Tại Việt Nam lúa gạo cũng là mặt hàng chính trị nhưng lại được vận dụng theo cách khác. Nam Nguyên trình bày vấn đề này:
Kiếm lá phiếu từ giá lúa
Khi phát động chương trình tăng giá lúa 50% cho nông dân hôm 7/10, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck nói rằng giá lúa ấn định là thích đáng vì được tính đủ giá thành sản xuất và lợi nhuận đủ sống cho nông dân. Người trồng lúa Thái Lan phấn khởi với giá bảo đảm 15.000 baht/tấn lúa thường và 20.000 baht/tấn lúa thơm. Giá lúa loại thường như vậy là 15 baht/kg tính ra tiền Việt khoảng 10.000đ/kg.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 10,3 triệu tấn gạo vào năm 2010 so với mức 6,8 triệu tấn của Việt Nam. Hiện nay gạo Thái tăng giá quá cao, các nước nhập khẩu phải tìm nơi khác để mua trong đó có Việt Nam và việc này có những tác động nhất định tới giá cả. Một nông dân làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cập nhật cho chúng tôi giá lúa thương lái mua của nông dân:
Vừa là thời cơ vừa là thách thức cho Việt Nam, trước mắt giá gạo cao nông dân có thu nhập cao hơn nhưng mà về mặt lâu dài việc này cũng cần được tính toán.
Nguyễn Trí Ngọc
“Hiện tại giá lúa khô loại thường là 7.400-7.500đ/kg, nhưng hết lúa rồi hầu như dân không còn. Vụ thu đông lúa còn xanh không đúng tiêu chuẩn, theo đúng 10 ngày nữa thu hoạch nhưng nước lũ dâng bắt buộc phải cắt nhưng người ta không mua. Hiện nay lúa gạo hiện nằm trong kho mấy ông Hiệp hội Lương thực, nếu giá tăng theo Thái Lan thì họ bỏ túi chứ nông dân đâu được hưởng gì.”
Với giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam VFA nói là nông dân có lãi tới 80% thay vì mục tiêu bảo đảm của chính phủ chỉ là 30% giá thành. Do lạm phát tới hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, vật giá gia tăng người nông dân trông đợi giá lúa gạo Việt Nam sẽ tăng cao nhờ yếu tố Thái Lan, vốn là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhận định về vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT nói với chúng tôi:
“Vừa là thời cơ vừa là thách thức cho Việt Nam, trước mắt giá gạo cao nông dân có thu nhập cao hơn nhưng mà về mặt lâu dài việc này cũng cần được tính toán để không bị biến động giá của Thái Lan tác động vào thị trường Việt Nam cũng như các nước mà Việt Nam tham gia xuất khẩu.”
Giá lúa kiềm chế lạm phát
An ninh lương thực là một vấn đề cốt lõi của Nhà nước Việt Nam, ngoài ra lương thực thực phẩm còn là yếu tố rất lớn đối với vấn đề ổn định vật giá kềm chế lạm phát. Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long khuyến cáo nông dân thận trọng chọn thời điểm tốt nhất để bán lúa:
“Theo chúng tôi thấy lúa gạo một mặt là vấn đề an ninh lương thực trong nước cũng như giúp cho an ninh lương thực của thế giới. Nhưng có điều là mặt hàng lúa gạo có tính chất chính trị hơn là kinh tế. Do đó, giả dụ bà con nông dân sản xuất 6.000đ/kg-7.000đ/kg thấy là có hiệu quả nhưng nếu tăng hơn nữa, hoặc là do bão lụt hay nguyên nhân nào đi nữa thì Nhà nước sẵn sàng ngưng xuất khẩu, hoặc tung ra tồn trữ quốc gia để ổn định thị trường bởi vì an sinh xã hội là cốt lõi nhất. Thành ra người nông dân không thể hy vọng rằng do một cái gì đó mà lúa lên 10.000đ/kg được.”
Lúa gạo một mặt là vấn đề an ninh lương thực trong nước cũng như giúp cho an ninh lương thực của thế giới. Nhưng có điều là mặt hàng lúa gạo có tính chất chính trị hơn là kinh tế.
TS Lê Văn Bảnh
Ở Thái Lan các chính phủ đều vận dụng chính sách lúa gạo để tìm kiếm lá phiếu hậu thuẫn của nông dân, dù với các phương thức khác nhau. Nếu chính phủ của bà Yinluck áp dụng chính sách thế chấp lúa gạo của cựu Thủ tướng Thaksin trong thập niên 2.000, thì chính phủ Dân chủ Abhisit Vejjajiva trong thời gian cầm quyền có chính sách bảo đảm giá lúa.
Theo chương trình thế chấp lúa gạo có hiệu lực từ 7/10 nông dân Thái Lan có thể vay tiền chính phủ thông qua các hợp tác xã và Ngân hàng Nông nghiệp và trả bằng lúa gạo. Nếu giá thị trường thấp hơn mức giá 15.000 baht/tấn lúa thường và 20.000 baht/tấn lúa thơm, chính phủ sẽ mua lúa gạo cho nông dân và sẽ mở thầu bán cho nhà xuất khẩu có nhu cầu.
Tại Việt Nam lúa gạo cũng là mặt hàng chính trị nhưng không phải để tìm kiếm sự ủng hộ của nông dân. Trên thực tế chính phủ sử dụng nó như một công cụ điều tiết thị trường tiêu dùng, chỉ cần một quyết định tạm ngưng xuất khẩu vì bất cứ lý do gì, thậm chí chỉ cần Hiệp hội Lương thực VFA không đóng dấu treo xác nhận hợp đồng xuất khẩu cho doanh nghiệp thì lập tức giá lúa sẽ rớt thê thảm.
Theo dòng thời sự:
- Đồng bằng Sông Cửu Long: Khi nước lũ không về
- Phương pháp làm ruộng ít nước mà tăng sản lượng
- Lũ lụt miền Trung không ảnh hưởng xuất khẩu gạo
- Sốt gạo thế giới, Việt Nam được lợi?
- Indonesia phải nhập khẩu gạo vì thiên tai
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo năm 2010