Những nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo kéo dài

0:00 / 0:00

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” được phát trên VTV ngày 31/3, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết có 4 nguyên nhân chính khiến các vụ khiếu kiện, tố cáo phức tạp, tồn đọng và kéo dài.

Chính sách chưa đầy đủ, chưa đảm bảo quyền lợi người dân

Trong số 4 nguyên nhân chính được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định là những mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài thì chính sách chưa đầy đủ, kịp thời và chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân được ông xếp vị trí hàng đầu; tiếp đến, ông Tranh cho rằng đó là do vấn đề lịch sử để lại; ngoài ra, việc làm chưa dứt điểm, rõ ràng của một số cấp địa phương khiến người dân không đồng tình, chấp nhận; và lý do cuối cùng là bởi nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết các quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại.

Có thể thấy rõ, do cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, kịp thời, bất cập, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân là nguyên nhân cơ bản gây ra những vụ khiếu kiện dai dẳng, từ đó dẫn đến những xung đột giữa chính quyền và người dân triền miên, không ít những mâu thuẫn về lợi ích đã dẫn đến máu đổ và sinh mạng con người. Điển hình là Luật đất đai khi giữ nguyên những điều khoản “sở hữu toàn dân do Nhà nước làm chủ”, vì thế, sửa đổi Luật đất đai đang được Chính phủ tập trung xem xét và thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ cố gắng tháo gỡ những nút thắt này.

Theo thống kê, từ năm 2003 đến 2011, chính quyền có sai sót trong gần 50% vụ khiếu kiện đất đai, chỉ trong vòng 8 năm, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tăng bình quân gần 70% mỗi năm. Qua công tác thanh tra, đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân gần 2.000 tỷ đồng, hơn 4.800 ha đất; khôi phục quyền lợi cho hơn 6.900 công dân, đồng thời cũng có đến 6.600 cán bộ bị kiến nghị xử lý hành chính.

Mất lòng tin người dân là mất tất cả

Đại biểu tỉnh Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Khá cảnh báo, với tỷ lệ sai sót lớn đến như vậy, sẽ dẫn đến những hậu quả suy giảm, gây mất lòng tin người dân và rằng mất niềm tin là mất tất cả, "bức xúc thì sẽ dẫn tới hệ quả tức nước vỡ bờ" còn chính ông Huỳnh Phong Tranh xác nhận trong một cuộc họp của Chính phủ hồi năm ngoái rằng "k hiếu kiện tồn đọng là mầm mống mất ổn định xã hội ."

Báo Tuổi Trẻ viết về vụ án Tiên Lãng. Screen capture
Báo Tuổi Trẻ viết về vụ án Tiên Lãng. Screen capture (RFA file)

Chia sẻ với chúng tôi, anh Terry, một người dân gốc Thanh Hóa kể về câu chuyện đi đòi lại quyền sở hữu khu biệt thự của gia đình mình, bắt đầu từ hơn 20 năm nay. Anh cho biết, năm 1947, gia đình mình cho phép chính quyền phá dỡ nhà trên mảnh đất hương hỏa để phục vụ kháng chiến, thế nhưng kể từ sau năm 1975, gia đình anh không bao giờ còn có thể đòi lại được nữa:

Ngày 30/11/1945, Chủ tịch HCM ký sắc lệnh 68 trưng dụng tài sản, bất động sản, Nhà nước chỉ trưng dụng chứ không trưng thu, sau kháng chiến thắng lợi 75, Nhà nước có chính sách trả lại những tài sản nhà nước trưng dụng. Bây giờ tỉnh Thanh Hóa nói không trưng dụng (đất nhà tôi). Nhà nước luôn cam kết bảo hộ tài sản vì để con người tồn tại và xã hội phát triển và căn biệt thự đó, nhà phải gắn liền với đất. Bây giờ ông (Thanh Hóa) lại đòi phải có quyết định trưng dụng đất (thì mới xem xét giải quyết). Gia đình cũng đã thưa kiện lên tòa sơ thẩm, tòa bao che, dân giờ chỉ kêu trời.

Với tỷ lệ sai sót lớn đến như vậy, sẽ dẫn đến những hậu quả suy giảm, gây mất lòng tin người dân và rằng mất niềm tin là mất tất cả, "bức xúc thì sẽ dẫn tới hệ quả tức nước vỡ bờ"

Đại biểu tỉnh Trà Vinh

Câu chuyện của gia đình anh Terry chỉ là một trong muôn vàn những câu chuyện người dân đi đòi lại công bằng, họ biết rằng dù hi vọng mong manh nhưng vẫn cố tin vào một chế độ đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu “do dân, của dân và vì dân.”

