Lợi bất cập hại
Khi nhân loại sắp bước vào thập kỷ thứ nhì của thiên niên kỷ thứ XXI, lượng thịt con người tiêu thụ trên toàn cầu vẫn tăng, đe dọa đến sự an toàn thực phẩm trong tương lai vì một phần lớn ngũ cốc trồng được trên thế giới được dành ra để làm thức ăn nhiều chất đạm cho gia súc.
Theo số liệu từ Viện Chính Sách Trái Đất, kết quả nghiên cứu cho thấy lượng thịt tiêu thụ trên toàn cầu từ 44 triệu tấn năm 1950 đã tăng thành 284 triệu tấn năm 2009. Điều này có nghĩa một người hiện tại mỗi năm dùng khoảng 50 ký thịt, nhiều gấp đôi một người thời 1950. Dân số và lợi tức tăng cũng làm lượng thịt mà con người tiêu thụ tăng theo.
Với kỹ nghệ nuôi gia súc để lấy thịt bằng những loại thực phẩm giàu chất đạm, 35% lượng ngũ cốc toàn cầu, tương đương 760 triệu tấn, được dành để chế biến thức phẩm cho gia súc. Theo nhận định của Viện Chính Sách Trái Đất, lượng thịt con người tiêu thụ ảnh hưởng lớn đến lượng ngũ cốc làm thức ăn nuôi súc vật, tác động gián tiếp đến sự an toàn thực phẩm trên địa cầu trong tương lai. Đương nhiên khi nói đến thịt gia súc thì cũng phải kể luôn đến sữa và trứng mà lượng tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể.
Chuyên viên nghiên cứu Viện Chính Sách Trái Đất ở Washington, bà Brigid Fitzgerald Reading, giải thích:
Khi ăn thịt bò, thịt heo hoặc thịt gà hay thịt vịt thì người ta cũng đã tiêu thụ một số lượng gạo, bắp, đậu dùng để nuôi chúng mà thường là nhiều hơn khoản thịt chúng ta ăn vào.
Đó là điều đáng quan tâm nếu chúng ta thường lo ngại về sự an toàn thực phẩm cho con người, nhất là khi nghiên cứu cho thấy bò được nuôi bằng thực phẩm làm từ ngũ cốc nhưng lượng protein trong thịt của nó lại không cao.
Nói một cách khác, một con bò ăn ba ký ngũ cốc mới có được nửa ký protein trong thịt của nó, sản lượng thịt bò hay thịt heo nuôi bằng ngũ cốc cho chất đạm cũng tăng lên từng năm tính từ 1990 đến giờ. Như vậy, con người trồng được bao nhiêu lúa gạo và hạt thì một phần lớn đi vào miệng gia súc mà hiệu quả bổ dưỡng trong thịt của chúng không tương xứng với lượng ngũ cốc mất đi đó.
Như vậy, con người trồng được bao nhiêu lúa gạo và hạt thì một phần lớn đi vào miệng gia súc mà hiệu quả bổ dưỡng trong thịt của chúng không tương xứng với lượng ngũ cốc mất đi đó.
Bà Brigid Reading
Mặt khác, vẫn theo chuyên gia nghiên cứu của Viện Chính Sách Trái Đất, rõ ràng lượng ngũ cốc làm thực phẩm nuôi gà vịt không nhiều như dùng cho heo bò, trong lúc mức bổ dưỡng của cá hay gà vịt nuôi để ăn thịt lại có phần hơn:
Sản lượng thịt gia cầm tăng nhanh hơn tính từ 1960, có nghĩa là 4% mỗi năm trong nhiều thập niên trở lại đây, qua mặt thịt bò từ năm 1995 và đứng hạng nhì sau thịt heo. Hiệu quả từ thực phẩm làm bằng ngũ cốc cho gia cầm ăn cũng rất cao, chỉ cần không tới một kilo hạt là có được gần nửa ký protein trong thịt gà. Đây là dấu hiệu tốt về chất đạm trong thịt gia cầm mà không cần phải vỗ béo bằng quá nhiều ngũ cốc.
Thực phẩm thay thế
Việc nuôi trồng cá và cho chúng ăn thực phẩm làm bằng ngũ cốc được coi là hiệu quả nhất và không tốn kém bao nhiêu. Chuyên gia nghiên cứu Fitzgerald Reading cho biết chỉ cần non một ký ngũ cốc thì đã có được nửa ký thịt cá bổ dưỡng:
Chính vì thế nếu phát triển rộng việc nuôi trồng cá để ăn là có thể duy trì sản lượng lương thực bền vững mà không làm mất đi quá nhiều sản lượng thực phẩm cho người, cũng không tác hại mấy đến môi trường sống của những chủng loại cá khác.
Có thể nói cá là vật nuôi có sản lượng tăng nhanh nhất trong các loại thịt thà giàu chất đạm. Sản lượng cá toàn cầu từ 13 triệu tấn năm 1990 đã tăng lên 56 triệu tấn năm 2009, tăng 8% mỗi năm.
Tóm lại, vào khi trình bày những số liệu liên quan đến hiệu quả của cách nuôi gia súc, gia cầm hay cá bằng thực phẩm làm từ ngũ cốc, chuyên gia nghiên cứu của Viện Chính Sách Trái Đất khẳng định đây là việc cần thiết để thấy cách nuôi súc vật sao cho hợp lý mà không phải tốn kém và ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của con người trong tương lai.
Có nhiều cách để sản xuất thịt giàu chất đạm hiệu quả hơn, thí dụ sử dụng và kết hợp một nửa lượng đậu nành, vốn có chất protein cao nhất, thay vì dùng toàn phần ngũ cốc để làm thức ăn nuôi súc vật.
Nhiều đậu nành trong chế biến thức ăn gia súc là cách mà Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, ba nước sản xuất thực phẩm gia súc hàng đầu thế giới, đang áp dụng.
Theo Viện Chính Sách Trái Đất, mục tiêu an toàn thực phẩm cho nhân loại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như kế hoạch hóa gia đình, giảm trừ dân số, chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau quả bớt thịt thà, nhất là các loại thịt đỏ.
Kết quả nghiên cứu của Earth Policy Institute Viện Chính Sách Trái Đất còn cho thấy một người Mỹ với chế độ ăn uống thừa mứa, dựa căn bản trên thịt giàu chất đạm, đã tiêu thụ gấp đôi lượng ngũ cốc so với một người Ý và gấp tư so với một người Ấn Độ.
Nếu giảm được lượng thịt heo bò được nuôi bằng ngũ cốc, mỗi năm Hoa Kỳ tiết kiệm được phân nửa số nông sản mất đi, lại còn góp phần đáng kể vào sức khỏe và bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn cầu.