Dường như Lê Quốc Quân và cả chính quyền Hà Nội đều đang đứng trước một cánh cửa chưa thực sự đóng hay mở - một tư thế có thể dẫn đến tâm thế “cùng vào hoặc cùng ra”.
Phản bác
Lê Quốc Quân - người bị bắt và bị điều tra vì “tội trốn thuế” từ cuối năm 2012, có thể đang đứng trước một cánh cửa nửa khép nửa mở.
Theo thông tin từ Văn phòng luật sư Hà Huy Sơn - người bào chữa cho luật sư Lê Quốc Quân, ông Quân sẽ bị đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 9/7/2013.
Cần nhắc lại, vào ngày 30/5/2013 luật sư Hà Huy Sơn đã gửi “Yêu cầu của người bào chữa cho ông Lê Quốc Quân trong vụ án “Tội trốn thuế”” cho Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Văn bản của luật sư Hà Huy Sơn đề nghị "phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011" và "Kết luận giám định tư pháp ngày 22/03/2013 của Bộ Tài chính phải loại trừ số giảm thuế TNDN của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trong 02 năm 2010, 2011: 449.814.125đ".
Văn bản của luật sư Hà Huy Sơn cũng nêu ra một số yêu cầu:
"Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hủy nội dung cáo trạng truy tố ông Lê Quốc Quân theo khoản 3 điều 161 Bộ luật hình sự vi không đủ cơ sở;
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, căn cứ khoản 1 điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự, ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội điều tra bổ sung vì cần xem xét những chứng cứ quan trọng và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tục như đã nêu ở trên;
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hiện nay đối với ông Lê Quốc Quân đang bị tạm giam từ ngày 27/12/2012;
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra quyết định đối với vụ án đảm bảo đúng thời hạn quy định của khoản 2 điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự;
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội trả lại tài sản, không liên quan đến vụ án cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, con dấu của Công ty; tài sản của gia đình Lê Quốc Quân".
Còn theo thông tin từ gia đình ông Lê Quốc Quân, trên thực tế công ty của ông Quân có đóng góp về thuế tốt và chưa bao giờ nhận được những cảnh báo nào từ cơ quan thuế trước đó.
Hiện nay, ông Quân bị giam trong điều kiện rất khó khăn cùng với 36 người trong một buồng, nước sinh hoạt trong đó rất bẩn, thiếu nước sạch để uống.
Trước đây, ông Quân đã tuyệt thực 15 ngày để đòi Kinh thánh nhưng không được đáp ứng.
Người Công giáo?
Vào năm 2007, ông Lê Quốc Quân từng bị thắt buộc vào vòng lao lý - theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Ngày 8/3/2007, ông bị bắt sau khi trở lại Việt Nam sau một khóa học từ học bổng của tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) ở Mỹ. Luật sư Lê Quốc Quân tham gia khóa tập huấn này do ông là nhà tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam. Ông được hai tổ chức quốc tế này khen ngợi vì lòng dũng cảm lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo và thể chế chính trị đa nguyên. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ lúc đó, ông John McCain và nguyên ngoại trưởng Mỹ, bà Madeline Albright, đã viết thư phản đối, và Amnesty International gọi ông là Tù nhân lương tâm.
Trong lúc Quân bị giam giữ, Đại sứ Mỹ, ông Michael Marine, đã mời vợ ông tới dùng trà tại tòa đại sứ Mỹ, nhưng không thể gặp được bà vì cảnh sát nhân dân đã chặn ngoài cổng không cho bà vào. Nhà cầm quyền Việt Nam buộc tội ông là đã có những hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng không chính thức mang ông ra tòa. Ông đã được phóng thích ba tháng sau đó.
Quân có đạo Công giáo và là một nhà tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng. Ông đã tham dự cuộc diễn hành của các người đạo Công giáo vào ngày 29/1/2009 tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, phản đối chính quyền đã chiếm đất mà nhà thờ cho là của họ. Sau này ông kể lại cho các nhà phóng viên, là ông đã bị đánh đập bởi những người giữ trật tự trong cuộc diễn hành. Vào tháng 7/2012, trang Independent Catholic News tường thuật là ông đã bị đe dọa bởi báo chí nhà nước vì những hoạt động của ông cho giáo phận của mình. Công an đã lục xét văn phòng của ông và định mang ông về đồn công an, nhưng bị ngăn chặn bởi những người ủng hộ ông.
Cánh cửa cho cả hai?
Với việc luật sư Lê Quốc Quân bị công an bắt giam vào tháng 12/2012, nhiều dư luận cho rằng vụ việc này có liên quan đến chính trị, cho dù hành vi của ông Quân bị các cơ quan tư pháp mặc định là “tội trốn thuế”.
Là một thân hữu Kitô tràn nhiệt huyết trong Ủy ban công lý và hòa bình của Giáo hội công giáo Việt Nam, hình ảnh Lê Quốc Quân trong trại giam công an có lẽ không thể làm cho các giáo phận và cộng đồng giáo dân Thiên chúa nhận ra ánh mạc khải trên gương mặt chính thể.
Nếu quả thực vụ việc trên có “liên quan đến chính trị”, hẳn Lê Quốc Quân sẽ được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế xếp vào dạng “tù nhân lương tâm” một cách hoàn toàn xứng đáng.
“Phóng thích tù nhân lương tâm” lại là một trong những điều kiện then chốt mà nhà cầm quyền Hoa Kỳ và Cộng đồng châu Âu cấp bách yêu cầu đối với nhà cầm quyền Việt Nam, lồng trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang tha thiết ứng xử cho hai hành động cùng lúc về kinh tế và chính trị: gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cuộc vận động cho một trong những cái ghế tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.
Cả hai hai sự vận động trên, về lý thuyết, đều có thể nhận được kết quả vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Tuy nhiên, thực tế lại vẫn thuộc về thì tương lai xa.
Bởi cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ tín hiệu đáng lạc quan nào từ phía Mỹ và Cộng đồng châu Âu để Hà Nội có thể hy vọng sẽ biến vận động thành một kết quả khích lệ nào đó.
Ngoại trừ việc những nghị sĩ “thân Việt” như John McCain và John Kerry - những người cổ súy cho hàn gắn vết thương chiến tranh nhưng không quên yêu sách thúc đẩy nhân quyền - nhận ra ít nhất một tia sáng dân chủ le lói trong trời đêm nồng nực ở Hà Nội.
Dường như Lê Quốc Quân và cả chính quyền Hà Nội đều đang đứng trước một cánh cửa chưa thực sự đóng hay mở - một tư thế có thể dẫn đến tâm thế “cùng vào hoặc cùng ra”.
Cũng trong tâm thế chưa định dạng trên, bản Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam lại đang được Ủy ban đối ngoại Mỹ đệ trình lên Thượng viện và Hạ viện, được hứa hẹn sẽ sớm xem xét. Một vài trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất của dự luật này, theo bản dịch của Huỳnh Thục Vy, được mô tả như sau:
"Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ".
Và "Sau không quá 90 ngày từ ngày ban hành Đạo luật này, Tổng thống sẽ đệ trình lên những Ủy ban quốc hội thích hợp danh sách của các cá nhân, là công dân Việt Nam, mà Tổng thống xác định là dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền chống lại nhân dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ, bất kể việc những vụ vi phạm đó có xảy ra ở Việt Nam hay không… Danh sách được quy định trong đoạn (1) sẽ được công khai cho công chúng và được đăng trên các trang web của Bộ Ngân khố và Bộ ngoại giao".