Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, The Vietnam Human Rights Network vừa công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền ở VN trong năm 2013. Chủ tịch Điều hành-TS Nguyễn Bá Tùng có cuộc trao đổi với Hòa Ái về bản báo cáo này. Trước tiên, ông Nguyễn Bá Tùng cho biết những ghi nhận đáng chú ý trong năm qua:
Công tác làm báo cáo nhân quyền hằng năm của mạng lưới nhân quyền đã được thực hiện trong 5 năm vừa qua. Mỗi năm chúng tôi ghi nhận sắc thái đặc biệt của năm đó. Năm vừa rồi chúng tôi nói đến quyền tự do chính trị và hình như sau đó thì báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói đến vấn đề đó.
Năm nay chúng tôi nói đến vấn đề công bằng xã hội và quyền an sinh của người dân. Tất cả có 8 chương. Chúng tôi đã dành 3 chương cuối để nói đến vấn đề đó. Nhà nước Việt Nam đã gia nhập vào các công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa từ năm 1982, như vậy là đã 32 năm rồi.
Năm nay sở dĩ chúng tôi nói đến vấn đề đó là vì muốn chứng minh rằng ngay cả những điều mà họ rêu rao là họ đã thực hiện được cũng không thực hiện được. Họ đã vi phạm trầm trọng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa đối với người dân Việt Nam. Đó là điểm chính của bản báo cáo năm này, thưa cô.
Họ đã vi phạm trầm trọng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa đối với người dân Việt Nam. Đó là điểm chính của bản báo cáo năm này.<br/> - TS Nguyễn Bá Tùng<br/> <br/>
Hòa Ái: Thưa ông, như vậy trong năm qua có những ghi nhận nào cho thấy Nhà nước VN có những thay đổi gọi là tích cực trong vấn đề nhân quyền ở VN hay không?
TS Nguyễn Bá Tùng: Thật ra thì có mà không. Có thì đó là họ đã được thâu nhận vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã gia nhập vào Công ước về chống tra tấn; rồi trong bản hiến pháp đã sửa đổi vào cuối năm 2013 thì họ cũng đã xen vào ý niệm về nhân quyền trong bản hiến pháp đó. Đó là những điểm mà tôi cho là tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế, đối với những người dân, vấn đề tôn trọng nhân quyền không được cải thiện chút nào cả và càng ngày càng tồi tệ hơn; nhiều người bị bắt bớ hơn; nhiều người bị kết án hơn; ruộng đất của người dân cũng bị nhà nước chiếm đoạt nhiều hơn.
Hòa Ái: Trong bản cáo này, con số những tù nhân lương tâm được ghi nhận lên đến 237 người. Con số này có phản ảnh thực trạng ở VN càng ngày tình hình vi phạm nhân quyền càng tệ hay nói ngược lại là người dân càng ngày họ càng bị đè nén, bị áp bức nhiều quá cho nên họ phải đấu tranh cho quyền làm người trong đời sống hằng ngày của họ?
TS Nguyễn Bá Tùng: Bản danh sách tù nhân đó chúng tôi cập nhật mới đây. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi cho phát hành báo cáo của năm 2013 thì có một số người trong danh sách đó được thả về nên chỉ nằm trong danh sách bị quản thúc chứ không bị ở tù nữa. Trở lại vấn đề cô nói là số lượng đó nói lên cái gì, tôi hoàn toàn đồng ý nói lên cả hai. Thứ nhất là vấn đề nhà nước càng ngày càng bắt bớ nhiều hơn vì người dân càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Năm vừa rồi rõ ràng số lượng người bị bắt bớ nhiều hơn như trong bản báo cáo chúng tôi cho thấy, có đến 60 trường hợp bị bắt, truy tố. Trong số đó có đến 52 (nếu tôi nhớ không lầm) là đã có án, 8 người còn đang bị truy tố và chưa có án. Đó là con số kể đến tháng 12 năm 2013.
Thật sự ra chúng tôi với tư cách là những người đấu tranh cho nhân quyền và bản báo cáo nhân quyền này được hoàn thành nhờ sự cộng tác của anh em đấu tranh ở trong nước nữa. <br/> - TS Nguyễn Bá Tùng<br/> <br/>
Hòa Ái: Qua các bản báo cáo thường niên liên tục trong suốt 5 năm qua của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, ông có thể đưa ra nhận xét nào về xu hướng tranh đấu cho nhân quyền của người dân sẽ chuyển biến ra sao, thưa ông?
TS Nguyễn Bá Tùng: Một điều đáng mừng, nhờ vào những phương tiện thông tin hiện đại như internet này nọ, người dân biết nhiều hơn về những điều họ có quyền hưởng với tư cách là con người, với tư cách là người dân. Nói tóm lại là khái niệm về nhân quyền được được phổ cập hơn ở Việt Nam. Nhờ đó mà người ta tranh đấu hơn và vì vậy mà nhà nước một mặt muốn giữ độc quyền cho mình nên đã bắt bớ nhiều hơn.
Hòa Ái: Trong bản báo cáo Nhân quyền VN năm nay, ở mục kiến nghị với Nhà nước VN, kiến nghị nào thật sự quan trọng mà chính quyền Hà Nội cần phải cân nhắc?
TS Nguyễn Bá Tùng:Tôi nghĩ là quyền chính trị vì tất cả sự vi phạm nhân quyền phát xuất từ tham vọng độc quyền lãnh đạo chính trị của nhà nước Việt Nam đã gây ra những hệ lụy khác cho nên cái vấn đề bỏ điều 4 của hiến pháp ra khỏi hiến pháp có thể là mấu chốt. Trong bản báo cáo chúng tôi cũng đã nêu lên kiến nghị đó và đó là kiến nghị căn bản nhất.
Hòa Ái: Với vị trí VN đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ và chuẩn bị tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, cũng như xu thế đấu tranh của người dân ngày càng mạnh mẽ, ông có nghĩ rằng Chính phủ VN sẽ lắng nghe các kiến nghị trong bản phúc trình này?
TS Nguyễn Bá Tùng: Thật sự ra chúng tôi với tư cách là những người đấu tranh cho nhân quyền và bản báo cáo nhân quyền này được hoàn thành nhờ sự cộng tác của anh em đấu tranh ở trong nước nữa. Do vậy đây là tiếng nói không chỉ những người ở hải ngoại mà còn là của anh em ở trong nước, những người đã bỏ máu xương để đấu tranh cho quyền làm người của người dân Việt Nam. Còn chuyện nhà nước có nghe hay không là quyền của họ và thái độ khôn khéo của họ. Tôi nghĩ, dĩ nhiên nếu nhà nước khôn ngoan thì nhà nước nên lắng nghe người dân. Còn bằng không họ cứ một mực bảo vệ cái quyền lãnh đạo độc tôn của họ, tôi nghĩ rằng, không sớm thì muộn cái chế độ độc tài nào rồi cũng sẽ qua. Sự ngoan cố sẽ làm cho sự sụp đổ càng nhanh hơn.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn TS Nguyễn Bá Tùng dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.