Ngày 30 tháng Tư lịch sử sau ba mươi tám năm được thế hệ người Việt trưởng thành trong thời hậu chiến nhìn như thế nào?
Andrew Lâm là một nhà báo và nhà văn người Mỹ gốc Việt. Anh là một trong những người Việt thuộc thế hệ di dân gia nhập vào dòng chính của truyền thông Hoa Kỳ. Andrew sinh ra ở Việt Nam, con trai của một viên tướng thuộc quân đội Việt nam Cộng Hòa, sang Mỹ ngay năm 1975 và trưởng thành ở quê hương thứ hai của anh. Andrew bắt đầu sự nghiệp báo chí và văn chương của mình ngay lúc còn học đại học. Anh đã được giải thưởng của Hiệp hội báo chí chuyên nghiệp, các giải thưởng cho hai quyển sách đầu tay là Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (Giấc mơ hương: Suy tư về cộng đồng người Việt hải ngoại) và East Eats West, Writing in two hemispheres (Đông Tây quấn quít, viết giữa hai thế giới). Cuốn sách thứ ba của anh cũng vừa ra mắt bạn đọc tựa đề Bird of Paradise lost (Hoa thiên điểu đã mất).
Không bắt buộc phải nhớ
Tháng tư nhiều kỷ niệm lịch sử của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới lại đến, Andrew đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi. Anh cho biết nhận xét của mình về ngày 30/4 ở Việt Nam và hải ngoại như sau:
“Tôi cũng có những kỷ niệm về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, dù lúc đó còn nhỏ. Ba mươi tám năm là dài quá, bây giờ về Việt Nam tôi không thấy kỷ niệm 30/4 như hồi trước nữa, tôi thấy chẳng ai để ý nữa. Nhưng còn đối với cộng đồng người Việt ở bên Mỹ như ở San Jose, Bolsa, Orange County, Houston, Virginia thì kỷ niệm đau buồn đó vẫn còn đầy vì những người như cha mẹ tôi vẫn còn nhiều và họ không quên được cái đau buồn đó.”
Cái ý niệm "Mất Nước" không còn nữa vì cái "Nước" nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về. <br/> -Andrew Lâm
Andrew nói về thế hệ của anh nghĩ về ngày tháng Tư ấy:
“Chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa.”
Nhận xét về thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên sau chiến tranh anh nói:
"Có thể nói hai phần ba người Việt hiện nay sinh ra sau 1975, những người này thì họ không nhìn về chiến tranh Việt Nam mà chỉ nghĩ tới chuyện làm ra tiền hay làm thế nào để thu lợi cao nhất. Bây giờ khó tìm ra được người có lý tưởng ở Việt Nam. Mà điều này đáng tiếc vì một xứ đang thay đổi về kinh tế mà lại không phát triển văn hóa như vậy."
Andrew cũng có nhận xét về các đồng nghiệp của mình ở Việt Nam như sau:
"Họ là những người có tài năng nhưng lại sống trong một thế giới bị kiểm duyệt nên những tài năng đó không thể bùng nổ như ở những nước có tự do thật sự. Họ có thể nói ở quán cà phê nhưng viết ra hay làm phim thì không được, thì bị qui vào chính trị. Tôi có đọc một số truyện ngắn của những người trẻ thì tôi cũng rung động và tôi thấy họ đi xa hơn hồi trước, họ có thể nói về xã hội hiện tại."
Và theo anh thì giới văn nghệ sĩ Việt Nam cần một khoảng không gian công để có thể tự do ngôn luận, và điều đó đang được internet tạo điều kiện cũng giống như bên nước láng giềng Trung Quốc vậy:
"Tôi thấy internet là một khoảng không gian công mà người Việt Nam đang dành được để có thể có tự do ngôn luận. Bên ngoài thì cái gì cũng là bác Hồ nói hết, nhưng trên mạng thì người ta có thể nói lên cái thật."
“Mất Nước”
Trong quyển sách mới nhất của anh, Andrew có mô tả số phận bi kịch của một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ. Khi được hỏi liệu nếu cuốn sách được dịch ra tiếng Việt thì có thể gây những đụng chạm tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại không, anh cười:
Chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa. <br/> -Andrew Lâm
“Nếu đụng chạm thì tốt chứ sao, văn chương mà hay thì phải gây ra động chạm. Mà những chuyện tôi viết là sự thật tôi thấy trong khi tôi làm nhà báo, cũng như những chuyện của gia đình tôi, của đại gia đình tôi. Sự thật thì phải đụng chạm, nhưng đụng chạm thì mới làm người ta suy nghĩ, tìm ra cái mới, cái mới cho cộng đồng.”
Khi nói đến từ “Mất Nước” được dùng ở cộng đồng hải ngoại, Andrew cho rằng:
“Có nhiều người đã trở về, có thể là họ không đồng ý với chính quyền, đường hướng thay đổi xứ sở thì mỗi người mỗi ý, nhưng cái ý niệm “Mất Nước” không còn nữa vì cái “Nước” nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về.”
Có lẽ đó cũng là suy tư lớn nhất của anh về quá khứ, về ngày lịch sử 30/4, về số phận dân tộc Việt nam.
Xin hẹn quý vị kỳ tới với những suy nghĩ về tháng Tư lịch sử này của một nhà văn khác, cũng cùng trang lứa với Adrew nhưng sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở Việt Nam.