Giá than thấp làm năng lượng tái tạo ở Việt Nam không phát triển

0:00 / 0:00

Trong hai năm qua, cụm nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân tại Bình Thuận gây ra nhiều vấn đề không tốt liên quan đến môi trường, từ việc biểu tình chống khói bụi của hàng ngàn người dân, cho đến lo lắng của doanh nghiệp và ngư dân Bình Thuận về việc dìm bùn nạo vét ngoài biển tỉnh này.

Trong khi đó tỉnh Bình Thuận, và Ninh Thuận gần kề lại được đánh giá là nơi có tiềm năng rất lớn trong việc sản xuất năng lượng từ gió và mặt trời, còn gọi là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm.

Việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bị trở ngại gì?

Vào năm 2015, ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện năng lượng, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nói với chúng tôi về kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam sắp tới đây:

“Hiện nay theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%. Còn lại thủy điện, dầu khí đều giảm. Còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% vào năm 2030.”

Trong khi đó thì trên thế giới lại có xu hướng ngược lại. Tại Mỹ, quốc gia có nhiều mỏ than lớn, lượng điện sản xuất từ than đã giảm liên tục. Theo tạp chí kinh tế Economics của Anh, các nhà máy điện chạy than chiếm 51% sản lượng điện của Hoa Kỳ vào năm 2005, giảm xuống còn 39% vào năm 2014. Khuynh hướng này hiện vẫn tiếp tục.

Trong khi đó thì lượng điện sản xuất từ gió và năng lượng mặt trời, lại liên tục gia tăng. Năm 2014 hai nguồn này chiếm 4% lượng điện của nước Mỹ, thì đến đầu năm nay, 2017, báo chí Mỹ đưa tin là hai nguồn này chiếm 10% điện sản xuất từ Mỹ, và số nhân công sử dụng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời cao hơn số công nhân sử dụng trong các nhà máy điện chạy than, dầu, và hạt nhân cộng lại.

Trong việc phát triển năng lượng tái tạo, Mỹ hiện vẫn còn đứng đằng sau nhiều quốc gia phát triển khác.

Một quốc gia lớn khác là Trung Quốc, vốn từ trước đến nay được xem là nước gây ô nhiễm bậc nhất thế giới vì các nhà máy điện chạy bằng than, nay đã đóng cửa nhiều nhà máy điện chạy than, và sản lượng điện tái tạo từ sức gió và mặt trời của nước này đang gia tăng mạnh mẽ, cao hơn cả Mỹ. Theo kênh truyền hình CNN của Mỹ thì Bắc Kinh định rằng đến năm 2030, năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm 20% sản lượng điện của Trung quốc.

Giá than thấp cản trở năng lượng tái tạo

Trong khuynh hướng tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đặt ra cho mình một chương trình phát triển năng lượng, trong đó giảm bớt việc sử dụng than đá hay dầu mỏ.

Theo kỹ sư Nguyễn Khắc Nhẫn, từng làm việc cho công ty điện lực Pháp, thì vào năm 2015, chính phủ Việt Nam cũng đã công bố dự án phát triển năng lượng sạch, theo đó vào năm 2050, tỉ lệ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 43%. Trích dẫn này được ông đưa ra trong một bài viết cho đài RFA về khả năng phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam đến năm 2050, theo đó đến năm 2050, thì Việt Nam có khả năng sử dụng 100% nhu cầu năng lượng của mình từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Người ta chỉ tính những hiệu ứng về kinh tế thôi, và đó là cái điều méo mó của cái việc chỉ vận dụng những tính toán về kinh tế, mà không tính đến những tác động bền vững và môi trường<br/>-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Nhưng trên thực tế, các kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà máy điện chạy than từ nam ra bắc, trong đó có cụm 4 nhà máy Vĩnh Tân, Bình Thuận, lại dường như đang chứng tỏ rằng Việt Nam đi ngược lại với chương trình năng lượng tái tạo mà mình tự đề ra.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội cho rằng một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy công ty điện lực Việt Nam xây dựng rất nhiều nhà máy điện chạy bằng than là do giá than ở Việt Nam hiện nay rất rẻ.

"Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu than xuống thấp, Việt Nam không đánh thuế giá trị gia tăng đối với than như là đối với xăng dầu. Cho nên giá than tiếp tục giảm một cách bất ngờ. Đấy là cái động lực làm cho ngành điện tiếp tục đầu tư vào điện than."

Mặt khác việc xây dựng khá tốn kém các nhà máy điện sử dụng năng lượng gió và mặt trời cũng là một trở ngại làm cho Việt Nam không thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Tháng tư năm nay, báo chí Việt Nam đưa tin rằng một nhà máy sản xuất điện từ gió đã được khởi công tại Đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận. Công trình này sẽ có công suất 40 Mwatt, với vốn đầu tư là 80 triệu đô la Mỹ.

Nếu so sánh một cách tương đối với nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân 1, công suất 1200 Mwatt, vốn đầu tư 1 tỉ 800 triệu đô la, thì nhà máy điện gió vẫn đắt hơn.

Một vấn đề nữa được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu lên là giá điện ở Việt Nam rẻ, cho nên không khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền vào các công trình nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo:

"Ở Việt Nam thì Liên minh châu Âu đã có một dự án để thúc đẩy, và cũng có những dự án khác để xây dựng điện gió, nhưng giá điện gió hiện nay vẫn cao hơn giá điện của EVN, và nếu như Việt Nam chưa có một chính sách điều chỉnh giá điện nhất định, thì điện gió sẽ tiếp tục tăng, nhưng khó có thể phát triển đến mức có thể thay thế được điện than."

Tính toán kinh tế không bao gồm chi phí môi trường

Nhưng khi các nhà máy phát điện gió và mặt trời hoạt động thì có hai điểm lợi, thứ nhất là không cần cung cấp nhiên liệu, và thứ hai là không gây ô nhiễm, như các nhà máy điện chạy bằng than.

Cuộc biểu tình lớn làng ngàn người ở Tuy Phong, Bình Thuận diễn ra vào năm 2015 chống ô nhiễm do nhà máy điện than Vĩnh Tân gây ra, là một ví dụ cho thấy việc tính toán kinh tế khi quyết định xây các nhà máy điện than, người ta đã không lường được những chi phí do bất ổn xã hội gây ra bởi ô nhiễm.

Trong cuộc biểu tình đó, nhiều xe cộ bị đập phá, giao thông đình trệ hàng giờ liền trên quốc lộ. Một số người dân nói với đài RFA sau cuộc biểu tình đó rằng họ còn dự định sẽ bỏ xứ ra đi vì không thể sinh sống và sản xuất trong vùng đất bị ô nhiễm.

Khi việc dìm 1 triệu mét khối bùn tại vùng biển Bình Thuận được nêu lên, các doanh nghiệp và ngư dân Bình Thuận rất lo lắng là việc sản xuất của mình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các chủ trại nuôi tôm giống ở Tuy Phong cho biết là việc xây cầu cảng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân, làm cho chi phí lọc nước của họ tăng lên nhiều lần. Khi được chúng tôi trình bày điều này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:

"Đấy là những chi phí mà người ta cần phải tính đến, khi tính về điện than. Người ta không tính đến điều đó và người ta chỉ tính những hiệu ứng về kinh tế thôi, và đó là cái điều méo mó của cái việc chỉ vận dụng những tính toán về kinh tế, mà không tính đến những tác động bền vững và môi trường."

Bên cạnh việc giải quyết nạn ô nhiễm do điện than gây ra, nhiều nhà quan sát, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự sống ở Hà Nội lo lắng rằng Việt Nam sẽ là bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc, khi nước này đóng cửa các nhà máy điện than của mình nhằm bảo vệ môi trường của Trung Quốc, nhưng đồng thời lại xuất khẩu các nhà máy cũ này sang Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì trích lời Chủ tịch Ngân hàng thế giới nói rằng việc Việt Nam cho xây dựng hàng loạt nhà máy điện chạy than là một thảm họa của nhân loại, và của chính Việt Nam.