anh Nguyễn Thành Hưng, người phụ trách tổ chức thiện nguyện Hành động vì Động vật hoang dã, AWO, cũng dè dặt khi nói về đánh giá đối với phúc trình của WWF cũng với lý do không có đầy đủ số liệu cụ thể. Tuy nhiên anh này thừa nhận là tình hình bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam là kém. Cơ sở cho đánh giá đó là vì cơ quan chức năng như kiểm lâm không thực hiện triệt để mọi qui định về luật bảo tồn động vật và thực vật hoang dã tại Việt Nam.
Ngay cả kiểm lâm, khi chúng tôi có đi tham khảo, đề nghị hợp tác thì thấy hiện tại họ không chú trọng mảng kiểm tra, giám sát này nữa. Một năm chỉ làm một số hoạt động để báo cáo thôi.
Theo anh Nguyễn Thành Hưng công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người về ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các loài động vật hoang dã vẫn chỉ là chính sách thôi chứ trong thực tế việc thực hiện là hầu như không đến đâu.
Chính vì tình trạng chỉ chạy theo thành tích, hay nói mà không thực hiện nên xảy ra tình trạng nhiều người vẫn sử dụng thịt thú rừng tại những nhà hàng công khai ở nhiều nơi trên cả nước.
Và một vụ việc đã được nêu ra là vụ một số thanh niên nghĩa vụ ở Tây Nguyên giết vọoc ngũ sắc làm xôn xao cộng đồng mạng vừa qua. Tin tức hồi ngày 1 tháng 8 vừa qua cho biết Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 đã có hình thức kỷ luật đối với người tung ảnh giết vọoc trên trang facebook của bản thân, Nguyễn Văn Quang. Hình thức kỷ luật là tước danh hiệu chiến sĩ binh nhất. Hai người tham gia khác bị kỷ luật.
Kết quả điều tra nói Nguyễn Văn Quang và hai đồng đội mua vọoc về và nhờ người khác làm thịt; và chính Nguyễn Văn Quang quay lại cảnh làm thịt đó. Người bán vọoc cho nhóm Nguyễn Văn Quang là một cư dân tại huyện Krong Pak, tỉnh Dak Lak. Đã có lệnh tạm giam đối với người này.
Không giải quyết tận gốc
Trước những hình thức kỷ luật được đưa ra, anh Nguyễn Thành Hưng cho là vẫn chưa đủ để răn đe người khác có những hành vi tương tự, anh lập luận:
Chỉ có khi nào báo chí lên án, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Còn trường hợp không bị lên án thì họ không giải quyết gì, họ để đó thôi. Đó chỉ là bề nổi nên không thể giải quyết triệt để tại Việt Nam được.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng hành động giết vọoc như thế là đáng xấu hổ. Điều này cũng được ông Phan Việt Lâm, giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cũng chia xẻ quan điểm như sau:
Có trường hợp những người trẻ giết vọoc tàn nhẫn như vậy mà lại còn vui vẻ đưa lên mạng như thể đã bị lên án rất nhiều. Chúng tôi thấy rất đau lòng.
Ông Phan Việt Lâm cũng cho rằng chỉ có những người không hiểu biết mới có những hành động mà ông cho là man rợ như thế. Tuy nhiên theo ông dù qua vụ việc như vậy và nhiều người trong nước phản ứng mạnh mẽ, chứng tỏ ý thức của những người dân, ít nhất số tiếp cận được Internet và báo chí ở thành phố, có tăng lên:
Ý thức của người dân về vấn đề bảo tồn được nâng cao; nếu sự việc như thế xảy ra trước đây nhiều năm có lẽ người ta sẽ không phản ứng nhiều như thế. Bây giờ phản ứng khác, tức mức độ tăng cao hơn nhiều so với ngày trước.
Ông Phan Việt Lâm cũng cho biết thái độ, hành xử của người đến thăm Thảo cầm viên Sài Gòn hiện nay:
Ngày xưa mười mấy năm trước ý thức người dân không như bây giờ. Bây giờ họ đến vui chơi, giải trí, không gây tổn hại cho con vật nữa; dù vẫn còn người thế này thế nọ.
Cả hai ông tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh và ông giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn Phan Việt Lâm cũng nhấn mạnh đến yêu cầu quan trọng của hoạt động giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh thì đây không phải là một công việc đơn giản, phải làm lâu dài. Ông trình bày:
Đây là vấn đề không phải đơn giản mà phải làm lâu dài. Chúng ta đưa ra những gương xấu đồng thời cũng có những gương tốt cần nêu ra.
Còn ông Phan Việt Lâm thì cho biết công tác giáo dục cho học sinh được triển khai cùng với Thảo Cầm Viên cũng như đồng ý của ông với ý kiến cần tiến hành song song hai hoạt động giáo dục và răn đe và phải tiến hành từ khi các cháu còn nhỏ:
Chỉ có khi nào báo chí lên án, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Còn trường hợp không bị lên án thì họ không giải quyết gì, họ để đó thôi. Đó chỉ là bề nổi nên không thể giải quyết triệt để tại Việt Nam được.<br/>Anh Nguyễn Thành Hưng <br/> <br/>
Thảo cầm viên trong những năm nay số lượng học sinh đến tham quan có tăng. Năm ngoái có chừng 80 ngàn em đến để tham gia học hỏi để hiểu biết về các con vật, cây cối. Mục đích chính là nâng cao tình yêu của trẻ đối với thiên nhiên. Thú như vọ oc bạc sinh sản tốt lắm.
Theo tôi phải tăng cường hơn nữa giáo dục và răn đe. Hai cái bao giờ cùng phải đi song song. Nếu vi phạm phải có thế tài. Giáo dục rất quan trong, đưa ra cải cái xấu và tốt. Nhất là phải giáo dục từ khi còn rất trẻ.
Hai sự kiện có thể nói không mấy mâu thuẩn nhau trong thời gian qua đó là đánh giá của WWF cho rằng Việt Nam kém nhất trong 23 quốc gia được khảo sát tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về bảo tồn động vật hoang dã qua ba loài tê giác, hổ và voi; cùng với tai tiếng vụ thanh niên nghĩa vụ trưng ảnh giết vọoc dã man lên facebook một lần nữa cho thấy thực trạng trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Dù cơ quan chức năng như CITES Việt Nam có phản đối nhưng không thể nào phủ nhận những thông tin mà chính truyền thông trong nước nêu ra lâu nay.
Theo dòng thời sự:
- VN đứng hạng chót trong việc bảo tồn động vật hoang dã
- Không thể bảo tồn các thú quý hiếm ở VN?
- Thanh Hóa tổ chức bán đấu giá cao hổ cốt bị quốc tế phản đối
- Không đủ khả năng bảo vệ động vật quí hiếm?
- Con tê giác Java cuối cùng ở VN đã bị bắn chết
- Hàng ngàn loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa
- Việt Nam: điểm nóng của nạn săn bắt, buôn bán động thực vật hoang dã
- Động vật quý hiếm và các món đặc sản
- Những con voi cuối cùng đang kêu cứu
- Hãng máy bay HongKong bị chỉ trích vì vận chuyển cá heo