Mơ ước một căn nhà

Với mức lương từ ba triệu đến năm triệu đồng trên mỗi tháng, vật giá mỗi ngày thêm leo thang, không gian sống ngột ngạt và mọi chế độ dành cho công nhân chỉ có tính hình thức là chính. Dường như người làm công chẳng có hy vọng gì, chuyện tìm mua một miếng đất nhỏ để xây nhà sống qua ngày với họ nghe ra quá xa vời!

Có thể nói rằng Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp thuộc vào bậc nhất Việt Nam. Và cũng có thể ví von các khu dân cư có chứa nhà cho công nhân thuê trọ chật chội, u ám và bí hiểm chẳng kém gì một cái tổ mối, ở đó, mỗi công nhân là một con mối thợ miệt mài, chẳng biết đời sẽ về đâu.

Cuộc sống bấp bênh, tạm bợ

Với mức lương từ ba triệu đến năm triệu đồng trên mỗi tháng, vật giá mỗi ngày thêm leo thang, không gian sống ngột ngạt và mọi chế độ dành cho công nhân chỉ có tính hình thức là chính. Dường như người làm công chẳng có hy vọng gì, chuyện tìm mua một miếng đất nhỏ để xây nhà sống qua ngày với họ nghe ra quá xa vời!

Lúc chúng tôi đến thăm, chừng 6h chiều, dãy nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp Việt Nam – Singapore nằm lọt thỏm trong khu dân cư 434 vẫn còn vắng chủ, đập vào mắt chúng tôi là những dây phơi áo quần dã chiến mắc trên mái hiên trước các phòng trọ, người phải đi bên dưới áo quần, nước rơi lên đầu là chuyện rất bình thường ở đây. Thường thì chừng 6 giờ, các công nhân tan tầm, họ ghé chợ mua qua loa một vài thứ rau cá, trứng hay thịt gì đó để về làm cơm bữa tối. Bữa ăn của họ gọi là cho có bữa, lót cho chắc bụng để tối ngủ là chính.

7h, các công nhân có mặt đầy đủ trong dãy phòng trọ, lúc này, tiếng trẻ con khóc, tiếng nồi niêu xoong chảo, chén bát va vào nhau nghe xôn xao. Chúng tôi ghé thăm một gia đình nhỏ gồm hai vợ chồng làm công nhân xí nghiệp hải sản đông lạnh và một cháu nhỏ chưa đầy 10 tháng tuổi.

Gia đình nhỏ này sống trong không gian rộng chưa đầy 10 mét vuông, xin nói thêm, đây là không gian chuẩn của các dãy phòng trọ, chuẩn này ai đưa ra thì không rõ nhưng tất cả các chủ phòng trọ đều xây dựng phòng cho thuê với diện tích chuẩn từ 8 đến 10 mét vuông, bên trên có một gác lửng, diện tích từ 3 đến 4 mét vuông, nhà bếp, chỗ ngủ và sinh hoạt, ăn uống, toilet nằm sát cạnh nhau.

Trở lại gia đình công nhân vừa nói, lúc này anh Huyên đang lúi húi nhặt rau, chị Thúy đang nấu cơm, cháu bé nằm chơi một mình trên tấm chiếu trải dưới nền nhà, thỉnh thoảng, nghe con khóc, hai anh chị lại lúi húi đến dỗ, cháu bé nín, họ lại tiếp tục công việc chuẩn bị bữa cơm tối. Quan sát thêm một chút, bữa ăn tối của họ gồm một bó rau muống luộc, một con cá nục chiên, một cái trứng luộc và cơm. Một bữa ăn quá ư là đạm bạc cho một gia đình!

