Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao

Việt Nam có thể đạt mức xuất khẩu gạo kỷ lục trọn năm với hơn 7 triệu tấn, tuy nhiên cơ quan điều hành xuất khẩu vẫn bị chỉ trích vì không dự báo đúng thời điểm giá cao.

0:00 / 0:00

Không còn gạo để bán

Nếu như trong 3 tháng cuối năm Việt Nam còn nhiều gạo thì có thể xuất khẩu được hết với giá cao. Điều đáng tiếc là các doanh nghiệp xuất khẩu đã bán hết gạo lúc giá thấp, khi giá tăng nhiều bạn hàng muốn mua thì không còn gạo để bán.

Những sự kiện vừa nói được ghi nhận từ cuộc họp qui tụ 51 doanh nghiệp để đánh giá họat động xuất khẩu gạo 9 tháng vừa qua. Buổi họp này do Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA tổ chức hôm 8/10 tại TP.HCM. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, các doanh nghiệp đã ký lượng hợp đồng xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo, nếu cộng luôn hợp đồng chính phủ vừa ký bán 300 ngàn tấn gạo 15% cho Indonesia thì lượng gạo đã ký hợp đồng là 6,8 triệu tấn. VFA thông báo trên trang thông tin điện tử là đã thực tế giao cho khách hàng gần 5,4 triệu tấn gạo trị giá 2 tỷ 280 triệu USD. Như vậy về nguyên tắc trong ba tháng cuối năm sẽ xuất khẩu ít nhất 1,4 triệu tấn gạo chưa kể số hợp đồng mới có thể được ký thêm trong thời gian tới, nhất là Philippines đã trở lại đàm phán và có thể sẽ mua từ 1 triệu tới 1,5 triệu tấn gạo.

Giá lúa thị trường sao bấp bênh quá ba hồi lên ba hồi xuống có khi tụi em đang làm thì giá lúa cao, tới khi phơi khô bán thì giá sụt.

Nông dân ĐBSCL

Qua thực tế khi để doanh nghiệp tự do ký hợp đồng xuất khẩu không khống chế giá tối thiểu thì lúa gạo tiêu thụ mạnh, nông dân bán được lúa với giá cao, chứ không ứ đọng phải bán lúa dưới giá thành như thời điểm thu họach rộ lúa hè thu vừa qua ở đồng bằng sông Cửu Long. Một nông dân vùng sông nước Cửu Long cho chúng tôi biết giá lúa hiện nay vẫn đứng ở mức cao:

“Lúa thường bây giờ 5.400đ/kg-5.500đ/kg chứ không lên nữa. Giá lúa thị trường sao bấp bênh quá ba hồi lên ba hồi xuống có khi tụi em đang làm thì giá lúa cao, tới khi phơi khô bán thì giá sụt. Giá trên 5.000đ em cũng mừng. Hồi năm rồi qua 2/9 đang hơn 4 ngàn sụt xuống ba ngàn mấy rồi hai ngàn mấy…chết luôn. Năm nay cắt đợt nào phơi khô em bán đợt nấy không dám vựa lại, phải bán còn chi phí phân bón thuốc sâu nhân công này nọ rồi còn bao nhiêu thì mình hưởng, không dám vựa. Người giàu có khả năng họ vựa lại một vài tháng, nhưng cũng như đánh bạc vậy, có khi trúng có khi te tua tơi tả.”

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cũng tiên đoán là giá lúa sẽ tiếp tục có lợi cho người trồng lúa, nông dân được khuyến khích gia tăng sản xuất, miễn là các vụ lúa cách nhau ít nhất 15 ngày để tránh sâu bệnh bắc cầu:

Gạo thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu. Photo courtesy of dddn.com.vn
Gạo thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu. Photo courtesy of dddn.com.vn

“Hiện nay thì giá lúa đang tốt cho người nông dân. Chính vì vậy chính phủ chỉ đạo các địa phương cũng như Bộ NN-PTNT đẩy mạnh sản xuất các vụ thu đông vụ mùa. Tháng 10 này có thu hoạch lúa thu đông, lúa mùa. Tôi nghĩ là với tình hình như hiện nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trên các vùng miền đặc biệt ở khu vực phía Nam.”

