Tăng mức hỗ trợ
Vào ngày 5 tháng 10 vừa qua, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, ông Bùi Bá Bổng, cho phóng viên Báo Sài gòn Giải phóng biết là bộ này đang chỉ đạo cho các tỉnh tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi có lúa bị ngập vì lũ dâng cao làm vỡ đê, nhanh chóng thống kê thiệt hại và đề xuất mức thiệt hại để được trình chính phủ xem xét mức hỗ trợ.
Ông thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết sẽ đề nghị chính phủ tăng gấp đôi mức hỗ trợ so với qui định cũ theo quyết định số 142 trước đây. Lý do vì mức qui định đó quá thấp.
Trong khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn như lời của ông thứ trưởng Bùi Bá Bổng đang thu thập báo cáo thiệt hại thì người dân cũng được thông báo về điều đó khiến họ mong chờ như phát biểu của một người dân ở Tân Hồng, Đồng Tháp:
"Nghe Đài thông báo Nhà Nước cho gì đó, nhưng chưa thấy gì. Giờ bộ đội đang đổ mấy trăm quân để giữ."
Còn những tổ chức chuyên lo công tác cứu cấp cho người dân trong các trường hợp khấn cấp như khi có thiên tai, sự cố không may xảy ra như Hội Chữ Thập Đỏ đã vào cuộc ra sao?
Ông Đặng Văn Tạo, chuyên viên thuộc bộ phận ứng cứu thảm họa của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam cho biết công việc đang thực hiện:
"Đối với bão cũng như mọi lần, Hội Chữ Thập Đỏ Trung ương yêu cầu các chi hội chủ động ứng phó với bão. Năm nay Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam có một đội gọi là Đội Ứng phó Thảm họa Quốc Gia gồm có 34 người. Có thông báo để điều động trong tình huống thảm họa lớn. Bây giờ đang điều động bốn cán bộ của Đội Ứng phó Thảm họa Quốc gia đi đánh giá tình hình thiệt hại và nhu cầu tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 10. Hằng ngày họ đều có gửi báo cáo về cho Hội Chữ Thập Đỏ trung ương.
Hoạt động giúp đỡ cụ thể gồm giúp cho bốn tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp và Kiên Giang. Mỗi tỉnh được 50 triệu đồng để mỗi tỉnh mua thiết bị cứu nạn cũng như hàng cứu trợ khẩn cấp. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam cũng quyết định cấp cho Long An và Kiên Giang mỗi tỉnh 50 ngàn hộp thuốc khử trùng nước, tương đương mỗi tỉnh 500 ngàn viên.
Đối với các huyện miền núi tại tỉnh Quảng Bình, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho điều máy lọc nước mà mỗi giờ có thể lọc 5000 mét khối nước sạch. Trước tiên cho vòng 10 ngày vào giai đoạn hiện nay.
Để chuẩn bị tiếp cho những ứng phó cần thiết khác, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam sẽ cho mua thêm các thùng hàng gia đình, viên lọc nước, lương khô. Rồi cho chuyển 3000 thùng hàng vào Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho những ứng phó sắp tới."
Khó khăn, trở ngại
Trong khi đó những tổ chức thiện nguyện như Caritas của giáo hội Công giáo tại Việt Nam cũng có tham gia hoạt động cứu trợ như lời của linh mục Nguyễn Văn Việt, phụ trách Caritas giáo phận Long Xuyên, sau đây:
"Chúng tôi đang cho nhân viên đi thị sát tại những vùng bị ngập; như ở Hà Tiên là hai huyện, rồi phía Châu Đốc, Châu Phú, Chợ Mới để xem người dân cần gì nhất. Chúng tôi sẽ cùng với địa phương để làm. Hiện nay là thức ăn, thức uống, còn sau này là dựng nhà cửa nhưng phụ thuộc vào đất của địa phương cấp."
Tuy vậy công tác thiện nguyện giúp cho các đối tượng không may trong đợt lũ lụt, bão tố này cũng có một số trở ngại.
Ông Đặng Văn Tạo cho biết:
"Lúc này nước đang cao nên đội đánh giá bốn người gặp khó khăn trong đi lại và tiếp cập thông tin. Tuy nhiên chúng tôi cũng họp hai ngày một lần để cập nhật thông tin từ Ban phòng chống lụt bão và chính quyền các cấp để cho bức tranh hoàn thiện thêm…"
Trở ngại của phía Caritas, cũng được linh mục Nguyễn Văn Việt chia sẻ:
"Năm nay chúng tôi bị động vì văn phòng trung ương thay đổi nhân sự hoàn toàn nên đường đi nước bước không như các năm trước. Thứ hai do tình hình kinh tế xuống nên không thể mau lẹ được."
Năm nay chúng tôi bị động vì văn phòng trung ương thay đổi nhân sự hoàn toàn nên đường đi nước bước không như các năm trước. Thứ hai do tình hình kinh tế xuống nên không thể mau lẹ được.
LM Nguyễn Văn Việt
Một trong những quan tâm của những người muốn đóng góp giúp đỡ cho các đối tượng không may là phẩm vật cứu trợ đến được với người cần và phân phối công bằng. Linh mục Nguyễn Văn Việt cho biết cách thức làm việc của tổ chức mà ông phụ trách: "Từ xưa đến giờ chúng tôi làm với địa phương nhưng đến tận tay không qua trung gian."
Lâu nay, sau mỗi đợt thiên tai phải cứu giúp cấp thời cho người dân đều có những thông tin phẩm vật cứu trợ bị cắt xén, phân phối không công bằng; thậm chí có những loại như gạo cứu trợ bị cán bộ chính quyền địa phương lưu kho đến mấy tháng sau mà dân vẫn chưa nhận được.
Xã hội lên án thái độ vô cảm đó, tuy nhiên biện pháp trừng phạt chưa nghiêm nên tình trạng đáng buồn đó vẫn diễn ra.