Diễn tiến đó tạo nên nhiều câu hỏi, trong đó, có thắc mắc rằng vì sao công cuộc cải cách ở Miến Điện lại phát xuất từ chính những người từng cai trị xứ này bằng bàn tay sắt?
Hồi đầu thập niên 1960, Miến Điện được xem là một ngôi sao đang lên tại Á Châu khi xứ ĐNÁ này dẫn đầu thế giới về lượng lúa gạo xuất khẩu, có một lực lượng lao động trình độ cao cùng nền kinh tế và hệ thống pháp lý hiệu quả khiến được thế giới ca ngợi là quốc gia có triển vọng công nghiệp hóa tiên tiến so với mọi xứ láng giềng.
Nhưng tương lai xem chừng như xán lạn ấy vụt tắt từ năm 1962 khi cuộc đảo chánh mở đường cho các tướng lãnh đưa quê hương phong phú tài nguyên thiên nhiên cùng nhiều tiềm năng khác của họ trải qua nhiều thập niên đen tối.
Cụ thể là, theo tờ Christian Science Monitor, trong hơn nửa thế kỷ, các nhà cầm quyền quân phiệt Miến đồng nghĩa với bạo tàn và tham nhũng, bị cáo giác tiến hành chiến tranh một cách dã man nhắm vào những nhóm sắc tộc thiểu số, nhúng tay trong hoạt động ma túy, cưỡng bách lao động một cách quy mô cùng nhiều hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác.
Nhưng cách nay khoảng một năm, sau khi thể chế quân sự chính thức rút lui nhường bước cho tân chính phủ dân sự trên danh nghĩa của Tổng thống Thein Sein, thì vị cựu tướng trở thành tổng thống này, vốn được xem là Mikhail Gorbachov của Miến Điện, mở đường cho một loạt những đổi thay ngạc nhiên, từ việc cải cách chính trị, phóng thích tù nhân lương tâm, đối thoại với Liên Đoàn Toàn Quốc Vì Dân Chủ, ký kết thỏa thuận ngưng bắn với sắc tộc thiểu số, đình chỉ dự án đập thủy điện TQ, nới lỏng việc kiểm duyệt báo chí, cải cách kinh tế, cho tới cho thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, viết lại luật đất đai, lao động, mời những nhà bất đồng chính kiến lưu vong trở về…
Nghĩa là chuyển biến khả quan ấy ở Miến Điện không phải phát xuất từ “Mùa Xuân Ả Rập” – tức cuộc nổi dậy của người dân, mà từ giới cầm quyền.
Câu hỏi được nêu lên là nguyên nhân nào mà chính quyền Miến Điện – nói đúng hơn là Tổng thống Thein Sein từng là cánh tay mặt của nhà độc tài Than Shwe gieo nhiều kinh hoàng – lại chuyển theo hướng dân chủ ngoạn mục như vậy?
Những lý do khiến giới cầm quyền Miến Điện chuyển hướng, theo tờ Christian Science Monitor, trước hết là chính thống tướng Than Shwe nắm quyền tối thượng tại Miến Điện cho tới năm ngoái có thể chứng kiến lịch sử thăng trầm nên bất an để phải mở đường cho một chính phủ dân sự nhằm bảo đảm rằng quyền lực không còn tập trung vào một người mà sau đó có thể biến chính ông trở thành nạn nhân. Theo ông Nay Win Maung, người từng viết diễn văn cho tổng thống, thì công cuộc cải cách sẽ tạo nên sự trú ẩn an toàn cho tướng Than Shwe vì tránh được cuộc nổi dậy của người dân.
Bớt lệ thuộc vào Trung Quốc
Kế đến là tình trạng Miến Điện bị phương Tây cấm vận kinh tế nhiều thập niên vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khiến Rangoon lệ thuộc hầu như mọi mặt và ngày càng đáng ngại vào TQ - xứ đàn anh khổng lồ bị dân chúng Miến Điện bất tín - trong khi chính quân đội Miến chưa quên đã từng tốn nhiều xương máu để tiêu diệt phiến quân cộng sản do Bắc Kinh yểm trợ. Cho nên, cách duy nhất là giới cầm quyền Miến phải giảm thiểu sự lệ thuộc vào TQ một cách "nhục nhã và tổn hại".
