Yêu cầu yết kiến Thủ tướng Thái Lan
Mục đích cuộc yết kiến là để trình bày về những hậu quả và tác động mà đập thủy điện Xayaburi sẽ gây ra đối với các cộng đồng dân cư Thái, Kampuchia và Việt Nam ở hạ lưu sông Mekong.
Chiến dịch vận động chống đập thủy điện Xayaburi trên lãnh thổ Lào, quốc gia tiểu vùng Mekong bên cạnh Thái Lan, Kampuchia và Việt Nam, kéo dài một tuần
qua ở Bangkok và kết thúc sáng thứ Hai sau khi đệ trình văn thư xin được gặp thủ tướng Yingluck Shinawat tại toà nhà chính phủ.
Mục đích của cuộc yết kiến là trực tiếp khuyến cáo thủ tướng Thái rằng Bangkok phải gánh phần lớn trách nhiệm, vì 95% tổng số điện sản xuất từ đập thủy điện Xayaburi sẽ được bán qua Thái Lan, trong lúc dự án này gây nhiều hệ quả không thể tránh khỏi đối với môi trường, sinh thái và đời sống người dân ở bảy tỉnh Thái Lan, sáu tỉnh Kampuchia và sáu tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.
<b> <i>điển hình là sự thay đổi dòng chảy, hệ sinh thái bị đảo lộn, môi trường sống của sinh vật bị hủy hoại, cuộc sống con người bị tác động. </i> </b>
<b> <i>bà Premrudee Daoroung, giám đốc "TERRA"</i> </b>
Một trong những người tổ chức, bà Premrudee Daoroung, giám đốc “TERRA” Phục Hồi Sinh Thái Và Liên Minh Khu Vực, một tổ chức ngoài chính phủ của Thái Lan, cho biết thực tế không chỉ Xayaburi mà tất cả những đập thủy điện khác trên dòng sông Mekong , kể cả những đập thủy điện Trung Quốc xây lên trước đó, đều là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức bảo vệ môi trường và sinh thái trong khu vực:
"Nói về năng lượng, sự kiện hiển nhiên là sản lượng điện từ các dự án thủy điện xây trên dòng chảy của hạ lưu sông Mekong đều được bán cho Thái Lan. Nhưng đi vào chi tiết, Thái Lan không thể để mình bị lệ thuộc trực tiếp vào các đập thủy điện đó
Vì 12 đập thủy điện được xây lên cũng chỉ cung cấp được chừng 16% toàn bộ lượng điện mà Thái Lan cần, nên đó không phải nguồn điện chủ yếu của Thái, trong lúc tác hại của những đập thủy điện đối với dòng Mekong thì quá lớn và không thể chấp nhận được.
Đó là những ảnh hưởng trực tếp và tức thời mà người dân các nước vùng hạ lưu Mekong đã phải chịu đựng từ những đập thủy điện lớn của Trung Quốc trên thượng nguồn, điển hình là sự thay đổi dòng chảy, hệ sinh thái bị đảo lộn, môi trường sống của sinh vật bị hủy hoại, cuộc sống con người bị tác động.
Và nếu tiếp tục xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn thì e rằng ảnh hưởng xấu còn lớn lao hơn nữa, đặc biệt trong lãnh vực đánh bắt cá và sự sinh tồn của những loài cá đặc trưng của dòng sông Mekong trước nay."
Những ảnh hưởng tiêu cực thêm nữa
Đến từ Kampuchia, ông Chith Sam Ath, thuộc Diễn Đàn Ngoài Chính Phủ Kampuchia, cũng là giám đốc điều hành Liên Hiệp Các Dòng Sông Kampuchia, nhấn mạnh đến những ảnh hưởng tiêu cực mà đập Xayaburi sẽ gây ra cho hai nước hạ nguồn là Kampuchia và Việt Nam. Ông nói:
Trước nhất là lãnh vực đánh bắt cá, nguồn lợi cũng là nguồn protein của cư dân hai nước ven dòng Mekong, thứ hai là lãnh vực nông nghiệp và thứ ba là sự sinh sản , di chuyển và tồn vong của các loài cá nước ngọt trên sông Tonlesap của Kampuchia nói riêng và trên dòng Mekong nói chung.
Với các hiện tượng đáng ngại đó, giám đốc điều hành Liên Hiệp Các Dòng Sông Kampuchia đặt câu hỏi, là liệu có nên đánh đổi tất cả bằng một hệ thống thủy điện mà không chắc sẽ phục vụ một cách thiết thực cho nông dân và ngư dân, vốn là những người nghèo, ở Việt Nam và ở Kampuchia trong tương lai, hay sẽ mang đến cho họ những trở ngại mới trong cuộc sống và sinh hoạt thường nhật.
Sự tổn hại của Việt Nam
Tổ chức ngoài chính phủ của Việt Nam được mời tham dự chiến dịch cảnh báo hiểm nguy của Xayabury là Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh GreenID. Rất tiếc đến phút cuối thì người đại diện của GreenID Việt Nam đã không thể đến Thái Lan để góp tiếng nói cùng các tổ chức bạn bảo vệ môi trường của mình.
