Nhìn lại toàn bộ biến động giảm lãi suất huy động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay, có thể thấy rõ sự bất nhất đầy ẩn ý của một nền kinh tế thị trường còn trong thai kỳ đầu tiên, một thai kỳ dường như được phóng to bởi “Chủ nghĩa tư bản man dã” - theo một ý niệm của giáo hoàng quá cố Jean Paul II.
Nói “Không” với lãi suất
Bức tranh kinh tế Việt Nam, với một độ trơ u tối cố hữu và giáo điều, đã mặc nhiên toát lên nét chấm phá “Không” với bất kỳ động thái giảm lãi suất nào.
Nếu vào năm ngoái, Ngân hàng HSBC tỏ ra lo ngại khi bình luận về hành vi giảm lãi suất quá nhanh của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, thì sau khi mặt bằng lãi suất huy động được cơ quan này tiếp tục kéo giảm thêm 0,5% vào ngày 25/3 năm nay, HSBC chỉ nhận xét ngắn gọn: việc giảm lãi suất chỉ có tác động về mặt tâm lý.
Khá nhiều tờ báo kinh tế lẫn chính trị xã hội ở Việt Nam cũng không tỏ ra quá hào hứng với trào lưu giảm lãi suất huy động, cho dù giới chức điều hành tín dụng luôn cho rằng đây là một hành động cấp thiết nhằm “cứu nền kinh tế và các doanh nghiệp”.
Trước đó, khoảng 80% số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả và quá đói vốn, trong đó có đến phân nửa không thể tiếp cận được cái gọi là “nguồn vốn vay giá rẻ” như được Ngân hàng nhà nước hứa hẹn ròng rã từ quý 4/2011 cho đến nay, đã thêm một lần nữa hy vọng trần lãi suất huy động sẽ được hạ đến 1%, thay vì chỉ 50 điểm phần trăm.
Động cơ thực chất mà các doanh nghiệp khát vốn chú tâm không phải là từ cơ chế hạ lãi suất để tiền tiết kiệm sẽ được người dân tung vào các kênh đầu tư trong nền kinh tế, mà chỉ thuần túy là việc lãi suất huy động giảm sẽ kéo theo cơ may hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngoại trừ khoảng 20% số doanh nghiệp Việt Nam còn giữ được thái độ lạc quan thận trọng sau hai năm suy thoái trầm kha như một kết quả khảo sát gần đây, số còn lại không mong muốn gì hơn là được thoát khỏi cảnh bị “ngân hàng bắt làm con tin”.
Trong năm suy thoái thứ hai - 2012, bất chấp tiếng kêu cứu diễn ra đồng loạt từ các doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn treo cao một cách đầy ẩn ý xen lẫn ác ý. Chỉ đến gần giữa năm 2012, một số ngành nghề được định hướng ưu tiên như nông nghiệp, cơ khí, xuất khẩu mới bắt đầu được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, lại khá thường tồn tại một khoảng cách xa vời từ chính sách đến thực thi ở Việt Nam.
Dù những gói hỗ trợ tín dụng đã được Ngân hàng nhà nước chỉ định cho một số ngân hàng thương mại cấp dưới, nhưng cho đến nay lại bị khá nhiều doanh nghiệp và cả một số quan chức ngành khác hoài nghi không giấu diếm là “chuyển vốn sai địa chỉ”, không khác mấy tính hiệu quả đầy nghi vấn của gói kích cầu 8 tỷ USD mà một số đại biểu quốc hội đã đặt ra suốt từ cuối năm 2009 cho đến gần đây nhưng vẫn không hề nhận được lời giải thích minh bạch nào từ phía các cơ quan quản lý liên quan.
Trong khi đó, đại đa số các doanh nghiệp khác vẫn còng lưng bởi gánh nặng từ 19-20% lãi suất cho vay. Con số này, tuy xét ra có vẻ đã thấp hơn đáng kể đỉnh cao gần 30% vào tháng 10/2011, nhưng vẫn không thể làm nguôi ngoai tiếng tán thán “Ngân hàng hút máu doanh nghiệp”.
Khối u di căn
Cho tới lúc này, khi nhìn lại, người ta có thể nhận ra rằng Ngân hàng nhà nước và nhóm lợi ích ngân hàng đã có những điều kiện không quá tệ để giảm lãi suất cho vay vào năm 2011 - vào lúc số doanh nghiệp được báo cáo phải giải thể và phá sản “chỉ” khoảng 50.000, so với hiện thời - khi một công bố chính thức của Ủy ban thường vụ quốc hội cho biết số doanh nghiệp tử thương đã gấp đôi con số đó.
Câu tục ngữ “Tham thì thâm” ắt đã mang tính nhân quả thích hợp nhất đối với những ngân hàng bị coi là “hút máu”. Hoàn toàn bàng quan trước thế sự doanh nghiệp tử thương, các ngân hàng thương mại chỉ chăm chăm vào bầu sữa Ngân hàng nhà nước.
