Không khả thi
Bộ NN-PTNT theo chỉ đạo của chính phủ đã soạn thảo qui chế, nhưng sau ba lần lấy ý kiến toàn quốc vẫn chỉ ghi nhận những ý kiến trái chiều, khiến cho việc hoàn thiện bản dự thảo là đầy khó khăn. Ngay sau khi thời hạn góp ý rộng rãi kết thúc hôm 10/9, hai ngày sau báo điện tử Dân Việt trang mạng của Báo Nông thôn Ngày nay đã phê phán bản Dự thảo qui chế tạm trữ lúa gạo mới là cứng nhắc và không khả thi. Trong khi đó báo Thanh Niên Online ngày 11/9 nhận định rằng, dự thảo qui chế có nhiều điểm xa rời thực tế.
Ô. Phạm Văn Quỳnh
Theo dự thảo mới, tiền cấp bù lãi suất vốn vay ngân hàng để thực hiện tạm trữ sẽ không còn là ưu đãi dành cho các doanh nghiệp được VFA chỉ định. Thay vào đó nó sẽ đến thẳng hộ nông dân, hộ nông dân liên kết hay hợp tác xã, hoặc các doanh nghiệp sản xuất lúa, doanh nghiệp kinh doanh lương thực tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với nông dân.
Đối với nông dân hoặc các hộ nông dân liên kết những điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất vay vốn trong thời gian tạm trữ lúa kéo dài tối đa ba tháng, hộ nông dân nhóm hộ nông dân liên kết hay hợp tác xã sẽ phải có kho trữ đủ điều kiện bảo quản tối thiểu 10 tấn lúa, lúa gạo tạm trữ phải đạt tiêu chuẩn về độ ẩm và tạp chất theo qui định. Đây là một trong những điều kiện làm cho dự thảo qui chế trở thành bất khả thi nếu được thông qua.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ nhận định:
“Đối với nông dân hoặc hợp tác xã họ không có kho chứa do đó cung cấp vốn trực tiếp cho họ thì nó cũng không khả thi trong việc tự tạm trữ và họ vẫn phải bán cho doanh nghiệp. Do đó cần làm thế nào để giảm được những khoảng hở giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhà nước sẽ kiểm soát những kẽ hở đó chặt chẽ hơn thì lợi tức của nông dân sẽ không bị mất đi.”
TS Phạm Văn Tấn, chuyên gia công nghệ sau thu hoạch hiện làm việc ở miền Nam mạnh mẽ bác bỏ đề xuất hộ nông dân tự tạm trữ lúa tại nhà. Ông cho rằng để tồn trữ lúa gạo sẽ phải đầu tư kho, phương tiện sấy đạt chuẩn. Ông nói:
“Về đầu tư nếu mà người nông dân ai cũng phải mua máy sấy, ai cũng phải đầu tư phương tiện tồn trữ mà chỉ để tồn trữ lúa của mình là sẽ không có hiệu quả kinh tế. Bởi vì hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long trung bình mỗi nông hộ chỉ vào khoảng 1,1 ha. Với diện tích 1,1 ha mà phải đầu tư từ các thiết bị canh tác cho đến các thiết bị thu hoạch rồi sấy và bảo quản như thế thì không hiệu quả.”
Trên thực tế Việt Nam đã có kinh nghiệm không hay và khá tốn kém về việc thực hiện phương tiện sấy lúa trên phạm vị nông hộ. TS Phạm Văn Tấn kể lại câu chuyện này :
TS Nguyễn Ngọc Đệ
“Trước và sau năm 2.000 ở đồng bằng sông Cửu Long và một vài tỉnh ở phía bắc có dự án Danida của Đan Mạch, đầu tư hơn 4.000 máy sấy lúa tĩnh vĩ ngang cỡ 4 đến 6 tấn mẻ và được đầu tư cho các nông hộ. Sau thời gian 3-4 năm đã thấy rõ là không đem lại kết quả. Bởi vì mỗi nông hộ làm 3 vụ lúa một năm mỗi vụ thu hoạch 5 tấn lúa, mỗi năm máy sấy được đầu tư như thế chỉ làm 15 tấn rồi để không. Đầu tư như thế là lỗ. Lúc đó Danida đầu tư hàng ngàn máy sấy và sau 3-4 năm họ điều tra lại thì chỉ có 30% máy sấy còn đang hoạt động. Do thất bại như vậy nên hiện nay có khuyến cáo là không nên đầu tư kho bảo quản và máy sấy cho cấp hộ đơn lẻ mà chỉ nên làm ở cụm nông hộ mà phải cụm lớn, cụm nhỏ thì cũng không hiệu quả. Nếu đưa chương trình sau thu hoạch vào trong cánh đồng mẫu lớn của Bộ NN-PTNT thì trong tương lai người nông dân sẽ bán được lúa với giá cao, chất lượng hạt gạo của Việt nam sẽ cao và như thế phát triển lúa gạo của Việt Nam mới ổn định và có tương lai lâu dài.”
Nông dân thiếu vốn
Nông dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi là họ có thói quen bán lúa tươi ngay tại chân ruộng cho thương lái, để lấy tiền trang trải chi phí, trả nợ vay ngân hàng, việc trữ lúa lại chờ giá chỉ có một số rất ít người có khả năng thực hiện.