… chủ yếu là giảm trữ lượng nuôi trồng thủy sản và giảm hàm lượng phù sa, dẫn đến tổn thất nông nghiệp vì nó thay đổi dòng chảy.
Chuyên gia Việt Nam Nguyễn Vũ Trung
Tuy nhiên, từ Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia Cục Thẩm Định Đánh Giá Tác Động Môi Trường cho rằng những vấn đề về Xayabury mà các NGO Thái Lan và Kampuchia vừa nêu ra thì Việt Nam đã nói nhiều và nói từ trước:
"Thực ra những điều ấy thì những working group (nhóm làm việc) trong Ủy Hội Sông Mekong cũng xác định rõ rồi. Vấn đề ảnh hưởng về nguồn thủy sản rồi hệ sinh thái ở phía hạ lưu sinh, đặc biệt ở Việt Nam về kiểm soát lũ, thì nó sẽ làm giảm đi cái dòng chảy phù sa. Khi thảo luận thì đoàn Việt Nam đã nêu ra những cái ấy rồi."
Theo ông Nguyễn Vũ Trung, đập Xayaburi cũng không ảnh hưởng đến những loại cá tự nhiên như cá đuối nước ngọt hay cá heo nước ngọt vốn là thủy sản ở hạ nguồn Kampuchia nhiều hơn. Thế nhưng cái mà Việt Nam bị ảnh hưởng chủ yếu là lãnh vực nuôi trồng thủy sản của bà con trong đồng bằng sông Cửu Long:
Tức là một số những loài cá, bà con nuôi cá lồng ở trên sông hoặc là liên quan đến đánh bắt tự nhiên chẳng hạn như cá tầm, ở Việt Nam cũng không nhiều lắm nhưng mà vẫn có. Chủ yếu là giảm trữ lượng nuôi trồng thủy sản và giảm hàm lượng phù sa, dẫn đến tổn thất nông nghiệp vì nó thay đổi dòng chảy.
Về nguy cơ lũ lụt mà đập thủy điện Xayabury có thể gây ra cho Việt Nam, như các NGO nước ngoài quan ngại, ông Nguyễn Vũ Trung giải thích:
Thủy điện bao giờ cũng giảm lũ lụt. Từ khi có thủy điện thì tất cả các trận lũ đều được cắt lũ, cắt ngọn. Cho nên về lũ lụt thì lại không lo lắm mà chủ yếu là lo đến các sự kiện liên quan, nhất là những đập thủy điện mà có cột nước cao như Xayabury , nếu có nguy cơ vỡ đập chẳng hạn thì sẽ có ảnh hưởng lớn.
Còn lợi ích mà Việt Nam có thể được hưởng từ từ đập thủy điện Xayabury, chuyên gia Cục Thẩm Định Đánh Giá Tác Động Môi Trường Nguyễn Vũ Trung cho là còn tùy thuộc vào vấn đề đàm phán, vào cơ chế bán điện như thế nào sau này, bởi vì Thái Lan và Lào khi thực hiện thì đã tính toán lợi nhuận và sẽ ưu tiên cung cấp cho quốc gia sở tại, còn thừa mới bán cho đối tác bên ngoài:
"Vì là bài toán đánh đổi, việc cân nhắc lợi hại là việc mà chủ dự án hoặc nước sở tại phải làm. Bởi vì dòng sông Mekong là dòng sông quốc tế, phải cân nhắc giữa những cái được và mất, những cái phải chi trả của người được hưởng lợi."
Với câu hỏi ông đồng ý hay không đồng ý trước lời kêu gọi ngừng xây đập thủy điện Xayabury mà các tổ chức bảo vệ môi trường và sinh thái của Kampuchia, Việt Nam và Thái Lan đưa ra ở Bangkok, câu trả lời của ông Nguyễn Vũ Trung là:
"Vừa rồi Việt Nam có đưa ra đề nghị tạm dừng xây dựng trong vòng mười năm nhưng mà tôi nghĩ rằng đấy là ý kiến của nhà nước, còn về cá nhân tôi là một chuyên gia thì tôi lại không đồng ý với ý kiến đấy.
Bởi vì thế này, đối với một công trình thì bài toán của nó là phân tích đầy đủ các tác động của một dự án. Tác động bất lợi về môi trường, sinh thái, xã hội. Cần đề xuất được những giải pháp giảm thiểu mà có thể chấp nhận được đối với các nước vùng hạ lưu thì có thể chấp nhận để được xây dựng."
Quá trình phân tích đánh giá những tác động đó, ông Nguyễn Vũ Trung khẳng định, những cái đánh đổi và được chấp nhận ấy, có thể là một năm, sáu tháng hoặc là hàng mười năm hàng hai mươi năm, là tùy việc làm của quốc gia sở tại hầu đạt sự đồng thuận, chứ không thể đưa ra một khung cứng nhắc được.