Hồi cuối năm vừa rồi, báo chí Nhật Bản đưa tin một phi công của Vietnam Airlines chuyển hàng đánh cắp từ Nhật về Việt Nam. Khoảng 50 người, vừa là phi công vừa là tiếp viên của hãng hàng không quốc doanh Vietnam Airlines cũng bị đưa tin là dính dáng vào dịch vụ loại này.
Gần đây nhất, xảy ra trước vụ Vietnam Airlines, cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong, là vụ một quan chức của Thành Phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc nhận hối lộ lên đến nhiều triệu Mỹ kim từ các viên chức công ty PCI của Nhật Bản.
Tuy nhiên, có một vụ khác, không được nói nhiều trên báo chí Việt Nam, nhưng được đề cập đáng kể trên các blog Internet cũng như trong giới lao động Nhật Bản. Đó là vụ một số người Việt Nam sang Nhật theo diện “tu nghiệp sinh” nhưng thực tế làm việc dưới hình thức “xuất khẩu lao động” và dính dáng đến đường dây buôn lậu của phi công Vietnam Airlines.
Chỉ là tên gọi
Một người Việt Nam, ông Đỗ Thông Minh, sống lâu năm tại Nhật, nói thẳng rằng, “tu nghiệp sinh” chỉ là tên gọi, còn thực chất thì đúng là “xuất khẩu lao động.”
“Đây là vấn đề chữ nghĩa. Mình phải hiểu cho rõ cái ý của người Nhật. Việt Nam thì gọi đây là “xuất khẩu lao động,” còn người Nhật thì gọi là “tu nghiệp sinh.” Và cũng phải hiểu là “tu nghiệp sinh” thì không phải là “du học sinh.””
Trong thời gian vừa qua, một blog có tên là “Minh T,” dường như cũng mới được thành lập gần đây, đề cập nhiều đến cuộc sống của người Việt Nam đi lao động tại Nhật.
Hôm nay là một ngày xui xẻo. Vừa vào công ty đã nghe bọn Nhật xù xì chuyện mấy thằng của một hãng máy bay Việt Nam cấu kết với bọn trộm cắp.
blogger Minh T.
Điều đặc biệt, trong số các bài viết ấy, có một bài nói rất rõ về nguồn gốc, tên gọi, và bản chất thực của “tu nghiệp sinh” tại Nhật Bản.
Những chi tiết nêu trên blog Minh T. cho thấy tác giả có những hiểu biết cặn kẽ về cuộc sống của người lao động Việt Nam tại Nhật, và một chi tiết khác cho thấy những gì tác giả viết ra là đáng tin cậy. Trên bài viết ngày 19 tháng 12 năm ngoái, với tựa đề “Ái Lao Liên Kiện Chính Phủ Việt Nam,” tác giả kể.
“Hôm nay là một ngày xui xẻo. Vừa vào công ty đã nghe bọn Nhật xù xì chuyện mấy thằng của một hãng máy bay Việt Nam cấu kết với bọn trộm cắp. Uống chưa hết ly cà phê thì lại bị bên nghiệp đoàn lao động nhờ dịch dùm tờ giấy báo về việc họ đã gửi đơn kiện Toà Đại Sứ Việt Nam và Chính Phủ Việt Nam ra toà về tội mạ lỵ họ.”
Như vậy, có thể nói Minh T. rất rành tiếng Nhật, làm việc tại Nhật, và có mối quan hệ với liên đoàn lao động của Nhật. Tác giả này đã phiên âm tên của tổ chức liên đoàn lao động Airoren của Nhật Bản thành chữ Ái Lao Liên.
…Để lạm dụng
Gần đây nhất, vào ngày 7 tháng Giêng, tác giả Minh T. có bài viết trên blog của mình, với tựa đề “Tu Nghiệp Sinh Ơi! Buồn Thay Thân Phận của Kiếp Người Việt Nam.”
Có thể nói, bài viết này, cho đến thời điểm này, mang nhiều thông tin nhất liên quan đến nguồn gốc chương trình “tu nghiệp sinh” từ Việt Nam đến Nhật cũng như những chi tiết thực sự bên trong chương trình này.
