Vụ án một người Việt bị đám đông người Campuchia giết vào tối ngày 15/2 đã làm dấy lên dư luận phẫn nộ sau khi nhiều báo chí trong và ngoài nước đưa tin. Trong vụ án này, tòa án Campuchia đã quyết định tạm giam một người Campuchia vì bị tình nghi kích động bài Việt. Sự thật ra sao? Thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình từ Campuchia:
Cố ý giết người?
Công tố viên và thẩm phán của tòa sơ thẩm ở thủ đô Phnom Penh ngày 18/2 đã chất vấn ông Bun Chanvutha, 52 tuổi, người Campuchia duy nhất mà cảnh sát bắt giữ lúc đang nộp đơn khiếu nại một người Việt gây thương tích cho con của ông vào khuya ngày 15/2.
Ông Bun Chanvutha trả lời phỏng vấn qua điện thoại với RFA từ phòng giam tại đồn cảnh sát quận Meanchey thuộc thủ đô Phnom Penh hồi chiều ngày 19/2 rằng ông đang bị cảnh sát chuyển đi tạm giam tại nhà tu Prey Sar với cáo buộc tội danh ‘cố ý giết người với tình tiết tăng nặng’.
Theo ông Chanvutha, trong biên bản ghi nhận và kiện ông, cảnh sát ghi nhận ông là người trực tiếp gây thương tích và giết một người Việt ngay trước đường hẻm vào nhà của ông trên đường Quốc lộ số 2, thị xã Chak Angre Loeu, quận Meanchey.
Sau khi người đi trên đường hô lên 'Youn đánh người Khmer tại sao không giúp?' thì nhiều người chạy lại đánh người Việt. <br/> -Ông Bun Chanvutha
Ông Bun Chanvutha kể lại với chúng tôi: "Đám đông người Việt đánh con tôi xin đường vào nhà. Tôi ra ngoài hỏi rõ nguyên nhân nhưng cũng bị họ đánh vào mặt, bể miệng và bị ngã xuống đường vì tôi bị liệt chân trái. Lúc đó, có 3 cảnh sát có mặt can thiệp tại chỗ nhưng phía Việt Nam say rượu vẫn tấn công vào tôi. Sau khi người đi trên đường hô lên 'Youn đánh người Khmer tại sao không giúp?' thì nhiều người chạy lại đánh người Việt. Người dân bắt được một người Việt Nam, còn nhiều người khác chạy bỏ."
Ông Chanvutha khẳng định rằng ông cùng một cảnh sát tên Chan Touch đưa một người Việt đi đồn cảnh sát để thỏa thuận và bồi thường tiền thuốc. Phía Việt Nam đồng ý bồi thường 50$ tương đương 1 triệu VNĐ tuy nhiên khoảng một tiếng sau cảnh sát điện báo có một người Việt bị giết. Cảnh sát đã thả một người Việt bị bắt giữ, rồi bắt giam giữ ông.
Trưa ngày 19/2, phóng viên RFA có mặt tại điểm xảy ra tại nạn. Trực tiếp phỏng vấn các bên có liên quan và nhân chứng có mặt tại chỗ.
Phía Campuchia, hầu hết người dân ở khu vực nói trên tự nguyện làm nhân chứng cho ông Bun Chanvutha rằng ông này không liên quan đến vụ bạo lực và cũng không hề kích động phân biệt sắc tộc.
Còn phía Việt Nam thì họ trả lời với chúng tôi thẳng thắn không biết làm gì hơn vì có Hội người Việt kiều lo và cảnh sát hứa sẽ giúp giải quyết.
Theo quan sát và tin tức mà chúng tôi có được, tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 20 giờ và 30 phút trước đường hẻm vào nhà Bun Chanvutha. Nguyên nhân gây ra tại nạn, do một người Việt tên Đông trong tình trạng say xỉn lái xe máy đụng vào phía sau một chiếc xe hơi cách nhà Đông khoảng 1500m. Đông là bạn của Trần Văn Tuấn em trai của Trần Văn Chiến (trước đó nhiều người gọi là Nguyễn Văn Ngọc).
Nhiều nhân chứng người Việt nói rằng không biết Đông điện thoại cho ai, nhưng Trần Văn Chiến nghe có tại nạn, tưởng rằng em trai mình là Trần Văn Tuấn bị xe đụng, Chiến kéo nhau khoảng 10 người đi giúp.
Ông Lâm Văn Thơ kể lại với chúng tôi: "Nghe tin em bị xe đụng, rồi Chiến lên tiếp. Tưởng đâu Tuấn bị thương nặng, thành ra không có chuyện gì. Có người Campuchia nói Việt Nam đánh Campuchia nên người Campuchia chạy đánh người Việt luôn. Người Việt chạy, Chiến chạy không khỏi bị người Campuchia đánh chết trong hẻm."
Trần Văn Chiến, 30 tuổi, sanh ra và lớn lên ở tỉnh Kampong Chhnang kết hôn với một phụ nữ người Campuchia gốc tỉnh Svay Riêng. Cho đến nay, Trần Văn Chiến chưa thể nhập tịch Campuchia dù sanh ra ở xứ chùa Tháp và có vợ người Campuchia.
Trần Văn Chiến bị giết vào lúc 21 giờ 30 phút, trước một xí nghiệp hàng sắt cách khu vực xảy ra tại nạn hơn 200m. Ngoài ra, còn có 6 người Việt khác bị thương gồm có tên Sanh, Bảo, Vũ, Đông, Hòn và Hùng, người bị ông Bun Chanvutha và cảnh sát bắt giữ và đưa lên làm việc tại đồn.
Trần Văn Chiến qua đời để lại người vợ Men Sinath, 26 tuổi, đang mang thai 8 tháng. Nói chuyện với RFA, cô Sinath nói không biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết chồng cô bị người Campuchia đánh chết. Cô xác nhận: "Tôi không biết có chuyện gì xảy ra vì tôi ở nhà. Tôi chỉ biết chồng tôi đi coi em rễ bị tai nạn giao thông. Con tôi sắp đẻ, không biết ai giúp gia đình tôi."
Còn ông Trần Văn Vẹn, cha người Việt bị giết chia sẻ: "Tôi không có mặt ở đây, đang ở biển hồ. Nghe con chết mới ra đây. Tôi thấy không có cái gì mà liên quan tới con tôi hết. Tại sao con tôi chết bỏ con dâu. Tôi nhờ cấp trên giải quyết sao cho công bằng."
Cảnh sát thân thiện gia đình người Việt?
Trong khi đó, Thanh tra cảnh sát quận Meanchey là ông Hy Narinn phát biểu với RFA rằng vụ tại nạn giao thông người Việt lái xe máy đụng vào xe hơi, chiếc xe tiếp tục chạy.
Ông Narinn nói tiếp: "Người Việt này cũng lái xe chạy, chạy đi đụng vào một chiếc xe gắn máy. Có người hô lên 'Youn! Youn' sau đó bị người ta đánh chết. Chúng tôi bắt được một người và đưa ra tòa."
Tuy nhiên, ông Hy Narinn từ chối cung cấp thông tin cụ thể về nghi phạm giết người Việt, tại sao nói người gây tai nạn bị giết tại chỗ khi nhân chứng và gia đình người bị giết khẳng định Trần Văn Chiến chỉ đi giúp can thiệp mới bị giết và trả lời tại sao phải bắt một người đàn ông Campuchia không có mặt tại hiện trường…v.v.
Song song đó, ông Bun Chanvutha cho RFA biết thêm từ trại giam rằng lúc ông nghe cảnh sát điện báo Trần Văn Chiến bị giết là ông và tên Hùng đang có mặt tại đồn cảnh sát. Sau đó, cảnh sát thả tên Hùng, rồi lập hồ sơ cáo buộc ông có liên quan kích động giết người.