Nhưng khi nghe anh Huyên thổ lộ rằng bữa ăn như vậy vẫn còn sang so với nhiều gia đình công nhân khác vì mức lương của anh chị tạm ổn định, mỗi tháng được ba triệu năm trăm ngàn đồng, tổng cộng hai người kiếm được bảy triệu đồng, trả tiền thuê phòng, tiền điện nước, các thứ nhu yếu phẩm khác, mất gần ba triệu đồng, tiền xăng cộ, sữa cho cháu bé tốn hết hai triệu, như vậy, chưa tính các khoản phát sinh, anh chị mỗi tháng dư được ngót nghét hai triệu đồng.

Có những gia đình công nhân khác, lương cả vợ và chồng chừng 5 triệu, thiếu trước hụt sau, bữa ăn của họ còn thê thảm gấp bội anh chị. Cũng theo anh Huyên tìm hiểu trước khi quyết định vào Bình Dương làm thuê, công nhân ở nhiều nơi lương còn thấp hơn anh chị nhiều. Đời sống của công nhân rày đây mai đó, nhà thuê muôn năm. Vì cơ hội mua nhà của họ nghe ra quá ư xa vời!

Ước mơ quá xa vời

Bảng tuyển dụng công nhân ở Bình Dương. RFA photo
Bảng tuyển dụng công nhân ở Bình Dương. RFA photo (Bảng tuyển dụng công nhân ở Bình Dương. RFA photo)

Lời bộc bạch của gia đình công nhân khiến chúng tôi nghĩ đến kế hoạch giải ngân của chính phủ gọi là “phân khúc nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp” mà trong thực tế, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra bản chất của nó là duy trì uy tín ít ỏi của chính phủ và khuấy động không khí vốn ngủ quên gần ba năm nay của bất động sản Việt Nam. Chính phủ đang đối diện với nguy cơ mất hoàn toàn niềm tin trong nhân dân nếu như hàng loạt tập đoàn bất động sản vốn có tiếng tăm lâu nay bị chết vì cạn vốn và ngân hàng nhà nước càng lúc càng thua lỗ bởi sự phá sản, mất khả năng hoán trả vốn vay của họ.

Thử đặt một câu hỏi: Nếu như giá đất đừng đội lên cao, đồng tiền đừng liên tục rớt giá thì đời sống người lao động có ngắc ngoải như hiện nay hay không? Vì sao lại xãy ra hiện tượng này?

Một nữ công nhân đưa ra nhận xét, với ngụ ý rằng người lao động sẽ dễ dàng tiết kiệm để mua nhà, không cần đến cái “phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp” của chính phủ nữa nếu như chế độ thu hồi, đền bù đất tử tế.

Chính vì chính sách thu hồi đất không sòng phẵng và đầy tính bất minh mà nhà nước đã thực hiện mấy mươi năm nay tại Việt Nam đã khiến cho một quĩ đất rất lớn rơi vào tay tư bản đỏ, người nông dân mất chỗ sinh sống, đổ xô đi làm thuê đủ các ngành nghề, trong đó có cả việc đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, và, đến khi họ lập gia đình, cần một chỗ ở riêng, vấn đề đất đai trở nên bứt xúc vì lúc này đồng tiền ít ỏi của họ làm ra, tiết kiệm được không thể nào mua được một phần đất nhỏ để làm nhà. Hơn nữa, vì những cái bong bóng giá do các doanh nghiệp bất động sản thổi lên sau khi chung chi, hối lộ để có được diện tích nông nghiệp gọi là thu hồi đền bù, đã làm cho cơ hội mua nhà ở của người lao động nghèo hoàn toàn bị triệt tiêu.

Sắp tới đây, chính phủ sẽ bơm tiền để các ngân hàng cho người có thu nhập thấp vay mua nhà. Không biết có bao nhiêu người phải tìm cách chạy chọt, đút lót để lọt vào danh sách này? Và không biết đến bao giờ người lao động nghèo Việt Nam thoát khỏi những khu ở chuột để chạm vào cảm giác được làm chủ một căn nhà, dù là nó rất nhỏ, rất chật chội? Nghĩ đến đây, tự dưng thấy những gia đình công nhân có chút gì đó phiêu diêu, vô định, tương lai quá ư mịt mùng!