Cũng bởi những tranh chấp đất đai, những đền bù không thỏa đáng mà câu chuyện của gia đình Đoàn Văn Vươn với phát súng hoa cải nhắm vào cơ quan công lực, để giờ mấy anh em sống cảnh tội tù; hay máu của biết bao người dân đã đổ trên mảnh đất Dương Nội chỉ mong có một chế độ đền bù thỏa đáng hơn, hợp tình hợp lý hơn.

Trước nguyên nhân “chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân” gây nên những khiếu kiện kéo dài, cụ thể là chính sách đền bù đất đai bất hợp lý, L.S Nguyễn Văn Hậu cho biết quan điểm của ông:

“Khi thu hồi phải tính theo giá trị thị trường cùng thời điểm thì nó mới phù hợp, mới đúng đạo lý và công bằng. Thí dụ giá đất của tôi như thế, tôi phải có một nơi ở bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, thí dụ vị trí của tôi là mặt đường, tôi bị thu hồi thì tôi phải có một vị trí tương đương như vậy. Tôi ở mặt tiền, bây giờ thu hồi đất tự nhiên tôi phải lên chung cư ở thì nó sẽ tạo ra những bức xúc.

Bích chương: Phát Huy Quyền Làm Chủ, được phổ biến khắp đường phố. AFP
Bích chương: Phát Huy Quyền Làm Chủ, được phổ biến khắp đường phố. AFP (AFP)

Để giải quyết tốt những vấn đề này, tôi nghĩ là phải tổng kết lại việc thu hồi và hỗ trợ bồi thường khi thu hồi đất, thì sẽ thấy được những bất cập và thiếu sót và phải khắc phục vào trong Luật Đất Đai này thì nó mới phù hợp với ý chí và nguyện vọng của người dân.”

Luận điểm của các vị quan chức trong chính quyền khi có một vụ đấu tranh của nhân dân thì luôn cho rằng là có kẻ xấu và bọn phản động xen vào, chứ không thấy được nguyên nhân chính là những chủ trương chính sách và các việc làm không đúng của các cấp ủy đảng, của các cấp chính quyền đã gây nên sự bất bình trong người dân

luật gia Lê Hiếu Đằng

Cũng xin được nhắc lại, mới đầu tuần rồi, tại cuộc họp của UB Thường vụ Quốc hội thảo luận dự luật về việc tiếp công dân, đại biểu quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị cần có qui định buộc người khiếu nại, tố cáo phải ứng trước một khoản tiền, theo ông "thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được nhà nước hoàn trả." Đề xuất trên của vị Phó chủ nhiệm UB khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn và cho rằng "tối kiến" của ông phải chăng là một bước thụt lùi về tính dân chủ và công bằng xã hội, phải chăng mục đích là tìm cách hạn chế người dân khiếu kiện, hạn chế những vụ khiếu kiện tập thể đang nở rộ ở khắp mọi địa phương trong cả nước.

Nói về tính dân chủ của những người dân đi khiếu kiện, khiếu nại, cũng như những bất cập trong các văn bản và các quy định hành chính, luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, trong một lần trả lời với chúng tôi trước đây từng nhận định:

"Luận điểm của các vị quan chức trong chính quyền khi có một vụ đấu tranh của nhân dân thì luôn cho rằng là có kẻ xấu và bọn phản động xen vào, chứ không thấy được nguyên nhân chính là những chủ trương chính sách và các việc làm không đúng của các cấp ủy đảng, của các cấp chính quyền đã gây nên sự bất bình trong người dân và người dân đứng lên đấu tranh. Thực ra thì nếu mà có kẻ xấu đi chăng nữa mà dân người ta không đồng tình thì làm sao người ta đi theo kẻ xấu được."

Có lẽ đánh giá trên của ông Lê Hiếu Đằng đã giải thích rõ những động cơ của người dân đi khiếu nại, khiếu kiện là do cách giải quyết thiếu rõ ràng, chưa dứt điểm của các cấp quản lý, cũng như các chủ trương chính sách thiếu nhất quán, chứ không phải từ “một thế lực thù địch” kích động người dân đứng lên đòi hỏi quyền lợi.

Tìm ra nguyên nhân những vụ khiếu kiện như của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là điều rất quan trong, nhưng khi đã tìm ra được động cơ, nguồn gốc sự bất bình và nổi dậy của người dân, thì cách giải quyết sao cho ổn thỏa hợp lòng người, và nhất là một "cái tâm trong sáng" khi cầm cân nảy mực thiết nghĩ còn quan trọng hơn gấp bội lần nguyên nhân của nó.