Tôi rất thắc mắc tại sao biên bản ghi nhận trái sự thật 180 độ? Dựa vào biên bản và lời cáo buộc trên, tôi cảm thấy cảnh sát có quan hệ thân thiện với gia đình người Việt. <br/> -Ông Bun Chanvutha
Ông xác nhận: "Tôi rất thắc mắc tại sao biên bản ghi nhận trái sự thật 180 độ? Dựa vào biên bản và lời cáo buộc trên, tôi cảm thấy cảnh sát có quan hệ thân thiện với gia đình người Việt. Sau đó, gia đình tôi cho biết vợ bé của một cảnh sát cấp cao là anh em trong số người bị thương."
Khi chúng tôi có mặt tại chỗ xảy ra tai nạn, đã có không dưới 20 người Campuchia đến bao vây, khóc lóc cầu cứu vì cho rằng đây là vụ án chụp mũ, có động cơ chính trị do khu vực xảy ra tại nạn ở gần trụ sở văn phòng đảng đối lập và nhiều người dân ở nơi đó ủng hộ phe đối lập.
Ông Yao Sochea, một nhân chứng Campuchia bị cảnh sát mời lên làm chứng nói với chúng tôi rằng người đang bị cảnh sát tạm giam là nạn nhân, hiền lành. Nhưng ông Sochea không hiểu tại sao cảnh sát phải bắt người này lúc đi nộp đơn khiếu nại người Việt Nam gây hấn.
Còn phía Việt Nam thì nói theo tin từ cảnh sát và báo chí địa phương, vụ án trên có thể xuất phát từ lời lẽ kích động phân biệt sắc tộc, bài Việt. Việt Nam vẫn thúc giục Campuchia điều tra làm rõ sự việc.
Ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị đối ngoại thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh phát biểu với RFA ngày 19/2: "Việc này xảy ra ở Campuchia, bây giờ đang chờ đợi các cơ quan chức năng của Campuchia điều tra. Tôi nghĩ Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cơ quan điều tra của Campuchia sẽ điều tra, làm rõ về vấn đề đó."
Còn ông Koy Koung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia khẳng định với RFA ngày 20/2 rằng quan hệ ngoại giao Campuchia và Việt Nam ngày càng được thắc chặc. Chính phủ đã bảo vệ tất cả mọi công dân đang sinh sống tại Campuchia, không phân biệt đối xử kể cả người Việt.
Ông Koy Koung nói: "Các phát biểu kích động phân biệt sắc tộc của đảng đối lập đối với người Việt thì tôi không nghĩ làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước bởi vì chính phủ hai nước đã hợp tác tốt. Những vụ việc xảy ra tại Campuchia, Campuchia sẽ giúp giải quyết và bảo vệ phù hợp theo luật pháp."
Có ý kiến cho rằng nhiều vụ án người Việt bị chết ở Campuchia, gặp tại nạn giao thông, bị cảnh sát bắt giữ do đánh bắt cá trái phép, nghèo đói, không nơi nương tựa…nhưng rất hiếm nghe Việt Nam lên tiếng. Ngày 21/2 tới, tòa án Campuchia sẽ công bố bản án một người Việt Nam bị tình nghi tham gia biểu tình với phe đối lập hồi ngày 15/9/2013 kích động bạo lực và cố ý giết người với tình tiết tăng nặng nhưng vẫn không thấy Đại sứ quán Việt Nam hay chính phủ Việt Nam giúp tìm luật sư biện hộ.
Còn vụ án Trần Văn Chiến, chính quyền địa phương và Việt Nam đã quan tâm quá mức. Thậm chí Tổng hội người Việt kiều là người đứng ra chịu trách nhiệm về hồ sơ thưa kiện, còn cảnh sát Campuchia cũng hứa hẹn giúp đỡ trong lúc người trong cuộc như Đông, Sanh, Hùng, Hòn, Vũ, Bảo đều tránh né khi phóng viên RFA tiếp xúc.