Không có tiến bộ trong tự do tôn giáo ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang và hai tác giả khác không muốn nêu tên vừa cho ra một báo cáo mang tên Đánh giá Luật tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là báo cáo).

Báo cáo dài 41 trang, được chia làm 82 mục ngắn gọn để độc giả tiện theo dõi. Trọng tâm của báo cáo được chia làm bốn phần, tương đương với bốn biện pháp mà nhà nước cộng sản Việt Nam sử dụng để đối phó với các tôn giáo.

Thứ nhất là sử dụng các điều luật, những qui định, để cho các tổ chức tôn giáo phải xin phép hoạt động, nếu không sẽ bị xem là bất hợp pháp.

Thứ hai là sử dụng bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, để tấn công khích bác các tổ chức tôn giáo.

Thứ ba là chia để trị, tức là dùng những tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát để chống lại các tổ chức tôn giáo được dân chúng tự thành lập.

Thứ tư là đàn áp bằng sức mạnh bạo lực.

Khi thực hiện báo cáo này, các tác giả đã có tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo thuộc các giáo hội tôn giáo độc lập, như các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo truyền thống tại vùng Tây Nam bộ, cô Nguyễn Huyền Trang của Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn, các ông Trần Minh Nhật, Lê Văn Sơn, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, là các tù nhân lương tâm từng bị cầm tù vì lý do tôn giáo, Linh mục Nguyễn Đình Thục tại Nghệ An, để ghi nhận những vụ đàn áp, khích bác mà họ đã và đang hứng chịu.

Các tác giả cho rằng từ khi Đảng Cộng sản bắt đầu nắm quyền từ năm 1945 đến nay, thì đạo luật về tôn giáo của Chính phủ Hồ Chí Minh, vào năm 1945 là cởi mở hơn cả, nhưng sau đó những qui định, những bộ luật tiếp theo đều thể hiện một tinh thần chống lại tôn giáo, theo một nguyên tắc của ý thức hệ cộng sản đó là cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, một điều không tốt.

Ý thức hệ đó không những được các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản thường xuyên loan tải, mà còn được đưa vào các chương trình giáo dục từ cấp phổ thông lên đến đại học.

Một trong những ví dụ mà các tác giả đưa ra để chứng minh việc chính quyền sử dụng luật lệ để cản trở hoạt động tôn giáo là một mặt cho phép các tôn giáo được mở trường dạy học, nhưng lại viện dẫn những tiêu chuẩn trong luật giáo dục để không thực hiện được.

Vấn đề chiếm nhiều thời lượng nhất của báo cáo là vấn đề đàn áp bằng vũ lực, trong đó vai trò quan trọng nhất là những nhân viên an ninh tôn giáo.

Vai trò An ninh tôn giáo

Chúng tôi đặt câu hỏi với cô Phạm Đoan Trang rằng liệu thực sự có tồn tại một lực lượng gọi là an ninh tôn giáo hay không? Cô Đoan Trang nói rằng chưa bao giờ Đảng Cộng sản công khai rằng họ có những nhân viên an ninh tôn giáo, nhưng họ có công khai những vị sĩ quan công an giữ vai trò cố vấn về tôn giáo trong Bộ Công An, ví dụ như các ông Phạm Dũng, Nguyễn Văn Hưởng, đã từng giữ vai trò này, và nay là ông Vũ Chiến Thắng.

Cô Đoan Trang cho rằng thậm chí có những nhân viên an ninh khác nhau cho từng tổ chức tôn giáo khác nhau:

Người ta tưởng là tự do tôn giáo được quan tâm nhiều hơn, được cải thiện hơn, nhưng mà tôi nghĩ là không phải, chưa bao giờ cả.<br/>-Cô Phạm Đoan Trang.

"Những người đó ai cũng nhẵn mặt, đó là những người đi theo dõi các tôn giáo phương Tây như Tin lành, và Công giáo. Còn bên Phật giáo cũng có, tại các chùa, phần lớn là ở Hà Nội, Sư nhận ra công an, công an nhận ra Sư."

Trong đạo luật mới nhất của Việt Nam là Đạo luật về tôn giáo được Quốc hội phê chuẩn vào năm 2016, không thấy đề cập tới an ninh tôn giáo. Quốc hội Việt Nam do Đảng Cộng sản thống trị hoàn toàn với hơn 90% thành viên là đảng viên Đảng Cộng sản.

Khi được hỏi nhận định tổng quát về đạo luật mới nhất này, cô Đoan Trang nói tiếp:

“Họ luật hóa những gì họ đã làm, nhưng vẫn lờ đi chuyện an ninh tôn giáo, họ cứ lờ đi, làm như trên đời này chưa từng tồn tại những lực lượng đi kiểm soát tôn giáo, an ninh tôn giáo, một lực lượng hoạt động rất mạnh. Rồi gần đây lại xuất hiện dư luận viên, chuyên đi phá tôn giáo. Thế thì lực lượng chống tôn giáo nó rõ ràng như vậy, mạnh như vậy, nhưng chưa bao giờ được nói trong luật cả, họ luật hóa cái gì ấy chứ không luật hóa chuyện ấy. Tức là họ không hề đả động gì đến chuyện có một lực lượng lớn đi đàn áp tôn giáo.”

Không có tiến bộ thực sự trong tự do tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam cũng đã cho phép các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc vào đánh giá tình hình tự do tôn giáo, nhưng theo các tác giả của báo cáo này thì những nhận xét của các quan sát viên đó, hoặc không được công bố hoặc chỉ được công bố một phần, là những nhận xét mang tính tích cực về tình hình tôn giáo tại Việt Nam mà thôi.

Nhận xét chung về sự tiến triển của tự do tôn giáo tại Việt Nam trong vài thập kỷ qua, cô Đoan Trang nói với chúng tôi:

"Những năm gần đây, chúng ta thấy dường như vấn đề tự do tôn giáo được quan tâm hơn, quyền của người theo đạo được quan tâm hơn, chẳng hạn chúng ta nghe nói đến chuyện ngày Giáng sinh hay Phật đản, lãnh đạo thành phố hay đến tặng hoa, bắt tay chúc mừng, rồi trong Quốc hội xuất hiện các nhà sư, người ta tưởng là tự do tôn giáo được quan tâm nhiều hơn, được cải thiện hơn, nhưng mà tôi nghĩ là không phải, chưa bao giờ cả."

Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu có đề cập đến ba Ban chỉ đạo là Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, được cho là lập ra để kiểm soát những vấn đề sắc tộc và tôn giáo tại ba vùng đặc biệt nói trên.

Trong kỳ họp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ sáu vừa qua, ba Ban chỉ đạo này đã bị giải tán. Chúng tôi hỏi cô Đoan Trang liệu đó có phải là tín hiệu cho thấy việc kiểm soát tôn giáo đã được nới lõng hay không, cô trả lời rằng không có gì thay đổi cả:

"Tôi không nghĩ thế, xóa hay không xóa nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, không phản ánh gì cả. Luật thì họ nói họ bỏ ba cái ban, trong thực tế họ thi hành bằng cách dùng hẳn một lực lượng dư luận viên đông đảo, rồi an ninh tôn giáo hoạt động dữ dội thì họ chả nói gì đến cả."

Câu hỏi tương tự cũng đã được chúng tôi đề cập đến với nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn, ngay sau khi Hội nghị trung ương sáu kết thúc, ông trả lời rằng lý do của việc xóa bỏ ba ban chỉ đạo đó là vấn đề tài chính, không còn ngân sách cho các ban này hoạt động nữa.

Chúng tôi kết thúc cuộc trao đổi với cô Đoan Trang với câu hỏi rằng nhóm nghiên cứu của cô có gửi báo cáo này đến các cơ quan chức trách của Việt Nam hay không, cô trả lời rằng cô và một số bạn bè đã từng gửi một báo cáo về môi trường đến các cơ quan của Quốc Hội Việt Nam, nhưng được đón nhận hết sức lạnh nhạt. Lần này, cô tiếp lời là báo cáo sẽ không được gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng sẽ được đưa lên mạng, thì nó cũng có một sức mạnh lan tỏa lớn đến với mọi người.

Chúng tôi đã gửi bản báo cáo này đến ông Dương Ngọc Tấn, Phó Ban Tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, qua đường email, với lời đề nghị bình luận. Chúng tôi nhận được một email trả lời rằng đã nhận được báo cáo, nhưng không có lời bình luận nào.

Báo cáo về tự do tín ngưỡng và tôn giáo, Phạm Đoan Trang, 2017.Opens in new window ]