[ Nghe bài nàyOpens in new window ]
Tình trạng khiếu kiện đất đai của người dân bị thu hồi một cách phi pháp vẫn kéo dài mãi đến nay. Trong năm qua, hiện trạng đó lại diễn ra một cách sôi động.
Khi sự nhẫn nhịn bị dồn đến đường cùng
Những tiếng trống, tiếng còng, tiếng chiên của nông dân ở Dương Nội vang lên trong những ngày đầu năm 2013 không phải để đón chào 1 năm mới an lành với hy vọng bội thu trong những vụ mùa mà đó là những âm thanh vang vọng tiếng lòng của người dân lâm cảnh khốn cùng mất nhà, mất đất, mất ruộng, mất vườn ở Dương Nội nói riêng và ở khắp mọi miền dãy đất hình chữ “S” nói chung.
Tháng Giêng năm 2013 mở ra với hình ảnh bà con Dương Nội dựng lều trên tinh thần sẵn sàng tự thiêu để giữ từng tấc đất của mình. Họ đồng lòng dùng đuốc hỏa công đuổi lực lượng cưỡng chế để giữ đất đến cùng. Vì sao họ phải chọn con đường quyết tử? Phải chăng những người nông dân tay lắm chân bùn này không hiểu biết pháp luật? Câu trả lời rằng “không”. Có thể đa phần trong số họ không có điều kiện học cao hiểu rộng, quanh năm chăm bẳm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng họ tôn trọng và tuân thủ luật pháp một cách tuyệt đối. Họ mất nhiều thời gian gõ cửa từ các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cho đến Trung ương với niềm tin những khuất tất của họ sẽ được giải quyết. Và một khi sự nhẫn nhịn cùng niềm hy vọng bị dồn đến đường cùng thì họ phải liều mạng để tự cứu mình. Cùng một tinh thần như nông dân ở Dương Nội, nông dân Văn Giang cũng ra tuyên bố quyết cảm tử giữ đất trong năm qua, sau gần 1 thập kỷ đi khiếu kiện.
Và một khi sự nhẫn nhịn cùng niềm hy vọng bị dồn đến đường cùng thì họ phải liều mạng để tự cứu mình. Cùng một tinh thần như nông dân ở Dương Nội, nông dân Văn Giang cũng ra tuyên bố quyết cảm tử giữ đất trong năm qua, sau gần 1 thập kỷ đi khiếu kiện
Không đưa ra lời tuyên bố nào, anh Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình nổ súng khiến 5 cán bộ của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Thái Bình bị thương và thiệt mạng hôm 11/9. Trong cùng ngày, anh Viết dùng chính cây súng gây án kết liễu mạng sống của mình. Các báo đài trong nước loan tin vụ việc xảy ra do căn nhà của anh Viết không được bồi thường thỏa đáng. Người anh họ và mẹ của người vợ đã li dị của anh Viết cho đài RFA biết về nhân cách của anh ngay sau đám tang:
“Nói chung ảnh hiền lành thôi. Chẳng có vấn đề gì cả.
“Nói chung cháu Viết rất là hiền lành, rất là ngoan. Sống rất được lòng của mọi người.”
Trong dư luận có người cho việc làm của anh Đặng Ngọc Viết là sai trái nhưng cũng có người cho anh Viết là nạn nhân, vì là người hiền lành trong hoàn cảnh bế tắt nên anh không còn cách lựa chọn nào khác hơn. Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích về hiện trạng phản kháng của người dân mà đỉnh điểm là cái chết của anh Đặng Ngọc Viết:
Bản thân chung quanh việc đó không chỉ là việc của 1 người dân, không phải là một trường hợp cá biệt mà thể hiện sức nhín nhịn của người nông dân không còn hơn được nữa. Đây không phải là ruộng đất ở nông thôn mà là câu chuyện đất đai cư trú ở thành thị. Và như vậy liên quan đến khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát.
