Với người nông dân miền Trung, từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên –Huế đến Quảng Bình, Nghệ An… Chiếc máy gặt đập liên hợp có buồng lái và sợi xích chạy băng băng dưới đồng ruộng là một bước tiến vượt bậc, thậm chí là một cuộc cách mạng giải phóng sức lao động con người. Đó là cách nhìn chung, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều rắc rối và phiền toái đối với nghề nông khi chiếc máy gặt đập liên hợp xuống ruộng đồng.
Hao tốn sản lượng lúa
Sự khó chịu đầu tiên, có lẽ là đến cho cả hai phía, chủ máy gặt và chủ ruộng. Không thiếu những trường hợp chủ ruộng than thở vì chiếc máy gặt làm hao tốn sản lượng của mình quá nhiều, những góc ruộng eo óc bị bỏ sót, lúa gần bờ cũng bị bỏ sót và rơi vãi trong quá trình gặt, chi phí gặt máy cao hơn gặt tay rất nhiều. Ngược lại, chủ máy gặt cũng gặp nhiều phiền toái bởi những mảnh ruộng nhỏ, phân ra làm nhiều chỗ khiến cho họ tốn xăng quá nhiều, gặt cũng không đạt chất lượng như mong muốn.
Ông Trần Văn Cả, chủ hai chiếc máy gặt ở Hương Trà, Thừa Thiên – Huế, than thở với chúng tôi rằng bởi tại chính sách chia ruộng hết sức phức tạp, manh mún, thiếu khoa học, một gia đình chỉ có tổng cộng 1200m2 đất nhưng lại bị chia thành bốn mảnh nhỏ nằm cách nhau đến mấy trăm mét, nhưng vì của một gia đình nên khi sạ lúa, người nông dân sạ cùng một loại giống, cùng thời gian, khi lúa chín và thu hoạch cũng sẽ cùng một thời gian, nếu như gặt tay thì đơn giản chỉ khiêng máy tuốt lúa từ ruộng này sang ruộng khác, nhưng gặt bằng máy thì không tài nào lái máy từ đám ruộng này băng ngang những đám ruộng của chủ khác để đến đám ruộng cần gặt. Nghiệt nỗi, nếu gặt liên tiếp thì rất khó, chủ lúa sẽ không đồng ý như vậy vì sợ các giống lúa khác nhau sẽ lẫn lộn, hao hụt lúa và cũng chưa chắc các mảnh ruộng liên tiếp đã chín cùng lúc để mà gặt.
Cũng theo ông Cả, bởi chính sách tịch biên đất đai của nhân dân dồn về tay nhà nước trên danh nghĩa sở hữu toàn dân, rồi lại chia ruộng cho nhân dân theo kiểu manh mún, chỗ này một mảnh nhỏ, chỗ kia một mảnh vừa vừa, cứ như thế, đất của người dân thì không bao nhiêu nhưng trong một gia đình có đến năm, sáu mảnh ruộng nhỏ nằm rải rác khắp nơi. Điều này vừa lạc hậu vừa gây khó khăn lớn cho quá trình cơ giới hóa nông thôn. Kiểu làm việc này hoàn toàn không phù hợp với thời đại khoa học phát triển, dẫn đến hàng loạt trở ngại và thất thoát cho nhà nông.
Ngược lại, người nông dân có những mảnh ruộng nhỏ lại dở khóc dở cười vì giá xăng dầu liên tục tăng cao, giá công tuốt lúa bằng máy cũng tăng tỉ lệ, một sào ruộng 500m2 tốn từ một trăm rưỡi đến hai trăm ngàn đồng tiền gặt, đó là chưa kể đến tiền phân tro, thuế nước và thuốc trừ sâu. Dường như người nhà nông làm ruộng với tâm lý nhằm duy trì an ninh lương thực hơn là thu lợi nhuận trên cánh đồng, nếu không muốn nói họ chỉ thu hoạch đủ ngày công và thua lỗ chút đỉnh nhưng cũng phải gắng sức bám mảnh ruộng vì không còn lựa chọn nào khác.
