Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất vừa phổ biến hôm 29/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay từ 5,8% còn 5,2% và cả năm 2014 cũng chỉ còn 5,2% thay vì 6,4% như dự báo trước đó.
Khó lấy lại đà tăng trưởng
Báo chí Việt Nam trong đó có tờ Tuổi Trẻ Online đưa tin này hôm 8/5, thêm rằng chỉ số giá tiêu dùng năm nay của Việt Nam được dự báo tăng 8,8% và sẽ giảm còn 8% vào năm sau.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên thực hiện tối 9/5, Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nhận định:
“Điều đáng chú ý của nhận định mới đây của IMF là đã giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2% và cũng giảm dự báo của năm 2014 xuống 5,2% thay vì mức tăng cao như trước đây và điều này cũng phù hợp với các dự báo khác của các ngân hàng tư nhân như HSBC hay các tổ chức tín dụng khác. Điều đó cho thấy một mặt tình hình kinh tế thế giới có khó khăn phức tạp và nó cũng phù hợp với xu thế chung, song điều đáng chú ý là mức giảm của Việt Nam rất cao, cao nhất sau Singapore và Singapore có đặc thù là phù hợp rất nhiều vào thị trường quốc tế còn các nước Đông Nam Á khác thì vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Quĩ Tiền tệ Quốc tế có lưu ý là các cải cách của Việt Nam như vậy là chậm. Nếu như không giải quyết sớm các cải cách ngân hàng và giải quyết nợ xấu thì nền kinh tế Việt Nam khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng trước đây.”
Công ty mua bán nợ vẫn chưa ra đời và các biện pháp tái cấu trúc lại ngân hàng cũng tiến hành chậm. <br/> -TS Lê Đăng Doanh
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vừa nêu, dự báo của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thể hiện khoảng cách rất lớn giữa mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng của Việt Nam. Điều này cho thấy đời sống đại đa số người dân Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt những người làm việc hưởng lương, công nhân lao động và cư dân nông thôn. TS lê Đăng Doanh nhận định:
“Nếu như mức lạm phát lên tới 8,8% so với mức tăng trưởng 5,2% tức là lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng thì thực chất người dân sẽ bị giảm thu nhập thực tế của mình. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng là một dự báo có tính hiện thực bởi vì cho đến nay tháng tư so với tháng tư/2012 chỉ số giá cả đã tăng đến mức 6,61% là mức cao so với khu vực. Tuy rằng mức tăng 4 tháng đầu năm so với tháng 12 thì vẫn còn thấp, đấy là điểm đáng chú ý. Tôi cần nói thêm là gần đây giá xăng dầu trên thế giới có giảm cho nên đã giảm áp lực tăng lạm phát, nhưng mà việc tăng giá điện tăng giá than rồi dịch vụ y tế tăng, rồi sắp tới đây tháng 9 khai giảng thì phí giáo dục cũng tăng. Tức là những chi phí phụ thuộc dịch vụ công sẽ phải nâng giá lên và điều đấy sẽ đóng góp một phần đáng kể vào chỉ số tăng giá vào cuối năm.”
Trong một bối cảnh kinh tế đầy khó khăn kế thừa từ vài năm trước, bao gồm nợ xấu ngân hàng, nợ xấu Tập đoàn, Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, tình trạng bất động sản đóng băng, sản phẩm tồn kho cao, sức mua giảm sút. Ngày 29/4 VnExpress trích ý kiến chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định rằng, kinh tế 2013 có lóe sáng đôi chút nhưng chưa thể phục hồi, rất nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường. Nếu không có giải pháp, khu vực kinh tế tư nhân sẽ thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.
Cùng về vấn đề liên quan, TS Lê Đăng Doanh cho là, tất cả các giải pháp đều đã được Hội nghị Trung ương và chính phủ đã có nghị quyết rồi, chỉ có điều việc thực thi thì rất chậm. Ông nhấn mạnh:
“Công ty mua bán nợ vẫn chưa ra đời và các biện pháp tái cấu trúc lại ngân hàng cũng tiến hành chậm; việc tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định 929 của Thủ tướng, nhưng cho đến nay chưa thấy thông báo về việc thực thi quyết định 929 dẫn đến kết quả gì và đã đạt được những tiến bộ ở đâu. Và đáng chú ý là các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước nợ đến 1.330.000 tỷ đồng là một số tiền không nhỏ, thế thì quyết định 929 không đề cập tới việc giải quyết số nợ đó. Tái cấu trúc các tập đoàn mà không chỉ rõ xử lý số nợ ấy thì không rõ tái cấu trúc như thế nào. Rồi thì đến tái cấu trúc đầu tư công, cho đến nay chưa có một quyết định về tái cấu trúc đầu tư công toàn diện và đầy đủ. Chỉ có chỉ thị yêu cầu giảm số dự án cũng như đình hoãn một số dự án mà chưa có vốn được đáp ứng, cũng như khả năng hoàn thành còn kéo dài. Điều rất quan trọng là việc cải cách thể chế và sửa đổi lại các chính sách mà hiện nay hướng đến tìm kiếm lợi nhuận bằng cách thu hồi đất của nông dân, bằng khai khoáng bằng đốn rừng …v..v…tất cả những chính sách đó hiện nay chưa có sự thay đổi cần thiết.”
Tái cấu trúc gặp trục trặc
Cũng liên quan tới những vấn nạn của nền kinh tế, VnExpress ngày 9/5 phản ánh tình trạng lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm mạnh về mức 5%-6% nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng. VnExpress trích lời ông Nguyễn Đức Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam nhận định rằng, lãi suất cho vay chênh 4%-5% so với huy động là quá cao chỉ nên ở mức 3%. Tờ báo mạng cũng phản ánh ý kiến các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ đang vay ngân hàng với mức lãi suất từ 10% tới 15% được cho là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Nếu như mức lạm phát lên tới 8,8% so với mức tăng trưởng 5,2% tức là lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng thì thực chất người dân sẽ bị giảm thu nhập thực tế của mình. <br/> -TS Lê Đăng Doanh
VnExpress ghi nhận ý kiến ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TP.HCM cho là, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở về thời điểm 1996, khi cố gắng thu hẹp sản xuất, lắp máy móc giá rẻ, tận dụng người nhà làm lao động và chỉ sản xuất những sản phẩm rẻ tiền, dễ bán. Doanh nhân này ví von ‘Doanh nghiệp đi lùi và tồn tại như rắn đang cắn vào đuôi của chính mình’. Bên cạnh đó, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh nhận định rằng, tình trạng thiếu vốn lãi suất cao khiến chi phí đội lên, giá thành đắt đỏ cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó bán hàng.
Cùng về vấn đề liên quan, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho là lãi suất trong xu thế giảm nhưng các doanh nghiệp lại quá khó khăn với việc tìm kiếm đủ nguồn vốn. Ông nói:
“Hiện nay lãi suất không còn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp nữa, nhưng hai vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối đầu là, thứ nhất chứng minh khả năng trả nợ ngân hàng. Trước đây hầu hết các doanh nghiệp thế chấp ngân hàng bằng tài sản là đất là nhà, tóm lại là bất động sản. Nhưng trong 4-5 năm vừa qua lãnh vực bất động sản rơi xuống dốc. Do đó việc đánh giá giá trị đất thì ngân hàng ngày càng dè dặt. Thí dụ cũng với miến đất đó trước đây định giá 10 tỷ thì bây giờ ngân hàng chỉ định giá 6 tỷ hay 4 tỷ. Đánh giá thấp thì khoản vay của doanh nghiệp sẽ thấp hơn, sẽ không đáp ứng yêu cầu kinh doanh, doanh nghiệp đứng trước khó khăn, đáng lẽ vay đủ để hoạt động với tài sản họ có thì nay chỉ đáp ứng được 50%-60% vốn vay so với trước. Còn đối với phương án kinh doanh khả thi thì đây là đối với doanh nghiệp vay tín chấp, còn đối với doanh nghiệp chưa có uy tín với ngân hàng thì chắc chắn là phải vay thế chấp. Đây là bài toán thường xuyên của doanh nghiệp và không thể giải quyết trong đoản kỳ mà phải trong trường kỳ.”
Nếu như Nhà nước Việt Nam nhìn nhận nhu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tồn tại, trong đó có tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc các Tập đoàn Tổng Công ty Doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, thì dường như mọi việc đang gặp trục trặc. Như lời ông Cao Sĩ Kiêm phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân hồi tháng 4 đánh giá 1 năm thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đó là “Đề án tái cơ cấu nên được làm lại”.