Trong phần lớn các trường hợp xảy ra thì đấy là những người có trí thức, có hiểu biết, thậm chí có cả hiểu biết về pháp luật, không hề mù mờ. Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. Và cuộc chiến đấu có thể xem như cuộc chiến đấu cuối cùng của họ theo ý nghĩa ‘bày trận nhưng mà lưng quay ra sông’, nhất thiết phải tiến tới để hoặc là được hoặc là mất”.
Đây không phải là ruộng đất ở nông thôn mà là câu chuyện đất đai cư trú ở thành thị. Và như vậy liên quan đến khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát.
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình
Người dân xác định tranh đấu đến cùng
Cuối tháng 7/2013, những người nông dân của gia đình họ Đoàn ở Tiên Lãng, Hải Phòng bị tuyên các bản án tù vì phản kháng chống lại lực lượng cưỡng chế quy mô của chính quyền địa phương dù Thủ tướng chính phủ đã kết luận việc ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn không đúng quy định của pháp luật khiến cho những người cùng cảnh ngộ càng phẫn uất. Anh Đặng Ngọc Viết có thể bị coi là “tội phạm” theo quy định của pháp luật nhưng hình ảnh của anh Viết khích lệ cho hàng ngàn dân oan trong cả nước. Có phải tất cả họ đều bị đẩy đến chân tường? 1 nông dân ở Văn Giang chia sẻ:
“Bây giờ tình hình bà con rất căm thù rồi, lên đến mức cao độ là 9 năm nay chúng tôi đến các cơ quan pháp luật Nhà nước để kêu cứu, đề nghị giải quyết nhưng đến lúc này không có gì hồi âm lại cho bà con. Cho nên bà con cũng xác định rồi cương quyết quyết tử bằng đổ máu. Phải chấp nhận hy sinh chứ làm sao được nữa! Nông dân bị đẩy vào ngõ cụt rồi. Phía bên họ dựa vào chính quyền để đàn áp, dân thì ‘tức nước vỡ bờ’, thì phải quyết chiến. Đó là con đường cùng chẳng thể nào khác được, phải chấp nhận cuộc này thôi”.
Năm 2013 khép lại với Bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua vẫn duy trì Luật Đất đai quy định “sở hữu toàn dân” cùng với nhận định của Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình:
“Ở nông thôn chúng tôi gọi là vấn đề dân cày cách nay hàng mấy chục năm đã được xới lên và vẫn chưa kết thúc. Còn ở thành thị, không phải là ruộng cày nhưng miếng đất để cư trú, đồng thời cũng là tài sản lớn nhất và liên quan đến quyền sở hữu của người dân thì chính là khâu tôi nghĩ rằng là 1 bài toán đang rất bức xúc, đòi hỏi phải có lời giải”.
Năm mới 2014 mở ra mang đến niềm hy vọng cho dân oan ở 63 tỉnh thành trong cả nước, nhất là hàng ngàn dân oan đang lâm cảnh “sống lang thang, chết âm thầm” ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng và Lý Tự Trọng, nơi người ta gọi là “trại dân oan” khi Hiệp hội Dân oan Việt Nam tuyên bố ra đời với mục đích nhằm hỗ trợ Nhà nước nhanh chóng tìm ra giải pháp cho bài toán nan giải về đất đai. Ông Nguyễn Xuân Ngữ, người đại diện trong ban vận động Hiệp hội Dân oan VN cho biết:
“Chúng tôi muốn Nhà nước biết đến oan ức của dân oan. Chúng tôi làm việc theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi làm việc công khai, có tổ chức, có cương lĩnh hẳn hoi. Chúng tôi gửi thông báo trực tiếp đến 4 vị nguyên thủ quốc gia, có đề nghị xin gặp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước để chúng tôi thành lập hiệp hội. Và tôi tin Nhà nước sẽ chấp nhận việc làm của chúng tôi”.
Năm mới đến với mọi sự mới, với niềm lạc quan tin tưởng vào một tương lai ấm no, vào sự gắn kết máu thịt nơi mảnh đất của mình, người dân đã bày tỏ thiện chí với chính phủ. Thế nhưng, để người dân chọn lựa giữa hợp tác hay đối đầu thì còn tùy thuộc vào quyết định của Nhà nước VN.