Sau một thời gian “tái cấu trúc” một số ngân hàng nhỏ - hành động đã gây ra không ít đồn đoán tai tiếng về động cơ sáp nhập và trục lợi, sau tết nguyên đán 2012, Ngân hàng nhà nước bất ngờ phát đi thông điệp “thanh khoản hệ thống ngân hàng đang tốt lên”. Tiếp theo đó, tiền được cơ quan này cung ra. Kể từ thời điểm đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng chuyển sang một trạng thái hoàn toàn trái ngược với thời gian trước: thay cho nạn đói vốn và phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng lớn bắt đầu xuất hiện tình trạng thừa vốn.
Nhưng cũng chính từ thời điểm trên, chủ đề nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng bắt đầu phát lộ trên mặt báo chí, lôi dần những vết đen của ngân hàng ra ánh sáng.
Đến gần giữa năm 2012, ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam và cũng là địa chỉ chứa chấp nhân vật Nguyễn Đức Kiên - người đang bị cơ quan cảnh sát điều tra tạm giam vì một số hành vi bị coi là phạm pháp, đã trở thành nơi đầu tiên tiết lộ số vốn dư thừa đến 3 tỷ USD mà không cho vay được.
Ứ vốn do huy động nhưng lại chỉ cho vay được quá ít, tối thiểu một phần ba ngân hàng còn buộc phải đồng cảm với các doanh nghiệp nhà đất bởi tình cảnh nợ xấu bất động sản trên cả nước chưa bao giờ nằm dưới con số 200.000 tỷ đồng. Thậm chí, những chuyên gia phản biện độc lập còn cho biết tỷ lệ nợ xấu mà các ngân hàng chưa bao giờ báo cáo trên mức 7-8%, thực ra lại gấp ít nhất hai lần như thế.
Hoặc theo một người trong giới chủ đầu tư kinh doanh nhà đất ở TP.HCM là ông Nguyễn Văn Đực, trong khi Bộ xây dựng công bố con số tồn kho căn hộ trên cả nước là khoảng 40.000, thì lượng ế ẩm thực chất lại có thể gấp đến 5 lần - tức khoảng 200.000.
Khối ung thư của ngành bất động sản cũng vì thế đã chính thức được di căn sang nhóm lợi ích ngân hàng với độ trễ khoảng một năm.
Đó cũng là nguồn cơn sâu xa mà không thể chậm trễ hơn nữa, vào đầu năm 2012, tiếng kêu “giải cứu bất động sản” bắt đầu dậy lên.
Đối đầu
Có vẻ như quá tự tin với phương châm “cứu nền kinh tế và các doanh nghiệp” và chỉ cần “nhả” ra một chút là lập tức kích động được sức cầu, mãi đến tháng 3/2012, khi âm thanh rên rỉ của doanh nghiệp đã biến thành tiếng kêu thét, Ngân hàng nhà nước mới lần đầu tiên tiến hành hạ trần lãi suất huy động từ 14% về 13%.
Song vào lúc đó, nền kinh tế đã biến thành con bệnh mãn tính chính thống cùng khối u bất động sản đang di căn cực nhanh. Tỷ lệ hàng tồn ứ về sắt thép, xi măng và sau đó là nông sản, thủy sản cũng khá mau chóng vọt lên đến 30-40%. Nhưng trên tất cả, hầu như toàn bộ các dự án căn hộ, trong đó có đến 70% thuộc về phân khúc căn hộ cao cấp, đã chỉ làm lợi cho những người chăn dắt bò. Còn những ông chủ của bãi đất không có gì khác ngoài hệ số tiêu thụ 1-2% cho mỗi quý.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó.
Chuỗi logic tiếp theo của hoang cảnh bất động sản và núi tồn kho hàng hóa là vấn nạn tồn ứ vốn tại các ngân hàng. Sau ACB, đến lượt một số ngân hàng đầu đàn khác như Vietinbank, BIDBV, Vietcombank, Eximbank… bắt đầu thở dài khi nhắc đến “đầu ra”.
Nhưng cũng chỉ dám thở dài nhè nhẹ. Không một ngân hàng nào đủ can đảm để lộ gót chân asin của họ. Như một thú ghiền định mệnh không thể chối bỏ, họ vẫn lao vào cuộc đua treo cao lãi suất cho vay để tiếp tục hành hạ các doanh nghiệp con nợ và tương lai có thể là con nợ của ngân hàng.
Nhưng đó cũng là thời điểm mà các con nợ đã trở nên lì lợm và bất chấp trong tư thế cùng đường. Một số trong họ sẵn lòng gán cho ngân hàng tất cả những gì mình có để xí xóa nợ nần, như một hành động bỏ của chạy lấy người.
Cũng bởi thế, từ đầu đến cuối năm 2012, định hướng “giảm lãi suất huy động 1% mỗi quý” của Ngân hàng nhà nước đã bị phá hủy bởi chính người đứng đầu của cơ quan này - thống đốc Nguyễn Văn Bình. Không những không kềm chế việc kéo giảm lãi suất để qua đó kềm giữ lạm phát, Ngân hàng nhà nước lại tiến hành một chiến dịch “phá giá” lãi suất huy động nhanh chưa từng có so với 5 năm trước đó: lãi suất huy động từ 14% được kéo về còn 8% vào thời điểm cuối năm 2012.