Những thông tin tác giả cung cấp cũng đã lý giải phần nào tại sao một số tu nghiệp sinh Việt Nam tham gia vào các đường dây trộm cắp tại Nhật Bản.
Bài viết của Minh T. có thể tóm tắt, rằng chương trình “tu nghiệp sinh” có từ thời thủ tướng Murayama của Nhật Bản, và được thiết lập trên tinh thần chính phủ Nhật xin lỗi các nước Châu Á về tội ác họ đã làm trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Khi đưa sang Việt Nam, chương trình với mục đích nhiều ý nghĩa này đã bị nhiều quan chức Việt Nam lợi dụng, thay đổi tính chất, để kiếm tiền thông qua chi phí môi giới.
Thu nhập của tu nghiệp sinh bị chia năm xẻ bảy bởi cả 2 hệ thống, là tổ chức môi giới của Việt Nam và cả tổ chức môi giới của Nhật Bản.
Tu nghiệp sinh Việt Nam khác với tu nghiệp sinh Thái Lan ở chỗ họ không còn là con người khi đã bước chân lên máy bay. Họ là một con vật kéo cày để trả món nợ ở quê nhà, để đầy túi tham của bọn quan chức cán bộ trong Bộ Lao Động Thương Binh Xã hội.
blogger Minh T.
Hai hệ thống này cấu kết chặt chẽ với nhau, trong đó quan chức Việt Nam thậm chí bày vẽ cho phía môi giới Nhật cách thức kiểm soát và làm tiền tu nghiệp sinh Việt Nam.
Sau 10 tháng làm tu nghiệp sinh, các tu nghiệp sinh được chuyển sang qui chế “thực tập sinh,” với lương cao hơn nhưng vẫn tiếp tục bị chia 5 xẻ 7 vì phải tra chi phí cho nghiệp đoàn môi giới Nhật và phí quản lý của Việt Nam.
Hai quốc gia có chương trình thực tập sinh sang Nhật là Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan có sự kiểm soát và phối hợp chặt chẽ, qua đó xây dựng thành công một đội ngũ kỹ thuật cao từ Nhật Bản về.
Còn Việt Nam, do tham nhũng của quan chức, đã biến chương trình có ý tưởng tốt đẹp của chính phủ Nhật Bản thành một nơi kiếm tiền thông qua sức lao động của người dân mình.
Xin trích một đoạn trong bài viết của Minh T.
“Mục đích chính của chương trình đào tạo Tu nghiệp sinh là giúp cho Việt Nam đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực nghề sản xuất, đồng thời giúp các xí nghiệp Nhật lúc đó đang thiếu trầm trọng nhân công. Nhật Bản được cả 2 cái lợi là vừa giải quyết việc thiếu hụt nhân lực lại vừa được tiếng là giúp đỡ Việt Nam.
Theo tinh thần của hiệp định lúc đó thì Tu nghiệp sinh sẽ học và làm việc ở Nhật là 3 năm. Sau khi sang Nhật trong 10 tháng đầu tiên sẽ là huấn nghệ và họ sẽ nhận tiền trợ cấp huấn nghệ là 70,000 yen/ tháng (bây giờ thì lên 80,000/ tháng).
Sau 10 tháng huấn nghệ nếu thi đậu bằng nghề của Nhật thì sẽ được trả lương tương đương với người Nhật trong vòng 26 tháng còn lại.
Bộ ngoại giao và Bộ lao Động Nhật trực tiếp quản lý chương trình Tu Nghiệp Sinh thông qua một tổ chức của chính phủ là JITCO. Thái Lan cũng được ký hiệp định hỗ trợ Đào tạo Tu nghiệp sinh giống y chang Việt Nam.”
Nhìn nguời…
Minh T. nhận định, là chương trình này rất hay, nhưng chính phủ Việt Nam chỉ mong đi lượm tiền lẻ nên mới sinh ra đủ thứ chuyện lùm xùm bây giờ.
Còn chính phủ Thái Lan thì khôn ngoan hơn, họ có được một đội ngũ nhân tài được đào tạo tại Nhật. Và chính phủ Thái đã chọn con đường “lấy tiền chẵn.”
