Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh đạo VN

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm cho 47 vị quan chức hàng đầu Nhà Nước,chính phủ và Quốc hội Việt Nam vừa được công bố vào sáng ngày 11 tháng 6 vừa qua. Kết quả thu được có những tác động gì đối với các thành phần dân chúng tại Việt Nam?

Kết quả

Sau một ngày và tối khuya làm việc đến sáng 11 tháng 6, Ban kiểm phiếu 29 thành viên do ông Đỗ Văn Chiến đại diện công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả được các báo trong nước loan tải cho thấy người đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao nhất là bà phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân, và người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp nhất là ông thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình.

Trên tổng số 492 đại biểu có mặt để lấy phiếu, chủ tịch nước Trương Tấn Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao (67%), 133 phiếu tín nhiệm (27%) và 28 phiếu tín nhiệm thấp (5.7%). Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng được 210 phiếu tín nhiệm cao (42.7%), 122 phiếu tín nhiệm (24.8%) , và 160 (32.5%) phiếu tín nhiệm thấp.

Ông chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận được 328 phiếu tín nhiệm cao (66.6%), 139 phiếu tín nhiệm (26%) , và 25 phiếu tín nhiệm thấp (5%).

Đối với những người dân theo dõi tình hình, đọc báo, nghe đài khi được hỏi đều nói có biết về hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trong kỳ họp lần này đang diễn ra ở Hà Nội.

Bỏ phiếu là việc làm tốt; đưa lên chương trình để nhân dân chọn lọc người tốt; như thế cũng tốt thôi.

Ô. Phạm Xuân Khai

Ý kiến công luận

Ông Phạm Xuân Khai, một cựu chiến binh hiện sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và là người từng có đơn tố cáo về những bất minh của cựu bí thư thành phố là ông Nguyễn Bá Thanh, cho rằng sinh hoạt lấy phiếu tín nhiệm tại quốc hội như thế là dấu hiệu tích cực. Ông nói:

Cái bỏ phiếu là việc làm tốt; đưa lên chương trình để nhân dân chọn lọc người tốt; như thế cũng tốt thôi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) được tín nhiệm thấp nhất trong số các lãnh đạo Việt Nam sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội công bố hôm 11/06/2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) được tín nhiệm thấp nhất trong số các lãnh đạo Việt Nam sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội công bố hôm 11/06/2013. (AFP)

Tuy nhiên đối với một số người là nông dân hiện đang phải khiếu kiện để cố giữ đất làm kế sinh nhai thì tỏ ra không mấy mặn mà với sinh hoạt lấy phiếu tín nhiệm của quốc hội, mà họ chỉ mong sao các cơ quan chức năng đáp ứng được nguyện vọng cho người dân. Một nữ nông dân phát biểu:

Bây giờ ‘dân đen’ chả biết làm sao, các ông ấy ở trong đề đạt ai thì nghe người ấy thôi chứ dân thấp miệng chả biết làm thế nào!

Một phụ nữ khác suy ra từ tình hình của địa phương và nói lên sự mất tin tưởng vào các cơ quan công quyền:

Thủ tướng chính phủ yêu cầu các cơ quan trung ương cho chúng tôi được đối chất với ông tổng thanh tra chính phủ. Nếu như chúng tôi nêu ra được những văn bản, tài liệu chứng minh đơn của chúng tôi có cơ sở, thì ông tổng thanh tra chính phủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân chúng tôi. Nói rõ ràng thế mà họ có tổ chức cho chúng tôi cuộc đối thoại đó đâu. Họ không xem xét lại kết luật sai trái của Thanh tra chính phủ và ký vào đơn chấm dứt khiếu nại của chúng tôi. Chúng tôi nay không còn tin tưởng gì nữa.

Bây giờ 'dân đen' chả biết làm sao, các ông ấy ở trong đề đạt ai thì nghe người ấy thôi chứ dân thấp miệng chả biết làm thế nào!

Một nông dân

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh có bài nêu ra câu hỏi : Bỏ phiếu tín nhiệm trên cơ sở nào? Theo blogger này thì hầu như tất cả các chức danh quan trọng trong bộ máy Nhà Nước lâu nay đều do Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định. Quốc hội chỉ biểu quyết thông qua để hợp thức hóa mà thôi; nay Đảng lại chỉ đạo và cho phép quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh mà quốc hội không bầu ra…

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, một trí thức tại Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng ý về tình trạng thiếu căn bản dân chủ trong tiến trình hình thành nên bộ máy công quyền tại Việt Nam và như thế những hoạt động như lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trong ngày 10 tháng 6 vừa qua không có giá trị gì:

Nếu nói về nguyên lý và ích lợi, những việc làm này của họ có thực sự nghiêm túc hay không, có tận tâm hay không để mong có một kết quả thật hay không; hay cũng chỉ là một sự chung chung để lừa dối mọi người. Vì thấy người ta làm cũng làm. Tôi ví dụ ở nước Mỹ, người giàu rất nhiều nhưng có một đồng người ta cũng kiểm soát được, công khai tài chính dễ dàng.

Còn ở Việt Nam, đất nước nghèo khổ thật đó mà có người có tỉ tỉ đồng, và có người chẳng có xu nào mà; từ công khai tài chính tưởng như minh bạch lắm nhưng thực ra rất tù mù. Việc làm chỉ đọc tên thôi nghe rất sáng sủa: lấy phiếu tín nhiệm một đại biểu quốc hội. Nhưng đại biểu quốc hội phải do dân bầu; đây lại là một chuyện nữa.

Quay lại nguyên tắc về bầu cử, ứng cử, nguyên tắc lựa chọn những đại biểu; những người ứng cử có hợp pháp không… Đó là một loạt những chuyện về cơ chế phải bàn lại đã.

Bỏ phiếu tín nhiệm cho người có tín nhiệm mới bỏ; chứ còn bỏ cho người không có tín nhiệm gì thì bỏ cái gì?

Nhà giáo Phạm Toàn

Nhà giáo Phạm Toàn thì tỏ rõ sự hoàn toàn không tin tưởng vào mọi hoạt động của bộ máy công quyền Nhà Nước Việt Nam hiện thời:

Bỏ phiếu tín nhiệm cho người có tín nhiệm mới bỏ; chứ còn bỏ cho người không có tín nhiệm gì thì bỏ cái gì? Vớ vẩn, trò đùa, trò hề hệt như chuyện đưa trưng cầu về hiến pháp đó: vớ vẩn, toàn bịp!

So sánh

Hồi tháng năm vừa qua, sau khi có tin tại kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa 13 lần nay, sẽ diễn ra việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt trong hệ thống công quyền của Việt Nam, một blogger được nhiều người biết tiếng là ông Trương Duy Nhất đưa lên trang ‘Một góc nhìn khác’ của ông mục ‘Bỏ phiếu Cùng Quốc Hội’.

Blogger Trương Duy Nhất nêu rõ do quốc hội chỉ bỏ phiếu theo ba khung: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Không có mức ‘không tín nhiệm’; vì thế để công bằng cuộc bỏ phiếu do ông này đưa ra có 4 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, và không tín nhiệm. Ông cũng chỉ đưa ra cho cư dân mạng bỏ phiếu 12 chức danh cao nhất mà thôi.

Kết quả thu được đến ngày 25 tháng 5 của mục Bỏ phiếu Cùng Quốc hội trên trang blog Một góc Nhìn Khác của Blogger Trương Duy Nhất cho ba chức danh cao nhất như thế này:

Tổng số phiếu dành cho ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang thu được 958 phiếu. Cụ thể có 34% tín nhiệm với 327 phiếu, tín nhiệm thấp 30% với 291 phiếu, 23% không tín nhiệm với 219 phiếu, và 13% tín nhiệm cao với 121 phiếu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 820 phiếu; trong đó 67% không tín nhiệm với 626 phiếu; 29% tín nhiệm thấp 382 phiếu; 8% tín nhiệm với 50 phiếu và 2% tín nhiệm cao với 11 phiếu.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được tổng cộng 777 phiếu. Trong đó 60% không tín nhiệm với 464 phiếu; 31% tín nhiệm thấp với 237 phiếu, 8% tín nhiệm với 66 phiếu và 1% tín nhiệm cao với 10 phiếu.

Nếu so sánh kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà Quốc hội công bố hồi ngày 11 tháng 6, với kết quả thu được hồi ngày 25 tháng 5 trên trang blog Một Góc Nhìn Khác của Trương Duy Nhất, người ta có thể thấy một sự sai biệt trong các tỷ lệ tín nhiệm và không tín nhiệm ít nhất đối với ba chức danh hàng đầu của Nhà Nước, chính phủ và quốc hội Việt Nam hiện nay.