"Nếu từng hộ nông dân tạm trữ thì tính khả thi thấp, số người làm ruộng dưới 1 ha la số nhiều, làm trên 1 ha rất ít. Ngay cả trên 1 ha cũng đâu có đủ 10 tấn lúa để dựng nhà trữ lúa. Cũng có nhiều cách để hỗ trợ người nông dân thí dụ có chỗ cho nông dân gởi lúa vào. Ở đây làm riêng lẻ manh mún lắm không phải như ở cánh đồng mẫu lớn khó ở chỗ đó. Tôi nghĩ nên hỗ trợ nông dân bằng cách hỗ trợ lãi suất vốn vay, bất kỳ họ canh tác bao nhiêu, hoặc giãn nợ cho nông dân trong giai đoạn giá lúa thấp, làm vậy còn dễ hơn là nông dân tự tạm trữ."
Trà lời chúng tôi tối 20/9 TS Nguyễn Ngọc Đệ Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long từ miền tây nhận định:
“Tôi cho rằng hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân là tốt. Tuy nhiên do sản xuất nhỏ lẻ như thế không nên hỗ trợ từng hộ mà hỗ trợ cho tổ nhóm hoặc hợp tác xã. Bây giờ Bộ NN-PTNT có chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nông dân liên kết lại với nhau trong phạm vi diện tích liền kề khoảng chừng vài trăm héc-ta, một khu vực làm cùng một giống áp dụng cùng một kỹ thuật, dần dần tiến tới áp dụng Vietgap qui trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trong điều kiện này hỗ trợ trực tiếp gắn với cánh đồng mẫu lớn thì những máy sấy, kho bảo quản để nông dân có thễ trữ lại cho tới lúc nào giá tốt họ bán thì tốt hơn.”
Từ trước đến nay thực hiện tạm trữ để giữ giá lúa khi thu hoạch rộ được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA thực hiện. Các doanh nghiệp mua tạm trữ được cấp bù lãi suất vốn vay ngân hàng với mục tiêu đề ra là mua tạm trữ với giá nông dân có lãi tối thiểu 30%. Tuy nhiên việc này chưa bao giờ thực hiện được, nông dân nói rằng doanh nghiệp mua gạo qua trung gian như thương lái và nhà máy xay xát không trực tiếp với nông dân. Trong khi nông dân bán lúa tươi ngay tại chân ruộng và không bán được theo giá chính phủ qui định. Thành phần hưởng lợi nhờ tạm trữ là doanh nghiệp được cấp bù lãi suất và tầng lớp trung gian.
Trên Thanh Niên Online ngày 11/9, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong nhìn nhận mua tạm trữ không mang lại kết quả như mong đợi. Tuy vậy VFA không tán thành dự thảo qui chế mua tạm trữ mới với lập luận là có nhiều điểm không hợp lý và bất lợi cho nông dân. Ông Trương Thanh Phong nhấn mạnh, việc bảo đảm lợi nhuận 30% cho người nông dân xuất phát từ chủ trương của Chính phủ và từ lâu rồi mọi người cứ bám vào đó để thực hiện. Con số 30% nghe ra có vẻ lớn nhưng trên thực tế lợi nhuận của người trồng lúa không được bao nhiêu. Chủ tịch VFA cho rằng nếu giá lúa gạo có tăng lên 100% thì người nông dân vẫn không thể khá được. Theo lời chủ tịch VFA, muốn giúp nông dân, Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể chứ không chỉ bằng cách đẩy giá lúa gạo lên. Ví dụ như phải giảm phí, thuế hay tài trợ lại suất cho vay bằng 0% để người nông dân có điều kiện sản xuất tốt hơn. Ngoài ra Nhà nước nên triển khai tốt chính sách tam nông nhằm tạo điều kiện cho người trồng lúa và phải có chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phá triển nông nghiệp.
Ông Trương Thanh Phong là Chủ tịch VFA đồng thời là Tổng giám đốc Vinafood II tức Tổng công ty lương thực miền Nam, doanh nghiệp nhà nước chi phối thị phần xuất khẩu gạo quan trọng của cả nước. Trong nhiều năm qua các Tổng công ty lương thực được mô tả là chỉ muốn mua nhanh bán gọn kiếm lời trên lưng nông dân, không muốn đầu tư vào chuổi giá trị sản xuất lúa gạo và chia sẽ phần lợi nhuận hợp lý cho người trồng lúa. Lần đầu tiên người đọc báo được thấy chủ tịch VFA phát biều mang hơi hướm chính trị thay vì cách thông thường một doanh nhân.
Theo dòng thời sự:
- Nông dân cần lợi nhuận, chẳng cần đứng đầu
- VN xuất khẩu 5,27 triệu tấn gạo trong 9 tháng
- Nông dân: mua lúa thay vì gạo tạm trữ
- Tại sao nông dân sợ hãi "mua tạm trữ"
- Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Lúa gạo bất ổn cả sản xuất lẫn đầu ra
- Thị trường hàng hóa: lời giải được mùa mất giá
- Lại tái diễn được mùa rớt giá
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?