Tác giả kể về sự thành công của Thái Lan như sau:
“Chính phủ Thái Lan hiểu điều này nên khi đưa người đi tu nghiệp ở Nhật thì họ chọn lựa những sinh viên giỏi, những kỹ sư có kiến thức sang Nhật để học những kỹ thuật mà họ chưa có, hoặc chưa bằng Nhật. Ví dụ cái nghề chế tạo khuôn mẫu để đúc kim loại hay nhựa hoặc công nghệ xe hơi.
Chính phủ Thái họ quản lý rất chặt, các tu nghiệp sinh trước khi đi thì họ yêu cầu phía Nhật phải cho họ danh sách các công ty tiếp nhận tu nghiệp sinh, sau đó họ sẽ cử nhân viên Đại sứ quán đến điều tra cái công ty Nhật đó đúng kỹ thuật mà họ cần không, điều kiện lao động có an toàn cho con em họ không. Nếu công ty quá nhỏ hoặc không có kỹ thuật thì họ loại sổ.
Sau khi tu nghiệp sinh Thái lan sang Nhật thì nhân viên chính phủ Thái hàng tháng họ sẽ đến tận công ty để kiểm tra đời sống sinh hoạt, học tập của con em họ và nếu như bị người Nhật hà hiếp hoặc đào tạo không đúng chức năng thì lập tức họ kiến nghị Bộ ngoại giao Nhật cho ngừng ngay lập tức và họ chuyển qua công ty khác hay trường học khác. Các tu nghiệp sinh này sau khi về nước thì được trọng dụng.
Với chính sách quản lý chặt chẽ và lo cho dân như vậy nên chỉ sau 14 năm thì bây giờ ngành gia công khuôn mẫu cho công nghệ xe hơi của Thái lan đã vượt qua mặt Hàn Quốc, được xếp vào danh sách cường quốc gia công khuôn mẫu chỉ sau Nhật, 80% khuôn mẫu và sản phẩm đúc của công nghệ xe hơi Nhật hiện được làm ở Thái Lan với số nhân tài ưu tú được đào tạo từ Nhật. Cái tiền đào tạo 200,000 USD một người của Nhật kể như người Thái nuốt trọn, họ đúng là chọn con đường lấy tiền chẵn.”
Mà nghĩ đến ta
Còn phía Việt Nam thì sao? Tác giả Minh T. nhận định, rằng “Tòa đại sứ Việt Nam rất vô trách nhiệm. Không những không bảo vệ công dân của mình mà còn chuyên môn nhũng nhiễu làm tiền tu nghiệp sinh.
Nếu ai lỡ dại chịu không nỗi bỏ trốn không thể lấy lại hộ chiếu từ các công ty môi giới Nhật, muốn lấy tờ giấy thế cho hộ chiếu để về Việt Nam thì phải chung chi khoảng 50,000 yen đến 100,000 yen mới mong có giấy tờ tạm để trở về nước.”
Hãy đến và chuyện trò với nhau trong không gian Blog. Bạn sẽ tìm thấy những tư liệu đặc sắc chưa hề phổ biến. Ở đó, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về những chuyện mà chúng ta cùng thao thức.<br/> <a href="http://www.rfavietnam.com/" target="new">Trang blog Ban Việt ngữ RFA</a>
Tác giả kết luận, "Tu nghiệp sinh Việt Nam khác với tu nghiệp sinh Thái Lan ở chỗ họ không còn là con người khi đã bước chân lên máy bay. Họ là một con vật kéo cày để trả món nợ ở quê nhà, để đầy túi tham của bọn quan chức cán bộ trong Bộ Lao Động Thương Binh Xã hội, để làm giàu cho bọn buôn người ở Nhật đã cấu kết ăn chia chặt chẽ với các quan chức Việt Nam."
Tác giả viết lời kết, cũng là tựa đề của bài viết trên blog Minh T., rằng “Tu nghiệp sinh ơi! Buồn thay thân phận của kiếp người Việt Nam.”
--------------------------------
(Để đọc toàn bộ bài viết trên blog của Minh T., để biết chi tiết công ty nào, ai, và bằng cách nào, đã biến đổi chương trình tu nghiệp sinh với ý nghĩa cao đẹp trở thành nơi tham nhũng, độc giả có thể bấm vào liên kết: http://blog.360.yahoo.com/blog-pvqHeZ88cqioTB0GaPCIid4B2A--?cq=1)