Tái cơ cấu đầu tư công

Tái cơ cấu đầu tư công là một trong 3 lĩnh vực chủ đạo thuộc chương trình đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

0:00 / 0:00

Những vấn đề hiện tại

Từ năm 2000-2009, Nhà nước đã đầu tư vào lĩnh vực kinh tế tới trên 73% vốn đầu tư công. Trong khi đó, đầu tư cho lĩnh vực xã hội liên quan đến sự phát triển con người lại giảm từ 17,6% (năm 2000) xuống còn 15,2% (năm 2009). Đầu tư cho quản lý nhà nước những năm gần đây đang được tăng lên. Tuy nhiên, đầu tư công là cần phải ưu tiên cho người dân. Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có nhận xét như sau:

Bây giờ, ở Việt Nam đầu tư rất là nhiều sản phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công đã bộc lộ những hạn chế. Cho nên phải sử dụng đầu tư tư nhân (private investment) để bổ sung cho đầu tư công (public investment).

So với các doanh nghiệp tư nhân, sự ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận nguồn vốn và nhiều chính sách hỗ trợ khác làm cho quy trình phân phối dòng vốn bị bóp méo.

Phần lớn các doanh nghiệp chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến đầu tư công đều là doanh nghiệp nhà nước, không độc lập với người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Tình trạng này dẫn đến việc thẩm định, đánh giá dự án đầu tư trong nhiều khâu không đảm bảo được tính khách quan. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thường Lạng, trong vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, cần phải chú trọng đến quy trình thực hiện có những bước như sau:

Việc đầu tiên cần thực hiện trong vấn đề tái cơ cấu là hoàn thiện thể chế. Tức là hoàn thiện những quy định, nguyên tắc của một cuộc chơi. Muốn tái cấu trúc thì phải xây dựng sân chơi trước, luật lệ và các thủ tục quy định trước khi chơi. Sau khi đặt luật lệ bằng phẳng xong thì mới xác định yếu tố thứ hai: điểm nút thắt nằm ở chổ nào. Trong văn kiện Đại hội đảng có đề cập đến 3 nút thắt, như là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực… Tiếp theo mới nói đến hệ thống ngân hàng tài chính, hệ thống doanh nghiệp nhà nước… Lúc này thì mới nói đến đầu tư công.

Đầu tiên là tư duy đường hướng trước, thể hiện qua mặt thể chế. Rồi hệ thống chính trị cần có sự đồng thuận, tránh tình trạng mất đoàn kết, phân tán nguồn lực.

Trong thời gian qua, các địa phương không dựa trên đặc thù về lợi thế và vị trí riêng, mà thường sao chép lẫn nhau khi xây dựng các dự án để xin tiền ngân sách. Tình trạng phân quyền cho các địa phương lại quá lớn, khiến cả nước như có 63 nền kinh tế của 63 tỉnh thành.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công đã bộc lộ những hạn chế. Cho nên phải sử dụng đầu tư tư nhân (private investment) để bổ sung cho đầu tư công (public investment). <br/>PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Bên cạnh việc cắt giảm đầu tư công, cần phải đi song hành với chính sách đồng bộ thúc đẩy khu vực tư nhân. Để nâng cao hiệu quả của đầu tư công, việc đầu tiên là phải chống dàn trải vì khi nhà nước thực hiện quá nhiều dự án đầu tư thì không thể nào kiểm soát để đảm bảo hiệu quả. Vậy đâu là lĩnh vực cần quan tâm hơn trong quá trình tái đầu tư công? Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, vai trò của nông nghiệp về kinh tế và xã hội trong định hướng tái cơ cấu đầu tư công, là rất quan trọng:

Ở đây có 2 khía cạnh: thứ nhất xét về cơ chế thị trường. Chúng ta thấy rằng, ở Việt Nam – nếu xem ngành hàng nào có lợi thế so sánh rõ rệt nhất, người ta đều nói là ngành nông nghiệp. Những sản phẩm như là lúa gạo, như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… Việt Nam đều xuất khẩu ở vị trí đứng thứ nhất, thứ ba, thứ tư trên thị trường thế giới. Trong khi đó, khoa học công nghệ đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều. Điều này chứng tỏ lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam là rất tốt.

