Tuyên truyền chống Nhà nước
Tòa phúc thẩm tuyên bố giữ nguyên bản án 6 năm tù giam đối với ông Đinh Đăng Định, một giáo viên có những bài viết bày tỏ quan điểm không đồng tình với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi đa nguyên-đa đảng; cũng như kêu gọi ngưng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên...
Vợ của ông Đinh Đăng Định, bà Đặng thị Dinh được tham dự phiên tòa cùng với hai con gái, cho biết thời gian diễn ra phiên xử, cũng như quyết định của hội đồng xét xử trong phiên phúc thẩm hôm 21/11 đối với chồng bà:
Phiên tòa xử vào lúc 8 giờ thiếu 15 đến 8 rưỡi là xong. Họ vẫn y án, nói chồng tôi tội tuyên truyền chống nhà nước, viết bài chống nhà nước. Tội danh như bản án sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, người bào chữa cho ông Đinh Đăng Định trong ngày 21 tháng 11, cũng nói về việc y án và những lập luận mà ông đưa ra trước hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm:
Họ vẫn y án, nói chồng tôi tội tuyên truyền chống nhà nước, viết bài chống nhà nước.
Bà Đặng thị Dinh
Vẫn ý án. Những vấn đề tôi đưa ra đều căn cứ vào điều luật; nhưng cơ quan Viện Kiểm sát không tranh luận về những vấn đề đó mà họ xác định anh Định đã có những hành vi, những tư tưởng quan điểm, thành ra họ vẫn kết luận vi phạm. Vấn đề là điều luật đó có phù hợp với thực tiễn hay không, cách vận dụng những điều luật đó dễ làm cho người ta ngộ nhận với nhau; tại vì có những tính chung chung của điều luật chưa cụ thể quá.
Bà Đặng thị Dinh, vợ của ông Đinh Đăng Định cho biết tại phiên phúc thẩm trong ngày 21 tháng 11 bà không được nói gì với chồng trong quá trình xét xử; ngược lại khi chồng bà bị đưa ra xe sau phiên xử còn bị đánh đập ngay tại sân tòa, trước sự chứng kiến của bản thân bà và hai con gái:
Tòa y án tôi thất bất công quá. Có mấy anh công an đưa chồng tôi từ vành móng ngựa ra xe. Công an giữ chặt mẹ con tôi lại không cho đi theo. Xe chở ( tù) có hai cánh cửa mà họ chỉ mở một cánh rồi đẩy chồng tôi lên xe rồi còn lấy dùi cui đập vào đầu chồng tôi. Tôi thấy công lý mà vậy nên tôi kêu gào 'công lý mà như vậy, pháp luật công minh gì không biết.
Họ trở thành bị tội là do họ dựa vào các Công ước quốc tề về quyền dân sự và chính trị, Tuyên ngôn nhân quyền... Chính đây là cơ sở làm cho họ căn cứ vào đó để giữ lập trường; vô tình trở thành tù nhân.
LS Nguyễn Thanh Lương
Công an nhiều lắm có hẳn một xe cảnh sát cơ động, công an áo nọ áo kia cả mấy trăm người. Sức tôi đàn bà mà họ hai ba người giữ chặt, tôi không vùng vẫy gì được.
Vừa qua bà Đặng thị Dinh từng làm đơn để xin cho chồng được đưa đi chữa bệnh; tuy nhiên điều đó chỉ được đáp ứng một cách hạn chế:
Hôm ngày 8 tháng 11, tôi có đi thăm chồng tôi và lúc đó ông đang chảy máu dạ dày. Tôi về có làm đơn để chồng tôi đi khám và chữa bệnh ở bệnh viện và gửi vào trại giam; nhưng đến nay chồng tôi vẫn không được đi mà chỉ được điều trị tại trạm xá của trại giam thôi.
Quốc tế chỉ trích
Ông Đinh Đăng Định bị kết án với tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật hình sự; tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Thanh Lương thì ông Đinh Đăng Định, cũng như một số người từng bị kết án theo điều luật này chẳng hạn như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đều là vì họ căn cứ vào các quyền căn bản của con người được qui định trong những công ước quốc tế mà Việt Nam từng tham gia ký kết. Luật sư Nguyễn Thanh Lương nói về điều này:
Đây là vấn đề chính. Nếu nói dễ hiểu hơn tôi có thể nói vắn tắt là anh Đinh Đăng Định trở thành tù nhân của những công ước quốc tế cụ thể là những công ước quốc tế về nhân quyền. Chính đây là cơ sở để anh Định đưa ra những bất đồng trong quan điểm giữa suy nghĩ của anh Định và pháp luật hiện hành, do đó làm cho anh Định chịu hình phạt sáu năm.