Nhưng như một sự đối đầu đầy thách thức, trong khi lãi suất huy động được miệt mài kéo giảm, nền kinh tế vẫn không hề nhúch nhích, sức cầu thị trường vẫn ngày càng giảm sút, còn doanh nghiệp vẫn không thể nào tin nổi là họ phải tiếp tục chịu đựng mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm một vài phần trăm kèm theo những điều kiện trịch thượng.
Giai đoạn cuối
Cho tới đầu năm 2013, tình hình đã trở nên bĩ cực đến mức khó tả. Bất chấp những con số kèm thuyết minh tươi sáng đầy tính tuyên giáo của giới chức điều hành, phần lớn nền kinh tế vẫn chưa thể “thoát đáy”, nếu quả thực cái đáy đó đã hiện hình.
Đáng kể nhất trong toàn bộ hình ảnh giậm chân tại chỗ ấy là không có bất kỳ một triển vọng nào khởi động cho việc giải phóng hàng tồn kho bất động sản - vốn là nỗi đau cay nghiệt của giới doanh nghiệp địa ốc, các nhóm đầu cơ nhà đất từ lớn đến nhỏ, và giờ đây thuộc về những ông chủ góp phần khai sinh ra nỗi đau đó: ngân hàng.
Cũng giờ đây, không còn cách nào khác, nhóm lợi ích ngân hàng chỉ có thể mong manh tia hy vọng hồi phục sức mua của thị trường và qua đó kích thích sức cầu cho hàng trăm ngàn căn hộ ế thừa bằng động tác giảm lãi suất và bơm tiền.
Dường như thái độ nhiệt thành thái quá trên không có liên quan gì đến tỷ lệ lạm phát gần 20% vào năm 2011.
Thế nhưng hệ lụy mà Ngân hàng nhà nước cùng thống đốc Nguyễn Văn Bình hẳn không mong muốn là một khi họ đã quá phung phí các cơ hội vào nửa cuối năm 2011 và trong nguyên năm 2012, dư địa giảm lãi suất huy động cho năm 2013 chỉ còn lại rất ít. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao thay cho biên độ kéo giảm 1%, lãi suất huy động chỉ được hạ có 0,5% như vừa qua.
Dung sai kéo giảm như thế cũng hàm ý cơ chế hạ lãi suất huy động trong năm 2013 có thể sẽ diễn ra 3-4 lần, ứng với từng quý. Tuy nhiên, có lẽ dư địa tối đa mà lãi suất huy động có thể hạ sẽ chỉ là 2%. Tức vào cuối năm nay, mặt bằng lãi suất huy động có thể là 6%.
Và tương ứng với việc lãi suất tái cấp vốn được kéo giảm 1%, gấp đôi mức giảm của lãi suất huy động - một động thái khác lạ của Ngân hàng nhà nước trong đợt giảm lãi suất vào cuối tháng 3/2013, nguồn cung tín dụng giá rẻ từ cơ quan này cho các ngân hàng thương mại sẽ còn rẻ hơn, hơn nhiều nữa cho đến khi giải phóng được cơ bản núi tồn kho tiền mặt và nhà đất đang tồn ứ tại các ngân hàng.
“Chủ nghĩa tư bản man dã”
Khi trở lại với đánh giá “chỉ có tác động về tâm lý” của Ngân hàng HSBC, hay nhìn lại những nhận xét rất thận trọng của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế về toàn bộ biến động giảm lãi suất huy động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay, có thể thấy rõ sự lúng túng và bất nhất của một nền kinh tế thị trường còn trong thai kỳ đầu tiên.
Một thai kỳ dường như được phóng to bởi “Chủ nghĩa tư bản man dã” - theo một ý niệm của giáo hoàng quá cố Jean Paul II.
Không còn được sự trợ giúp đắc lực của công cụ lãi suất, các ngân hàng sẽ chỉ còn biết trông đợi vào cơ chế bơm tiền của Ngân hàng nhà nước để kích thích sức cầu, cho dù việc kích cầu như thế có dẫn đến “bóng ma lạm phát quay trở lại”.
Cũng không còn cách nào khác, những ngân hàng đã “ăn trên đầu trên cổ doanh nghiệp”, hoặc nói theo ngữ nghĩa báo chí trong nước là “bắt nền kinh tế và doanh nghiệp làm con tin” đang phải trả giá cho hành vi của chính họ.
Muốn thu được nợ vay và tồn tại mà không phải rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng” như nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhóm lợi ích ngân hàng chỉ còn phương cách duy nhất là tự hy sinh một phần quyền lợi của bản thân họ. Cũng có nghĩa là lãi suất cho vay sẽ bắt buộc phải giảm theo lãi suất huy động, thậm chí phải hạ về mức “không tưởng” 5-6% thì may ra những doanh nghiệp đang tê cứng mới chấm dứt nói “Không” với ngân hàng.
Và đó cũng là cứu cánh duy nhất cho ngành ngân hàng chứ không phải cho cái được gọi là “nền kinh tế và các doanh nghiệp”…
Thiền Lâm gởi RFA từ Việt Nam.