Một lý do nữa là giới cầm quyền Miến muốn thoát khỏi biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng tình trạng sa sút kinh tế, vì con đường dẫn Miến Điện đến thiên đường XHCN mà chính quyền quân phiệt Ne Win áp đặt trước đây đã đưa xứ này đến ngõ cụt kinh tế giống như trường hợp Bắc Hàn, cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, khiến Miến Điện hiện trở thành xứ nghèo nhất ĐNÁ mà giờ này Rangoon mới nhận ra là một nỗi quốc nhục. Và để bắt kịp những nước trong khu vực cũng như đưa nền kinh tế Miến hội nhập vào thế kỷ 21, thì giới cầm quyền cần sự trợ giúp quốc tế. Theo tờ Christian Science Monitor , điều đó có nghĩa là phương Tây phải ngưng cấm vận. Mà muốn được vậy thì Miến Điện cần phải dân chủ hóa.
Trước hết, áp lực từ phía bên ngoài rất mạnh nên kinh tế Miến Điện bị "kẹt", bị cô lập và bị lệ thuộc quá nhiều từ Trung Quố<i>c.</i>
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn bang giao quốc tế thuộc Đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ nhận xét:
"Nói về sự thay đổi thì những nhà lãnh đạo Miến Điện thấy rằng sự thay đổi là có lợi cho nước họ và cho họ. Và có một số điều kiện khiến cho họ thay đổi được. Trước hết, áp lực từ phía bên ngoài rất mạnh nên kinh tế Miến Điện bị “kẹt”, bị cô lập và bị lệ thuộc quá nhiều từ Trung Quốc. Muốn làm như thế họ phải hướng ra nước ngoài - Tây phương. Nếu muốn vậy họ phải thực hiện một số công việc mà Tây phương yêu cầu như dân chủ nhân quyền. Làm như vậy thì họ không bị cô lập ngoại giao và có triển vọng phát triển kinh tế của đất nước."
Theo kịp thế giới
Ký giả Thomas Fuller của tờ New York Times và International Herald Tribune đề cập tới chuyến đi của tướng Thein Sein đến ngôi làng sinh quán xa xôi Kyonku của ông tại vùng châu thổ sông Irrawadi cách nay 4 năm với tư cách là người chỉ huy Ủy ban Phòng chống Thiên tai khi trận bão dữ dội Nargis xảy ra ở đó khiến trên 130.000 người thiệt mạng; Ông chứng kiến sự thiếu chuẩn bị của xứ nghèo Miến Điện như thế nào và bối cảnh tang thương, tan tác đó – nói theo lời ông Tin Maung Thann, người điều hành một tổ chức nghiên cứu Rangoon – khiến ông Thein Sein ý thức "nhiều hạn chế" của chế độ tiền nhiệm. Rồi ông có thể nhận ra nhiều hạn chế khác nữa khi giữ chức vụ thủ tướng được dịp công du hải ngoại – tương phản với những tướng lãnh trong hội đồng quân nhân vốn ít khi rời khỏi nước.
Theo các phân tích gia thì những cải cách quan trọng của chính phủ Thein Sein đã thuyết phục được lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi tái tham chính hồi năm ngoái, mở đường cho ông Thein Sein được uy tín đáng kể trong và ngoài nước, đưa ông gần hơn với Hoa Kỳ vốn đang dẫn đầu các biện pháp cấm vận Miến Điện.
Lên tiếng tại một phiên họp của các viên chức ngoại viện mới đây, ông U Myint, cố vấn kinh tế cao cấp của Tổng thống Thein Sein, nhìn nhận rằng trên nửa thế kỷ qua kể từ khi được độc lập, Miến Điện không thiếu nguồn tài nguyên nhưng đã quan niệm sai lầm cùng chính sách sai trái khiến đất nước sa sút.
Bài học “Mùa Xuân Ả Rập”
Có nhiều ý kiến cho rằng biến chuyển tại Miến Điện cũng phát xuất từ việc hội đồng quân nhân cầm quyền ý thức rằng họ không thể hoàn toàn cô lập người dân khỏi thế giới bên ngoài, vì phương tiện Internet ngày nay phá vỡ mọi giới hạn biên giới và thông tin tràn ngập trong nước; nên tốt hơn là tự nguyện nới lỏng quyền kiểm soát hơn là bị nguy cơ nổi dậy của người dân.