Quản lý thiếu khoa học
Ngành nông nghiệp Việt Nam nếu nhìn một cách tổng quát, có thể ví mô hình kinh tế nông nghiệp giống như hình thù một con rắn nuốt con nhái, ở đâu có nhái, chỗ đó phình to ra, những nơi còn lại thì teo tóp, không có gì. Trường hợp đổ xô đi vay vốn ngân hàng để mua máy gặt đập liên hợp là một ví dụ điển hình. Trong những năm trước đây, máy gặt đập liên hợp ít, chủ máy tha hồ thả máy quần thảo trên các cánh đồng, tha hồ thu lợi nhuận. Chính vì mức lợi nhuận khá cao từ dịch vụ này đã thu hút sự đầu tư của những nhà nông có vốn. Họ bỏ vốn của mình và vay thêm vốn nhà nước để mua loại máy này. Số lượng máy trên các cánh đồng mỗi năm tăng gấp đôi, thậm chí ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Bình, số lượng máy mùa sau tăng gấp đôi so với mùa trước. Điều này dẫn đến hệ quả là những chiếc máy lỗi thời, có công suất hoạt động thấp phải đắp mền hoặc di chuyển đến tỉnh khác có ít máy để gặt thuê.
Ông Trần Trung Hậu ở Nam Đàn, Nghệ An đã thuê xe tải chở hai chiếc máy gặt đập liên hợp đời cũ của mình vào tận Qảng Nam để gặt thuê, được đúng hai mùa thì lượng máy của tỉnh này tăng cao đáng kể, ngay cả những chủ máy ở địa phương cũng chấp nhận để máy đắp mền vì không có ruộng để gặt. Một cánh đồng nhỏ chưa đầy 5 hecta đã có đến 7 chiếc máy thi nhau gặt, vụ mùa qua đi mau chóng, tiền lãi chẳng bao nhiêu, chủ máy lại đắp mền cho máy để nghĩ kế thu hồi vốn.
Trường hợp ông Lê Văn Dự ở Điện Bàn, Quảng Nam thì thê thảm hơn nhiều, ban đầu, ông mua một máy gặt đập liên hợp đời cũ của Nga với giá 70 triệu đồng, làm hai mùa, thu được gần 40 triệu đồng, ông nghĩ rằng chỉ cần hai mùa nữa là thu đủ vốn, lợi nhuận nằm ở chiếc máy vẫn đang hoạt động, trong lúc các cánh đồng ở Điện Bàn vẫn đang thiếu máy. Ông quyết định vay tiền ngân hàng mua tiếp hai chiếc máy đời mới với giá gần 300 triệu đồng. Hỡi ôi, khi ông Dự mang hai chiếc máy mới về nhà cũng là lúc các chủ máy ở các tỉnh khác ồ ạt mang máy đến Quảng Nam để gặt thuê, các chủ máy thi nhau tìm chủ ruộng ngay từ giữa vụ để thương lượng hợp đồng gặt với già rẻ bèo, chấp nhận lãi thấp để gở vốn vay ngân hàng. Cuối cùng, cả ba chiếc máy gặt đập liên hợp của ông Dự chịu nằm đắp mền trong vụ Đông Xuân này vì không tài nào cạnh tranh với giá rẻ bèo theo những chiếc máy khác tỉnh.
Kết quả là cả một mùa gặt, không kiếm được đồng lãi nào mà còn còng lưng trả lãi ngân hàng, dở khóc dở cười! Chuyện này không riêng gì ông Dự mắc phải, có rất nhiều chủ máy gặt ở các tỉnh miền Trung đang rơi vào tình trạng này. Phải chăng thiếu một chính sách điều tiết vĩ mô của nhà nước cho nghề nông trong thời đại cơ giới hóa nông nghiệp? Và cách quản lý thiếu khoa học của nhà nước từ điều tiết vốn ngân hàng cho các dự án nông nghiệp cho đến kiểu chia ruộng manh mún cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của người nông dân?
Mọi giải đáp đều chưa rõ ràng, chỉ có sự thất bại, thua lỗ của người nông dân là rõ nét nhất!
Uyên Nguyên, RFA, tường trình từ miền Trung Việt Nam.