Bán ồ ạt khi giá thấp

Saigon Tiếp Thị điện tử đưa tin về cuộc họp 8/10 của VFA trích thuật lời một số giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo thừa nhận là họ đã quá xao động, vội vàng bán gạo ra ồ ạt trong thời điểm thấp giá.

Tờ báo nhận định rằng, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8, do VFA không khống chế giá sàn xuất khẩu, nên các doanh nghiệp đã bán cho bạn hàng nước ngoài trên 3 triệu 500 ngàn tấn gạo với mức giá 320 tới 350 USD/tấn gạo 5% tấm và từ 290 tới 310 USD/tấn cho gạo 25%. Theo tờ báo thì so sánh với mức giá sàn xuất khẩu mà VFA hiện nay ấn định thì các doanh nghiệp đã thiệt mất 420 triệu USD.

Khi chúng tôi trao đổi chuyện này với các chuyên gia họ nói là các nhà báo quả là có cách tính toán hết sức ngộ nghĩnh. Được biết vào thời điểm tháng 4-5-6, đồng bằng sông Cửu Long thu họach rộ lúa hè thu, nhiều doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng xuất khẩu nên không mua gạo. Dẫn tới việc lúa ế đầy đồng, sau đó chính phủ phải chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và dĩ nhiên với giá lúa tối thiểu 3.500đ/kg thấp gần bằng giá thành sản xuất. Lúc đó, VFA chỉ mong doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu thương mại, nói chi tới việc ấn định giá sàn xuất khẩu. Đến khi giá gạo thế giới tăng, kèm theo việc nhiều nước từng tuyên bố có kế họach xuất khẩu gạo lại đi nhập khẩu gạo, thì các doanh nghiệp mới dễ dàng ký hợp đồng, giá lúa gạo trong nước cũng tăng theo, nông dân bán lúa được giá.

Người giàu có khả năng họ vựa lại một vài tháng, nhưng cũng như đánh bạc vậy, có khi trúng có khi te tua tơi tả.

Nông dân ĐBSCL

Theo các chuyên gia, sở dĩ VFA không thể áp dụng một chiến lược chủ động trong xuất khẩu, mua gạo trữ đợi giá cao mới bán là vì kho trữ gạo của cả nước rất hạn chế và không đạt tiêu chuẩn để tồn trữ dài ngày. Theo chỗ chúng tôi tìm hiểu, tại vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long các doanh nghiệp chỉ có kho đủ sức chứa 2 triệu tấn gạo, trong đó một nửa là kho chứa nông sản tương đối đúng kỹ thuật, một nửa còn lại là nhưng nơi gọi là nhà kho theo kiểu có tường có mái che mà thôi.

Hiện nay chương trình thiết lập hệ thống kho trữ tổng sức chứa 4 triệu tấn gạo do Thủ tướng chính phủ chỉ đạo mới diễn ra được khoảng 1 năm. Phải vài năm nữa chương trình này mới hoàn tất, khi ấy VFA có thể chủ động hơn trong kế hoạch xuất khẩu. Tuy nhiên VFA phải có một số vốn từ 1 tới 2 tỷ USD mới có thể tổ chức mua tồn trữ với giá lúa gạo hợp lý.

Điều hành xuất khẩu gạo ở các nước Đông Nam Á là một họat động chịu nhiều chỉ trích, bởi vì việc buôn bán luôn bị mâu thuẫn quyền lợi. Tuy vậy, Việt Nam có thể học kinh nghiệm của Thái Lan về điều hành xuất khẩu gạo, Thái Lan có hệ thống kho tiên tiến đủ sức chứa 10 triệu tấn gạo và có thể tồn kho vài năm không hư hỏng. Sau khi thay đổi qui chế ký gởi lúa gạo cho nông dân thời Thủ tướng Thaksin, hiện nay chính phủ Thái Lan vẫn bảo vệ giá lúa gạo tối thiểu cho người trồng lúa. Gạo xuất khẩu ở Thái Lan được cơ quan chính phủ tổ chức bán đấu giá theo nhiều phương thức cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo dòng thời sự: