Sau cuộc bầu cử Thượng viện cuối tuần qua, đảng Tự Do Dân Chủ của Thủ tướng Shinzo Abe có đa số đủ mạnh trong cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản. Nhờ vậy, từ nay đến kỳ bầu cử tới vào năm 2016, Thủ tướng Abe có thời gian đủ dài để thật sự cải cách cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị Nhật Bản sau hai chục năm đình đọng. Nhưng đáng chú ý hơn vậy là khi Nhật có cơ hội chuyển hướng vài chục năm mới thấy một lần thì cũng là lúc Trung Quốc đang nói đến cải tổ để khỏi rơi vào tình trạng sa sút như nước Nhật. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu hai trường hợp cải tổ song hành của hai nền kinh tế dẫn đầu Châu Á.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, cách đây đúng hai tháng trên diễn đàn này, ông có trình bày về cái trớn cải cách của Nhật nếu đảng cầm quyền thắng cử tại Thượng viện, là điều đã xảy ra tuần qua. Đảng Tự Do Dân Chủ cùng đảng liên minh thuộc xu hướng Phật giáo là Tân Công Minh thắng lớn để liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có thể bước vào một tiến trình cải cách sâu rộng.
Biến cố trên được các nước đón mừng với nhiều hy vọng vì Nhật có nền kinh tế đứng hạng thứ ba thế giới với ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng một nước lại có vẻ ngờ vực sự thể này, là Trung Quốc, khi bộ máy thông tin tuyên truyền của nhà nước Bắc Kinh liên tục đả kích Tokyo về ý đồ đen tối trong việc chuyển hướng để trở lại chính sách phiêu lưu quân sự thời xưa. Trong khi ấy, cả thế giới đều biết Trung Quốc cũng bước vào một tiến trình cải cách sâu rộng hầu có thể tránh được những thập niên u ám như Nhật Bản. Vì vậy, kỳ này chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ nói về yêu cầu cải cách của hai nền kinh tế đang dẫn đầu Châu Á mà cũng lại có những mâu thuẫn đáng ngại. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông có cái cách lý thú để nêu ra sự tương đồng và dị biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất Á Châu lại đang cạnh tranh với nhau trong nhiều lĩnh vực. Vì thời lượng có hạn, ta chỉ trình bày những điểm chính của cuộc thi đua cải cách với vài bài học có ích cho Việt Nam.
Trước hết, về đại thể thì kinh tế Trung Quốc vừa vượt Nhật Bản năm 2010, nay có sản lượng cỡ 8.000 tỷ đô la so với gần 7.000 tỷ của Nhật nhờ dân số hơn gấp 10 dân số Nhật. Về thực tế thì một năm một người dân Nhật sản xuất ra gần 47 nghìn đô la so với 6.000 của một người Tầu, tức là giầu gấp tám. Khác biệt chính là dân Nhật đã giàu và nay đã già, với dân số lao động sụt 1% mỗi năm, trong khi dân Tầu thì chưa giàu đã già như chúng ta đã nói kỳ trước.
Khác biệt thứ hai là Nhật đã công nghiệp hóa trước Trung Quốc cả trăm năm và theo quy luật thị trường từ bảy chục năm trước để thành mẫu mực cho nhiều xứ khác, kể cả cho Trung Quốc là một nước mới chỉ cải cách từ hơn 30 năm khi học theo chiến lược phát triển của Nhật.
Trung Quốc qua mặt Nhật Bản
Vũ Hoàng: Thưa ông, hiểu cách khác trong một viễn cảnh dài thì Trung Quốc là nước đi sau về nhiều mặt nhưng có lợi thế là học được kinh nghiệm của các nước đi trước và vừa qua mặt Nhật Bản nhờ dân số cao gấp mười. Nhưng ông vừa nói rằng chính Trung Quốc đã đi theo chiến lược của Nhật. Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta thấy rõ hơn điều ấy.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như nhiều nước tân hưng Đông Á, Trung Quốc áp dụng chiến lược của Nhật là lấy đầu tư và xuất khẩu làm lực đẩy chính cho bộ máy sản xuất. Bên trong thì tổ chức hệ thống sản xuất chung quanh khu vực chủ đạo của các tập đoàn và ngân hàng, dưới sự điều hợp của nhà nước. Khác biệt ở đây là các tập đoàn và ngân hàng Nhật thuộc về tư nhân, trong khi hệ thống chủ đạo của Tầu là của nhà nước, dưới sự lãnh đạo duy nhất của một đảng độc tài.
Như nhiều nước tân hưng Đông Á, Trung Quốc áp dụng chiến lược của Nhật là lấy đầu tư và xuất khẩu làm lực đẩy chính cho bộ máy sản xuất. <br/> - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Chiến lược phát triển ấy có nâng sản lượng trong một thời gian nhất định, Nhật Bản rồi Trung Quốc đều đạt thành tích ngoạn mục, với một khác biệt là sức tăng trưởng của Nhật có cân đối và công bằng hơn, với tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh cao hơn Trung Quốc rất xa.
Nhược điểm của chiến lược này là thứ nhất quá lệ thuộc vào xuất khẩu và hy sinh khả năng tiêu thụ của người dân, và thứ hai là đầu tư quá nhiều nên mất hiệu suất, gây lãng phí và thổi lên bong bóng. Nhật bị bể bóng đầu tư về địa ốc và cổ phiếu từ năm 1990 rồi khủng hoảng trong nhiều năm liền. Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nguy ngập này.
Vũ Hoàng: Nếu nhớ lại thì sau cơn khủng hoảng, cổ phiếu Nhật sụt giá 50%, nay mới lấy lại có 25% và kinh tế qua bảy đợt suy trầm khiến sản lượng không tăng suốt 20 năm rồi bị Trung Quốc vượt mặt. Thưa ông, vì sao lãnh đạo Nhật Bản lại không giải quyết nổi bài toán này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu hỏi này rất hay vì cũng là nỗi ám ảnh của Trung Quốc ngày nay. Nhật Bản bị ách tắc chính trị, không dám lấy loại quyết định quá mạnh với cái giá quá đắt để vượt cơn nguy khốn nên mới kéo dài tình trạng đình trệ cho đến ngày nay.
Một cách cụ thể, đáng lẽ Nhật phải có can đảm xoá nợ, tức là chịu tổn thất vì sai lầm trong đầu tư, và chuyển tài sản từ doanh nghiệp và nhà nước qua cho các hộ gia đình nhờ tiến trình cổ phần hóa hay tư nhân hóa. Nếu như vậy thì họ đã có nền móng lành mạnh hơn để phục hồi, sau vài năm suy thoái. Nhưng vì không muốn uống liều thuốc đắng của vài năm suy thoái, họ tránh suy thoái mà bị suy trầm liên miên. Suy trầm là có đà tăng trưởng thấp hơn, suy thoái là không tăng trưởng mà còn sụt. Hậu quả của sự trì hoãn là nhà nước che giấu phần lỗ lã vì mất nợ, hạ lãi suất đến số không để giảm phí tổn đầu tư hầu các doanh nghiệp khỏi phá sản và vay tiền của dân để trang trải những chi phí này khiến nhà nước mắc nợ đến mức kỷ lục là 240% Sản lượng. Chìm sâu bên dưới là điều nguy ngập mà người ta cứ tưởng rằng hay: Nhật có tỷ lệ tiết kiệm quá lớn, tức là sức tiêu thụ quá ít.
Chính quyền Shinzo Abe liều lĩnh phá vỡ vòng luẩn quẩn đó khi đòi đánh thuế trên tiết kiệm và khuyến khích tiêu thụ qua lời hăm dọa là sẽ gây lạm phát 2% khi ồ ạt bơm tiền vào kinh tế. Một cách kích thích tiêu thụ khác là đẩy lui phản ứng bảo hộ mậu dịch và đánh bung thế lực của hệ thống phân phối hầu dân chúng có thể mua hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Đấy cũng là yếu tố giải thích vì sao, chỉ một ngày sau bầu cử Thượng viện, Nhật chính thức tham dự vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP, dù rằng việc này sẽ đụng vào quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích đã từng cản trở việc cải cách. Nôm na là Chính quyền đang bắt doanh nghiệp phải cạnh tranh với thiên hạ ngay trên thị trường Nhật và tìm cách khác nâng cao lợi tức của người dân. Nếu họ thành công thì đây là một cuộc cách mạng.
Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến Hiệp định TPP và thị trường nội địa của Nhật khiến ta nghĩ đến bài toán của Trung Quốc. Có phải là hai xứ này đang có những vấn đề tương tự hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy, dù là kích thước thì có khác.
Trung Quốc cũng gặp tình trạng bất thường là tiết kiệm quá cao, tiêu thụ quá thấp, do chính sách chủ động của nhà nước là thắt lưng buộc bụng người dân để dồn phương tiện vào đầu tư rồi cũng chất lên một núi nợ là 220% Sản lượng tức là gần bằng Nhật Bản. Một điểm tương đồng khác là cả hai đều trì hoãn cải tổ, dung dưỡng sự mất cân đối quá lâu để duy trì đà tăng trưởng.
Vì sợ suy trầm mà Trung Quốc sẽ hạ cánh nặng nề, với đà tăng trưởng chỉ bằng phân nửa hiện nay, tức là 3-4% một năm mà thôi. Họ có thể thành công và không gây động loạn nếu nội dung cải cách nhắm vào việc tái phân phối tài sản và phương tiện sản xuất từ khu vực nhà nước về các hộ gia đình và tạo điều kiện cho tư doanh làm ăn dễ dàng. Nhưng, cái khó ở đây là phải phá vỡ lực cản của các thế lực kinh tế và chính trị bên trong và chung quanh hệ thống kinh tế nhà nước. Thế hệ lãnh đạo mới là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường thì nói đến ý chí cải cách theo quy luật thị trường và chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn, nhưng người ta thật chưa rõ là quyết tâm này có thể trở thành hiện thực hay không.
Sự khác biệt giữa TQ và Nhật
Vũ Hoàng: Thưa ông, phải chăng người ta chưa rõ là vì tiến trình quyết định thiếu minh bạch của hệ thống chính trị Trung Quốc? Thí dụ như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng là Trung ương Ủy viên và họ tác động trong đảng để bảo vệ quyền lợi riêng mà quần chúng bên ngoài không thể biết được. Xét như vậy thì khác biệt chính của chuyện cải cách tại Nhật Bản và Trung Quốc có lẽ nằm trong thể chế chính trị dân chủ và độc tài, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật rằng đấy là yếu tố quan trọng nhất.
Khi tranh cử, các đảng phái chính trị Nhật đều đưa ra chủ trương hành động và vào thực tế của chính trường thì phải mặc cả và tương nhượng đối phương trước sự tường thuật của truyền thông báo chí tự do để cử tri phán xét trên quan điểm quyền lợi của họ. Tiến trình thỏa hiệp ấy khá nhiêu khê rắc rối và dễ thay đổi nhưng quần chúng mới đích thực là người quyết định sau cùng.
Trung Quốc không gặp loại khó khăn này vì tưởng là một đảng độc quyền dễ lấy quyết định hợp lý mà khỏi qua thủ tục đổi chác như trong một chế độ dân chủ. Sự thật lại khác hẳn. Quyết định thiếu tính hợp lý và sự đổi chác lại mờ ám nên dễ đưa tới những liều thuốc đổ bệnh.
Trong giai đoạn chuyển hướng này, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm mạnh và Nhật Bản thì mở rộng đầu tư ra ngoài và vì những mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc nên sẽ tìm vào các thị trường khác. <br/> - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Nếu có thể tạm tổng kết, ông nghĩ sao về việc hai nền kinh tế dẫn đầu Châu Á của một nước dân chủ và một nước độc tài đang cùng bước vào giai đoạn cải cách?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thuần về kinh tế thì đây là một điều may mắn cho người dân của hai quốc gia này vì việc cải cách chỉ có thể thành công nếu tái phân lại lợi tức cho dân chúng và các tiểu doanh nghiệp tư nhân. Đấy mới là lực đẩy đích thực của nền kinh tế.
Trong giai đoạn chuyển hướng này, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm mạnh và Nhật Bản thì mở rộng đầu tư ra ngoài và vì những mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc nên sẽ tìm vào các thị trường khác. Đấy là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam để vừa ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc vừa tiếp nhận công nghệ cao cấp hơn của Nhật.
Nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, nếu Trung Quốc gặp khó khăn nội bộ thì sẽ hướng dư luận ra ngoài và đào sâu mâu thuẫn với Nhật Bản. Điều ấy càng giúp Chính quyền Nhật cải cách thành công nhờ hậu thuẫn của người dân đang bừng tỉnh với tinh thần ái quốc, nhưng lại gây ra nhiều rủi ro xung đột trong khu vực.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.