Thứ hai, xét về khía cạnh môi trường và xã hội thì nông thôn Việt nam là nơi 70% dân số đang sinh sống ở khu vực này, 50% lao động của cả xã hội làm việc trong nông nghiệp. Cho nên là đầu tư công vào nông nghiệp và nông thôn nói chung, là một hướng đầu tư hết sức quan trọng mà cũng vô cùng hiệu quả – cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Cho nên trong định hướng về tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, thì mục tiêu đầu tư công cho nông nghiệp đã được nhiều đại biểu Quốc hội và các nhà khoa học ưu tiên đặt trên bàn nghị sự của Chính phủ.

Định hướng thiết yếu

Một khu nhà đang xây dựng tại Hà Nội. RFA photo
Một khu nhà đang xây dựng tại Hà Nội. RFA photo (Một khu nhà đang xây dựng tại Hà Nội. RFA photo )

Thực hiện đầu tư công không thuần túy là tháo khoán ngân sách. Ở một góc độ khác, đầu tư công cần phải tính tới việc cơ cấu giữa tích lũy và đầu tư, đảm bảo giữa thu và chi trong nền kinh tế.

Đồng thời, cần xây dựng hệ thống luật pháp để tăng cường hiệu quả của đầu tư công. Giám sát đầu tư công là lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ đến sự lành mạnh của nền tài chính nên cần có sự giám sát toàn diện chứ không chỉ ở từng lĩnh vực. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thường Lạng, trong vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, cần lưu ý đến những công tác như sau:

Việc làm đầu tiên của tái cơ cấu đầu tư công là phân loại danh mục các dự án, dự án nào ưu tiên số 1, dự án nào ưu tiên số 2. Những dự án đã đầu tư rồi mà vốn là ngoài ngành thì thoái lui lại. Tiếp theo nữa là tiến hành các đợt phân bổ lại theo phương thức mới. Tức là những dự án nào có hiệu quả thì sẽ đầu tư, những dự án nào cấp bách thì sẽ làm trước. Sau đó là cắt giảm các doanh nghiệp nhà nước, từ 1.300 doanh nghiệp xuống còn 600 doanh nghiệp, giảm đầu tư phân tán không có hiệu quả.

Đồng thời giảm bớt độc quyền một số ngành như ngành điện. Một số ngành bỏ bớt độc quyền bằng cách thực hiện thị trường cạnh tranh.

Tái cơ cấu đầu tư công cần thực hiện theo hướng thực sự tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Cần đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của Nhà nước, giảm bớt chức năng kinh doanh đồng thời tăng cường chức năng phúc lợi là một chiến lược trong giai đoạn hiện nay cần tính đến.

Đầu tư cho nông nghiệp

Trong giai đoạn hiện nay, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sắp hoàn thành là thiết thực. Ngoài ra, đầu tư công cho nông nghiệp và nông thôn cũng rất cần thiết. Trong 10 năm trước, đầu tư công vào nông nghiệp chiếm 13% ngân sách thì nay chỉ còn 6%. Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay, vấn đề đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp có tầm quan trọng như sau:

Nông nghiệp miền Bắc. RFA photo
Nông nghiệp miền Bắc. RFA photo (Nông nghiệp miền Bắc. RFA photo )

Vấn đề đầu tư công trong nông nghiệp nông thôn là một việc hết sức cần thiết. Bởi vì ở Việt Nam thì đầu tư cho nông nghiệp rất là ít. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh hầu như đầu tư vào nông nghiệp rất ít. Còn đầu tư nước ngoài vào cho nông nghiệp, có thể nói là bằng không. Cho nên việc đầu tư công cho nông nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Nguồn cung này dùng xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo ra những nguồn lực chủ yếu về khoa học công nghệ, về chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để bảo vệ thực vật, thực hiện các chương trình khuyến nông.

Tôi nghĩ đầu tư công trong nông nghiệp là một trong những cái xương sống, quyết định trong quá trình tăng trưởng của phát triển nông nghiệp Việt Nam, hiện nay cũng như trong tương lai.

Hiện nay, tình hình đầu tư công nếu không được giám sát chặt sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng nợ công của quốc gia. Việc quản lý tốt đầu tư công có quan hệ đến tiến trình phát triển và ổn định đời sống dân sinh. Việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đầu tư công chính là thực hiện mô hình tăng trưởng chiều sâu.

Theo dòng thời sự: