Phía Việt Nam nhận định rằng, đây cũng là dịp giúp mở ra nhiều hơn những cơ hội kinh doanh và đầu tư. Dưới cái nhìn của các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam, quá trình giao thương này đang diễn ra như thế nào? Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình sau:
Những tiến triển tích cực
Thay vì bàn luận sâu vào những thay đổi chiến lược về mặt quân sự, trong chuyến công du 8 quốc gia lần này, người ta còn thấy bà Clinton trong hình ảnh một đại sứ kinh tế. Về đoàn doanh nhân Hoa Kỳ tháp tùng bà Ngoại trưởng Clinton trong lần sang thăm Việt Nam vừa qua, Phó Giáo sư Tiến sỹ Hà Văn Sự, Trường Đại học Thương Mại, có nhận xét như sau:
TS Hà Văn Sự
"Quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ đã có những tiến triển rất là tích cực, từ sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Suốt trong thời gian vừa qua, có thể nói là mỗi một năm, mức độ gia tăng về thương mại giữa hai nước là rất lớn. Hiện nay, như chúng tôi nghiên cứu thì Mỹ là một thị trường đơn, đứng đầu trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Thứ hai là thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ sung cho nhau rất lớn. Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu những hàng hóa mà Hoa Kỳ cần, đặc biệt là những hàng hóa liên quan đến nông sản, liên quan đến sử dụng lao động rẻ; có cả tài nguyên thiên nhiên nữa. Ngược lại phía Việt Nam thì rất cần những hàng hóa công nghệ cao, máy móc thiết bị từ Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ rằng trong hiện tại cũng như tương lai, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phát triển rất lâu dài, trên cơ sở lợi ích thương mại như vậy. Về đoàn doanh nghiệp theo bà Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam vừa rồi, chúng tôi là giới nghiên cứu thì thấy rằng, đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Dù thời gian sang rất là ngắn, nhưng cũng có những tiếp xúc. Tạo cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt, tham gia các ký kết với các đối tác Hoa Kỳ. Có thể sau sự kiện này, một loạt những động thái mà hai chính phủ sẽ gia tăng tạo môi trường thông thoáng hơn, bám sát nhu cầu của nhau hơn.”
Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Mỹ đạt hơn 20 tỷ USD. Chỉ trong 3 năm, mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt tới 40%. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gần gấp đôi so với Nhật Bản, thị trường đứng thứ hai. Phía Việt Nam cũng đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, gỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại sáng kiến Hiệp định Xuyên Thái Bình dương (TPP) mà Mỹ công bố hồi năm ngoái, nhằm tạo ra một khối thương mại bao gồm Mỹ, một số nước Mỹ Latin và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) được hoàn tất trong năm 2012 này, theo Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Đức Thân, Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam sẽ có những diễn biến thuận lợi hơn:
"Tôi cho rằng sáng kiến của Mỹ trong Hiệp định Xuyên Thái Bình dương là một ý đồ tốt. Theo tôi được biết thì Việt Nam đã chuẩn bị rất là tích cực cho quá trình tham gia Hiệp định này.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng tham gia Hiệp ước Xuyên Thái Bình dương sẽ tạo ra được môi trường tốt, cơ hội tốt để cho Việt Nam hoàn thiện hơn môi trường đầu tư ở trong nước. Theo tôi, nếu Việt Nam tham gia Hiệp định Xuyên Thái Bình dương này, triển vọng thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sẽ sáng sủa hơn.”
VN là thị trường trọng điểm
Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ là hơn 4 tỷ USD/năm, đang tăng dần từng năm. Với chiến lược trong vòng 5 năm (2010 - 2015) sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam được coi là một trong 13 thị trường trọng điểm xuất khẩu của Hoa Kỳ. Do đó, mục đích chuyến công du của bà Ngoại trưởng Mỹ còn được nhìn nhận như một trong các nỗ lực cải thiện tình hình trên. Mối quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ được Tiến sỹ Vũ Quốc Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội, diễn đạt ở một góc độ khác:
TS Hoàng Đức Thân
“Các nước châu Á Thái Bình dương khi phát triển, mà được quan hệ mở rộng với Mỹ, một số rào cản kỹ thuật có từ hai phía đều được gỡ bỏ. Và một số bất đồng ý kiến sẽ được gạt sang bên. Việt Nam đang đề nghị Mỹ gỡ bỏ một số cấm vận, trong đó có cả vấn đề chuyển giao công nghệ. Ngay cả mức độ chuyển giao cũng khác nhau. Thực ra, Việt Nam là thị trường mở nhưng cũng còn đang rất thiếu sự có mặt của rất nhiều thiết bị công nghệ.”
Trung Quốc đang có ưu thế tại thị trường Đông Nam Á. Ngoài lời kêu gọi hợp tác thương mại với Mỹ của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, để có thể mở rộng đầu tư và thương mại tại thị trường này, trong đó có Việt Nam; các doanh nghiệp Mỹ cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Tiến sỹ Hà Văn Sự có ý kiến rằng:
"Sau khi có Hiệp định Thương mại ASEAN Trung Quốc, thì rõ ràng là Trung Quốc có lợi thế rất lớn trong đầu tư và thương mại với ASEAN. Người ta nhanh nhạy hơn, năng động hơn, tiếp cận nhu cầu của các nước ASEAN nhanh hơn. Đồng thời cũng phải thấy là thị trường Trung Quốc là rất lớn, rất dễ tính.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một quốc gia có lợi thế đặc thù, để đặt ra sự cần thiết của các nước ASEAN đối với đầu tư và thương mại của Mỹ. Không phải Trung Quốc có thể tham gia được mọi lãnh vực và có lợi thế trong tất cả. Chính vì vậy, Mỹ có những khoản thị trường có thể tiếp cận với ASEAN một cách thuận lợi. Các doanh nghiệp tin tưởng ở phía Hoa Kỳ nhiều hơn; bởi uy tín, lợi thế về tiềm lực công nghệ của họ. Đây là những điểm mà doanh nghiệp Mỹ có lợi thế hơn so với Trung Quốc mà doanh nghiệp Việt Nam đang đón chờ.
Tôi nghĩ vấn đề còn lại là do phía Mỹ, làm sao tiếp cận thị trường sát hơn; đáp ứng đúng được nhu cầu của các đối tác, trong đó có Việt Nam. Theo tôi đánh giá với tư cách một nhà khoa học, hiện nay mức độ Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Việt Nam chưa mạnh mẽ, chưa có những quyết tâm lớn.”
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không đối kháng nhau. Cho nên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ như dệt may, da giày, đỗ gỗ… dự báo sẽ vẫn thuận lợi trong thời gian tới. Đẩy mạnh xuất khẩu là một trong các biện pháp quan trọng giúp hồi sinh nền kinh tế Mỹ. Cái nhìn về khối ASEAN, trong đó có Việt Nam không thể không nóng bỏng, một khi khu vực này có tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất thế giới.
Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần
Theo dòng thời sự:
- Biển Đông & Nhân quyền trong chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Mỹ
- Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về môi trường và năng lượng đến VN
- Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Việt Nam tuần tới
- Thấy gì qua chuyến công du của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ
- BT quốc phòng Leon Panetta đến Cảng Cam Ranh
- Âm mưu của Bắc Kinh
- Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ công du Châu Á
- Trung Quốc mở thầu nhiều lô dầu khí ngay trong thềm lục địa Việt Nam
- Đội tàu hải giám TQ đối đầu tàu Việt Nam trong khu vực tranh chấp?
- Hoa Kỳ trở lại Châu Á với nhiều thách thức và khó khăn