Xuất khẩu gạo giảm 50% ảnh hưởng nông dân

Xuất khẩu gạo quí I/2012 sẽ giảm gần 50% so với cùng thời gian năm ngoái, theo thông báo chính thức của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA). Sự kiện này sẽ dẫn tới dư cung lúa gạo nội địa, nông dân đầy lo lắng.

0:00 / 0:00

Cảnh báo nguồn cung gạo tăng

Theo trang thông tin điện tử của VFA, kết thúc tháng Giêng 2012 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 279.000 tấn trị giá 153 triệu USD. Như vậy so với tháng Giêng 2011, gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp toàn quốc giảm 48% về khối lượng và khoảng 46% về giá trị. Báo chí Việt Nam như Lao Động điện tử, Thời Báo Kinh tế Saigon Online phản ánh tình trạng này một cách đầy lo ngại. Các báo còn trích lời ông Trương Thanh Phong chủ tịch VFA xác nhận rằng, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo ký được của quí I năm nay chỉ đạt 1,1 triệu tấn, ít hơn 0,7 triệu tấn so với năm ngoái.

Đề nghị chính phủ mua tạm trữ trong lúc chưa có những hợp đồng xuất khẩu lớn, để đảm bảo đầu ra cho sản lượng lúa gạo và bảo đảm nông dân có lời 30%.

Ô. Nguyễn Trí Ngọc

Với lượng gạo tồn kho của các thành viên VFA chuyển từ năm 2011 sang thì cũng đã nhiều hơn lượng gạo xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2012. Đây là lý do tại sao thị trường lúa gạo im ắng dù lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa xuất khẩu chủ yếu đang vào vụ. Ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết:

“Hiện nay lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 150.000 héc-ta, năng suất rất khá trung bình 63 tạ (6,3 tấn) một héc-ta và với năng suất này hứa hẹn một vụ đông xuân được mùa. Với diện tích gieo cấy 1.550.000 héc-ta, sản lượng vụ đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ khoảng hơn 10 triệu tấn lúa.”

Đáng lẽ dự báo được mùa phải là tin vui cho cả nông dân lẫn nhà xuất khẩu, thế nhưng báo Lao Động Online ngày 8/2 cảnh báo nguồn cung gạo nội địa sẽ tăng mạnh cùng với nỗi lo của người trồng lúa. VFA giải thích cho báo chí là đã mất nhiều hợp đồng vì gặp đối thủ cạnh tranh ở những thị trường xuất khẩu truyền thống Châu Á và Châu Phi. Những nơi này tiêu thụ 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước với chủ lực là gạo cấp thấp.

Theo đó, các nước châu Á tiêu thụ 67% và châu Phi với 23% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đầu năm 2012 những nước nhập khẩu gạo Việt Nam, cụ thể là Indonesia đã ký hợp đồng mua gạo của Miến Điện (Myanmar), còn thị trường Châu Phi thì khoảng 20% lượng gạo cấp thấp của Việt Nam rơi vào tay các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Một điểm bất lợi nữa được biết tới, Philippines thị trường lớn thứ hai của Việt Nam đã có chính sách hạn chế nhập khẩu gạo. Năm 2011 Việt Nam chỉ bán sang Philippines gần 1 triệu tấn gạo so với mức 2,45 triệu tấn trong năm 2010.

lua-ipsardgovvn-250.jpg
Lúa trĩu hạt ở ĐBSCL. Courtesy ipsard.

Những tháng cuối năm 2011, gạo xuất khẩu Việt Nam tuy thấp hơn gạo Thái Lan nhưng lại cao hơn giá gạo cùng loại của Pakistan, Ấn Độ, Miến Điện từ 70 tới 100 USD/tấn. Đến nay VFA đã hạ giá các loại gạo 5% và 15% tấm chỉ còn cao hơn các đối thủ khoảng 17-18 USD/tấn, nhưng riêng loại gạo 25% là loại xấu nhất thì lại vẫn chào giá cao hơn Pakistan, Ấn Độ tới 50USD/tấn. Quí IV năm ngoái giá lúa gạo Việt Nam tăng cao ảnh hưởng giá gạo Thái Lan nên VFA ấn định giá sàn xuất khẩu cao. Hiện nay tuy đã điều chỉnh lại nhưng VFA vẫn định giá gạo 25% tấm quá cao, trong khi một lượng lớn nông dân đồng bằng sông Cửu Long, xuống giống vụ đông xuân trễ lịch vì lũ, đã chọn giống 50404 là lúa tròn để làm ra gạo 25% tấm. Anh Phong một nông dân vùng sông nước Cửu Long phát biểu:

“Xạ giống 50404 hiện lúa mới trổ phải một tháng nữa mới gặt, làm giống này vì nó trúng và dễ làm, phân thuốc dễ chứ lúa thơm sâu bò dữ lắm. Địa phương cũng khuyến cáo làm giống lúa thơm cho dễ xuất khẩu tuy tôi không làm nhưng cũng có một số người sạ giống lúa thơm.”

Cố gắng giữ thị trường Châu Á

Nếu Nhà nước có hỗ trợ để mua hết lượng lúa thương mại trong dân thì chưa có đủ kho để chứa, điều này rất khó khăn.

TS Phạm Văn Tấn

Theo Lao Động Online, VFA cho biết đã đề ra giải pháp là cố gắng giữ vững thị trường xuất khẩu chính là Châu Á, tăng cường xuất khẩu gạo phẩm cấp cao vào Châu Phi cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Pakistan. Việt Nam cũng tiếp tục bán gạo trả chậm cho Cuba.

Trong khi đó, Thời báo kinh tế Saigon Online bản tin trên mạng ngày 7/2 ghi nhận giá lúa đồng bằng sông Cửu Long có tín hiệu hồi phục chút ít, sau khi đã rớt sâu mất khoảng 2.500đ/kg so với thời điểm đạt mức kỷ lục vào tháng 11 năm ngoái. SaigonTimes Online cho rằng giá lúa đồng bằng sông Cửu Long ngừng rơi và nhích lên một vài trăm đồng/kg là do ảnh hưởng thông tin chính phủ Thái Lan loan báo kéo dài vô hạn việc trợ cấp giá lúa cho nông dân, thay vì kết thúc vào tháng 2. Ngoài ra còn có việc Trung Quốc tăng giá mua lương thực tối thiểu cho nông dân Hoa Lục. Tại Cái Bè Tiền Giang, thương lái mua lúa tươi 50404 tại ruộng với giá 5.000-5.100đ/kg còn lúa khô mua 5.500đ-5.700đ/kg các loại lúa hạt dài dòng OM nếu là lúa khô được mua với giá 5.900-6.200đ/kg.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Lúa khô 50404 phải bán được 5.500đ/kg mới có lời, với giá đó lời khoảng 1,5 triệu đồng 1 công”

Báo Saigon Giải Phóng Online ngày 7/2 đưa tin là sẽ sớm có giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Tờ báo trích lời Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng ký kết các hợp đồng tập trung của chính phủ và hợp đồng thương mại để tăng cường xuất khẩu và cải thiện giá lúa. Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan thống nhất quan điểm giữ giá lúa theo hướng có lợi cho ngừơi trồng lúa, sẵn sàng ứng phó với các biến động thị trường khi cần thiết.

DSC_0100-305.jpg
Nông dân ĐBSCL đang gặt lúa vụ Đông Xuân. Photo By Bay Van Tran.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam trấn an nông dân với hai kịch bản mua tạm trữ gạo vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long. Kịch bản thứ nhất là trường hợp tiêu thụ gạo chậm, giá lúa có giảm nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, Hiệp hội sẽ chủ động mua tạm trữ gạo không để giá lúa xuống thấp hơn 5.000đ/kg. Kịch bản thứ hai nếu giá lúa xuống quá thấp, Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách để doanh nghiệp tham gia thu mua lúa tạm trữ.

Cùng về vấn đề mua tạm trữ gạo để giúp nông dân bán được lúa, ông Nguyễn Trí Ngọc cục trưởng Cục trồng trọt phát biểu:

“Chúng tôi đang đề nghị chính phủ mua tạm trữ trong lúc chưa có những hợp đồng xuất khẩu lớn, để đảm bảo đầu ra cho sản lượng lúa gạo và bảo đảm nông dân có lời 30% so với giá thành. Vụ đông xuân bao giờ giá thành cũng thấp hơn các vụ khác vì điều kiện sản xuất vụ đông xuân thuận lợi hơn. Chúng tôi nghĩ rằng giá thành là khoảng 3.500đ-3.700đ/kg lúa.”

Nếu ở Thái Lan khi cần người ta có thể tồn trữ cả chục triệu tấn gạo để chờ giá tốt mới xuất khẩu thì việc này ở Việt Nam là nan đề. TS Phạm Văn Tấn, chuyên gia hàng đầu về công nghệ sau thu hoạch ở khu vực phía Nam nhận định là, Nhà nước khuyến khích các công ty lương thực đầu tư thêm kho chứa, để bảo đảm tổng công suất chứa đạt được 4 triệu tấn ở đồng bằng sông Cửu Long, đủ chứa 10 triệu tấn lúa thương phẩm một năm bằng với 2,5 lần quay vòng của sức chứa 4 triệu tấn. Tuy vậy các dự án tiến hành rất chậm. TS Phạm Văn Tấn tiếp lời:

“Hiện nay tổng công suất kho chứa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ tương đương 1,5 triệu tấn so với nhu cầu là 4 triệu tấn đạt khoảng 25%. Nếu Nhà nước có hỗ trợ để mua hết lượng lúa thương mại trong dân thì chưa có đủ kho để chứa, điều này rất khó khăn. Với 1,5 triệu tấn kho hiện hữu nhưng các kho này cũng chưa đáp ứng yêu cầu chứa lúa trên 6 tháng, đây là một khó khăn nữa.”

Việt Nam đã phát triển sản xuất lúa gạo một cách thần tốc chỉ trong vòng hai thập niên, từ chỗ nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực đầu những năm 1980, tiến đến chỗ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới. Tuy vậy những gì lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn, nông dân lại chưa được đầu tư trở lại một cách đúng mức. Lợi nhuận của nông dân thấp kém nhất trong cả chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, vì thế người nông dân trông đợi các chính sách về lúa gạo được điều hành một cách sáng suốt, không để lập lại những vụ lúa được mùa rớt giá mà trước mắt là vụ đông xuân 2011-2012 hiện nay.

Opens in new window

Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN

Theo dòng thời sự: