Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP

Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) chính thức khởi động đàm phán vào ngày 20/11, trong đó, VN là một trong 16 thành viên của Hiệp hội. RCEP sẽ tác động kinh tế VN ra sao, cũng như VN cần chuẩn bị như thế nào?

0:00 / 0:00

Thúc đẩy kinh tế châu Á

Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP chính thức được khởi động đàm phán tại Phnom Penh bên lề thượng định ASEAN 21, với những ý định được ấp ủ ban đầu từ tháng 11 năm ngoái, dựa trên nguyên tắc cơ bản là mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa cam kết của khối 10 nước ASEAN với các đối tác thương mại tự do khu vực. Đồng thời RCEP cũng sẽ đánh dấu sự quyết tâm của khối ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm và định hướng trong bản đồ kinh tế khu vực của các nền kinh tế đang nổi.

Hiệp định này bao trùm 16 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nòng cốt là 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia (gọi tắt là ASEAN + 6). Hiện tại, 16 quốc gia này đang chiếm khoảng 1/3 tổng lượng thương mại và GDP toàn cầu và dự tính, RCEP sẽ trở thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh WTO.

TS Lê Đăng Doanh

Theo các chuyên gia quốc tế, sáng kiến RCEP ra đời sẽ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực Châu Á – TBD vào thị trường Phương Tây đang gặp khó khăn, cũng như bù đắp vào sự suy yếu của Hoa Kỳ.

Các quốc gia trong khối RCEP sẽ cam kết tự do hóa gần hết 100% thương mại, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do tuy nhiên, cũng sẽ có một số bảo vệ nhất định với những mặt hàng nhạy cảm, chẳng hạn như gạo.

Bên cạnh đó, khu vực này cũng sẽ từng bước mở cửa các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư theo quy định của RCEP, do có sự không đồng đều về mức độ phát triển giữa các nền kinh tế. Vì vậy các thành viên RCEP cần tiếp tục liên kết để loại bỏ các rào cản để tập trung vào 3 lĩnh vực chủ chốt: thương mại, dịch vụ và đầu tư. Vì thế, việc RCEP ra đời sẽ dọn đường cho việc thúc đẩy kinh tế châu Á và giúp cân bằng sự mở rộng giữa các nước Đông và Tây Âu.

Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan nhận định một RCEP thành công sẽ tiếp tục củng cố sự dịch chuyển quyền lực kinh tế toàn cầu từ phương Tây sang Châu Á, và giới phân tích cho rằng RCEP sẽ trở thành một đối trọng đối với hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đang trong quá trình đàm phán giữa Hoa Kỳ và 10 quốc gia khác.

Cơ hội và thách thức cho VN

Gian hàng gạo tại siêu thị Big C Hà Nội hôm 17-06-2012. RFA PHOTO.
Gian hàng gạo tại siêu thị Big C Hà Nội hôm 17-06-2012. RFA PHOTO.

Đánh giá một cách tổng quan về RCEP cũng như những ảnh hưởng của khối mậu dịch tự do này đến kinh tế Việt Nam, một trong 16 thành viên tham gia đàm phán, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế TW cho biết nhận xét của ông:

“Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một hiệp định rất tham vọng là muốn mở rộng khu vực kinh tế tự do ra bao gồm các nước khu vực tham gia và mời các nền kinh tế có liên quan cùng tham gia. Đối với Việt Nam nó bao gồm cả cơ hội và thách thức. Cơ hội là Việt Nam có thể xuất khẩu các hàng hóa sang các nước khác và thách thức là hàng hóa các nước khác có thể đưa vào thị trường Việt Nam với một thuế suất thấp hơn và không bị các rào cản thuế quan khác nữa. Tôi nghĩ rằng đây là một xu thế phản ánh toàn cầu hóa và khu vực hóa trên thế giới, nhưng nó không phải là một vấn đề tự động và tự nhiên có thể diễn biến được, mà đòi hỏi Việt Nam và các nước điều chỉnh luật pháp của mình cũng như năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị.”

TS Lê Đăng Doanh

Với một thế giới ngày càng phẳng hơn, xu thế toàn cầu hóa là điều tất yếu, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia vào 6 hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc tế nhắc đến cụm từ "vòng tròn đồng tâm" để cho thấy khái niệm hợp tác thương mại tự do mở rộng từ khu vực này, sang khu vực khác của Việt Nam. Dĩ nhiên, khi càng tham gia vào nhiều khu vực thương mại tự do thì càng đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi luật lệ cho phù hợp với cuộc chơi chung, và đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ có sự "xung đột" lợi ích hoặc các điều kiện khi tham gia vào một tổ chức này với một tổ chức khác.

Tỏ ra quan ngại về tính khả thi cũng như những thách thức còn nhiều phía trước, T.S Lê Đăng Doanh nhận xét thêm:

“Việt Nam trong thời gian ra nhập tổ chức thương mại thế giới đã sửa đổi 30 luật khác nhau và đã cải thiện đáng kể khung pháp luật đối với doanh nghiệp. Nhưng sau đó Việt Nam tham gia ký kết đến 6 hiệp định thương mại tự do khác nữa, nhưng Việt Nam không có cải tiến gì thêm về khung pháp luật cả và đó là một điều mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong thời gian sắp tới.

Gian hàng bán dầu ăn tại siêu thị Big C ở Hà Nội hôm 14-08-2011. RFA PHOTO.
Gian hàng bán dầu ăn tại siêu thị Big C ở Hà Nội hôm 14-08-2011. RFA PHOTO.

Tôi nghĩ rằng cần phải có bước chuẩn bị và những biện pháp bảo vệ cần thiết để cho các mặt hàng của Việt Nam đang kém năng lực cạnh tranh có thể nâng cao khả năng cạnh tranh. Tôi cho rằng không nên quá vội vã và đây là việc cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm trong những năm qua, Việt Nam chỉ có bảo vệ bằng hàng rào thuế quan ở biên giới, sau đó hàng hóa tràn vào Việt Nam thì Việt Nam không có hàng rào kỹ thuật để tự bảo vệ và đấy là điều rất bất lợi. Trong thời gian vừa qua, hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam rất nhiều mà không có một rào cản nào cả.”

Hiện tại, Việt Nam cùng 10 thành viên khác trong các nước vùng Thái Bình Dương và Mỹ Latin cũng đang ráo riết đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điểm khác biệt chính giữa TPP và CREP là TPP không có Trung Quốc tham dự, trong khi quốc gia lớn thứ hai trên thế giới này sẽ là đối tác đàm phán chính trong CREP và Trung Quốc chỉ muốn tập trung vào Châu Á nơi họ đang có sức ảnh hưởng lớn.

Cũng bởi có Trung Quốc tham gia trong CREP, nên nhiều ý kiến quan ngại rằng một loạt những vụ tranh chấp lãnh hải giữa các nước tham gia có thể sẽ cản trở tiến trình đàm phán. Cụ thể là những căng thẳng leo thang gần đây trong tranh chấp dãy đảo Điếu Ngư/ Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc hay những xung đột giữa các thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei với Trung Quốc được cho là sẽ có những tác động đến đàm phán CREP.

Vì lý do này, Tổng thư ký Pitsuwan nhấn mạnh các tranh chấp riêng lẻ giữa các quốc gia có thể xử lý một cách độc lập, và rằng xu hướng thắt chặt quan hệ kinh tế thương mại sẽ vẫn tiếp tục.

Có thể nói việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tuân thủ các nguyên tắc thương mại tự do là một xu thế không thể đảo ngược. Tuy thế, để có thể hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do, Việt Nam chắc chắn còn trải qua nhiều bước đàm phán tiếp theo. Giờ đây hãy còn quá sớm để đưa ra bất kỳ một kết luận nào, hi vọng rằng với những nỗ lực trên tất cả các phương diện kinh tế, thương mại, chính trị, ngoại giao… và những bài học trong quá khứ, Việt Nam sẽ nhận được nhiều hơn từ toàn cầu hóa và để hòa nhập chứ không hòa tan.

Opens in new window

Các dữ liệu về kinh tế, xã hội đáng chú ý tại Việt Nam

Theo dòng thời sự: