Thực trạng ngành nhựa VN

Ngành nhựa là một trong 10 ngành được nhà nước ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiến trình phát triển của ngành nhựa Việt Nam vẫn chưa ổn định.

0:00 / 0:00

Thiếu nguyên liệu đầu vào

Đến nay, ngành nhựa Việt Nam có khoảng 2 ngàn doanh nghiệp, chừng 84% số đơn vị sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ. Thuộc các ngành sản xuất bao bì nhựa, nhựa gia dụng, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa kỹ thuật... Sản phẩm nhựa của Việt Nam được nói hiện đang có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu, mỗi năm ngành nhựa cần nhập khẩu hàng triệu tấn các loại nguyên liệu như PE, PP, PS… Cụ thể về nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp, ông Lưu Bội Oanh, giám đốc Công ty nhựa Tường Hồng cho biết như sau:

Các công ty nhập khẩu hạt nhựa từ nước ngoài, đem về bán trên thị trường. Còn chúng tôi thì mua lại nguyên liệu từ những công ty này. Việt Nam không có tạo ra hạt nhựa, chỉ là tái chế từ hàng phế phẩm. Hạt nhựa nguyên chất là bắt buộc phải nhập từ nước ngoài.

Khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 15-20% nhu cầu nguyên phụ liệu. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 70% giá thành sản phẩm. Nếu tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu còn kéo dài, tất sẽ có những tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Xét giữa mức xuất khẩu và nhập khẩu, cán cân thương mại của ngành nhựa tỏ ra mất cân đối. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam, thực trạng có những biểu hiện là:

Nhập khẩu thì nhiều lắm. Doanh số xuất khẩu thì bằng khoảng 1/3 so với doanh số nhập khẩu nguyên liệu. Hàng năm, nhập khẩu khoảng chừng 4 tỷ USD nguyên liệu.

Hồi năm ngoái có hơn 400 công ty nhựa, tương đương 20% tổng số doanh nghiệp toàn ngành, đã âm thầm đóng cửa. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là do giá nguyên liệu đột ngột tăng cao.

Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến là một ngành kỹ thuật gia công chất dẻo. Đầu tư nhà máy chế biến hạt nhựa trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu là một nhu cầu thiết thực của ngành nhựa. Theo như Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đã được Bộ Công Thương phê duyệt, chuyển dịch cơ cấu nhóm sản phẩm nhựa theo hướng, giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng; tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật. Bà Huỳnh Thị Mỹ diễn giải thêm như sau:

Thực ra là không phải là ảnh hưởng. Nhưng mà các doanh nghiệp phải theo một định hướng cụ thể, cũng phải chuyển mình để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Dần dần ngành nhựa Việt Nam phải thay đổi.

Bây giờ ngành nhựa Việt Nam như là một ngành gia công là chính. Bị phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Sắp tới nhà nước muốn hỗ trợ ngành nhựa, để mọi người được tự chủ hơn.

Việt Nam không có tạo ra hạt nhựa, chỉ là tái chế từ hàng phế phẩm. Hạt nhựa nguyên chất là bắt buộc phải nhập từ nước ngoài.<br/>Ông Lưu Bội Oanh <br/>

Sự phát triển của các doanh nghiệp nhựa trong nước vốn mang nặng tính tự phát, chủ yếu đầu tư vào ngành hàng đơn giản, đòi hỏi nhiều lao động song lợi nhuận lại ít. Với thực trạng này, nếu không có những chuyển hướng cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành nhựa khó có vị trí đứng ổn định trong tương lai.

Với khả năng đầu tư tài chính thấp, sản phẩm của nhiều đơn vị sản xuất không đáp ứng được yêu cầu thân thiện môi trường. Hiện nay, phong trào kêu gọi hạn chế sử dụng túi nylon đã được luật hóa thành những biện pháp chế tài cụ thể, như việc đánh thuế môi trường vào mặt hàng túi nylon. Chủ trương này có những tác động nhất định đến các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa. Theo như ông Lưu Bội Oanh là:

Chỉ liên quan đến các sản phẩm túi xốp, bịch nylon thôi; loại túi xốp ở các siêu thị dùng để đựng hàng. Bị đóng thuế môi trường cao quá, chứ làm thì nhà nước vẫn cho. Mà sản xuất ra thì phải đóng thuế môi trường thôi.

Túi xốp trên thị trường cỡ 38 ngàn/kg; nếu mà sản xuất sản phẩm túi xốp để đựng đồ thì cộng thêm tiền thuế môi trường, giá sản phẩm thành 40 ngàn/kg. Thuế môi trường tính ra mắc so trên trọng lượng sản phẩm, cho nên bị ảnh hưởng hơi lớn đến doanh nghiệp.

Gây ô nhiễm môi trường

Một bãi bao ni long phế thải tại TPHCM. AFP photo
Một bãi bao ni long phế thải tại TPHCM. AFP photo (Một bãi bao ni long phế thải tại TPHCM. AFP photo )

Trên cả nước có khoảng 35% doanh nghiệp trong ngành chuyên về sản xuất nhựa bao bì. Ngoài chất lượng sản phẩm, chính công nghệ sản xuất của các đơn vị trong ngành cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Mấy năm về trước, nhiều nhà máy ngành nhựa bị than phiền về hiện tượng gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, tình trạng này có vẻ đã được cải thiện nhiều hơn. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Công ty Anh Dũng Plastic cho chúng tôi biết:

Thấy cũng bình thường thôi. Trong bản giải trình nhựa thì nhìn chung là sản xuất của chúng tôi chuyên về mousse. Đa số máy móc của công ty chúng tôi đang dùng là do trong nước sản xuất. Quy trình vận hành không có phát sinh vấn đề, hoạt động bình thường.

Sản xuất công nghiệp hiện đại đang có xu hướng hình thành chuỗi chế tạo sản phẩm, với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hình thành và phát triển từ các công ty gia đình. Trên 50% doanh nghiệp nhựa cả nước có quy mô vừa và nhỏ. Đa phần không có nhiều vốn để đầu tư công nghệ hiện đại nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh xu hướng liên kết hợp tác để thực hiện các hợp đồng lớn và lâu dài.

Với tốc độ phát triển hiện nay, ngành nhựa Việt Nam đang trong quá trình vận động trở thành một ngành công nghiệp ổn định của quốc gia. Bà Huỳnh Thị Mỹ có nhận xét như sau:

Về cơ bản thì tùy theo mảng. Ví dụ như là nhựa kỹ thuật thì khác, nhựa bao bì thì khác. Nhưng ngành nhựa cũng đã có một sự chuyển mình, thay đổi. Như là về khuôn mẫu, hiện nay cũng có một doanh nghiệp Việt Nam làm khuôn mẫu rất là tốt, có thể xuất khẩu đi nước ngoài được.

Nhìn chung, ngành nhựa Việt Nam sẽ phát triển bền vững nếu tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào. Muốn tự chủ được nguyên liệu nhựa, cần phải phát triển ngành công nghiệp hóa dầu. Nguồn vốn lớn đầu tư cho các dự án hàng tỷ USD như vậy, đang trông đợi sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía nhà nước.