Qua bào chữa vụ anh Định và vụ án anh Hải Điếu Cày, tôi thấy rằng những người bị cáo đó họ trở thành bị tội là do họ dựa vào các Công ước quốc tề về quyền dân sự và chính trị, Tuyên ngôn nhân quyền... Chính đây là cơ sở làm cho họ căn cứ vào đó để giữ lập trường; vô tình trở thành tù nhân. Thành ra tôi cho đó là 'tù nhân của công ước quốc tế' – theo cách gọi của tôi.
Ngay sau khi phiên xử phúc thẩm nhà giáo Đinh Đăng Định kết thúc, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, lên tiếng cho rằng lý do mà thầy giáo Đinh Đăng Định phải ra tòa chỉ vì ông dám bày tỏ trên mạng Internet những ý kiến mà chính quyền Hà Nội không muốn người dân trong nước nghe được.
Cũng theo ông Phil Robertson thì nhà cầm quyền Việt Nam đã thách thức cộng đồng quốc tế cũng như những trách vụ về nhân quyền của chính họ; mỗi khi nhà cầm quyền Việt Nam thực thi biện pháp bất dung đối với quyền tự do ngôn luận đang là thách thức cho chính sách và những ưu tiên của nhà cầm quyền.
Bà Đặng thị Dinh cũng khẳng định chồng bà vô tội mà chỉ thực thi những quyền căn bản của con người; vì thế bà sẽ tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn như giám đốc thẩm:
Tôi nghĩ chồng tôi chẳng làm gì sai trái pháp luật cả, bởi vì nhân quyền của con người là toàn thế giới. Nhà nước không dùng nhân quyền mà cứ khép tội chồng tôi; tôi nghĩ đó là không đúng. Nếu còn nơi nào để kêu thì tôi vẫn cứ kêu. Ngày mai tôi sẽ vào gặp chồng tôi để bàn đi đến 'giám đốc thẩm'; vì tôi nghĩ chồng tôi không tội tình gì cả.
Cơ quan chức năng Việt Nam vừa qua có kế hoạch tiến hành phiên phúc thẩm giáo viên Đinh Đăng Định vào ngày 20 tháng 11; tuy nhiên sau đó có thông báo hoãn một ngày sang ngày 21 tháng 11. Lý do mà cơ quan chức năng đưa ra là vì 'bận công tác đột xuất'. Tuy nhiên những người quan tâm cho rằng có thể vì ngày 20 tháng 11 là ngày nhà giáo Việt Nam mà đem một giáo viên ra xử thì e bất lợi.
Ông Đinh Đăng Định từng là một sỹ quan quân đội Việt Nam trước khi trở thành giáo viên dạy hóa tại trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn ở Dak Nông. Ông bị bắt hồi ngày 21 tháng 10 năm ngoái. Vào tháng 3 năm nay, Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại về trường hợp của giáo viên Đinh Đăng Định bị bắt giữ vì những bài viết trên mạng của ông.
Tòa sơ thẩm hồi ngày 9 tháng 8 năm nay, tuyên án ông Đinh Đăng Định 6 năm tù giam.
Theo dòng thời sự:
- Thầy Đinh Đăng Định bị tuyên án 6 năm tù giam
- Phiên toà kết tội lòng yêu nước
- Người Sài Gòn đề nghị chính quyền tổ chức biểu tình
- Bản Lên Tiếng yêu cầu chính quyền điều tra cái chết của bà Liêng
- Vụ án blogger Điếu Cày sắp được xét xử
- Đảng chọn dân hay chọn Trung Quốc?
- Xem biểu tình, Việt kiều bị công an bắt giữ
- Cuộc bố ráp gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn
- Phải chăng bắt đầu một vận hội mới?
- Tin mới nhất về blogger Paulus Lê Sơn
- "Quần chúng tự phát" – Hình thức đàn áp mới?
- Giới trẻ hy vọng về một xã hội tốt đẹp
- Để có một xã hội trung thực và ngay thẳng
- Tính trung thực, ngay thẳng có còn tồn tại?