Doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chính sách mua rẻ bán rẻ hưởng lời trong khi nông dân phải bán lúa huề vốn.
Dư nguồn cung gạo
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết đã xuất khẩu tổng cộng 3 triệu 485 ngàn tấn gạo trong nửa đầu năm 2013 thu về 1 tỷ 504 triệu USD. Theo Bộ Công thương kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo năm nay Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu từ 7-7,5 triệu tấn gạo, tức chỉ ít hơn năm 2012 một lượng không đáng kể. Tuy vậy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất thế giới, nông dân sống không nổi với cây lúa, còn các thành viên VFA tiếp tục hưởng lợi với hạt gạo nhờ chênh lệch giá, mua càng rẻ càng tốt và xuất khẩu với giá thấp nhất vẫn có lời.
Chuyên gia nông nghiệp Đoàn Ngọc Phả ở đồng bằng sông Cửu Long phát biểu với tư cách cá nhân, theo đó gạo của Việt Nam khi phải cạnh tranh thương mại, thay vì các hợp đồng cấp chính phủ, gặp phải vấn đề chất lượng.
“Hiện nay thị trường gạo cấp thấp giá thấp đang bị dư cung, doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng thương hiệu gạo có chất lượng đúng chủ trương của chính phủ và Bộ Nông nghiệp để bán vô thị trường khác. Hiện nay thị trường gạo chất lượng khá thì giá đâu có sụt. Theo bản tin tổng kết của FAO ( Lương nông Liên Hiệp Quốc) thì hiện nay giá gạo 5% tấm của Việt Nam thấp hơn gạo 15%-25% tấm của Ấn Độ.
Đáng trách ở đây là doanh nghiệp hoặc hiệp hội không có đi vô thị trường cao cấp mặc dù trước giờ ngành nông nghiệp có đề cập nhưng bản thân doanh nghiệp không nói. <br/> -Đoàn Ngọc Phả
Ở đây có vấn đề chất lượng, doanh nghiệp không thể có cái gì mua cái nấy, có cái gì bán cái nấy và chạy theo chuyện đó thì chất lượng không bao giờ lên được. Gạo 25% tấm của người ta chất lượng đồng đều, còn của Việt Nam tiếng là 5% tấm nhưng nó không ổn. Thí dụ hạt ngắn hạt dài, hạt bạc bụng lẫn lộn cũng ghi là 5% tấm, nhưng đối với khách hàng nó không bằng gạo 15%-25% tấm của nước khác, tự nhiên nó mất uy tín giá nó thấp.”
Chúng tôi nêu vấn đề nông dân đâu có lỗi trong chuyện chất lượng, trên cánh đồng của họ đâu có pha trộn giống lúa, người làm hạt tròn 50404, người khác làm hạt dài thơm nhẹ 4.900 hoặc các mã khác của giòng OM…. Chuyên gia Đoàn Ngọc Phả phân tích:
“Nông dân không có lỗi trong vấn đề này, tại vì thị trường của nông dân là thương lái, họ bán cho thương lái thì thương lái mua gì họ bán cái đó. Thị trường của thương lái là các nhà mua gạo nguyên liệu để xuất khẩu, theo chuỗi cung ứng phổ biến hiện nay. Thị trường của các nhà xuất khẩu hiện nay lại là thị trường gạo chất lượng không cao. Tất cả đi theo một dây chuyền một chuỗi như vậy và nông dân không có lỗi. Đáng trách ở đây là doanh nghiệp hoặc hiệp hội không có đi vô thị trường cao cấp mặc dù trước giờ ngành nông nghiệp có đề cập nhưng bản thân doanh nghiệp không nói, hoặc nói trồng lúa hạt dài để xuất vô thị trường đó, nhưng anh chẳng cần hạt gạo dài 6,8 mm, gạo 6,2 mm 6,3 mm anh cũng trộn vô hết, thành ra từ từ nó làm phẩm chất gạo không được tốt.”
Chuyên gia Đoàn Ngọc Phả cho rằng giải pháp cho vấn đề chất lượng là phát triển ‘Cánh đồng mẫu lớn’ nơi nông dân hợp tác với doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng, nâng cao lợi nhuận cho nông dân. Tuy vậy tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn vẫn còn giới hạn mới đạt 30.000 ha so với diện tích 1.600.000 ha của một vụ lúa chính ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phụ thuộc hợp đồng chính phủ
Một chuyên gia khác, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nhận định rằng, đa số các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam xuất xứ là doanh nghiệp nhà nước, phụ thuộc vào lượng hợp đồng tập trung rất lớn của chính phủ, khi thị trường gạo thế giới thăng hoa thì việc tiêu thụ dễ dàng. Nhưng khi thị trường đi xuống, phải cạnh tranh thương mại thì họ thiếu khả năng. Ngay cả trong thời gian tiêu thụ xuất khẩu tốt thì các doanh nghiệp vừa nêu cũng không có nỗ lực để tạo ra giá trị gia tăng mới cho ngành gạo. Hậu quả là người nông dân luôn chịu thiệt thòi.
“Tôi nghĩ rằng các công ty này đã quá yếu kém rồi, nếu tình trạng này kéo dài thì ngành gạo Việt Nam còn thiệt thòi lớn lắm, mà chính các công ty đầu ra này không cải sửa được thì nông dân còn bị thiệt thòi kéo dài hoài. Vấn đề bây giờ đang phụ thuộc rất lớn vào các nhà xuất khẩu nhưng họ lại bị một căn bệnh trầm kha rồi, nó phải có một cuộc giải phẫu toàn diện nếu không thì không chữa được.”
Hè thu vụ lúa lớn thứ nhì trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long dự kiến kết thúc vào nửa đầu tháng 8, sản lượng gộp hơn 9 triệu tấn lúa. Thu hoạch ở các tỉnh sớm muộn khác nhau nhưng có thể nói đồng bằng sông Cửu Long lúc nào cũng có lúa. VFA triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu ở vùng này từ 15/6 theo lệnh Chính phủ, nhưng cho đến ngày 2/7 tiến độ vẫn chậm, giá thấp.
Giá thành trung bình vụ lúa hè thu đồng bằng sông Cửu Long là 4.142đ/kg giá định hướng là 5.383 đ/kg thì nông dân mới có lãi 30%. Đây là giá tính trên cơ sở lúa khô, còn thực tế doanh nghiệp của VFA chỉ mua gạo lức nguyên liệu tại kho của mình, còn nông dân bán lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng. Hiện nay nông dân bán lúa tươi chỉ được quanh quẩn 4.000đ, thậm chí nhiều nơi bán chỉ được 3.500đ/kg tính ra lúa khô là từ 4.300-4.800đ/kg, có nghĩa huề vốn hoặc lời rất ít.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Mấy chục năm nay xuất khẩu lúa gạo không vững chắc không có gì ổn định. Nói chung mấy ông đưa ra chính sách mua tạm trữ từ 15/6 thực chất để cho giá thị trường nó sụt xuống một cách thảm thiết, để nâng lên một, hai trăm đồng rồi mua. Mua vậy không có lợi gì cho nông dân, nông dân vẫn thiệt thòi, nhưng làm như vậy cái lợi ai hưởng lợi?”
Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng trong ngành gạo thực tế đã tồn tại từ lâu một nhóm quyền lợi, đặc biệt hưởng lợi trên lưng nông dân từ bao nhiêu năm qua. Mới đây ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh đã nói với báo chí là Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vi phạm nghiêm trọng pháp luật cạnh tranh qua việc ấn định giá sàn xuất khẩu gạo. Nhóm quyền lợi ngành gạo được cho là đã vận động để giới hạn các doanh nghiệp tư nhân được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo TS Võ Hùng Dũng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, gỡ nút thắt cho đầu ra, tổ chức kinh doanh xuất khẩu gạo cần tôn trọng và hoạt động theo cơ chế thị trường.