Qua bài "Myanmar bước vào chặng đường lịch sử mới", tác giả Nguyễn Ngọc Trường trích dẫn tờ New Light of Myanmar của chính quyền Naypyidaw cho rằng "những ví dụ tại Iraq, Afghanistan" cho thấy "những sai lầm chiến lược" của những kẻ chỉ biết "chuẩn bị va-li và nói tạm biệt" với các nước bị tàn phá, đổ nát trong đống tro tàn, bỏ mặc dân chúng "khóc than và đau khổ". Còn các cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập thực sự cũng không khác biệt gì với tình hình ở các nước nói trên. Tờ báo khẳng định điều này sẽ không xảy ra tại Myanmar và Myanmar sẽ tiến hành những thay đổi "hài hòa".
Báo The Wall Street Journal trích dẫn lời các viên chức chính phủ Miến cho hay họ chỉ muốn tái thiết kinh tế và mang lại hòa giải dân tộc sau nhiều năm đàn áp. Những người am tường nguyện vọng của giới lãnh đạo Miến cho biết họ cũng muốn có quan hệ tốt với Phương Tây để giảm lệ thuộc đáng kể vào TQ giữa lúc những nguồn đầu tư ào ạt từ Hoa Lục đã gây căm phẫn lan rộng ở người dân Miến.
Theo nhận xét của Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì trong bối cảnh những nền kinh tế cởi mở của các quốc gia chủ trương cải cách như Malaysia, Thái Lan và Indonesia trở nên hưng thịnh, giới lãnh đạo những nước như Miến Điện nhận thấy họ đang bị tụt hậu, và họ cũng hiểu rằng cải cách chính trị có thể tạo nên vận hội kinh tế lớn lao.
Tổng thống Thein Sein cam kết rằng chính phủ ông sẽ xúc tiến công cuộc cải cách này, và ra sức thuyết phục những ai còn hoài nghi trong cũng như ngoài nước rằng Naypyidaw thực sự quyết tâm cải cách dân chủ.
Nhưng, trong khi ông Nay Win Maung, nhân vật viết diễn văn cho tổng thống, bày tỏ quan ngại hồi cuối năm ngoái rằng những đổi thay tại Miến Điện có tính cách tự phát, dựa trên yếu tố cá nhân, không có tính chiến lược, thì nhiều nhà ngoại giao phương Tây nhìn nhận rằng hiện khó mà biết được quyền lực của Tổng thống Thein Sein tới đâu và ông có toàn quyền quyết định hay không?
Tờ The Wall Street Journal lưu ý rằng hiện chưa rõ liệu chính phủ Thein Sein theo đuổi công cuộc cải cách như vậy nhằm mục đích mang lại tiến bộ kinh tế, chính trị dài lâu hay chỉ phát xuất nhất thời từ áp lực trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Ông Aung Din, Giám đốc chính sách của Chiến dịch Hoa Kỳ cho Miến Điện lên tiếng mới đây với Đài ACTD về vấn đề này:
"Họ chưa thuyết phục được tôi là những thay đổi này sẽ không bị đảo ngược. Đã có vài trăm tù nhân chính trị được thả nhưng họ có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, vẫn còn hàng trăm tù nhân chính trị bị giam cầm. Nói chung là những gì mà chính quyền đang thay đổi thì là một nửa thôi."
Theo báo The Economist thì phương Tây phải tiếp tục áp lực giới tướng lãnh Miến từng cai trị tàn bạo xứ này trong nhiều thập niên qua, nhưng đồng thời cũng khuyến khích cải cách. Cuộc cách mạng ở Miến hiện giờ đầy hứa hẹn khi, cho tới giờ, chỉ có thắng chứ không có thua. Vẫn theo tờ báo, thì việc có duy trì được chiều hướng đó hay không là do người dân Miến Điện quyết định.
Theo dòng thời sự:
- Miến Điện: Từ Dân chủ đến Phát triển
- Miến Điện cam kết dân chủ hóa đất nước
- Ý nghĩa chiến thắng của phe dân chủ Miến Điện
- Tổng thống Miến Điện tiếp đại diện Liên Đoàn Quốc Gia Karen
- ASEAN kêu gọi nới lỏng cấm vận Miến Điện
- EU thảo luận bãi bỏ cấm vận Miến Điện
- Miến Điện đang bước vào một thời đại mới: Aung San Suu Kyi
- Liệu Việt Nam sẽ thay đổi theo Miến Điện?