Những người vượt biển sang Úc bị trả về làm đơn kháng án

0:00 / 0:00

Hai vợ chồng ngư dân tỉnh Bình Thuận bị chính phủ Úc trả về sau khi tìm cách vượt biển trốn sang nước này hồi tháng 4 năm ngoái vừa quyết định gửi đơn kháng án lên tòa phúc thẩm bản án tòa án nhân dân thị xã La Gi đã tuyên cho họ hôm 22 tháng 4 vừa qua về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Bản án quá nặng nề

Hôm 25 tháng 4 vừa qua, bà Trần Thị Thanh Loan, một trong 4 người vừa bị tòa án nhân dân thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, kết án tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, đã gửi đơn kháng an lên tòa phúc thẩm vì cho rằng bản án dành cho bà và chồng bà là Hồ Trung Lợi là quá nặng nề.

Hôm 22 tháng 4 vừa qua, tòa án nhân dân thị xã La Gi, đã kết án tù 4 người về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài theo điều 275 Bộ luật hình sự. Theo kết luận của tòa, bà Loan bị kết án 36 tháng tù, chồng bà bị kết án 24 tháng tù. Hai người khác là Nguyễn Văn Hải bị kết án 24 tháng tù và Nguyễn Thị Liên là 36 tháng tù.

Nói với đài Á châu tự do vào hôm 26 tháng 4, bà Loan cho biết về quyết định kháng án của mình:

Lúc mà ra tòa xong tòa cho em 15 ngày, trong 15 ngày em không kháng cáo là trong 15 ngày đó họ sẽ bắt em. Mà em không biết ngày nào thôi. Em nộp giấy kháng cáo rồi. Em nộp thì họ nói là 1 tháng nữa mới có hiệu lực. <br/> -Trần Thị Thanh Loan

“Lúc mà ra tòa xong tòa cho em 15 ngày, trong 15 ngày em không kháng cáo là trong 15 ngày đó họ sẽ bắt em. Mà em không biết ngày nào thôi. Em nộp giấy kháng cáo rồi. Em nộp thì họ nói là 1 tháng nữa mới có hiệu lực.”

Bà Loan cho biết chồng bà hiện vẫn bị giam giữ và hai ngày nay bà không được phép gặp chồng để cho chồng bà có thể ký đơn kháng cáo cùng bà.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận ký ngày 29 tháng 12 năm ngoái, 46 người, trong đó có 16 trẻ em, vượt biển xuất cảnh trái phép sang nước Úc hôm 7 tháng 3 năm 2015. Những người này đi trên chiếc ghe của gia đình bà Loan. Đến ngày 20 tháng 3 thì ghe đến vùng biển của nước Úc và bị bắt giữ. Úc đã trao trả 46 người này bằng tàu cho công An Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào tháng 4. Theo cáo trạng thì bà Loan và bà Liên đã có hành vi khởi xướng, bàn bạc tổ chức cho gia đình và đưa người khác trốn vượt biển trái phép sang Úc. Cáo trạng cho hay chồng bà là Hồ Trung Lợi đã chuẩn bị phương tiện, lương thực, nhiên liệu cho chuyến vượt biển. Còn ông Nguyễn Văn Hải cũng đã rủ rê tập hợp, thu tiền của những người đi cùng họ trong chuyến vượt biển.

Bà Trần Thị Thanh Loan cho biết, nguyên nhân mà bà cùng chồng và 4 người con trong đó đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, phải tìm cách vượt biển là vì khó khăn trong cuộc sống:

“Lúc đó tụi em hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không có. Trước đó làm lên cái nhà thì bị bên cưỡng chế người ta đập phá hết rồi, rồi làm ăn cũng khó khăn nữa. Em thấy vậy thì em đi lúc đó cũng không suy nghĩ gì nữa.”

Tuy nhiên, tại phiên tòa không có luật sư bào chữa, bà Loan cho biết bà và những người khác đã không được trình bày ý kiến của mình và phải nhận tội theo điều 275. Ngoài ra bà còn phải nộp phạt 274 triệu đồng để sung công quỹ mà đến giờ này bà cũng không hiểu nguyên nhân tại sao.

Luật sư Võ An Đôn là người được bà Loan nhờ giúp đỡ cho bà và chồng mình để kháng án cho biết nhận xét của ông về phán quyết của tòa sơ thẩm.

“Theo luật Việt Nam thì đúng là tội danh đó nhưng mà mức hình phạt đối với hai vợ chồng mà bà ấy có 4 đứa con thơ là không thể hiện tính nhân đạo của luật pháp. Hai nữa trong trường hợp này theo quan điểm của tôi thì xử cảnh cáo hoặc án treo là vừa đủ.”

Buộc tội theo điều 275 bộ luật hình sự

Theo chúng tôi nghĩ luật đó rất có tính đàn áp vì biến toàn thể nước Việt Nam thành một nhà tù và bạn ở trong nước Việt Nam bạn không được quyền rời khỏi Việt Nam vì bất cứ lý do gì. Nếu bạn rời khỏi Việt Nam mà không được nhà nước cho phép thì bạn bị tù. Luật đó mang tính rất đàn áp. <br/> -Đoàn Việt Trung

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tìm cách kết án những người vượt biển sang Úc. Hồi tháng 3 vừa qua, một phiên tòa dự định xét xử 46 người vượt biên khác bị Úc trả về hồi tháng 7 năm ngoái đã bị hoãn lại vì một bị cáo bị tai biến mạch máu não và liệt hai chân nên không thể dự tòa. Hiện vẫn chưa biết đến bao giờ phiên tòa này sẽ được tiến hành. 4 người tham gia chuyến vượt biển này cũng bị cáo buộc tội theo điều 275 bộ luật hình sự. Bà Trần Thị Lụa, một trong 4 người đang chờ tòa cho biết kết luận của viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận dành cho bà và những người khác là không hợp lý vì bà hoàn toàn không trốn đi vì buôn người mà là do hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, những người vượt biển cũng cho biết họ được cả chính phủ Úc lẫn Việt Nam hứa là sẽ không kết án họ khi họ trở về.

Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch cộng đồng người Việt tự do Úc châu cho rằng chính quyền Việt Nam đang sử dụng điều 275 là một điều luật hết sức vô lý để đàn áp người dân:

“Theo chúng tôi nghĩ luật đó rất có tính đàn áp vì biến toàn thể nước Việt Nam thành một nhà tù và bạn ở trong nước Việt Nam bạn không được quyền rời khỏi Việt Nam vì bất cứ lý do gì. Nếu bạn rời khỏi Việt Nam mà không được nhà nước cho phép thì bạn bị tù. Luật đó mang tính rất đàn áp.”

Bà Trần Thị Lụa cùng 3 người khác dự định cũng sẽ nhờ luật sư Võ An Đôn bào chữa cho họ trong phiên tòa sắp tới. Mong muốn của bà là không bị tù tội và có điều kiện nuôi con:

“Em cũng nhờ luật sư Đôn và các đài các nước can thiệp vào để Việt Nam khoan hồng cho tụi em để tụi em đừng có ở tù để mà ở nhà chăm sóc lo cho con.”